Tưởng nhớ Bùi Diễm, một người kiệt xuất vừa ra đi
25/10/21
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23032-tu-ng-nh-bui-di-m-m-t-ngu-i-ki-t-xu-t-v-a-ra-di
Hôm qua tới gần nửa đêm tôi mới xem Facebook
trước khi đi ngủ. Đinh Quang Anh Thái nhắn tin ông Bùi Diễm vừa từ trần. 99 tuổi
là đã thọ quá rồi nhưng tôi vẫn rất xúc động và thương tiếc. Sáng nay tôi thức
dậy sớm và không ngủ lại được nữa vì nghĩ ngay đến Bùi Diễm.
https://live.staticflickr.com/65535/51628257962_da5841db22_n.jpg
Bùi Diễm đã vĩnh viễn ra đi sau khi đã cố gắng làm tất
cả những gì ông thấy là đúng cho đất nước.
Tôi gặp Bùi Diễm lần đầu tại phi trường Orly
Paris năm 1968, hình như là ngày 10 tháng 5. Trước đó tôi đã được nghe nói về
ông như một nhân vật rất có tài, con của cụ Bùi Kỷ, người dịch Bình Ngô
Đại Cáo sang chữ Nôm và cháu của học giả Trần Trọng Kim, tác giả Việt
Nam Sử Lược và cựu thủ tướng Việt Nam sau ngày Nhật đảo chính chấm dứt
thời kỳ Pháp thuộc. Tôi cũng được biết là ông tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng rất
sớm và trở thành người thân tín của lãnh tụ Trương Tử Anh. Sau này ông cũng đã
từng làm đổng lý văn phòng cho ông Phan Huy Quát tại bộ quốc phòng. Năm 1954
ông đã tích cực vận động để đưa ông Phan Huy Quát lên cầm quyền nhưng không
thành vì chính quyền Pháp áp đặt Ngô Đình Diệm. Thời gian Ngô Đình Diệm cầm quyền
cũng là thời gian ông bị gạt khỏi chính quyền để làm báo và làm phim. Cuốn
phim Chúng Tôi Muốn Sống của ông rất thành công. Sau chính quyền
Ngô Đình Diệm ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, kể cả bộ trưởng tại phủ thủ tướng,
rồi sang làm đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Những người nói với tôi về ông đều đồng ý
trên một điểm : Bùi Diễm rất thông minh và uyên bác.
Hôm đó Bùi Diễm từ Washington D.C. tới Paris
như là "quan sát viên Việt Nam Cộng Hòa" tại hòa đàm Paris, mới đầu
chỉ mở ra giữa Mỹ và Bắc Việt. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng như Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam chỉ được tham gia với tư cách quan sát viên.
Tối hôm trước, vào gần nửa đêm, ông Nguyễn
Đình Hưng, cố vấn Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp, bất ngờ gọi điện thoại
cho tôi cho biết chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chấp nhận tham gia hòa đàm và
sáng sớm mai ông Bùi Diễm, lúc đó đang là đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, sẽ đến
Paris với tư cách quan sát viên. Việc Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận tham gia, dù
chỉ với tư cách quan sát viên, là một quyết định rất đau nhức và bẽ bàng. Sau
khi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân nổ ra, tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã đơn
phương lấy quyết định thương thuyết với Bắc Việt để chấm dứt chiến tranh và
tuyên bố Việt Nam Cộng Hòa "có thể tham gia với tư cách quan sát
viên nếu muốn". Không khác hội đàm Mỹ - Taliban gần đây tại Doha.
Lyndon Johnson đã hốt hoảng trước cuộc tổng tấn
công này và tiến trình bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu từ đó, dù thực ra đây
chỉ là một sai lầm và một thảm bại quân sự của phe cộng sản. Tôi có viết một
bài về biến cố lịch sử vô lý này (1). Trước đó phái đoàn Bắc Việt do ông Xuân
Thủy cầm đầu đã tới Paris và được phe cộng sản tại đây tổ chức tiếp đón rất
tưng bừng. Vào lúc đó tôi không còn là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại
Paris nữa nhưng mọi người đều biết trên thực tế tôi vẫn là người lãnh đạo tổ chức
này. Chúng tôi, Tổng Hội Sinh Viên và những người ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa, nhất
định không thể để cho đại diện của Việt Nam Cộng Hòa đến một cách lầm lũi vì đó
sẽ là một thất bại lớn trước dư luận thế giới, nhưng biết làm gì bây giờ ? Chỉ
còn vài giờ nữa thôi.
Tôi gắt lên :
- Sao bây giờ ông
mới cho chúng tôi biết, trễ quá rồi.
Ông Hưng chậm rãi trả lời :
- Chúng tôi cũng chỉ mới biết tin hôm nay. Định
giữ kín, bây giờ mới quyết định báo cho anh. Nếu có thể được anh ra đón ông Bùi
Diễm với chúng tôi, rủ thêm vài người bạn nữa càng hay.
Hôm đó tại nhà tôi có bốn anh em. Chúng tôi gọi
điện thoại cho một số người rồi phân công nhau giữa đêm đến các cư xá sinh viên
đánh thức họ dậy rủ họ ra đón đại diện Việt Nam Cộng Hòa tại phi trường. Lúc đó
gọi điện thoại là cả một vấn đề, tại Paris chỉ có khoảng 10% gia đình có điện
thoại. Chúng tôi phải lái xe đi đến tận nhà nhiều người. Dù gấp rút chúng tôi
cũng đã tập hợp được khoảng 100 người.
Rõ ràng là ông Bùi Diễm không ngờ được tiếp
đón như vậy. Ông tới một mình, khoác một chiếc áo mưa mầu vàng nhạt và giật
mình khi thấy một số đông người đón tiếp. Nếu không có các nhân viên ngoại giao
Việt Nam Cộng Hòa chắc ông có thể nghĩ chúng tôi tới để gây sự với ông. Tôi ứng
khẩu một bài diễn văn tiếp đón và ông Bùi Diễm cũng ứng khẩu một bài đáp từ. Mối
liên hệ giữa chúng tôi bắt đầu từ đó. Hai tháng sau, ngày 5 tháng 7, chúng tôi
tổ chức một cuộc mit tinh lớn tại hội trường Maubert sát trung tâm Paris quy tụ
hơn 1.000 người để ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa, với toàn thể phái đoàn Việt Nam Cộng
Hòa đến tham dự.
Ông Bùi Diễm dành cho tôi một cảm tình và một
lòng tin rất đặc biệt. Trong suốt thời gian cầm đầu phái đoàn quan sát, ông gặp
tôi thường xuyên để thảo luận đủ mọi vấn đề. Sau này, khi làm cố vấn cho phái
đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong hòa đàm Paris đợt hai, mỗi lần tới Paris ông đều gọi
tôi để gặp nhau. Một lần cùng với ông Nguyễn Cao Kỳ sang Paris trên nguyên tắc
là để chỉ đạo phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa nhưng trên thực tế là để khuất mắt
ông Thiệu, vì lúc đó cuộc đối đầu Thiệu - Kỳ đã chấm dứt và phần thắng đã thuộc
hẳn về ông Thiệu. Lần đó có cả ông Đặng Đức Khôi, phụ tá đặc biệt của ông Kỳ, một
người cũng rất thân với tôi.
Trong gần 40 năm nay, khi đã ra nước ngoài, mỗi
khi tới D.C. tôi thường cố tranh thủ thời gian để gặp Bùi Diễm. Kỷ niệm vui nhất
là lần gặp gỡ năm 1990. Ông đi nghe tôi nói chuyện tại D.C. trong một buổi thuyết
trình do Tổ Chức Phục Hưng tổ chức, rồi sau đó còn theo một số bạn bè về nhà
giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ăn cơm tối và nói chuyện tiếp. Ông nghe mọi người bình
luận về lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và nói một cách ngắn gọn
: "chỉ còn con đường đó thôi". Trong lúc đang thảo
luận ông đột nhiên rời ghế bành nằm dài trên sàn nhà một cách vui vẻ, thỏa mái.
Tôi cũng ngồi xuống sàn nhà cạnh ông. Thỉnh thoảng ông thân mật nắm tay tôi.
Sáng nay, hồi tưởng lại ông tôi tự nhiên nhận ra là từ ngày gặp ông lần đầu đến
nay Bùi Diễm và tôi luôn luôn đồng ý với nhau trên tất cả mọi vấn đề.
Bùi Diễm coi tôi nửa như một thằng em út nửa
như một đứa cháu và tôi cũng coi ông nửa như một người anh cả nửa như một ông
chú. Ông là một trong hai nhân vật Việt Nam mà tôi kính trọng và đánh giá cao
nhất trong số những người đã tham gia cầm quyền trong phe quốc gia trong suốt
cuộc xung đột quốc cộng. Người kia là ông Nguyễn Ngọc Huy. Họ cùng tuổi và cùng
gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng ở lứa tuổi 20, nhưng rồi không hợp tác với nhau
nữa. Tôi đã hỏi cả hai ông tại sao họ không còn hoạt động chung. Ông Diễm nói
chua chát : "ông ta bỏ chúng tôi chứ chúng tôi có bỏ ông ta đâu". Còn
ông Huy thì phân trần : "các ông ấy cứ coi tôi là phản đảng chứ tôi có phản
ai đâu". Ông Huy đã bỏ Đại Việt Quốc Dân Đảng để thành lập Tân Đại Việt,
còn được gọi là Đại Việt Miền Nam. Trước đó ông Hà Thúc Ký cũng đã ly khai để
thành lập Đại Việt Cách Mạng, còn được gọi là Đại Việt Miền Trung. Sau này, khi
ông đã 85 tuổi và ông Nguyễn Ngọc Huy đã qua đời, Bùi Diễm nhận thay thế ông Hà
Thúc Ký làm chủ tịch Đại Việt Cách Mạng trong cố gắng thống nhất ba chi nhánh Đại
Việt. Cố gắng này hình như được mọi người ủng hộ nhưng lúc đó sức khỏe ông đã
quá kém và việc thống nhất Đảng Đại Việt thực ra cũng không còn cần thiết nữa.
Bùi Diễm nhường chức cho một người trẻ để từ giã hẳn hoạt động chính trị, rồi
chính sự chuyển nhượng này cũng gây đổ vỡ trong phần còn lại của Đại Việt Cách
Mạng. Bùi Diễm và Nguyễn Ngọc Huy đều rất có tài và đầy thiện chí nhưng đều
gặp những trở ngại quá lớn trong khi lại chỉ có những phương tiện quá giới hạn.
Thế là Bùi Diễm đã vĩnh viễn ra đi sau khi đã
cố gắng làm tất cả những gì ông thấy là đúng cho đất nước. Ông đã không thành
công nhưng cũng không ai có gì để trách ông. Người ta chỉ có thể nhớ đến ông với
lòng kính mến. Đó cũng là một cuộc đời thành công.
Xin kính chúc ông yên nghỉ.
Nguyễn Gia Kiểng
(Paris, 25/10/2021)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Mậu
Thân 1968, giải mã một nghịch lý lịch sử", Thông Luận, 16/02/2018
No comments:
Post a Comment