Sunday, October 24, 2021

CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA COLIN POWELL (Ngô Nhân Dụng)



 

Cuộc hành trình của Colin Powell

Ngô Nhân Dụng

24/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/colin-powell-chien-tranh-viet-nam/6282854.html

 

https://gdb.voanews.com/AF4B4338-2961-417A-B020-0EE8E8186001_w650_r1_s.jpg

Tướng Colin Powell tại tượng đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, 11/11/2007.

 

Nghe tin ông qua đời, tôi mới nhớ ra Tướng Colin Powell là chính khách Mỹ duy nhất mà tôi đã ngồi nghe đọc một bài diễn văn từ đầu tới cuối. Nghe các nhà chính trị nói không phải là một điều thích thú gì vì mình biết họ chỉ nói để kiếm phiếu. Hồi ở Việt Nam tôi chỉ nghe hai nhà chính trị đọc diễn văn từ đầu tới cuối, vì làm việc cho chính phủ nên phải đến ngồi nghe. Các diễn giả lý luận rất sắc bén; nhưng giọng nói đều đều như các thầy giáo của họ không làm cho trái tim mình rung động một chút nào.

 

Colin Powell thì khác. Tôi tình cờ được nghe ông nói trong một bữa tiệc gây quỹ của Đại học Cal State Fullerton. Nghe Colin Powell nói tôi mới biết tài hùng biện của một chính khách ở xứ này. Ngay từ phút đầu, sau khi thực khách đã ăn đĩa tráng miệng, ông Powell đã lôi cuốn mọi người với những câu pha trò hấp dẫn mà tế nhị, không “rẻ tiền.” Giọng nói ấm áp, rõ ràng, lời lẽ giản dị. Trong nửa tiếng đồng hồ nghe ông, có lúc ai cũng phải bật cười, rồi khi được ông khích động những tình cảm cao thượng trong lòng, tất cả lại bùi ngùi cảm động.

 

Sau chiến thắng ở Iraq lần thứ nhất, năm 1991, Colin Powell là một ngôi sao đang lên. Ông trở thành Tham mưu trưởng Liên Quân trong hai đời tổng thống, George H.W. Bush và Bill Clinton. Nhiều người trong đảng Cộng Hòa đề nghị ông ra ứng cử năm 1996. Năm 1995 ông đã xuất bản cuốn tự truyện về “Cuộc Hành Trình” của mình, “My American Journey.” Các chính khách sắp ứng cử tổng thống đều chuẩn bị theo sách này. Tổng thống Bill Clinton lúc đó đang bị đàn hạch vì chuyện trai gái trong Tòa Bạch Ốc. Powell có nhiều hy vọng thắng, sẽ thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên là con của một di dân da đen!

 

Nhưng cuối cùng Powell không ứng cử. Có tin tiết lộ rằng bà vợ ông khuyên can. Mặc dù tư tưởng ông có khuynh hướng bảo thủ, nhưng bản chất ông chỉ là một người chỉ huy, một nhà quản trị. Ông khó thay đổi chính mình khi cần chiều theo thị hiếu của cử tri. Cũng không mang một “ngã mạn” đủ mạnh để thu hút quần chúng vốn thích những “người hùng.” Nhưng một lý do khác, có thể vì ông và bà Alma Johnson Powell nghĩ rằng dân Mỹ chưa sẵn sàng bầu một tổng thống da đen.

 

Bà Alma Johnson sanh ra ở Birmingham, Alabama, nơi tinh thần kỳ thị chủng tộc rất mạnh; các nhóm “da trắng thượng đẳng” từng đốt nhà thờ của người da đen. Bố mẹ ông di cư từ Jamaica, Powell may mắn sanh ra ở Harlem năm 1937, lớn lên ở South Bronx, New York, chung quanh toàn là di dân đủ thứ sắc tộc, không ai quan tâm đến màu da hay tôn giáo của người hàng xóm. Ông gia nhập quân đội, nơi mọi người được đối xử bình đẳng hơn bên ngoài. Đó là “gia đình” thứ nhì của ông, suốt đời. Chỉ đến thời 1950, được thuyên chuyển tới căn cứ Fort Benning, tiểu bang Georgia ở miền Nam, ông mới nếm mùi bị phân biệt chủng tộc.

 

Trong cuốn tự truyện Powell kể lại, “Tôi có thể đến tiệm Woolworth mua cái gì cũng được, nhưng không được phép vào quán ăn, … không được bước vào phòng vệ sinh dành cho người da trắng.” Một bữa ông ra khỏi căn cứ, ghé vào một quán hamburger. Biết người da đen không được vào trong tiệm, ông đứng ngoài cửa sổ đặt món ăn. Cô gái da trắng bên trong, muốn giúp ông, hỏi: “Ông là người Puerto Rico?” “Không.” “Ông là sinh viên Phi châu du học?” “Không. Tôi là một sĩ quan, người Mỹ, Da đen, I’m a Negro.”

Cô gái phân trần: “Tôi từ tiểu bang New Jersey, miền Bắc xuống đây. Tôi không biết tại sao, nhưng người ta bảo tôi không thể bán thức ăn cho ông.”

 

Quán hamburger này không bán cho “negro.” Cô đề nghị sẽ đem cái bánh ra cửa sau đưa ông, cho khuất mắt mọi người. Nhưng Colin Powell từ chối, không chấp nhận giải pháp “đi cửa sau.”

 

Colin Powell đã đi cửa trước, cứ thế tiến tới. Hai lần chiến đấu ở Việt Nam, lên đại tướng, là người trẻ tuổi nhất nhậm chức tham mưu trưởng, làm Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Reagan, làm bộ trưởng ngoại giao thời Tổng thống George W. Bush. Ông được gắn Huy chương Tự Do (Presidential Medal of Freedom) hai lần.

 

Năm 1991 Colin Powell nổi bật khi quân Mỹ đánh đuổi quân Iraq ra khỏi xứ Kuwait. Quân Mỹ theo lệnh của Tổng thống George W.H. Bush (ông bố) đã dừng chân giữa sa mạc, cho tàn quân Iraq thoát chết chạy về nước. Mười năm sau, thời Tổng thống George W. Bush (con) đánh dấu một điểm “u tối” trong cuộc đời. Thuyết trình trước Liên Hiệp Quốc, ông chỉ lên các bức hình do vệ tinh nhân tạo chụp, tìm cách chứng minh cho cả thế giới thấy Saddam Hussein đã tích trữ các bom vi trùng và bom hóa học, có thể cả bom nguyên tử; để biện minh nước Mỹ phải tấn công Iraq.

 

Sau khi quân Mỹ chiến thắng, mọi người không thấy một thứ vũ khí hủy diệt tập thể nào. Cả Tòa Bạch Ốc, chính phủ Mỹ và Ngoại trưởng Colin Powell, đã tin tưởng vào các tin tình báo sai lầm. Chính phủ Anh và Liên minh NATO cũng tin như họ. Cuộc chiến Iraq kéo dài cho tới bây giờ.

 

Đó là một bài học cho Colin Powell. Trước khi tấn công, ông đã nói chuyện với Tổng thống Bush, nêu ra các vấn đề sẽ phải đối phó sau khi chiến thắng. Nhưng sau khi quân Mỹ đánh bại Saddam Hussein, mọi công việc được trao cho Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, và người của ông ta là Paul Bremer. Mọi quyết định ở ngoài tầm tay của ông ngoại trưởng. Ông Rumsfeld ra lệnh giải tán quân đội Iraq, hàng trăm ngàn người bỗng dưng thất nghiệp, dần dần biến thành quân khủng bố. Khi dân chúng Iraq kéo tới phá cả viện bảo tàng để hôi của, ông Rumsfeld phủi tay, coi đó là chuyện thường tình. Powell không được hỏi ý kiến lần nào.

 

Từ đó Powell nhận ra rằng quân đội không phải là thứ “khí cụ” giản dị cho các vị tổng thống Mỹ an bài việc thế giới. Từ đó, xuất hiện một “Lý thuyết Powell” về chiến tranh. Ông chủ trương nước Mỹ chỉ nên tham chiến khi không con đường nào khác. Trước hết, phải xác định rõ ràng mục tiêu của cuộc chiến, một mục tiêu chắc chắn có thể đạt được, và phải có sẵn một chiến lược rút lui. Cuộc chiến tranh phải có một mục tiêu chính trị rõ ràng, được dân chúng trong nước và được các nước đồng minh ủng hộ. Phải sử dụng tất cả sức mạnh kinh tế, tài chánh cho cuộc chiến với một lực lượng quân sự bảo đảm thành công chắc chắn.

 

Colin Powell lớn lên trong một nước Mỹ đang thay đổi. Cha mẹ ông được hưởng chính sách mở cửa thâu nhận di dân. Ông nhập ngũ mười năm sau khi quân đội không còn phân chia các đơn vị theo màu da. Ông rất hãnh diện cả cuộc đời ông được dạy dỗ tại các trường công lập, kể cả trường Đại học Thành phố New York (City College of New York).

 

“Tôi là một sinh viên CCNY tiêu biểu. Ngôi trường được lập ra để đón nhận các thanh niên nam nữ của các gia đình di dân nghèo. Các bạn học của tôi có khả năng không kém gì những sinh viên Harvard, Yale hay Princeton. Họ chỉ thua kém vì gia đình không có tiền và thiếu quan hệ móc nối. Nhưng khi ra trường họ vẫn có thể cạnh tranh và qua mặt các cựu sinh viên những đại học lớn nhất nước.”

 

Thành công trong cuộc đời của Colin Powell là một bài học cho con cháu các di dân. Có người coi ông là một bằng chứng nước Mỹ không còn vấn đề màu da nữa, nhất là sau khi con một di dân da đen đã được bầu làm tổng thống. Thực ra trong xã hội vẫn nhiều người còn mang tâm lý phân biệt chủng tộc, có lúc họ cũng rất lớn tiếng. Trong nước Mỹ vẫn có những người giàu càng giàu thêm, nhiều người nghèo từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng phải công nhận xứ sở này cho mọi người nhiều cơ hội thay đổi và tiến lên. Con cháu người Việt tị nạn ở Mỹ có thể coi Colin Powell là một tấm gương đáng noi theo. Chính các thế hệ di dân nối tiếp nhau góp phần làm nước Mỹ tiến bộ hơn, nhân đạo hơn, và hòa hài hơn nữa.






No comments: