Thượng
đỉnh ASEAN cuối tháng sẽ có một quyết định ‘lịch sử’?
11/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-asean-quyet-dinh-lich-su/6266107.html
https://gdb.voanews.com/3043d8a8-86e1-453b-9420-eb7d69c8754c_w650_r1_s.jpg
Biểu tình chống
quân phiệt ở Mandalay, Myanmar, tháng Bảy, 2021.
Từ 26 – 28/10/2021, Hội nghị thượng đỉnh (cấp
cao) của khối có thể sẽ không hoan nghênh Thống tướng Min Aung Hlaing, Chủ tịch
Myanmar tham dự Cấp cao lần thứ 38 và 39. Nếu điều này xảy ra,
thì đây sẽ là một quyết định “lịch sử” đối với ASEAN. Bởi vì, tổ chức này
xưa nay hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và chuộng tiếp cận can dự
hơn là đối đầu giữa các nước thành viên. Tại sao lập trường ASEAN có vẻ “cứng”
lên như thế?
Các Ngoại trưởng
thất vọng
Theo hãng tin Reuters, ngày 6/10/2021 các Ngoại
trưởng ASEAN đã thảo luận về quyết định sẽ trình lên 9 nhà lãnh đạo liên quan
(trừ Myanmar) đề xuất: sẽ không mời kẻ đứng đầu quân đội Myanmar, Thống tướng
Min Aung Hlaing, tham dự Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này. Nguyên nhân
các Ngoại trưởng đưa ra là do đã không có được tiến bộ nào đáng kể trong lộ
trình đã thống nhất trước đây nhằm khôi phục hòa bình tại đất nước có nguy cơ nội
chiến. Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Erywan Yusof, đồng thời là Đặc
phái viên của khối ASEAN tại Myanmar, cho biết như trên tại một cuộc họp báo
vào cuối tuần trước.
Ngoại trưởng Erywan giải thích: “Cho đến hôm
nay, không có tiến triển nào trong việc thực hiện ‘đồng thuận 5 điểm’. Điều này
có thể coi là một sự nuốt lời hứa và làm dấy lên nhiều quan ngại”. Nội
dung “đồng thuận 5 điểm” giữa Myanmar và ASEAN hồi 24/4/2021 là gì? Các
vị đứng đầu 9 chính phủ ASEAN bấy giờ: i) kêu gọi lập tức chấm dứt ngay bạo lực
ở Myanmar, ii) thả toàn bộ tù chính trị bị bắt, iii) tất cả các bên hết sức kiềm chế để tiến hành đối thoại
mang tính xây dựng; iv) cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian để thúc đẩy tiến trình đối thoại và v)
cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân thông qua Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch
bệnh (AHA). Ngay lúc bấy giờ, các nỗ lực của ASEAN liên kết với quân đội
Myanmar cũng bị chỉ trích bởi những người ủng hộ dân chủ, với một Ủy ban gồm
các nhà lập pháp Myanmar bị lật đổ, tuyên bố quân đội là một nhóm khủng bố và
nói rằng can dự của
ASEAN mang lại tính hợp pháp cho chế độ ấy.
Đặc phái viên Erywan cho biết thêm, chính quyền
quân sự ở Napidow đã không trực tiếp trả lời yêu cầu của ông, khi ông nêu vấn đề
gặp cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi 76 tuổi đang bị giam giữ, bà là người đại diện
cho chính phủ bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2/2021. Ông nói thêm rằng
ông đã đề xuất một chương trình cho chuyến thăm Myanmar của mình với Bộ trưởng
ngoại giao được bổ nhiệm vào quân đội Wunna Maung Lwin vào tuần trước, nhưng
chính quyền chưa phản hồi. Một nguồn tin thân cận với chính phủ Malaysia cho biết
đặc phái viên ASEAN sẽ không
có khả năng thăm Myanmar trước Hội nghị thượng đỉnh như mục tiêu ban đầu của khối.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ
cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 do nhà chỉ huy quân sự Thống tướng Min Aung Hlaing
lãnh đạo, kết thúc một thập kỷ dân chủ và đánh dấu sự trở lại của chế độ quân sự
đã gây ra sự phẫn nộ trong và ngoài nước. Theo con số thăm dò không chính thức,
hàng ngàn người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, và cũng hàng ngàn người đã
bị bắt, bị giam giữ qua các đợt trấn áp của lực lượng an ninh đối với các cuộc
đình công và biểu tình ủng hộ dân chủ. Tuy chính quyền quân sự cũng nói rằng
các ước tính đó đã được phóng đại và các thành viên của lực lượng an ninh của họ
cũng đã bị giết. Lộ trình của ASEAN bao gồm cam kết đối thoại với tất cả các
bên, cho phép tiếp cận nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch. Nhưng cuộc
họp các Ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tuần trước đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về
việc Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar (SAC), tên gọi chính thức của chính
quyền quân sự hiện nay, đã không thực hiện các cam kết như đã hứa.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Malaysia Saifuddin
Abdullah trên Twitter nói rằng nếu không có tiến triển, “sẽ khó có thể có chủ tịch
của SAC tại hội nghị cấp cao ASEAN”. Ông nhắc lại lập trường này tại Quốc hội
Malaysia và nói rằng đặc phái viên ASEAN đang làm “bất cứ điều gì có thể về mặt
con người” để đạt được tiến bộ trong lộ trình. Rõ ràng, các Ngoại trưởng thất vọng
sâu sắc về việc Myanmar đã không giữ cam kết trước đây về một kế hoạch hòa bình
đã được thống nhất với ASAEN. Phần lớn các nước trong ASEAN không ủng hộ cuộc đảo
chính ngày 1/2 và những cuộc đàn áp đẫm máu đối với các cuộc đình công và biểu
tình ủng hộ dân chủ. Những hành động bạo lực ấy đã làm trật bánh một thập kỷ
dân chủ được mong đợi và cuộc cải cách kinh tế được dự kiến.
Phía sau lập trường
cứng rắn
Các cường quốc trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ
và Liên hợp quốc, đã ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của đặc phái viên của Chủ tịch
ASEAN nhằm vận động chính quyền và các đối thủ của họ chấm dứt cuộc khủng hoảng.
“Nhưng không có tiến triển đáng kể nào ở Myanmar. Quân đội đã không đưa ra phản
ứng tích cực đối với những gì đã được Đặc phái viên nỗ lực”, Ngoại trưởng
Indonesia, Retno Marsudi, nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của các đồng
cấp trong khu vực. “Hầu hết các thành viên đều bày tỏ sự thất vọng”, bà Ngoại
trưởng Marsudi cho biết. “Một số quốc gia bày tỏ rằng ASEAN không thể tiến hành
cách hoạt động như thường lệ khi nhìn vào diễn biến này”. Bộ trưởng Ngoại giao
Singapore Vivian Balakrishnan cho biết đặc phái viên ASEAN đã thông báo tóm tắt
về những thách thức mà ông phải đối mặt ở Myanmar. Ông cho biết các bộ trưởng
đã thúc giục Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) hợp tác. Ngoại trưởng Malaysia
Saifuddin Abdullah trong một Tweet viết rằng trừ khi có tiến triển nếu
không “sẽ
rất khó để Chủ tịch của SAC có mặt tại Hội nghị cấp cao ASEAN”.
Các Ngoại trưởng Malaysia và Indonesia đại diện
cho các chính phủ đã dẫn đầu các nỗ lực của ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng
Myanmar. Ngay sau khi được bổ nhiệm, Ngoại trưởng Erywan hứa rằng ông sẽ tìm
cách tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi như một phần của tiến trình theo các cuộc
đuổi đối thoại “giữa tất cả các bên”. Nhưng một phát ngôn viên của quân đội
Myanmar nói với hãng tin AFP vào ngày 30/9 rằng sẽ “rất khó có thể cho phép tổ
chức các cuộc gặp gỡ hay viếng thăm với những người đang bị xét xử”. Bà Aung
San Suu Kyi 76 tuổi hiện đang bị giam giữ với một loạt các tội danh kỳ lạ, từ sử
dụng thuốc mê cho đến nhập khẩu trái phép máy bộ đàm. Những lời buộc tội này dường
như được thiết kế để gạt bà vĩnh viễn ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước.
Nếu các Nhà lãnh đạo ASEAN chấp nhận đề xuất từ
các Ngoại trưởng của mình, loại trừ Thống tướng Min Aung Hlaing ra khỏi Hội nghị
thượng đỉnh vào cuối tháng này, thì đây là một động thái rất có ý nghĩa đối với
ASEAN. Tổ chức này vốn nặng về truyền thống theo nguyên tắc đồng thuận và và
chuộng tiếp cận can dự hơn là đối đầu giữa các nước thành viên. Lịch sử lâu dài
của chế độ độc tài quân sự và các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Myanmar có thể
coi là một cuộc trắc nghiệm lịch sử đối với ASEAN. Khủng hoảng Myanmar thử
thách giới hạn của sự thống nhất và chính sách không can thiệp của khối
này. ASEAN
có chịu chuyển mình?. Đông Nam Á trong không gian “Indo-Pacific tự do và rộng
mở” (FOIP) có chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên mới? Hiệp định AUKUS, sự phục sinh
đối với QUAD (Bộ Tứ) và sự ra đời của Đạo Luật EAGLE (Bảo đảm sự Can dự và Vị thế
Lãnh đạo Toàn cầu của Mỹ)… Trước tất cả những biến động này, đã đến lúc ASEAN cần
phải chủ động thoát khỏi xú danh “Câu lạc bộ của các nhà độc tài”. Đồng
hồ đã điểm. Bây giờ hoặc không bao giờ!.
Tuy nhiên, lập trường của Bộ Ngoại giao Việt
Nam về vấn đề Myanmar vẫn chưa có chuyển biến gì rõ rệt. Trao đổi về tình hình
Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chuyến hỗ trợ nhân đạo
đầu tiên tới Myanmar là tiến triển đáng khích lệ nhằm hỗ trợ cho người dân ở
Myanmar; ủng hộ các nỗ lực của Chủ tịch ASEAN cũng như Đặc phái viên của Chủ tịch
ASEAN về Myanmar sớm triển khai nhiệm vụ và mong rằng Myanmar sẽ tạo điều kiện
thuận lợi để
Đặc phái viên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Tuyên bố kiểu như thế này là
một dạng bày tỏ lập trường “nước đôi”, không tỏ ra phản đối tập đoàn quân sự
Myanmar đảo chính cướp chính quyền, mà cũng không tỏ rõ lập trường can dự tích
cực như một thành viên ASEAN để vãn hội luật lệ. Lập trường này là sản phẩm của
chế độ toàn trị ở Việt Nam, một chế độ thù địch (tuy không bao giờ dám công
khai) đối với bất cứ tiến trình dân chủ hoá nào trong các xã hội quốc tế.
Nếu thật sự dân tộc Việt Nam có mong muốn tột
bậc, sao cho “biển nước mắt” của mình vơi bớt đi, thì hãy tìm cách ủng hộ cuộc
đấu tranh phục hồi dân chủ ở Myanmar, nên noi gương các dân tộc Đài Loan, Hàn
Quốc và Nhật Bản. Đó thực sự là những quốc gia “dẫn dắt” các dân tộc Á Đông
khác đang bị kìm hãm trong mối hiểm hoạ Hán hoá, còn loay hoay với các vấn nạn
như “ngai vàng”, “nhược tiểu” và “ngoại bang”. Tiếc rằng, dân tộc Việt Nam chưa hội đủ lòng dũng cảm, đức
can trường và tầm nhìn xa như dân Miến Điện, nên đành sống kiếp lưu đày ngay
trên quê hương xứ sở. Làm sao chính quyền Việt Nam dám ủng hộ dân
Myanmar khi có tin những ngày sau đảo chính, người ta thấy bóng dáng của quân
lính Trung Quốc trên đất nước Myanmar, cho dù Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar đã
bác bỏ tin này?
No comments:
Post a Comment