Monday, October 11, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 11/10/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 11/10/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

11/10/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/10/11/the-gioi-hom-nay-11-10-2021/

 

Nick Clegg, một giám đốc điều hành của Facebook, cho biết các thuật toán của công ty nên được điều chỉnh “nếu cần thiết theo quy định.” Khi phát biểu với CNN ông cũng cho biết Facebook sẽ cởi mở đối với việc thay đổi luật giới hạn trách nhiệm pháp lý của các nền tảng truyền thông xã hội đối với các bài đăng của người dùng. Mới tuần trước một cựu nhân viên Facebook đã điều trần trước Quốc hội rằng công ty cố tình nói giảm tác hại từ các sản phẩm của mình.

 

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết hòn đảo sẽ không cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc, sau khi Tập Cận Bình nhấn mạnh cần phải thống nhất trong hòa bình. Căng thẳng giữa hai nước leo thang kể từ khi có báo cáo lính thủy đánh bộ Mỹ đang huấn luyện quân đội Đài Loan để đẩy lùi lực lượng Trung Quốc. Bà Thái nói nước bà “là tuyến đầu của nền dân chủ”.

 

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen của Mỹ cho biết bà tin tưởng Quốc hội sẽ thông qua mức thuế doanh nghiệp 15% đối với các công ty lớn. Con số này đã được 136 quốc gia đồng ý vào ngày 8 tháng 10 và nhằm ngăn các công ty tránh thuế. Bà Yellen cho biết đề xuất có thể sẽ được thêm vào dự luật hòa giải ngân sách của Tổng thống Joe Biden.

 

Lãnh đạo chương trình hạt nhân Iran cho biết nước này đã sản xuất hơn 120kg uranium làm giàu ở mức 20%, cao hơn ước tính của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và vượt quá mức giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018, trong khi các chính phủ phương Tây khác cố gắng duy trì, còn Joe Biden rất muốn hồi sinh nó.

 

Tổng thống Czech Milos Zeman phải nhập viện chăm sóc đặc biệt, ngay giữa quá trình đàm phán chính phủ liên minh hậu bầu cử quốc hội. Đảng ANO của thủ tướng Andrej Babis thua đảng trung hữu “Together,” bên có thể đảm bảo được đa số với liên minh tự do “Cướp biển và Thị trưởng.” Tổng thống, vốn từng nằm viện tám ngày vào tháng trước, có nhiệm vụ dẫn đầu đàm phán.

 

Bầu cử quốc hội Iraq vừa khép lại — đánh dấu cuộc bầu cử đầu tiên ở nước này kể từ cuộc biểu tình hàng loạt chống tham nhũng và thất nghiệp vào năm 2019. Cuộc bỏ phiếu, đáng lẽ tổ chức năm sau, phải tổ chức sớm sáu tháng để đáp ứng người biểu tình. Nó sử dụng một hệ thống bầu cử mới, được cho là có lợi cho các ứng viên độc lập hơn. Dù vậy các đảng Shia chính vẫn sẽ thắng đa số.

 

Sebastian Kurz cho biết ông sẽ từ chức thủ tướng Áo. Hôm 6 tháng 10, một công tố viên đã đưa ông Kurz vào diện điều tra vì hối lộ liên quan đến các khoản thanh toán cho một tờ báo nhằm được đưa tin thuận lợi. Ông Kurz nói các cáo buộc mang động cơ chính trị. Ông đã đề xuất bộ trưởng ngoại giao Alexander Schallenberg lên thay ông.

 

Con số trong ngày: 305 triệu bảng, là mức giá mua lại CLB Newcastle United của một tập đoàn do Ả Rập Saudi hậu thuẫn.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Ấn Độ thiếu điện vì thiếu than

Hầu hết nguồn điện của Ấn Độ đến từ 135 nhà máy điện than và phần lớn trong số đó đang hoạt động với nguồn than chỉ đủ dùng cho chưa đầy ba ngày. Nhu cầu than đá tăng lên khi nền kinh tế Ấn Độ tự phục hồi sau làn sóng covid tồi tệ. Mức tiêu thụ điện tháng trước thậm chí cao hơn 6% so với tháng 9 năm 2019. Trong khi đó mưa trái mùa làm chậm quá trình khai thác và vận chuyển than, còn giá than toàn cầu lên mức cao kỷ lục vì nhu cầu cũng tăng ở Trung Quốc.

 

Chính quyền bang Rajasthan đã phải cắt điện liên tục kéo dài một giờ ở 12 quận để đối phó với tình trạng thiếu điện. Chính quyền các bang khác đang đề nghị Thủ tướng Narendra Modi giúp đỡ. Ông có thể muốn nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với năng lượng tái tạo trong thời gian khởi động cho COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên ông Modi cũng muốn Ấn Độ phục hồi ấn tượng.

 

IMF và WB họp thường niên giữa bê bối của Kristalina Georgieva

Thứ Hai đánh dấu khai mạc các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington, DC. Các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới sẽ họp một tuần đúng vào một thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu: thiếu năng lượng và các vấn đề chuỗi cung ứng đe dọa phục hồi kinh tế hậu covid-19 trong khi các nước nghèo chật vật với tiêm chủng.

 

Nhưng các cuộc đàm phán thực chất có thể bị che lấp bởi kịch tính trong nội bộ hai tổ chức. Tháng trước có thông tin cho thấy Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, đã cố ý cải thiện điểm số của một số nước trong báo cáo Kinh doanh thường niên của Ngân hàng Thế giới, nơi bà Georgieva từng làm việc, để xoa dịu các chính phủ khó tính như Trung Quốc. (Báo cáo có một bảng xếp hạng đánh giá mức độ dễ dàng kinh doanh ở các nước khác nhau trên thế giới.) Giờ đây bà phải đối mặt với áp lực từ chức. Nhưng câu chuyện đặt ra câu hỏi về tương lai của các tổ chức này và khả năng đóng một vai trò hữu ích cũng như phi chính trị của chúng trong một môi trường địa chính trị ngày càng biến động.

 

Đấu tranh quyền lực hậu bầu cử ở Iraq

Trong vài giờ nữa sẽ có kết quả cuộc bầu cử quốc hội hôm Chủ nhật của Iraq. Nhưng có thể mất nhiều tháng trước khi người Iraq biết ai sẽ điều hành đất nước. Sự hỗn tạp của các phe phái — hầu hết trong số họ có vũ trang — giờ đây sẽ bắt đầu tranh đấu xem ai nhận chức vụ nào (và ngân sách đi kèm). Họ cũng sẽ tranh nhau xem ai sẽ trở thành thủ tướng dễ uốn nắn nhất. Những người bảo trợ ở nước ngoài khác nhau của họ – Mỹ, Israel, Iran và các quốc gia vùng Vịnh – sẽ gây áp lực để đảm bảo có được một chính phủ thuận lợi.

 

Công chúng nhìn chung khá hoài nghi. Rất ít người Iraq tin rằng cuộc bỏ phiếu của họ có thể nới lỏng được thế kìm kẹp của các nhóm vũ trang người Kurd và Shia. Tỉ lệ cử tri đi bầu thậm chí không tăng dù có nhiều giám sát quốc tế hơn, nhiều biện pháp chống gian lận hơn và các khu vực bầu cử nhỏ hơn. Nền dân chủ vẫn tồn tại ở Iraq nhưng rõ ràng nước này không hề là ngọn hải đăng của nền dân chủ trong khu vực như người ta từng hy vọng.

 

Triển vọng chính trị Czech hậu bầu cử

Andrej Babis là một trong những người đàn ông giàu nhất Cộng hòa Séc và, kể từ năm 2017, là thủ tướng của nước này. Một cuộc kiểm tra của Ủy ban Châu Âu vào năm nay đã kết luận việc ông làm thủ tướng gây xung đột lợi ích. Các cuộc bầu cử quốc hội kết thúc vào thứ Bảy có lẽ đã giải quyết được vấn đề. Đảng ANO của ông Babis thua trước liên minh trung hữu “Together”, bên giành được 27,8% số phiếu bầu.

 

Thủ tướng phải đối mặt điều tra về cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền tài trợ EU bởi Agrofert, công ty do ông thành lập. Và chỉ một tuần trước bầu cử, vụ Pandora Papers cho thấy ông đã sử dụng các công ty vỏ bọc ở Quần đảo Virgin thuộc Anh để mua một biệt thự Pháp trị giá 22 triệu đô la. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.

 

Tuy nhiên, đàm phán liên minh có thể bị trì hoãn. Milos Zeman, tổng thống 77 tuổi của Cộng hòa Czech, đáng lẽ sẽ chủ trì đàm phán nhưng lại phải nằm viện chăm sóc đặc biệt vào Chủ nhật. Dù thế, chiến thắng của “Together” đã minh chứng cho một chiến lược cũng đang được triển khai ở các nước khác, bao gồm Hungary: các đảng dù có quan điểm chính trị khác nhau nhưng cùng hợp tác để đánh bại phe dân túy.




No comments: