Bóng
ma Stalin, hình mẫu của Putin và Tập Cận Bình
Thụy My - RFI
Đăng ngày:
16/07/2022 - 19:56Sửa đổi ngày: 16/07/2022 - 19:57
Trang bìa Le Point đăng
ảnh Stalin với phụ chú « Những bóng ma, và các bí mật cuối cùng ».
Hồ sơ của tuần báo cho biết bạo chúa từng làm mấy chục triệu dân Ukraina chết
đói cũng là nguồn cảm hứng cho Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
https://s.rfi.fr/media/display/b4e7e506-052e-11ed-ad71-005056bfa79e/w:1024/p:16x9/stalin_02.webp
Ảnh
minh họa : Những chiếc tách in hình tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà độc
tài Liên Xô Josef Stalin được trưng bày ở một gian hàng bán đồ kỷ niệm tại
Saint Petersbourg, Nga. Hình được chụp ngày 08/09/2021. AP - Dmitri Lovetsky
Những bí mật cuối cùng của Stalin
Sau cái chết
của nhà độc tài ở datcha Blijnaia, người ta phát hiện ba tài liệu cất dưới một
tờ báo, nằm sâu trong ngăn kéo. Trong đó có một lá thư của thống chế Tito, khuyến
cáo Stalin không nên gởi sang những kẻ sát nhân nữa, nếu không ông sẽ điều đến
Matxcơva một sát thủ và anh ta sẽ không trượt mục tiêu. Stalin đã học được bài
học phải tôn trọng vị thống chế không sợ trời không sợ đất này ! Lá thư thứ hai
là của Bukharin, đồng minh nhưng sau này trở thành đối thủ, gọi Stalin bằng «
Koba », biệt danh từ thời đi cướp ngân hàng.
Cuối cùng
là lá thư của Lênin đề ngày 05/03/1922, yêu cầu Stalin phải xin lỗi vợ ông là
Nadejda Krupskaia vì đã có những phát ngôn thô lỗ gây tổn thương cho bà. «
Đồng chí Stalin thân mến, tôi đề nghị đồng chí chọn lựa : hoặc rút lại những gì
đã nói và xin lỗi, hoặc chúng ta cắt đứt mọi liên hệ ». Để tránh bị thất
sủng trước vị thủ lãnh Cách mạng, Stalin đành phải xin lỗi, nhận lấy sự nhục
nhã. Lênin vẫn loại một Koba « quá thô bạo » ra khỏi di chúc,
nhưng khi Lênin qua đời, Stalin câu kết với một số khuôn mặt nặng ký khác để
giành được ngôi vị cao nhất.
Stalin trở
thành Stalin không phải từ năm 1913, khi ông lấy bút hiệu này để viết cho
Pravda - stal (thép) ghép với vần cuối của tên Lênin. Nhưng đó là năm 1919, khi
ông ta bẳt đầu dìm những ngôi làng trong lửa máu để khủng bố nông dân, bắt hàng
trăm sĩ quan Sa hoàng...Vị bạo chúa đã cho viết lại lịch sử. Chẳng hạn năm
1904, lúc còn là một trong những thủ lãnh bôn-sê-vích Gruzia, Stalin đã phải viết
tự kiểm trước các lãnh đạo Matxcơva, tờ kiểm điểm này được in 70 bản. Cuối thập
niên 20, Stalin đã tung người đi khắp vùng Kapkaz để thủ tiêu bằng chứng. Năm
1906, Stalin bị Okhrana (mật vụ Sa hoàng) bắt rồi thả ra vì thấy chỉ là loại
« cắc ké ». Khi lên cầm quyền, Stalin cố gắng làm biến mất những sự
kiện bất lợi cho tên tuổi của mình, bản tiểu sử được tô vẽ lại kể từ thập niên
30.
Publicité
Bỏ đói dân tộc Ukraina, đày đọa nhiều triệu
con người
Nhà sử học
Jean Lopez thuật lại, năm 1901 Stalin 23 tuổi, vô gia cư, sống ngoài vòng pháp
luật, nghèo đến nỗi không có được một chiếc áo măng-tô, chọn lựa làm cách mạng,
kiếm tiền bằng mọi cách, nhiều lần vào tù ra khám. Hai tính cách giúp ông ta sống
sót : luôn nghi ngờ như một con chó sói, trên cái nền hoang tưởng. Thế giới
bên ngoài Liên Xô đều đáng ngờ đối với ông ta.
Liên Xô
nhiều lần tấn công các nước láng giềng. Theo Jean Lopez, sở dĩ Stalin tấn công
Phần Lan, bên cạnh ý định chiếm đất, ông ta cũng cho rằng đi « giải
phóng », muốn biến Phần Lan thành một nước cộng hòa xô-viết. Tương tự với
Ba Lan, ba nước Baltic, Rumani. « Phòng bệnh hơn chữa bệnh » : cơ quan tình báo
NKVD từ năm 1935 bắt đầu trục xuất người Phần Lan, Latvia, Estonia ra khỏi khu
vực xung quanh Leningrad, rồi thanh lọc vùng biên giới với Ba Lan. Một triệu rưỡi
người bị bắt trong đó 800.000 người bị hành quyết. Stalin bắt đi đày toàn bộ cộng
đồng người Triều Tiên sống ở Vladivostok và Birobidjan, chỉ vì Nhật Bản chiếm
bán đảo Triều Tiên, nên dân tộc bị trị này trở thành khả nghi.
Về
« Holodomor » (diệt chủng người Ukraina bằng đói kém), ước tính gần 5
triệu người Ukraina đã bị chết vì đói. Stalin đặt ra những chỉ tiêu không tưởng
và buộc phải giao nộp nông sản, không cho những nông dân đói khổ ra thành phố
kiếm cái ăn nhưng xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc để ngoại tệ dùng cho công
nghiệp hóa.
Cuối năm
1932 khi bí thư Kharkov là Rodion Terekhov than phiền về nạn đói, Stalin nói rằng
« Đồng chí nên rời ghế, sang làm việc cho Hội Nhà văn, viết truyện cổ tích
và những kẻ ngu ngốc sẽ đọc các truyện mà đồng chí viết ». Cũng như
nhiều đồng nghiệp Ukraina, Terekhov sau đó mất chức ! Nhà sử học Nicolas
Werth cho biết, những người hấp hối được cho lên tàu hàng chở đến vùng quê cách
thành phố 50 km để không ai thấy người chết đói. Cũng tại Kharkov xảy ra nhiều
vụ ăn thịt người, mỗi đêm gần 250 xác chết được thu nhặt, gan của họ bị đem làm
patê bán ngoài chợ. Khi gặp đại tá Mỹ Robins năm 1933, Stalin nói rằng có vài
nông dân chết đói nhưng là những kẻ lười biếng hoặc bị đánh cắp lúa mì.
Putin :
Stalin thời hiện đại ?
Phải chăng
Putin là Stalin ngày nay ? Le Point đặt câu hỏi. Sang năm, Vladimir
Putin sẽ phá kỷ lục của Stalin – là người đứng đầu Liên Xô suốt 24 năm. Từ khi
vừa lên ngôi, Vladimir Putin đã lợi dụng lịch sử vào mục đích chính trị, và
trong số những « vĩ nhân » đã làm nên « bản sắc quốc
gia » tất nhiên có Stalin.
Sách giáo
khoa lớp 12 chỉ có hơn một chục dòng viết về gu-lắc, và nạn đói lịch sử trong
thập niên 30 lại càng ít hơn. Ngược lại, gần 100 trang được dành cho chiến thắng
của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại do tổng tư lệnh Stalin lãnh đạo.
Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi hơn phân nửa thanh niên Nga từ 18 đến
24 tuổi chưa bao giờ nghe nói đến nạn đàn áp thời Stalin ; 70 % người Nga
cho rằng Stalin có vai trò tích cực trong lịch sử đất nước (trong những năm
2000 tỉ lệ này chưa đầy 45 %).
Thoạt nhìn
thì điểm giống nhau giữa Putin và Stalin trước hết là nạn tôn sùng lãnh tụ.
Nhưng khác xa với sự sùng bái « nhà lý luận mác-xít lỗi lạc », những
món hàng kỷ niệm in hình ảnh Putin để ngực trần, cỡi ngựa hoặc chạy mô-tô…mang
nét thô lậu hơn. Cũng như chủ tịch Đuma nói rằng tài sản thực sự của nước Nga
không phải là dầu khí mà là Putin… Một điểm tương đồng khác là có cùng cung
cách mafia nơi cơ quan an ninh ; Putin cũng khủng bố, lăng nhục cấp dưới.
Điểm giống nhau thứ ba giữa hai chế độ : ám ảnh bị phương Tây bao vây.
Tuy nhiên
Putin không phải là một Stalin mới. Stalin, người tự nhận là truyền nhân của
Lênin đã đưa ra một « tầm nhìn mác-xít » nhất định ; còn Putin dựa
trên « kiềng ba chân » gồm Chính thống giáo, toàn trị cộng với dân tộc
chủ nghĩa, trong đó quyền lực độc tài đứng trên tất cả. Có một khoảng cách rất
lớn giữa Putin và « đường lối của Đảng » mà Stalin là hiện thân, tuy
nhiên hai nhân vật này có cùng một thái độ ngạo mạn - như mọi bạo chúa ở đỉnh
cao quyền hành.
Tập Cận
Bình, bản sao « made in China » của Stalin
Tại châu
Á, có một bản sao « made in China » : Tập Cận Bình rút ra bài học
từ Stalin, là đảng nắm trọn quyền lực và kiểm soát toàn dân. Liên Xô bị thua
trong chiến tranh lạnh vì quay lưng với chủ trương của Stalin, nên Trung Quốc
phải coi đó là kinh nghiệm để có thể đối đầu với Hoa Kỳ - đó là lý luận của ông
Tập.
Tự coi
mình ngang hàng với Mao, Tập Cận Bình cũng ngưỡng mộ Stalin như người sáng lập
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau khi Mao chết, quan điểm phổ biến ở Hoa lục
là chế độ Liên Xô sụp đổ do không thích ứng được với thời thế. Nhưng ngay từ
khi lên ngôi, Tập Cận Bình áp đặt một cách nhìn khác. « Nghị quyết lịch sử »
năm ngoái nhấn mạnh đến vai trò thống trị của đảng và khống chế người dân để chống
lại « âm mưu » của phương Tây.
Cũng như
Stalin, Tập dùng cách thanh trừng để loại những người chống đối và củng cố quyền
hành trong đảng. Ông ta cũng thích được sùng bái, bắt giam hàng trăm ngàn người
Duy Ngô Nhĩ trong các trại « cải tạo » như Statin từng đày ải người
Tatar ở Crimée, tung ra cuộc đàn áp ý thức hệ nặng nề nhất kể từ vụ thảm sát
Thiên An Môn năm 1989. Tập Cận Bình thẳng tay đập tan đòi hỏi dân chủ của người
Hồng Kông, thiết lập hệ thống kiểm soát xã hội chưa từng thấy trong lịch sử. Tại
Trung Quốc hiện nay cũng như Liên Xô hồi xưa, đảng không bị cạnh tranh về ý thức
hệ, không có phe ly khai, ngay cả xã hội dân sự cũng chỉ là con ngựa thành
Troie. Văn hóa nghệ thuật chỉ có thể tồn tại nếu phục vụ cho mục tiêu của đảng,
nhồi sọ quần chúng.
Tuy vậy Tập
Cận Bình không phải là Stalin, tham vọng quốc tế không có cùng tính chất.
Stalin vận động cho cách mạng cộng sản thế giới, làm các nước lần lượt rơi vào
vòng ảnh hưởng xô-viết ; còn Tập, như những gì người ta biết, chưa tích cực
lật đổ chế độ nào bên ngoài. Bắc Kinh quảng bá mô hình các đại tập đoàn quốc
doanh cộng với kiểm soát xã hội để thay thế cho dân chủ tự do, tạo điều kiện
cho giai cấp trung lưu, và các nhà độc tài có thể ngủ yên. Sợi dậy liên kết giữa
Stalin và Tập Cận Bình là niềm tin về một cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại
chủ nghĩa tự do phương Tây, và chủ nghĩa cộng sản sẽ ca khúc khải hoàn.
Shinzo Abe, nhà lãnh đạo Nhật quan trọng nhất
từ nửa thế kỷ
Cũng về
châu Á, The Economist nhận xét cố thủ tướng Shinzo Abe đã để lại dấu ấn
sâu sắc ở châu Á và trên thế giới chứ không chỉ nơi nước Nhật. Cựu thủ tướng Úc
Kevin Rudd gọi Shinzo Abe là nhà lãnh đạo Nhật Bản quan trọng nhất từ 50 năm
qua.
Khái niệm
« Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở » là một phần trong di sản địa
chính trị to lớn của ông Abe. Ông cũng là người thúc đẩy « Bộ Tứ », cố
gắng tạo lập CPTTP sau khi Hoa Kỳ từ bỏ TPP. Ông là người nhìn ra rất sớm mối
nguy cơ từ sự bành trướng của Trung Quốc. Lời đáp của Abe là tăng cường cùng
lúc kinh tế và an ninh. Về đối ngoại, ông đưa một nước Nhật quen thu mình lại
nay dấn lên phía trước, để ngăn cản Bắc Kinh phá hủy trật tự quốc tế lâu nay vẫn
bảo đảm hòa bình thịnh vượng ở Đông Á.
Shinzo Abe
đã công du 81 quốc gia từ châu Á đến châu Mỹ, phong cách nhiệt thành của ông
gây được cảm tình với các nhà lãnh đạo các nước. Shinzo Abe cũng là nhà lãnh đạo
châu Á đầu tiên nhận thấy với việc ông Donald Trump đắc cử, nước Mỹ đã thay đổi.
Ông bay sang Washington, siết chặt tay ông Trump, tuy tân tổng thống Mỹ có ý định
bỏ rơi những đồng minh truyền thống. Cái bắt tay nồng hậu, cũng như việc ông thân
thiết ôm vai ông Modi đã giúp nhiều trong quan hệ với đối tác. Nhật Bản đầu tư
vào các nước xung quanh, cung cấp một giải pháp thay thế cho « Sáng kiến
Vành đai Con đường » của Trung Quốc.
Quay lại với
xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở Hoa lục, The Economist trong một bài viết
khác nhận định Trung Quốc đang đi theo một con đường nguy hiểm. Tờ báo đưa ra
ví dụ, sau khi cựu thủ tướng Nhật Bản bị ám sát, một người tên Zhang Beihai có
2,6 triệu « follower » trên mạng Vi Bác viết « Abe đã chết và
thế là xong ». Một người khác nói thêm : « Cả gia đình
ông ấy đáng chết ». Sima Nan, một trong những kẻ cực đoan nổi tiếng với
3 triệu người theo dõi đặt vấn đề : « Nếu đâm chết Thái Anh Văn có
thể mang lại sự thống nhất trong hòa bình, mọi người có vui mừng
không ? ». The Economist cho rằng Tập Cận Bình đang nuôi dưỡng một
thế lực bất ổn, không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát được.
Các kho đạn của Nga làm mồi cho HIMARS
Nhìn sang
Ukraina, Le Figaro có bài phóng sự « Chín ngày dọc theo một
Ukraina trong chiến tranh », Le Monde Magazine có « Nhật ký
chiến tranh ». L’Obs nói về cuộc chiến chống lại tin giả, và sự thấm mệt
của những người tình nguyện tiếp nhận người Ukraina tị nạn. Về mặt quân sự, The
Economist nhận thấy quân đội Ukraina đã sử dụng rất hiệu quả hệ thống
pháo phản lực HIMARS do Mỹ viện trợ để đánh vào các kho đạn Nga.
« Các
kho chứa đạn của Nga là những nơi nguy hiểm nhất tại các vùng giao tranh. Đạn
dược không được tích trữ một cách an toàn, nhiều loại từ thời Liên Xô gần quá
đát khiến thuốc súng có thể phát nổ. Ưu tiên nhắm vào các khu này sẽ tạo áp lực
logistic rất lớn lên Nga ».
Đó là nhận xét trong một cẩm nang quân sự Mỹ năm 2016. Các tướng lãnh Ukraina
nay đã chứng tỏ lý thuyết này là đúng.
Ngày
11/07, một kho đạn Nga ở Nova Kakhovka, miền nam Ukraina đã nổ tung một cách
ngoạn mục. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở này đã hoàn toàn biến mất chỉ
sau một đêm. Đây có thể là nạn nhân mới nhất của hệ thống pháo phản lực cơ động
cao HIMARS mà Hoa Kỳ bắt đầu gởi cho Ukraina vào cuối tháng Sáu. Mỹ đã cung cấp
8 giàn phóng này và sẽ chuyển thêm 4 giàn khác, mỗi bệ phóng đa năng có 6 hỏa
tiễn dẫn đường bằng GPS có tầm bắn 84 km.
Washington
ngần ngại không muốn cung cấp nhiều trước khi Kiev chứng tỏ sử dụng hiệu quả,
và cho đến nay Ukraina chừng như đã vượt qua được cuộc trắc nghiệm. Kho Nova
Kakhovka là kho đạn thứ 19 bị tiêu hủy kể từ 27/06, theo số liệu của một nguồn
mở; và đến 12/07 một kho đạn ở Luhansk trở thành nạn nhân thứ 20. Một vụ tấn
công khác nhắm vào sở chỉ huy ở Kherson ngày 10/07 đã giết chết nhiều sĩ quan
cao cấp, trong đó có thiếu tướng chỉ huy quân đoàn 22.
Vũ khí mới giúp cán cân nghiêng dần về
Ukraina
HIMARS dường
như đã được sử dụng dài theo tiền tuyến, từ Luhansk ở miền đông đến Kherson ở
miền nam. Các chỉ huy quân sự Ukraina tự hào nói rằng loại vũ khí này đã làm phần
thắng nghiêng về phía mình, sau khi mất Severodonetsk và Lysychansk ở Luhansk.
HIMARS tỏ ra hiệu quả với nhiều loại mục tiêu, đồng thời pháo thủ được an toàn
nhờ « bắn nhanh, rút gọn » trước khi địch trả đũa. Một đại tá nói rằng cần có
thêm vài chục khẩu nữa mới có thể phản công thực sự.
Quân đội Mỹ
thường phân tán và ngụy trang các kho đạn tại nhiều địa điểm. Ngược lại Nga chủ
yếu dựa vào đường sắt để vận chuyển đạn dược và dùng sức người để chất lên xe tải,
thường lập các kho lớn ở ga cuối. Mọi việc vẫn ổn cho đến khi HIMARS xuất hiện.
Việc chia nhỏ các kho đạn cần rất nhiều thiết bị mới hoặc nhân lực, di chuyển
chúng ra xa tiền tuyến cũng gây căng thẳng cho đội xe tải của quân đội vốn hạn
chế.
Ngay cả
khi Nga dời được kho khỏi tầm hoạt động của HIMARS, cũng chỉ mới tạm thoát nạn.
Mỹ thận trọng không cung cấp cho Ukraina loại đạn có tầm bắn 300 km, nếu không,
mỗi centimet vuông lãnh thổ bị Nga chiếm đóng đều nằm trong tầm hỏa lực của
Ukraina. Kể cả Crimée mà Nga sáp nhập năm 2014, cầu Kertch nối bán đảo này với
Nga, các chiến hạm ở Crimée và nhiều mục tiêu hấp dẫn khác.
No comments:
Post a Comment