Thursday, October 28, 2021

THOÁT MẶC CẢM HÁN-VIỆT (Nguyễn Hữu Nghĩa)

 


THOÁT MẶC CẢM HÁN-VIỆT  

Nguyễn Hữu Nghĩa 

27/10/2021  10:13   

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10220142071962038&id=1233038595&m_entstream_source=permalink

 

Nghĩ vụn bên cốc cà phê sáng:

THOÁT MẶC CẢM HÁN-VIỆT

Nguyễn Hữu Nghĩa

 

Chữ và tiếng hán-việt là chữ Việt gốc Hán. Nhiều vị chủ trương nên bỏ quách tất cả các chữ gốc Hán đi để giữ cho văn hóa Việt được “độc lập”, ít nhất trong giai đoạn cần thoát Trung. Nghe thì rất phải, rất đúng, rất yêu nước, nhưng có cần phải làm vậy không, làm được không và làm tới mức nào?

 

Có cần phải loại trừ chữ và tiếng Việt gốc Hán trong văn tự và ngôn ngữ Việt Nam không? Tôi nghĩ, chắc chắn là không. Lý do là tuy gốc Hán nhưng nó đã trở thành chữ Việt, tiếng Việt, đọc theo lối Việt và chỉ có người Việt mới hiểu được. Thí dụ tên tôi, Nghĩa, nếu tôi viết theo phức thể hay theo giản thể và đọc là /yì/ theo quan thoại thì hầu hết người Tàu hiểu; nhưng nếu tôi viết “Nghĩa” và đọc là /nghĩa/ thì chỉ có người Việt hiểu và người Tàu không thể hiểu. “Nghĩa” đã là chữ Việt, không ai có thể đòi tại sao phải “trả” hay bỏ đi? Đa nghi một chút, tôi có thể đặt hỏi: hay có âm mưu gì chăng? Mượn cớ yêu nước để huỷ hoại phần lớn chữ và tiếng Việt hiện tại để dọn đường cho mai sau, thay vì “nghĩa” thì phải viếtvà đọc là /yì/ chăng?

 

Một lý do nữa để không cần bỏ chữ và tiếng hán-việt, vì sẽ làm nghèo đi, rất nghèo, tiếng Việt. Các dân tộc trên thế giới, từ những nước giàu mạnh đến những nước nhỏ yếu, đều du nhập tiếng nước ngoài để làm giàu cho kho ngữ vựng. Người Nhật đã dùng “pasokon” để nhập “personal computer”, intanetto để nhập “internet” hay “kamera” để nhập “camera”,.. họ có mặc cảm gì đâu!

 

Có người nói, bỏ hết hán-việt để giữ cho văn hóa Việt Nam được độc lập hoàn toàn.

“Để giữ cho văn hóa Việt Nam được độc lập hoàn toàn”? Bỏ quách các chữ hán-việt đi thì câu này còn lại bốn chữ: “để, giữ, cho, được” và phải tìm chữ nôm để thay “văn hóa”, “Việt Nam”, “độc lập”, “hoàn toàn”.

 

Thay “độc lập” bằng “đứng một mình” thì tàm tạm được; nhưng còn “văn hóa”? Văn học và giáo hóa? Học chữ và dạy chữ? “Văn hóa” rộng hơn thế rất nhiều. Nếu phải cắt nghĩa cho đầy đủ e phải một câu dài, và nếu trong khi không thể cắt nghĩa thật ngắn và không được dùng bất cứ một chữ hán-việt nào thì tôi chịu thua! Lại còn “hoàn toàn” nữa, đã hết đâu! Chỉ riêng một việc thay chữ “giải thích” bằng “cắt nghĩa”, tôi đã phạm lỗi hán-việt tới phân nửa: còn vướng chữ “nghĩa” trong “cắt nghĩa”!

 

Nếu bỏ quách tất cả chữ hán-việt thì ngay cả tên nước Việt Nam cũng sẽ không còn, và khoảng 95% tên người Việt cũng biến mất. Tên họ tôi (Nguyễn Hữu Nghĩa) có thể tạm thay bằng “Gốc Có Phải”, nhưng tên của rất nhiều vị khác có thể sẽ rất khó thay, thí dụ ký giả Sơn Tùng, thay “sơn” bằng “núi” thì dễ, nhưng “tùng” (cây tùng) không có trong tiếng thuần Việt, làm sao thay? “Sơn Tùng” thành ra “Cây …Gì Ấy Trên Núi” chăng? Dài quá, nghe không xuôi!

 

Tên họ người Việt, bỏ bớt cái họ phiền phức đi, chỉ giữ mỗi cái tên nôm như Tèo, Thơm, Bông, Được, Đủ, Giàu, Phải,.. cũng không sao, đó là chuyện riêng của từng người; nhưng còn cả một kho văn học Việt viết bằng chữ Hán và Nôm do người xưa để lại, sẽ ra tro ra khói! Cái kho đó lớn lắm, có tới 20 thế kỷ xây dựng và hiện tại dân tộc Việt có thể là dân tộc duy nhất phải đọc văn học cổ của nước mình qua bản dịch, chuyển ngữ từ hán nôm sang chữ viết bằng mẫu tự la-tinh (và ngay trong mẫu tự la-tinh cũng có chữ /y/ của Hi Lạp, ai đô hộ ai đây?) Chúng ta đã chuyển đổi được bao nhiêu phần trăm từ cái kho đó để hiểu rõ hơn về văn hóa, bản sắc dân tộc? Và bây giờ làm giùm giặc Tàu xâm lược cái việc phế bỏ tất cả chăng?

 

Trước kia, mỗi khi cướp được nước ta, giặc Tàu vừa đốt vừa khuân về nước họ khá nhiều; đó là tội ác nhân văn của giặc. Khi cộng sản thoạt đầu chiếm được nửa nước, rồi chiếm luôn cả nước Việt Nam, đã dùng nhãn hiệu “bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động” để đốt thêm một mớ nữa. Nay tới phiên chúng ta, khêu gợi lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc để đốt tiếp những gì còn sót lại chăng? Chắc chắn là không!

 

Nên nhớ, văn hoá của nhân loại ngoài tính cách tự phát, còn do sự giao lưu giữa các sắc tộc, các vùng địa lý và quốc gia. Trong tiếng Việt hiện dùng, có bao nhiêu tiếng gốc Quảng Đông (vùng biên giới phía Bắc), Triều Châu (cực Nam), tiếng Mường, Mèo, Thái, Chàm, Miên, Pháp, Mỹ và bây giờ Hàn, Nhật.

 

Chúng ta thoải mái dùng a xít (acide), ba tê (pâté), ban công (balcon), (nhà) băng (banque), bê tông (béton), bi da (billard), bia, la ve (bière), bơ (beurre), búp bê (poupée), ca cao (cacao), cà nông (canon), cà phê (café), cà rốt (carotte), cà vạt (cravate), kem (crème), mỏ lết (molette), xúc xích (saussisse), ra dô (radio), xe tăng (tank), tắc xi (taxi), tôn (tôle), rượu vang (vin), xà lách (salade), xà phòng, xà bông (savon), xích lô (cyclo), xì líp (slip), xăng (essence), găng tay (gants), áo sơ mi (chemise), (áo) vét (veste, veston),.. mà không cần để ý tới gốc Pháp của nó.

 

Chúng ta hồn nhiên dùng bồi (boy), cao bồi (cow boy), câu lạc bộ (club), cúp (cup), phim (film), phông (fond), ti vi (TV),.. mà không có mặc cảm thần phục người Anh, Mỹ.

Ở miền Tây Nam phần, chúng ta nói “tía, số, hia, chế,..” mà không để ý kỳ thị các chữ “gia, tẩu, huynh, tỷ,..” phát âm theo Triều Châu.

 

Trong bộ chữ mà người Nhật dùng hiện nay vẫn có 1945 chữ Hán. Người Hàn sáng chế ra bộ mẫu tự Hàn, nhưng trong đó vẫn có 2000 chữ hán-hàn (chữ Hàn gốc Hán). Đó là hiện tượng giao lưu văn hóa.

 

Có khá nhiều từ (hơn một chữ) rõ ràng là hán-việt, tách ra từng chữ mà tra thì là chữ hán, nhưng ghép thành đôi thì tra mờ mắt trong các từ điển Hán, không thấy. Hóa ra phần lớn đó là chữ hán-việt, do người Việt lấy chữ Hán ghép lại mà dùng, như vô tuyến truyền hình (Tàu nói là điện thị), thủ tướng (Tàu nói là tổng lý), thành phố (Tàu nói là đô thị); còn phi công, sĩ diện,.. viết ra chữ Tàu đưa cho họ coi, họ lắc đầu, chẳng hiểu mô tê chi cả! Một số chữ khác, sau khi đi qua ải Nam quan thì dần dần biến nghĩa. Tàu nói “phương phi”, nghĩa là “thơm tho” thì ta dùng với nghĩa “béo tốt”; Tàu nói “bồi hồi” với nghĩa “đi đi lại lại” thì ta dùng với nghĩa “bồn chồn, xúc động”. Kiểu này thì ngôn ngữ đã bất đồng mà bút đàm cũng chẳng thông!

 

Lấy chữ Hán ghép lại mà dùng thì người Nhật có vẻ giỏi hơn ta. Chúng ta nói và viết hàng ngày những “bi kịch, ca kịch, cải biên, diễn xuất, đạo cụ, đăng tải, giao hưởng, nghệ thuật, nguyên tác, sáng tác, tác giả, tác phẩm, tạp chí, triển lãm, văn hóa, xuất bản,..” mà không để ý đó là tiếng …Nhật, do người Nhật ứng dụng từ chữ Hán, một số được phổ biến trở lại Trung Hoa rồi truyền sang Việt Nam, một số truyền thẳng vào nước ta thời đệ nhị Thế chiến.

 

Nói về mặc cảm thần phục qua chữ nghĩa, nhìn qua phương tây, các nước Âu Mỹ, nhất là người Anh, không hề có mặc cảm khi dùng mẫu tự La-Hi (24 La, 1 Hi), và trong tiếng Anh có rất nhiều tiếng cổ La Mã trong ngữ vựng pháp luật và tiếng Hi Lạp trong ngữ vựng y khoa, bên cạnh những tiếng ngoại nhập khác, trong số đó có cả “ao dai” (áo dài), “pho” (phở) hay “cha gio” (chả giò)!

 

Người Anh còn du nhập rất nhiều chữ la-tinh như “ad hoc” (đặc nhiệm), bona fide (nguyên thủy, thực chất); chữ Ý “al dente” (của thức ăn), alfrexso (thoáng đãng), dolce vita (cuộc sống nhung lụa); chữ Pháp: agent (nhân viên), amour propre (tự trọng), beau geste (cử chỉ đẹp); chữ Đức, blitzkrieg (dự định),.. Nếu kể ra cho hết những tiếng Anh gốc ngoại, có khi phải cần cả một cuốn tự điển mong mỏng. Đó là hiện tượng giao lưu văn hóa, giúp họ làm giàu kho ngữ vựng và họ chẳng những không hề có mặc cảm về chuyện đó mà ngược lại, còn tự hào.

 

Người Nhật cũng vậy. Supu là súp, sarada là xà-lách, hamu là giò tây (ham), masshurumu làm nấm (mushroom), radisshu là củ cải đỏ (radishes), shoppingu senta là trung tâm thương mại (shopping center),..

 

Bạn có thể nói, người ta không có mặc cảm vì người ta là nước lớn, người ta chiếm lấy để dùng chứ không bị đồng hóa. “Chiếm để dùng”, ý hay đấy. Thế, ông bà ta chẳng có câu “lấy giáo tàu đâm chệt” đó sao? Cũng là chiếm để dùng? Hay là dùng trong chiến tranh thì chẳng những được tha mà còn được tuyên dương, nhưng mượn để dùng trong văn học thì bị mắng!

 

Có một điều nên nói thêm, trong khi mượn chữ Hán để dùng, người Việt đôi khi tạo ra một nghĩa mới. Có nhiều chữ được dùng theo nghĩa mới, và đôi khi gây ra xung đột. Thí dụ, chúng ta có thể bảo một phụ nữ Việt Nam là “cô ấy, bà ấy rất lịch sự” thì đó là lời khen, nhưng nói với một người Tàu rằng mẹ hay vợ ông ấy “lịch sự” thì sinh chuyện lớn ngay, có khi đổ máu! “Lịch sự” trong tiếng hán-việt là “đẹp đẻ” hay “lễ phép”, trong tiếng Tàu đã biến nghĩa là “trải đời, thập thành” từ lâu! Đó là hiện tượng giao lưu và hiện tượng biến đổi.

 

Tại miền Nam trước năm 1975, báo chí đã tạo ra, hay dùng khá nhiều chữ mới phát xuất từ dân gian. Từ vụ bắt giữ dân biểu Trần Ngọc Châu nằm vùng tại Hạ viện, miền Nam có thêm chữ “dàn chào” trong ngoặc kép. Sau cuộc hành quân Lam Sơn tại Hạ Lào, miền Nam du nhập thêm động từ “bề” (nghĩa là giao hợp) từ tiếng Lào. Rồi “sức mấy”, từ ngôn ngữ dân gian trở thành bút hiệu viết biếm văn của một ký giả có tiếng tăm; tiếp theo là những “bỏ đi tám, ghế, ghế mẫu, khứa lão, xế, quái xế,..” ào ào xâm nhập chữ Việt và từ từ đi ra êm thắm. Đó là sức sống tự nhiên của ngôn ngữ, cái gì hay thì tồn tại, cái gì có tính cách trào lưu thì cứ tự nhiên lên cao rồi xuống thấp và tan biến.

 

Ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng có sức sống như loài san hô, biến đổi từng ngày, một số tiếng mới hiện ra, một số chữ có sẵn bị quên lãng, tuy vẫn còn đó nhưng rất hiếm khi dùng. Khi tôi dùng chữ “thúc phọc”, nhiều bạn văn tròn mắt bảo: “Quái thế! Sao không nói ngay là ràng buộc hay trói buộc, ai cũng hiểu?” Quả vậy. Chuyện “thê tróc tử phọc”, xưa quá rồi, bây giờ người ta nói “vợ con đùm đề”! “Bức thúc” cũng vậy. Bây giờ người ta nói trại ra thành “bức xúc”!

 

Nói về tiếng Việt gốc nọ gốc kia thì cũng nên nói về tiếng Việt lai nọ lai kia, gọi cho văn hoa và gọn gàng thì là “hỗn chủng”. Chữ hỗn chủng có hai cách: Cách thứ nhất là một chữ Việt đi cùng một chữ nước khác, láo nháo như cháo trộn cơm. Thí dụ như “vôi hóa, trẻ hóa” (Nôm ghép Hán), “ôm kế” (máy đo điện trở, ohm – Việt ghép Đức), “nhà băng” (Việt ghép Pháp), “game thủ” (Anh ghép Việt).

 

Cách thứ hai là chữ Hán ghép với một chữ Việt đồng nghĩa. Hiện tượng này rất phổ thông sau khi Ngô Thì Nhậm đưa ra bộ Tam thiên tự giải âm (Tự học toản yếu), coi như là bộ tự điển hán nôm đầu tiên của Việt Nam vào năm 1831, sau này được chuyển sang mẫu tự Việt la-tinh năm 1915: Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa, cự cựa, nha răng, vô chăng, hữu có, khuyển chó, dương dê, qui về, tẩu chạy,... Cứ như vậy mà học cho dễ nhớ, chữ hán đi trước, chữ thuần Việt thích nghĩa đi liền theo sau. Điều lạ lùng là khi đã nhớ rồi thì có người dùng luôn… cả hai. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn nói và viết: bao gồm, sống động, sinh đẻ một cách hồn nhiên. Đọc sách báo trong nước, tôi vẫn thấy người ta viết “vụ việc, in ấn” khi mà vụ là việc, ấn là in, cứ một Hán một Việt kè kè theo nhau rất gắn bó! Chính đây mới là trường hợp cần phải “thoát trung”, vì bỏ bớt chữ hán đi, câu văn vẫn đủ nghĩa: “Bác ấy in 10 nghìn cuốn sách” (bỏ chữ “ấn) hay “Việc ấy xảy ra như thế nào?” (bỏ chữ “vụ”).

 

Nói về việc chuyển Hán thành Nôm, vào thập niên 60, miền Bắc đã làm, trở thành quốc sách. Có khi họ chuyển cả câu hay cả nhóm chữ: “hỏa tiễn” thành “tên lửa”; “phi cơ trực thăng” thành “máy bay lên thẳng”. Có khi chuyển dở chừng, nửa nạc nữa mỡ: “thủy quân lục chiến” thành “lính thủy đánh bộ” thay vì “lính nước đánh cạn”!..

 

Lan man nãy giờ cả buổi, tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, việc giao lưu văn hóa, đặc biệt là chữ viết và tiếng nói, là hiện tượng tự nhiên, không nên có mặc cảm thấp kém hay tội lỗi. Thứ hai, tiếng hán-việt tự nó đắc dụng trong một số trường hợp, giúp cho nói và viết gọn hơn, mạnh hơn, trực tiếp hơn trong một bài diễn văn, nghị luận hay luật pháp, y như một số từ ngữ la-tinh trong văn chương Âu Mỹ, khi bàn về pháp luật, hay chữ Hi Lạp khi nói về y khoa. Mặt khác, ngược lại, trong đời sống hàng ngày, trong văn nói và tiểu thuyết, nếu chuyển chữ Hán thành chữ thuần Việt một cách thoải mái, thì lại đắc thế hơn. Thí dụ, chúng ta có thể nói: “Chính phủ cho thiết quân luật và ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc” nhưng không nói: “Nào, khẩn trương lên xe!” mà nói: “Lên xe ngay!” Ngược lại, không nên nói “Xưởng đẻ Từ Dũ” hay “Nhà ỉa chung” mà nói “Nhà bảo sinh Từ Dũ”, “Phòng vệ sinh chung” hay ít nhất: “Cầu tiêu công cộng.”

 

Trong mọi trường hợp khác, nếu dùng được chữ thuần Việt một cách lịch sự, giản dị, trôi chảy, ý nghĩa đại khái tương tự mà không quá dài dòng, kệch cỡm thì nên dùng. Thí dụ, cứ nói “mài sắt nên kim” thay vì “ma chử thành châm”; “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” thay vì “bất kiến quan tài, bất lưu nhân lệ”, “Không đội trời chung” thay vì “bất cộng đái thiên”, “Có bệnh thì vái tứ phương” thay vì “bệnh cấp loạn đầu y”, “Một cây làm chẳng nên non” thay vì “Cô thụ bất thành lâm”, “Lá rụng về cội” thay vì “diệp lạc qui căn”, “Hùm dữ không ăn thịt con” thay vì “hổ độc bất cật tử”, “Lòng lang dạ sói” thay vì “lang tâm cẩu phế”, “Cây có cội, nước có nguồn” thay vì “mộc hữu bản, thủy hữu nguyên”, “Sống gửi thác về” thay vì “sinh ký tử qui”, “Bới lông tìm vết” thay vì “xuy mao cầu tì”, v.v.

 

Gặp trường hợp bắt buộc phải dùng chữ Hán, cứ thẳng thắn mà dùng.

 

Tôi nhớ, khi Phong Trào Hưng Ca Việt Nam in áo thun với hàng chữ chống Trung Cộng xâm lược biển đảo Việt Nam, bên cạnh các chữ Anh, Pháp, Việt, anh chị em đã dùng chữ Hán, đúng cú pháp và dụng ngữ Hán: “Hoàn Ngã Hà Sơn” (trả ta sông núi), và mặc áo ấy đi vào các thương xá, siêu thị của người Hoa lục. Không một chút mặc cảm. Tất nhiên!

 

(nhn)

 

-------------------------------------

 

Xin giải thích với một số các bạn trẻ về câu hỏi: “Tại sao trong các bài tôi viết, tên quốc gia đôi khi lại viết chữ thường? Do cố ý hay sơ ý hay lỗi đánh máy?” Xin trả lời:

- Danh từ riêng, như tên người, tên đơn vị hành chánh (thành phố, tỉnh, quận, xã,..), tên quốc gia: viết hoa. Thí dụ: chú Hai, Nguyễn Văn Tèo, Đà Nẵng, hoặc Tây Ninh, Việt Nam.

 

- Danh từ riêng được dùng như tính từ, đứng trước một danh từ: viết thường. Thí dụ: mỹ kim (tiền Mỹ), anh văn (chữ Anh), anh ngữ (tiếng Anh), chữ hán-việt (chữ Việt gốc Hán).

 

- Danh từ riêng được dùng như danh từ chung, nên viết thường: chữ/tiếng hán-việt, nhưng viết hoa (tiếng Hán Việt, tiếng Anh, tiếng Việt,..) để dễ nhận ra, tránh lẫn lộn, cũng không hại gì, xin các nhà ngữ học đại xá!

 

.

19 BÌNH LUẬN  

 



No comments: