Vì những trẻ mồ
côi bị đại dịch Covid-19 ném ra giữa đời
Đoàn
Khắc Xuyên
Chủ Nhật, 3/10/2021
https://thesaigontimes.vn/vi-nhung-tre-mo-coi-bi-dai-dich-covid-19-nem-ra-giua-doi/
(KTSG)
– Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Trị, phường 10 (quận Gò Vấp,
TPHCM) là nhà Nguyễn Hoàng Phương Anh (9 tuổi), Nguyễn Hoàng Bảo Anh (4 tuổi)
và Nguyễn Hoàng Anh (2 tuổi). Chỉ trong 12 ngày, ba chị em Phương Anh mất cả
ông bà nội và mẹ. Căn nhà ba thế hệ chợt tắt tiếng cười. Những đứa con thơ nhớ
mẹ cứ thổn thức: “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi” khiến cả nhà lặng đi. (Bích Ngân –
Báo Thanh Niên)
Chưa nguôi cú sốc khi cha ra đi đột ngột, Nguyễn
Thị Mai Khanh (14 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM) lại mất mẹ và ông bà ngoại
vì Covid-19. Một mình trong căn nhà hiu quạnh, nước mắt em giàn giụa sau những
giấc mơ gặp cha mẹ còn dang dở… Trong một tháng ngắn ngủi, em mất cả cha mẹ,
ông bà ngoại. Khoảng sân nhà ba thế hệ ngày nào còn rộn ràng tiếng nói cười, giờ
đây không khí im ắng bao trùm…
Ở cùng khu cách ly với mẹ, chị em Đăng Trường
(10 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) khóc trong tuyệt vọng nhìn mẹ mất vì Covid-19.
Một ngày sau, cha của hai em cũng ra đi vì nhiễm bệnh. Nỗi đau dồn dập, cả hai
ngã quỵ. Căn nhà mặt tiền trên đường An Dương Vương (phường An Lạc A, quận Bình
Tân) của hai chị em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18
tuổi) đóng cửa kín mít. Sát bên nhà, đối diện, các con hẻm vẫn còn giăng dây
phong tỏa. Đôi mắt hai chị em sưng húp, gương mặt phờ phạc vì nhiều đêm liền chẳng
thể chợp mắt… (Vũ Phượng – Báo Thanh Niên)
Ở
trên chỉ là vài ba trường hợp mà phóng viên ghi nhận được trong số hơn 1.500 trẻ
em ở TPHCM bỗng chốc bị lưỡi hái tử thần của dịch Covid-19 cướp đi mẹ hoặc cha,
hoặc cả mẹ lẫn cha, hoặc cả mẹ cha lẫn ông bà nội ngoại. Các em trở thành những trẻ mồ côi không nơi nương tựa ngay giữa đại dịch,
khi mọi người bắt buộc phải “ở đâu ở yên đấy” theo lệnh giãn cách để chống dịch.
Hơn 1.500 bi kịch đó xảy ra chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi trở lại đây. Những
bi kịch có lẽ là hàng trăm năm mới thấy một lần. Những bi kịch mà có lẽ trong
thời chiến, khi bom đạn hàng ngày lấy đi sinh mạng của nhiều người, người ta
cũng không thấy đổ lên đầu trẻ thơ dồn dập, trong một thời gian ngắn như thế.
Cú sốc đối với hơn 1.500 trẻ mồ côi đó là những
người thân thương nhất của các em ra đi quá đột ngột đến mức không kịp nhắn gửi
gì và chỉ trở về với các em trong hũ tro cốt, không tiếng nói, không hình hài.
Người lớn nếu ở trong hoàn cảnh đó còn sụp đổ, huống gì các em vốn đang ở tuổi
ăn chưa no lo chưa tới, chưa thể chủ động lo cho bản thân mình. Cú sốc đó,
không nghi ngờ gì nữa, sẽ gây ra sang chấn tâm lý nặng nề và để lại vết thương
khó thể chữa lành trong suốt cuộc đời còn lại của các em.
Giờ là lúc cả xã hội bằng tấm lòng của mình phải
ôm lấy các em, bằng mọi cách giúp các em vượt qua cú sốc đó. Không chỉ là việc
giúp các em cái ăn cái mặc mà còn cần tìm mọi cách mang đến cho các em tình
thương yêu thay thế phần nào tình thương của những người ruột thịt đã bị đại dịch
cướp đi. Chỉ có thế mới giúp các em dần nguôi ngoai, hội nhập dần vào cuộc sống
bình thường.
Đó cũng là hướng đi đúng đắn được nêu trong
Công văn 3234/LĐTBXH-TE do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn
Thị Hà ký, gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai kịp thời các biện
pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19: “Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ
em được chăm sóc thay thế bởi người thân, bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc,
để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp
sau cùng”.
Các địa phương, nhất là TPHCM, cần ban hành
chính sách, kế hoạch cụ thể về hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu
dài đối với nhóm trẻ em này; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có dự
án, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng nhóm trẻ em này phải đảm bảo
tuân thủ các quy định pháp luật và với tất cả tình thương…
Và, hơn bao giờ hết, giờ là lúc các tổ chức xã
hội, tôn giáo đồng hành và giúp đỡ các em, không chỉ trước mắt mà cần những chiến
lược can thiệp, giúp đỡ lâu dài, về nhiều khía cạnh như chính sách, chăm sóc sức
khỏe thể chất và tâm thần, giáo dục… ít nhất cho đến lúc các em trưởng thành và
vào đời.
No comments:
Post a Comment