Thọ
Nguyễn - · Köln,
Đức
Trong bài trước, khi tôi
đưa bức ảnh „Chúng tôi là người Việt nam“ chụp chung với vợ chồng ca sỹ Do
Nguyen Mai Khoi mới ghé thăm, có bạn hỏi: Nếu có chiến tranh Đức-Việt thì
tôi sẽ đứng về phía nào?
Tôi không dám nghĩ về một
cuộc chiến tranh giữa hai dân tộc này, chỉ dám nghĩ đến vị trí của mình ở đâu
trong những trường hợp phải lựa chọn giữa hai tổ quốc.
Phải nói là mỗi người nhập
cư, dù dân tộc nào, tuy theo tuổi tác, luôn có gắn bó và tình cảm đặc biệt với
nơi chôn nhau cắt rốn. Người già gắn bó nhiều hơn người trẻ và người ở thế hệ
thứ hai, thứ ba sẽ càng ít gắn bó với quê hương cũ. Người Việt hay người Nga lớn
tuổi ở Đức toàn xem phim và TV tiếng Việt, tiếng Nga. Con họ thì thỉnh thoảng
còn xem, nhưng cháu họ thì hầu như chỉ còn thưởng thức văn hóa Tây Âu.
Nhưng cho dù sự gắn bó đó
lỏng lẻo đến đâu thì tình cảm dân tộc, nếu được cha mẹ nuôi dưỡng cũng vẫn được
lưu giữ cho đến nhiều thế hệ sau này. Vì vậy mà người Do Thái lưu vong khắp thế
giới đã khôi phục được tổ quốc sau hai ngàn năm tha hương, thậm chí đã đưa tiếng
Hebrew từ một tử ngữ thành một sinh ngữ. Cũng vì vậy mà hậu duệ của vua Lý Anh
Tông phiêu bạt sang Nam Hàn từ tám thế kỷ (từ năm 1226) vẫn quay về Bắc Ninh
tìm lại nguồn gốc.
Tình cảm quê hương ở người
di cư luôn mạnh mẽ hơn người ở lại quê nhà, đó là một phản ứng tự nhiên để bảo
vệ cái gọi là bản sắc (identity). Các „Hội đồng hương“ của người miền Nam tập kết
ra Bắc sau năm 1955 là một ví dụ. Đó là những pháo đài nhỏ để họ có thể co cụm
lại bảo vệ quyền lợi của nhau, bảo vệ những truyền thống văn hóa mà họ mang
theo ra Bắc. Chắc chắn cộng đồng người Bắc di cư vào Nam ở Hố Nai, Biên Hòa
cũng vậy. Đó là chuyện ở ngay trong một đất nước.
Khi di cư sang một nền
văn hóa hoàn toàn khác, phản ứng này càng mạnh mẽ hơn. Quê hương không phải là
điều gì to tát, mà là những kỷ niệm đơn giản như lũy tre làng, bát nước rau muống
luộc với sấu ngày hè nóng nực, là những bài hát ru con vẫn nghe hồi nhỏ. Những
kỷ niệm đó, người ở lại không bị thiếu thốn như người di cư. Một lần gia đình
tôi đi chơi ở một thành phố nhỏ vùng Bavaria, bỗng cậu con trai lớn nói: Hình
như ở đây có người Việt ở?
Thì ra cháu nghe thấy từ
một cửa sổ nào đó phát ra bài Lý ngựa ô mà cháu đã được nghe ở Việt Nam. Bạn
nào đang ở Việt Nam lại có những trải nghiệm như vậy?
Đó chính là sự khác biệt
khiến chị Nguyễn Thúy Hạnh đã có lần hỏi tôi: „Tại sao người Việt hải ngoại
quan tâm đến tình hình trong nước hơn người ở nhà ?“.
Đâu phải vì người Việt hải
ngoại không phải lo kiếm ăn tối mặt tối mũi như một số người biện bạch, mà
chính vì tình yêu quê hương của người di cư mạnh mẽ hơn người đang sống trên
quê nhà. Tình cảm quê hương này luôn đi kèm trong sinh hoạt của người Việt di
cư và là chất keo dính tạo ra các cộng đồng Việt khắp năm châu.
Bên cạnh những phê phán về
việc các cộng đồng khép kín này kìm hãm sự hội nhập vào xã hội nước chủ nhà, bản
năng bảo thủ luôn có yếu tố tích cực trong bảo tồn sức sống của dân tộc. Chính
các cộng đồng này đã sản sinh ra các tờ báo, các đài truyền hình, các studio âm
nhạc tiếng Việt mà sản phẩm của chúng đã thu hút rất nhiều người Việt trong nước.
Cộng đồng này là mảnh đất cho giải thưởng Pulitzer 2016 của Nguyễn Thanh Việt
và nhiều tác phẩm khác đang khiến dòng văn học hải ngoại khẳng định vai trò của
nó trong sinh hoạt văn hóa Việt Nam. Chinh các cố gắng của người Việt hải ngoại
đã buộc Google phải chú thích lại nhiều vùng biên giới, nhiều vùng đảo bị Trung
Quốc khai man....
Tuy nhiên vì hoàn cảnh ra
đi cũng như hoàn cảnh sống khác nhau nên tình cảm quê hương được thể hiện qua
nhiều cách khác nhau và không ai được phép bóp méo. Từ lâu tôi vô cùng dị ứng với
cụm từ „Việt Kiều yêu nước“ vốn đã ăn vào tiềm thức nhiều triệu người Việt. Họ
nói ra vì quen miệng mà không biết là đang thóa mạ chính đồng bào mình, dân tộc
mình. Có lúc khùng lên tôi phải mắng lại: Nếu phân ra Việt kiều yêu nước ắt
trong đầu mày cũng có khái niệm Việt kiều bán nước? Đã là thằng tha hương thì
còn nắm đâu biển đảo, rừng núi, tài nguyên mà bán với buôn?
Quay lại câu hỏi phải lựa
chọn đứng về phía tổ quốc nào tôi chỉ có thể nói: Sống ở đâu thì phải là công
dân ở đó, không được sống ký sinh. Đã là công dân thì phải bảo vệ quyền lợi và
uy tín của đất nước và tôi luôn có trách nhiệm với đất nước mà tôi lựa chọn.
Không ai nghĩ đến chuyện làm bẩn căn nhà mình đang ở. Tuy nhiên vì văn hóa Việt
đã nằm trong máu thịt nên tôi luôn nghĩ mình là người Việt.
Mỗi con người bên cạnh bản
sắc dân tộc còn có bản sắc cá nhân, đây chính là điều người Việt ít để ý đến.
Nhân loại phát triển đến ngày nay chính vì sự đa dạng bản sắc cá nhân của từng
người. Mọi cố gắng nhằm đồng hóa con người theo một bản sắc chủ quan đều dẫn đến
sự thoái hóa mà kết cục là một cậu bé sơ sinh có đuôi con lợn bị kiến ăn thịt,
như nhà văn Columbia G. Marquez mô tả trong „Một trăm năm cô đơn“ (1)
Cũng chính bản sắc cá
nhân đưa đến các giá trị khác nhau mà mỗi con người theo đuổi. Trong trường hợp
giữa quê hương cũ và quê hương mới có những xung đột về chính trị, ví dụ như giữa
Đức và Thổ Nhĩ kỳ hiện tại, giữa một bên là tự do dân chủ và một bên là độc
đoán, thần quyền, nhiều người Thổ ở Đức đã đứng về phía quê hương mới. Trong
trường hợp ngược lại, nếu quê hương mới chà đạp các giá trị mà họ theo đuổi, họ
có quyền đấu tranh chống lại. Điều này cũng không khác gì cho người Việt, người
Nga hay cả với người Ba-Lan mà tôi vẫn yêu mến.
May mắn cho Lukas
Podolski, cầu thủ bóng đá Đức gốc Ba-lan là anh không phải cân nhắc về các xung
đột giá trị giữa hai nước. Là công dân Đức, tiền đạo Podolski có nghĩa vụ phải
đá thủng lưới đội Ba-Lan ở giải vô địch châu Âu. Trong trận đấu ngày 08.06.2008
ở Klagenfurt (Áo) anh đã đá hai lần vào lưới đội Ba-Lan trước sự ngỡ ngàng của
hàng trăm đồng bào và bạn bè Ba-Lan thời thiếu niên. Sau mỗi bàn thắng, tình
yêu Ba-Lan trong người đã khiến Podolsky lấy tay che mặt, rồi ấp vào tim, mắt
rơm rớm, không reo hò mừng vui như thông lệ (2).
Mặc dù bị Đức Loại khỏi
giải (thua 0:2), nhưng sau trận đấu các cổ động viên Ba-Lan vẫn công kênh tung
hô Podolski như người hùng của họ.
Đề tài về "Bảo vệ đa
dạng bản sắc con người" cũng chính là trọng tâm của hội thảo mà đài „Làn
sóng Đức“ (Deutsche Welle, DW) mời vợ chồng Mai Khôi tham dự. Khi nói chuyện với
vợ chồng Mai Khôi về đề tài này, chúng tôi chợt nghĩ đến câu nói của anh Phạm
Minh Hoàng:
„Người ta có thể đưa tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng không thể
đưa Việt nam ra khỏi tôi“.
Và chúng tôi rủ nhau chụp
một bức ảnh với dòng chữ „Chúng tôi là người Việt nam“.
---------
(1) https://vi.wikipedia.org/.../Tr%C4%83m_n%C4%83m_c%C3%B4...
(2)https://www.welt.de/.../Warum-Podolski-nicht-ueber-seine...
No comments:
Post a Comment