Bốn
năm thương chiến Mỹ-Trung, giờ thì sao?
6 tháng 7, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/bon-nam-thuong-chien-my-trung-gio-thi-sao/
Washington đang cân nhắc bãi bỏ, duy trì hoặc giảm
một số sắc thuế nhập cảng đang áp lên hàng hóa Trung Quốc để làm nhẹ áp lực lạm
phát lên người tiêu dùng Mỹ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1402806704.jpg
Xe hơi Nissan mới
xuất xưởng từ nhà máy Dongfeng Nissan tập trung tại một hải cảng ở thành phố
Xiangyang tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc chờ xuất cảng sang Mỹ tháng trước nhưng bị
vướng thuế quan. Ảnh VCG/VCG via Getty Images
Bốn năm sau ngày bùng nổ cuộc thương chiến giữa Mỹ
và Trung Quốc, Washington đang cân nhắc bãi bỏ, duy trì hoặc giảm một số sắc
thuế nhập cảng đang áp lên hàng hóa Trung Quốc để làm nhẹ áp lực lạm phát lên
người tiêu dùng Mỹ.
Cuộc thương chiến do chính quyền của Tổng thống
Donald Trump khởi xướng vào ngày 6 Tháng Bảy năm 2018 nhằm gây sức ép buộc
Trung Quốc phải thay đổi cung cách thương mại không công bằng, làm cho Hoa Kỳ bị
thiệt hại nặng về tài sản trí tuệ, thâm hụt thương mại tăng không ngừng. Hoa Kỳ
đã quyết định áp thuế nhập cảng 25% lên số hàng hóa Trung Quốc nhập cảng trị
giá $350 tỷ mỗi năm và Trung Quốc cam kết sẽ nhập cảng $200 tỷ hàng hóa và dịch
vụ của Mỹ trong hai năm để được Mỹ dỡ bỏ biện pháp thuế đó. Cho đến nay, Trung
Quốc đã không thực hiện cam kết. Báo The
Wall Street Journal cho biết, hiện có khoảng 150 máy bay của
hãng Boeing Mỹ trị giá $10 tỷ vẫn nằm trong kho chờ chính phủ Trung Quốc duyệt
mua, trong khi từ năm 2021 đến nay, hãng Airbus của châu Âu đã “lấp chỗ trống”
bằng việc giao cho Trung Quốc 197 máy bay các loại.
Khi tranh cử tổng thống, ông Joe Biden nói ông
sẽ xem xét và dỡ bỏ các sắc thuế nhập cảng mà chính quyền Trump đã ban hành,
nhưng đã 18 tháng trôi qua kể từ khi ông Biden lên cầm quyền, chính phủ của ông
vẫn chưa có quyết định về số phận của các biện pháp thuế đối với hàng hóa Trung
Quốc, cũng như chưa đề ra được một sách lược rõ ràng về kinh tế-thương mại đối
với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong nội bộ chính quyền Biden, vấn đề dỡ bỏ
hay duy trì mức thuế cao với hàng hóa Trung Quốc đang có những luồng quan điểm
trái chiều. Một số quan chức cao cấp như bà Katherine Tai (Đới Kỳ), Đại diện
Thương mại Mỹ, cùng một số công ty được hưởng lợi từ chính sách thuế này cho rằng
duy trì thuế là giữ một đòn bẩy có giá trị trong các cuộc đàm phán thương mại với
Bắc Kinh. Thêm nữa, nếu Hoa Kỳ đơn phương dỡ bỏ mức thuế quan cao mà Trung Quốc
không có sự nhượng bộ tương ứng thì chính quyền Biden và đảng Dân Chủ có khả
năng phải đối mặt với sự phê phán gay gắt của đảng Cộng Hòa vì đã tỏ ra mềm mỏng
với Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại.
Ngược lại, các quan chức khác như Bộ trưởng
Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo muốn dỡ bỏ hoặc giảm
thuế để làm giảm giá hàng hóa nhập cảng, làm nhẹ áp lực lạm phát lên doanh nghiệp
và người tiêu dùng Mỹ. Bộ trưởng Yellen lập luận rằng một số sắc thuế đối với
hàng tiêu dùng – chẳng hạn như quần áo và xe cộ – chỉ gây gánh nặng cho người
tiêu dùng mà không phục vụ “mục đích chiến lược” của Mỹ, cũng
không ngăn chặn được hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Hai luồng quan điểm trái ngược nhau đã khiến Tổng
thống Biden chần chừ, chưa đưa ra quyết định dứt khoát. Hôm Thứ Ba 5 Tháng Bảy,
khi được hỏi về vấn đề này, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói rằng “nhóm
của tổng thống đang tiếp tục xem xét các lựa chọn về cách tiến lên phía trước.”
Trung Quốc tất nhiên rất muốn Mỹ đơn phương
bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp thuế mang tính trừng phạt đối với hàng hóa của họ.
Trung Quốc đang gấp rút phục hồi sau những thiệt hại kinh tế gây ra bởi các đợt
đóng cửa theo chính sách “zero-COVID”, việc đẩy mạnh xuất cảng hàng hóa sang thị
trường lớn nhất thế giới sẽ giúp kinh tế Trung Quốc sớm hồi phục.
Bắc Kinh cũng hy vọng việc điều chỉnh lại thuế
quan sẽ giúp cho quan hệ song phương Mỹ-Trung không xấu đi hơn nữa. Sự ổn định,
bao gồm cả quan hệ với Hoa Kỳ, là ưu tiên của ông Tập Cận Bình trong thời gian
trước Đại hội đảng Cộng sản vào mùa Thu tới.
Các cuộc đàm phán thương mại cấp nội các giữa
Mỹ và Trung Quốc đã được nối lại vào Tháng Mười năm ngoái nhưng đến nay vẫn
chưa mang lại kết quả đáng kể và bà Đới Kỳ bày tỏ lo ngại rằng việc dỡ bỏ thuế
quan sẽ làm suy yếu vị thế của Washington. Bà Đới Kỳ cũng hoài nghi việc cắt giảm
thuế quan như một biện pháp chống lạm phát trong ngắn hạn. “Chúng ta cần
phải xem xét vấn đề trung và dài hạn”, bà nói với báo Nikkei.
Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng giảm
thuế là một trong số ít các lựa chọn mà chính quyền Biden phải làm để giải quyết
lạm phát – vốn đang ở mức cao nhất trong bốn mươi năm – trước cuộc bầu cử Quốc
Hội giữa nhiệm kỳ vào Tháng Mười Một tới. Mặc dù giảm thuế có thể sẽ không có
tác động mạnh, nhưng nó sẽ cho phép ông Biden nói với cử tri rằng chính quyền đã
đảo ngược các chính sách có hại cho người dân được ban hành dưới thời người tiền
nhiệm Donald Trump.
Dù xích mích giữa Washington và Bắc Kinh ngày
càng sâu sắc, hai bên vẫn tiếp tục đối thoại để tránh nguy cơ xảy ra đụng độ
ngoài ý muốn và thuế quan là một trong những chủ đề được đem ra thảo luận. Tổng
thống Biden dự kiến sẽ sớm có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bộ trưởng
Yellen đã nói chuyện hôm Thứ Ba với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He (Lưu Hạc) –
người chỉ đạo chính sách kinh tế Trung Quốc; và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony
Blinken sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần này tại hội
nghị bộ trưởng nhóm G20 tại Bali, Indonesia.
----------------
Đọc thêm:
·
Thương
chiến, chỉ là mới bắt đầu
·
Thương
chiến Mỹ-Trung khiến Mỹ mất 245.000 việc làm
·
Nhìn
lại cuộc thương chiến Mỹ-Trung: Ai thắng ai?
No comments:
Post a Comment