Friday, July 8, 2022

CHUYÊN GIA : ÔNG ABE LÀ CHÍNH KHÁCH ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG NHẤT CHO MỐI BANG GIAO VIỆT - NHẬT (Khánh An - VOA)

 


Chuyên gia: Ông Abe là chính khách đóng góp quan trọng nhất cho mối bang giao Việt-Nhật

Khánh An-VOA

08/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/6650763.html

 

https://gdb.voanews.com/3C255D2C-8D5A-40E8-ACCA-2696705013EA_w650_r1_s.jpg

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông Abe còn tại vị ở thủ đô Tokyo vào ngày 15/9/2015.

 

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được xem là một người bạn lớn với những đóng góp quan trọng cho mối bang giao Việt – Nhật, theo nhận định của một chuyên gia với VOA, giữa bối cảnh cả thế giới còn chưa hết bàng hoàng về vụ ám sát dẫn đến cái chết đột ngột của ông. Nhiều người Việt bày tỏ sự thương tiếc đối với một vị lãnh đạo toàn vẹn "tâm, tài".

 

“Ông Abe từ năm 2002, đặc biệt là 2005 cho tới giờ phút này, là một chính khách Nhật có đóng góp quan trọng nhất cho bang giao Nhật – Việt, Việt – Nhật”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc viện ISEAS (Viện Đông Nam Á của Singapore) nhận định với VOA vào tối 8/7, vài giờ sau khi ông Abe bị một người đàn ông 41 tuổi bắn từ phía sau khi ông đang có bài phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố Nara, Nhật Bản.

 

Nhắc đến những đóng góp nổi bật của ông Abe, TS. Hà Hoàng Hợp nói:

“Thứ nhất, ông ấy thúc đẩy rất mạnh về hợp tác đầu tư, đặc biệt là đầu tư của Nhật trong lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức (ODA). ODA này trước năm 2004 rất nhỏ, nhưng từ khi ông Abe lên làm thủ tướng Nhật đợt đầu, thì ông ấy đã làm cho nó tăng lên gấp 4 lần trong vòng 2 năm”.

 

Sau khi từ chức vào năm 2007 vì lý do sức khoẻ, ông Shinzo Abe vẫn giữ một vai trò quan trọng “phía sau hậu trường” trong việc thúc đẩy phát triển mối quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam, trong đó ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vẫn gia tăng đều đặn.

 

Mục tiêu này tiếp tục được ông thực hiện khi tái đắc cử vào năm 2012, khiến cho Nhật Bản trở thành quốc gia tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, cũng là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai, đối tác du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

 

Hợp tác chính trị - an ninh

 

Bên cạnh những đóng góp trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, điều quan trọng hơn cả, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là đóng góp của ông Abe trong lĩnh vực hợp tác chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Việt Nam, bao gồm cả quân sự và quốc phòng.

 

TS. Hà Hoàng Hợp nói, chính tình cảnh tương hợp giữa hai quốc gia trước “mối nguy Trung Quốc” về mặt chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cùng với chính sách an ninh mở rộng của Nhật Bản dưới thời ông Abe đã làm cho Việt Nam và Nhật Bản xích lại gần nhau và có những bước tiến hợp tác về chính trị - an ninh “chưa từng có”, nếu không muốn nói là “đột phá”.

 

Ông nói: “Chính sách an ninh của Việt Nam thì vẫn thế thôi, nhưng có mở rộng ra ở chỗ hợp tác an ninh của Việt Nam là nhằm vào việc cố gắng làm sao để Việt Nam có thể giữ được sự ổn định, ở đây không nói về hòa bình, mà là sự ổn định, an toàn cho Việt Nam trong bối cảnh người Trung Quốc có những chính sách và hành động ngày càng kiên quyết hơn”.

 

https://gdb.voanews.com/86D43903-DABD-4620-AF0A-62AC2B067747_w650_r0_s.jpg

Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cúi đầu trước quốc kỳ hai nước khi hai lãnh đạo có cuộc gặp tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 6/6/2017.

 

Ghi nhận công lao của ông Abe trong việc đưa ra sáng kiến lập ra vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, TS. Hà Hoàng Hợp nói Nhật Bản từ khi ông Abe làm thủ tướng đã đi theo một đường lối khác hẳn trước đây, đó chính là đường lối tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ mà ông cho là “ở một trình độ cao hơn”.

 

“Đó là tận dụng tất cả sự ủng hộ và sự hiện diện của Mỹ về mặt an ninh ở Nhật Bản ở khu vực này, nhưng lại mở rộng nó ra ở tầm mức rộng hơn. Trước hết là mở rộng ra khu vực chuỗi đảo số 1, 2, 3 và vòng qua khu vực Ấn Độ Dương. Việc tạo ra khung ‘Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ là một bước tiến quan trọng, mang lại tầm nhìn, bao trùm toàn bộ các hoạt động sống về an ninh của cả một khu vực rộng lớn, kéo dài từ phía tây Ấn Độ đi qua phía dưới này là Indonesia và các nước Đông Nam Á khác rồi vòng lên tận Bắc Cực, và phía lục địa Úc và New Zealand”.

 

Chính tầm nhìn chính sách chiến lược mở rộng trên đã làm cho chính sách an ninh của Việt Nam có sự “tương đồng” nhiều hơn với các chính sách chiến lược của Nhật và Hoa Kỳ trong khu vực, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.

 

Tiếc thương vị lãnh đạo ‘tâm tài toàn vẹn’

 

Kể từ khi tin tức về vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật được đưa ra, nhiều người dân Việt Nam đã bày tỏ lòng tiếc thương vị lãnh đạo mà họ nói là “vừa có tâm, vừa có tài”

 

Từ TPHCM, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc viết: “Vĩnh biệt và tiếc thương Ngài, một nhân cách lớn...!”, trong khi tài khoản Minh Do nói: “Vô cùng tiếc thương ông - một nhân cách lớn , hết lòng vì sự cường thịnh của QG (quốc gia) mình; hết lòng chăm lo cho hoà bình và an ninh TG (thế giới) - một chính khách TÀI - TÂM hoàn hảo hiếm có thời đương đại!”.

 

Từ Hà Nội, chị Lê Lan nói với VOA rằng chị rất bất ngờ và thương tiếc ông Abe khi nghe tin dữ về ông. Chị cho biết lý do chị ngưỡng mộ vị lãnh đạo của Nhật:

 

“Ông ấy ủng hộ Đài Loan và phản đối Trung Quốc. Vấn đề của Đài Loan thì có nghĩa cũng nói đến (liên quan, tương tự) Việt Nam, thì tôi thật sự rất thích vị này nếu trong vấn đề Biển Đông. Tiếp nữa là ông ấy là nhà lãnh đạo tự nguyện rời bỏ ghế để nghỉ hưu”.

 

Đồng quan điểm với nhiều người Việt, TS. Hà Hoàng Hợp cũng công nhận “tài” của ông Abe khi cho rằng ông là người đã đưa ra chính sách “có tầm nhìn rất xa” cho nước Nhật.

 

Ông nói: “Nhật Bản rõ ràng là một ‘tay chơi’, một tác nhân, đối tác có tầm toàn cầu, và đấy là công lao của Shinzo Abe”.

“Người ta còn kính trọng ông nhiều hơn là vì ông là người mà làm được việc thì làm, còn khi sức khoẻ không cho phép thì ông xin thôi. Đấy là điều mà ở Việt Nam này không có. Cho nên người dân người ta nhìn thấy người ta rất nể. Bởi vì có thể có người này người kia sức khoẻ không tốt, nhưng không từ chức hay chuyển sang làm việc khác để cho những người khoẻ hơn, giỏi hơn người ta làm. Người dân bình thường ở Việt Nam người ta so sánh như thế và với cái so sánh đơn giản đấy thì người ta rất kính trọng ông Shinzo Abe”, TS. Hợp nói thêm về cái “tâm” mà ông Abe dành cho người dân và đất nước ông.

 

Trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông Shinzo Abe đã thăm chính thức Việt Nam 4 lần và từng nói rằng Việt Nam là một đất nước mà ông có tình cảm rất đặc biệt.

 

Trong ngày 8/7, sau khi được tin ông qua đời, các lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

 

Các lãnh đạo Việt Nam cũng bày tỏ sự tri ân đối với tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ông Abe đã dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như cho mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

 



No comments: