Thuế tài sản,
cái gân gà của chế độ Trung Quốc và Việt Nam
Hiếu
Chân/Người Việt
October 22, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/thue-tai-san-cai-gan-ga-cua-che-do-trung-quoc-va-viet-nam/
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn sử dụng
thuế thổ trạch để làm giảm tình trạng đầu cơ nhà đất đang đẩy thị trường bất động
sản nước này tới bờ vực sụp đổ, nhưng ông ta đang gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ.
Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ muốn thử nghiệm thuế tài sản ở Thanh
Hóa nhưng bị từ chối. Vì sao vậy?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/A1-Thue-tai-san-Trung-Viet-1068x711.jpg
Chenggong, một
thành phố ma gần Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được coi là thành phố ma lớn
nhất Châu Á, có rất nhiều chung cư, cao ốc được xây lên mà không có người ở vì
người mua chủ yếu để đầu cơ. (Hình: Visual China Group via Getty Images)
Thuế nhà đất, còn gọi là thuế bất động sản,
thuế thổ trạch, thuế tài sản… là sắc thuế mà chủ nhà phải đóng tùy theo giá trị
của ngôi nhà, nhà càng có giá cao thì thuế phải đóng càng nhiều. Ở Mỹ, tùy theo
tiểu bang mà thuế nhà đất hằng năm có thể từ 1% cho đến 4% giá trị của ngôi
nhà. Ở một số nước Châu Âu như Đức, chủ nhà không phải đóng thuế hằng năm cho
ngôi nhà đang ở, nhưng phải đóng thuế rất nặng cho các ngôi nhà thứ hai, thứ
ba, và đóng thuế lợi tức khi bán nhà có lời. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng,
thuế nhà đất có thể làm nản chí các nhà đầu cơ địa ốc, có tác dụng kéo giá nhà
xuống phù hợp với túi tiền của những gia đình cần chỗ ở trong khi hạn chế đầu
cơ và như vậy góp phần tạo lập công bằng xã hội.
Bong bóng bất động
sản
Nhưng ở Trung Quốc và Việt Nam, thuế tài sản
là một thứ gân gà, bỏ thì không được mà nuốt cũng không trôi.
Ở Trung Quốc và Việt Nam trước đây, nhà ở đô
thị thường là các khu tập thể do nhà nước hoặc công ty cất lên, bán cho người
dân với giá rẻ hoặc cho thuê dài hạn. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, ở
Trung Quốc từ năm 1976 và Việt Nam chậm hơn khoảng 10 năm, chính sách “bao cấp”
về nhà ở không còn nữa; người dân tự mua đất và cất nhà.
Đất đai vẫn thuộc “sở hữu toàn dân” nhưng người
dân có thể mua được “quyền sử dụng đất” và cất nhà theo sở thích của mình. Sự
bùng nổ dân số đô thị làm cho nhu cầu về nhà ở tăng lên rất nhanh; tăng trưởng
kinh tế và thu nhập đẩy giá nhà lên, vượt khỏi tầm tay của đa số người trong xã
hội.
Và trong khi hàng triệu công nhân từ nông thôn
ra vẫn sống chui rúc trong các khu xóm trọ chật hẹp và bẩn thỉu thì tầng lớp
giàu có ở đô thị liên tục đổ tiền vào bất động sản. Gửi tiền ngân hàng thì bị mất
giá vì lạm phát, thị trường chứng khoán chỉ là sòng bạc bị các thế lực thao
túng; người có tiền còn mua đất đai nhà cửa, căn chung cư, coi đó như một cách
giữ tài sản, hoặc một phương thức làm ăn sinh lợi do giá nhà đất chỉ có tăng
liên tục mà không hề giảm.
Nhu cầu về nhà ở, đất ở thúc đẩy chính quyền
các địa phương bắt tay với các công ty phát triển bất động sản biến các khu đất
công cộng thành đất xây nhà ở, san lấp ao hồ, và “giải tỏa” các khu dân cư lâu
đời, thậm chí các di tích văn hóa-lịch sử, lấy đất xây lên những khu nhà mới,
nhiều tầng, khang trang hơn để bán cho những nhà đầu cơ.
Bán đất còn là nguồn thu chính cho ngân sách của
các tỉnh thành và nguồn tiền tham nhũng cho các quan chức, là căn cứ sinh ra những
tập đoàn, công ty khổng lồ mà phương thức kinh doanh cốt lõi là câu kết với nhà
cầm quyền để chiếm đất giá rẻ, xây dựng khu thương mại và nhà ở để bán giá cao
trong một thị trường đầu cơ địa ốc lúc nào cũng sốt hừng hực.
Các tập đoàn này thậm chí không cần vốn liếng
mà có thể liên kết với ngân hàng và thu tiền của người mua nhà khi dự án mới chỉ
là bản vẽ được chính quyền phê chuẩn. Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande Group) đang
có nguy cơ phá sản vì không trả được món nợ $300 tỷ ở Trung Quốc hoặc các tập
đoàn Vingroup, Sun Group, Novaland, Mường Thanh… ở Việt Nam là những tập đoàn
như vậy.
Truyền thông quốc tế cho biết, các tập đoàn bất
động sản Trung Quốc hiện ngồi trên núi nợ khoảng $5,000 tỷ; chưa có con số
chính thức về núi nợ của các công ty bất động sản Việt Nam nhưng con số chắc chắn
không hề nhỏ.
Cách vận hành như vậy của thị trường bất động
sản có điểm tích cực là làm thay đổi bộ mặt các thành phố, khang trang và tân
tiến hơn, nhưng đẩy vô số người nghèo ra khỏi nơi cư trú lâu đời của họ với số
tiền bồi thường rẻ mạt, bị biến thành “dân oan” mất nhà mất đất, đội đơn khiếu
kiện từ năm này sang năm khác. Bất bình đẳng xã hội ngày càng gay gắt. Đầu cơ bất
động sản cũng hút kiệt nguồn lực tài chính, làm cho các ngành sản xuất và dịch
vụ khó có thể vay tiền để mở rộng hoạt động, tạo việc làm.
Thị trường bất động sản phục vụ nhà đầu cơ như
vậy cũng làm phát sinh hiện tượng “thành phố ma” – những khu đô thị khang trang
đầy đủ tiện nghi nhưng không có người ở. Trung Quốc hiện có hàng trăm thành phố
ma như vậy với khoảng 65 triệu đơn vị nhà ở bỏ hoang, đủ chỗ cho toàn bộ dân số
nước Pháp mỗi người một căn nhà.
Ở Việt Nam, hiện tượng “sốt đất ảo” cứ bùng
lên liên tục khi nhà cầm quyền liên tục tung ra những thông tin xây dựng dự án ở
chỗ này, chỗ kia khiến dân đầu cơ địa ốc nháo nhào đi mua đất, mua nhà gần các
khu vực dự án, để rồi bỏ hoang cho cỏ mọc, chờ sau này bán lại kiếm lời. Số người
dân đô thị sở hữu nhiều hơn một ngôi nhà, một lô đất đã trở thành một chuyện phổ
biến ở các thành phố Trung Quốc và Việt Nam, và như một quy luật, người càng có
chức vụ cao trong guồng máy công quyền thì càng có nhiều nhà đất ở những vị trí
đắc địa, đó là tài sản bề nổi của họ.
Trong một môi trường kinh doanh như vậy, khi
có một thảm họa do thiên tai (sóng thần, bão lũ) hoặc nhân tai (dịch) hoặc khi
nhà cầm quyền đột ngột thay đổi chính sách thì thị trường nhanh chóng bị chao đảo,
giá nhà đất rớt xuống và nhiều người trắng tay hoặc lâm vào cảnh nợ nần. Tập
đoàn Evergrande của Trung Quốc đang ở trong hoàn cảnh bi đát như vậy khi ông Tập
Cận Bình đưa ra biện pháp siết chặt thị trường bất động sản, trong đó có việc
ban hành sắc thuế thổ trạch, và kềm hãm bong bóng giá nhà đất.
Vì sao ông Tập phải
lùi một bước?
Chủ Tịch Tập Cận Bình có lý khi nhận xét: “Nhà
ở là để ở, không phải để đầu cơ.” Và ông quyết định Trung Quốc phải ban hành
thuế thổ trạch để vừa tăng nguồn thu cho ngân khố quốc gia, vừa hạn chế đầu cơ
nhà đất, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Đúng ra Trung Quốc đã từng thí điểm thực hiện
thuế thổ trạch ở hai thành phố Thượng Hải và Trùng Khánh từ năm 2011 nhưng chỉ
đánh thuế vào căn nhà thứ hai, thứ ba; bây giờ ông Tập muốn mở rộng ra toàn bộ
nước Trung Quốc với quy định về thuế cứng rắn hơn. Ông đã cử Phó Thủ Tướng thứ
nhất Hàn Chính (Han Zheng) lập kế hoạch, soạn thảo và ban hành thuế thổ trạch.
Tuy nhiên, quyết định của ông đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quan chức
trong đảng Cộng Sản và cả trong xã hội Trung Quốc.
Nhiều quan chức cho rằng mức thuế như vậy có
thể làm giảm giá nhà đất, khiến chi tiêu của người tiêu dùng lao dốc và gây tổn
hại nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung. Hơn 90% các gia đình ở thành thị
Trung Quốc sở hữu nhà riêng, tới 80% tài sản gia đình của Trung Quốc gắn liền với
bất động sản; giá trị bất động sản sụt giảm có thể khiến chủ nhà cảm thấy nghèo
hơn và giảm chi tiêu.
Sự phản đối mạnh nhất đến từ các quan chức
trong guồng máy chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, những người sở hữu nhiều
nhà đất và không muốn chi nhiều tiền để đóng thuế cho các bất động sản đó. Sự
phản đối cũng đến từ chính quyền các địa phương. Nếu hạn chế đầu cơ bất động sản
thì số đất bán ra tất nhiên sẽ giảm xuống, ảnh hưởng xấu tới nguồn thu ngân
sách và cả túi tiền của các quan chức lãnh đạo.
Năm ngoái, việc bán đất cho các công ty bất động
sản đã mang lại cho chính quyền các địa phương Trung Quốc hơn $1,000 tỷ. Năm
nay, theo công ty nghiên cứu Rhodium Group được báo The Wall Street Journal
trích dẫn, các giao dịch đất đai ở Trung Quốc đang giảm xuống mức kỷ lục. Ở
thành phố Quảng Châu chẳng hạn, chính phủ chỉ bán được chưa đến một nửa trong số
48 lô đất được đưa ra đấu giá vào cuối Tháng Chín và chỉ có năm lô đất được bán
cao hơn giá chào bán. Dựa trên dữ liệu giao dịch từ 100 thành phố, phân tích của
Rhodium cho thấy doanh số bán đất đã giảm 43% trong ba tuần đầu tiên của Tháng
Chín so với năm trước, làm gia tăng thêm những căng thẳng về tài chính của nhiều
địa phương.
Vấp phải phản ứng mạnh của xã hội, ông Tập Cận
Bình đã phải tạm hoãn quyết định về thuế thổ trạch. Kế hoạch của Phó Thủ Tướng
Hàn Chính thí điểm thu thuế thổ trạch ở 30 thành phố lớn của Trung Quốc nay bị
rút xuống còn 10 thành phố và có nguy cơ không thực hiện được nữa.
Và Việt Nam vẫn
bàn lùi…
Ở Việt Nam, nhà cầm quyền đã nhiều lần tính tới
việc thu thuế thổ trạch, gọi là thuế tài sản, nhưng đều không thể ra luật được
vì vấp phải sự kháng cự của thành phần quan chức của chế độ – những người sở hữu
nhiều nhà đất có giá trị và cũng là những người hoạch định và thi hành chính
sách thuế.
Hà Nội rất sốt ruột khi thấy số thu từ bất động
sản cả nước chỉ chiếm 0,036% GDP, rất thấp so với các nước trong khu vực và thế
giới. Nhưng dự luật về thuế tài sản được đưa ra Quốc Hội Cộng Sản bàn bạc năm
2000, rồi năm 2018 nhưng đều xếp xó vì không được các đảng viên trong Quốc Hội
đồng tình. Mới đây, tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 16 Tháng
Chín vừa qua, ông Vương Đình Huệ lại đề cập tới luật thuế tài sản và gợi ý lấy
tỉnh Thanh Hóa làm thí điểm thực hiện, nhưng ông Đỗ Minh Tuấn, chủ tịch tỉnh này,
khéo léo từ chối.
Ông Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên
Môi Trường – cơ quan quản lý đất đai của nhà nước Cộng Sản, giải thích: “Tôi biết,
có nhiều cán bộ quản lý cấp cao đều phản đối luật này lấy lý do động đến lòng
dân. Nhưng thực chất, nếu Luật Thuế Tài Sản được thông qua, sẽ tác động đến lợi
ích của những người cầm cân nảy mực, khiến họ không muốn quyết định,” báo Pháp
Lý trích dẫn.
Không đánh thuế thổ trạch thì ngân khố bị thất
thu, giới đầu cơ lũng đoạn thị trường bất động sản, nhưng đánh thuế thì mất
lòng các quan chức, đảng viên trung kiên của chế độ. Xem ra mâu thuẫn này không
dễ giải quyết trong mô hình chế độ độc tài, đảng đứng trên pháp luật và “đất
đai là tài sản của toàn dân.” Ở Trung Quốc đã vậy và Việt Nam càng như vậy. (Hiếu
Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment