Trung
Quốc: khủng hoảng địa ốc Evergrande và mưu tính của Tập Cận Bình
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 14/10/2021 - 16:08
Nguy cơ sụy đổ của tập đoàn địa ốc Evergande, Trung
Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí đến kinh tế
toàn cầu là chủ đề thời sự trang nhất tháng 9/2021 vừa qua. Nhiều người cho rằng
sự sụp đổ của Evergrande có thể làm lung lay chế độ. Trên trang mạng Asialyst,
chuyên gia về chính trị quốc tế Alex Payette đưa ra một nhận định khác hẳn.
Ảnh minh họa : Một
trụ sở của tập đoàn bất động sản Evergrande, Trung Quốc. Hector RETAMAL
AFP/File
Theo nhà nghiên cứu Canada, các hậu quả của sự
sụp đổ của Evergrande là có giới hạn, và « có rất nhiều lý do cho thấy cuộc
khủng hoảng địa ốc này phản ánh cuộc đấu quyền lực trên thượng đỉnh của chế độ
trước thềm Đại hội 2022 ».
***
Nguyên nhân trực
tiếp dẫn đến khủng hoảng
Chuyên gia Alex Payette, trong bài phân tích
« Trung Quốc : Đằng
sau thảm bại của tập đoàn địa ốc Evergrand, chiến lược chính trị của Tập Cận
Bình » trên mạng Asialyst ngày 12/10/2021, ghi nhận vào thời điểm
ông viết bài, đã có những dấu hiệu cho thấy tập đoàn đang « lao đao sắp
gục ». Evergande dường như đã phải từ bỏ phần lớn nghĩa vụ trả nợ ở nước ngoài
để tập trung vào việc hoàn nợ cho các chủ nợ trong nước. Vào cuối tháng 9/2021,
tổng số nợ của Evergrande đã lên đến 305 tỉ đô la.
Viễn cảnh không có gì sáng sửa với tỉ phú Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin),
ông chủ Evergrande. Ngay cả một người bạn gắn bó lâu năm, tỉ phú địa ốc
Joseph Lau Luen Hung (Lưu Loan Hùng) cũng đã quyết định rút tiền ra khỏi cổ phiếu
của Evergrande. Cần phải nhấn mạnh là tỉ phú Lưu Loan Hùng đã là người hỗ trợ
tài chính cho Evergrande từ nhiều thập niên nay, cho đến mới đây, ngay vào lúc
tập đoàn nợ nần chồng chất.
Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, thực ra sự
suy sụp của Evergrande được báo trước từ lâu. Tập đoàn địa ốc - được mệnh danh
là lớn nhất Trung Quốc về mặt tài chính vào năm 2018 – bắt đầu suy sụp từ đầu
năm 2019, khi Evergrande bắt đầu tung ra một số lượng lớn trái phiếu ở nước
ngoài. Vào thời điểm đó, hãng tin Anh Reuters đã ghi nhận Evergrande là « một
trong các nhà kinh doanh bất động sản nợ nần nhiều nhất Trung Quốc ». Đến
tháng 9/2019, Evergrande đã đứng trước nghĩa vụ trả 53 tỉ đô la Mỹ, nợ đáo hạn.
Vòng xoáy nợ nần gia tăng suốt năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, làm tiêu điều
thị trường địa ốc nhà ở và cơ sở thương mại. Tuy nhiên, bất chấp tình thế nguy
ngập này, Evergrande lại quyết định mở rộng đầu tư địa ốc, đặc biệt tại các đô
thị nhỏ. Chiến lược này càng khiến nợ nần của Evergrande thêm chồng chất. Nguy
cơ sụp đổ của Evergrande – cho dù có vẻ gây ngỡ ngàng trong hiện tại - trên thực
tế đã được báo trước.
Nhà nghiên cứu Alex Payette nhấn mạnh đến việc
các doanh nghiệp địa ốc tại Trung Quốc phải sử dụng đến hàng loạt cơ chế vay mượn
« phi quy ước », nhiều rủi ro. Evergrande thiếu đầu tư từ các
« nhà đầu tư tổ chức » (Institutional Investor), thường được có là
các cơ sở bảo đảm cho độ tin cậy cao đối với một công ty. Tuy nhiên, trong danh
sách các cổ đông chính của Evergrande trên sàn chứng khoán Hồng Kông, không có
cá nhân hay « nhà đầu tư tổ chức » nào vượt quá 5% cổ phần. Ông chủ
Evergrande Hứa Gia Ấn nắm đến 76,26% cổ phần của tập đoàn. « Hậu quả
nghiêm trọng nhất » của việc thiếu sự hỗ trợ từ các « nhà đầu tư tổ
chức » này khiến tập đoàn gần như không còn nguồn cung cấp tài chính từ
bên ngoài, nhất là từ lúc Hứa Gia Ấn mất đi niềm tin trong giới bạn bè làm ăn.
Điều này càng khiến Evergrande thêm khó khăn khi tập đoàn bị đặt trước áp lực
phải trả nợ dồn dập.
Những nguyên do
mang tính hệ thống
Theo chuyên gia Alex Payette, trách nhiệm không
chỉ về phía tập đoàn Evergrande mà là còn từ chính sách của chính quyền Trung
Quốc và các cơ chế mang tính hệ thống. Alex Payette điểm mặt các nguyên do. Trước
hết là việc Đảng – Nhà nước Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách trống
đánh xuôi, kèn thổi ngược, cùng các cuộc thanh tra cấp tập, khiến thị trường
không kịp phản ứng và điều chỉnh. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc
áp đặt nhiều quy định mới đối với thị trường địa ốc cấp quốc gia, các dự án
« đô thị cấp ba » (thường là các tỉnh lị) trở lên của Evergrande gặp
nhiều trở ngại, trong bối cảnh bản thân chính quyền các đô thị « cấp
hai » và « cấp một » (tức các đô thị lớn nhất) đã siết chặt các
quy định về thị trường địa ốc. Nhà nghiên cứu Canada cũng nêu bật tình trạng
« chồng chéo mang tính hệ thống » giữa các cơ quan khác nhau trong hệ
thống chính trị, có trách nhiệm soạn thảo và thực thi các chính sách. Kể từ khi
ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay, quan hệ giữa các định chế quyền lực
« càng trở nên mơ hồ ». Để sống còn, trong bối cảnh này, các doanh
nghiệp càng phải tìm kiếm « sự bảo trợ từ phía giới cầm quyền, khai thác
các kẽ hở của các quy định luật pháp và chính sách »…
Alex Payette nhấn mạnh đến tình trạng các
doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn tài trợ « truyền thống »,
từ phía các ngân hàng của Nhà nước. Thiếu vốn đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân
buộc phải xoay sang tìm kiếm các vay mượn « phi truyền thống » (tức từ
các nhà đầu tư không thuộc lĩnh vực ngân hàng) đầy rủi ro, với chi phí cao hơn.
Một vấn đề « mang tính cấu trúc »
khác được tác giả nêu lên là sự vắng mặt của các kiểm soát từ phía chính quyền
đối với các hình thức vay mượn phi truyền thống nói trên, bất chấp các phát biểu
đao to búa lớn về « ngăn chặn rủi ro tài chính và tăng cường hệ thống quy
phạm pháp luật và hành chính » mà Đảng liên tục đưa ra trong những năm gần
đây. Tác giả đặt câu hỏi : Có bao nhiêu tập đoàn lớn của Trung Quốc hiện
giờ lọt lưới khỏi hệ thống kiểm soát được quảng bá là nghiêm ngặt « của Đảng,
của các cơ quan chức năng, của truyền thông, của thị trường » ? Alex
Payette lưu ý công chúng đừng quên Huarung / Hoa Dung, một trong những công ty
quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc (Huarong Asset Management).
Đây là một trong những nguy cơ tài chính lớn hơn nhiều đối với Đảng so với tập đoàn
Evergrande.
« Triệt hạ
cánh hữu » : Cuộc đấu trên thượng đỉnh quyền lực
Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, cho dù sự sụp
đổ của Evergrande - nếu xẩy ra - gây nhiều hệ quả, nhưng sự sụp đổ của tập đoàn
địa ốc này vẫn nằm hoàn toàn trong khả năng kiểm soát của chế độ. Tác giả phê
phán sự thổi phồng từ phía nhiều phương tiện truyền thông, giới phân tích tài
chính và « các chuyên gia chính trị » nhấn mạnh quá mức đến các tổn hại
của việc Evergrande sụp đổ đến chế độ độc đảng tại Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande xét về nhiều
mặt hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên, và là kết quả của những khuyết tật
mang tính hệ thống của chế độ độc đảng tại Trung Quốc, thế nhưng việc để cho
Evergrande sụp đổ hay khả năng chính quyền trực tiếp kiểm soát nhiều công ty lớn
trong giai đoạn hiện nay, theo Alex Payette, đều nằm trong một chủ trương chung
của lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình và phe cánh. Từ tập đoàn
Evergrande, đến công ty quản lý nợ xấu Huarung, tập đoàn bất động sản Fantasia,
hay tập đoàn Tomorrow Group, đều có quan hệ với « Thái tử Đảng » Tăng
Khánh Hồng (Qing Qinwang), cựu phó chủ tịch nước, nguyên ủy viên thường vụ Bộ
Chính Trị, đầy quyền lực thời Giang Trạch Dân. Mục tiêu của ông Tập là triệt phá mọi chân rết của bè
cánh Tăng Khánh Hồng trước kỳ Đại hội Đảng 2022.
Alex Payette nêu hai kịch bản giải quyết khủng
hoảng Evergrande của chính quyền Trung Quốc. Hoặc thông qua việc phân chia lại
cổ phần như đối với tập đoàn bảo hiểm An Bang, ngân hàng Baoshang (ngân hàng lớn
vừa bị tuyên bố phá sản cách đây một năm), hoặc cách chức ông Hứa Gia Ấn, và
chính quyền trở thành người nắm cổ phần đa số, và tập đoàn sẽ được « tái cấu
trúc ».
Theo Alex Payette, tính toán của ông Tập Cận
Bình là : khi các tập đoàn tư nhân lớn bị đẩy đến bờ sụp đổ, Đảng sẽ dễ
dàng có điều kiện buộc các công ty không có lựa chọn nào khác phải bán lại các
cổ phần cho chính quyền với những cái giá rẻ mạt. Tương tự như với tập đoàn tài
chính Ant của tỉ phú Jack Ma, tập đoàn Evergrande của tỉ phú Hứa Gia Ấn có thể
sẽ là một ví dụ « hoàn hảo » tiếp theo về những tệ nạn của giai cấp
tư sản, để Đảng biện minh cho việc « can thiệp, kiểm soát, và tái cấu trúc
khu vực tư nhân, nhân danh mục tiêu lý tưởng xây dựng sự ‘‘Thịnh Vượng
Chung’’ ».
Bảo vệ người dân Trung Quốc khỏi các hành động
thái quá của « cánh hữu », của « giai cấp tư sản », được
coi là lý do chính đáng giúp ban lãnh đạo Tập Cận Bình khẳng định quyền lực tuyệt
đối trong xã hội Trung Quốc. Chế độ của ông Tập Cận Bình vừa tạo nhiều cơ sở để
dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ khổng lồ ở tập đoàn địa ốc Evergrande, nhưng cũng
chính ban lãnh đạo Tập Cận Bình nắm trong tay chìa khóa để thâu tóm trở lại khu
vực kinh tế tư nhân, vốn ít nhiều đã xa rời khỏi sự kiểm soát của Đảng trong những
thập niên qua.
***
Các nội dung liên
quan
Trung
Quốc : Nguy cơ Evergrande sụp đổ, cái bóng Lehman Brothers trở lại
Evergrande,
bước ngoặt của phép lạ kinh tế Trung Quốc
No comments:
Post a Comment