Friday, October 8, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/10/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/10/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

08/10/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/10/08/the-gioi-hom-nay-08-10-2021/

 

PfizerBioNTech đã yêu cầu FDA phê duyệt vắc-xin covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi của họ. Nếu các cố vấn khoa học của FDA công nhận loại vắc-xin này tại cuộc họp cuối tháng, nó sẽ có thể được đưa ra thị trường từ tháng 11. Hai nhà sản xuất cho biết vắc-xin có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở trẻ em, tương tự như thuốc dành cho trẻ vị thành niên đã được phê duyệt.

 

Ireland đồng ý với thỏa thuận thuế toàn cầu do OECD làm trung gian theo đó tính thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty lớn. Nước này từ lâu phản đối thỏa thuận vì e ngại nếu bỏ mức thuế 12,5% – thuộc hàng thấp nhất ở các nước giàu – sẽ khiến các công ty rời đi, kéo theo việc làm và doanh thu. Ireland có thể giữ con số 12,5% đó cho các công ty có doanh thu dưới 750 triệu euro (867 triệu đô la).

 

Tòa án hiến pháp Ba Lan không công nhận luật EU cao hơn luật quốc gia của các nước thành viên. Ủy ban châu Âu ngay lập tức phản bác lại và cho biết phán quyết này gây nên “những lo ngại nghiêm trọng.” Phán quyết này rất thuận lợi cho đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền, trong bối cảnh đảng liên tục bị EU cáo buộc chính trị hóa tòa án và phá hoại pháp quyền.

 

Các nhà lập pháp từ hai đảng của Mỹ đã đạt được một thỏa thuận ngắn hạn để nâng trần nợ, qua đó ngăn vỡ nợ quốc gia trong 11 ngày tới. Đó là nhờ các thượng nghị sĩ Cộng hòa cuối cùng cũng hợp tác. Thỏa thuận này nới trần nợ lên thêm 480 tỷ đô la và bao gồm các khoản vay chính phủ cho đến ngày 3 tháng 12. Song về lâu dài Quốc hội cũng phải nâng trần nợ và tài trợ dài hạn cho chính phủ.

 

CIA sẽ thành lập một lực lượng cấp cao chỉ tập trung vào Trung Quốc, như đã làm trước đây với Liên Xô và al-Qaeda. Trung tâm Chỉ huy Trung Quốc (China Mission Centre) được thành lập đúng lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đó giám đốc CIA William Burns đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất chúng ta phải đối mặt”.

 

Đại diện đặc biệt của Nga về vấn đề Afghanistan cho biết Taliban sẽ được mời đến Moscow để đàm phán vào ngày 20 tháng 10, theo các hãng thông tấn Nga. Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Pakistan cũng sẽ tham dự. Cuộc họp này diễn ra đúng ngay sau cuộc họp G20 ngày 12 tháng 10 để thảo luận về tình hình nhân đạo ở Afghanistan. Có lẽ không quá ngạc nhiên nếu Taliban không tham dự.

 

Giải Nobel văn học năm nay được trao cho Abdulrazak Gurnah, người được Viện Hàn lâm mô tả là một trong những nhà văn hậu thuộc địa nổi bật nhất thế giới. Tác phẩm của ông được truyền cảm hứng từ kinh nghiệm bản thân khi ông chạy trốn khỏi đàn áp ở Zanzibar khi còn thanh niên. “Afterlives”, tiểu thuyết mới nhất của ông, lấy bối cảnh chế độ thực dân Đức ở châu Phi.

 

Con số trong ngày: 75 đô la, là mức giá cần đạt được cho một tấn carbon nếu muốn hiện thực hóa các tham vọng của Hiệp định Paris, theo ước tính của IMF. Mức trung bình toàn cầu hiện tại chỉ là 3 đô la.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Cuộc đua tổng thống Philippines bắt đầu nóng lên

Các ứng viên tổng thống Philippines vào năm tới phải đăng ký trước thứ Sáu. Có một nhân vật vẫn vắng mặt một cách kỳ lạ là Sara Duterte, con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, dù bà đang dẫn đầu thăm dò dư luận. Những người ủng hộ bà Duterte kỳ vọng bà sẽ có ý chí mạnh mẽ như người cha độc đoán và cực kỳ gây tranh cãi của mình. Ông Duterte có thể dựa vào bà để không bị truy tố vì cuộc chiến chống ma túy đã giết chết hàng nghìn người Philippines của ông.

 

Thật ra bà không phải cái tên nổi tiếng duy nhất trong cuộc đua. Ferdinand Marcos, con trai của nhà cựu độc tài Marcos, và Manny Pacquiao, trước đây là võ sĩ quyền anh vô địch thế giới, đều ra tranh cử. Nếu bỏ lỡ thời hạn đăng ký, bà Duterte vẫn có thể thay thế một ứng viên hiện tại nếu người đó rút lui. Đó chính là cách ông Duterte đã ra tranh cử tổng thống vào 6 năm trước.

 

Kinh tế Ấn Độ trở lại ấn tượng

Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4% tại cuộc họp thứ Sáu. Lạm phát đang ở mức 5,3%, và do đó thấp hơn mức trần trung hạn 6% của ngân hàng trung ương. Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đã tăng tốc, cho phép các trung tâm thương mại và văn phòng mở cửa trở lại. Nhu cầu hàng tiêu dùng dự kiến tăng đột biến trong mùa lễ hội khai mạc hôm qua, trong khi ngành dịch vụ, vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa thải, cũng đang tuyển dụng trở lại. Và mới tháng trước, Sensex, một chỉ số cổ phiếu gồm 30 công ty lớn nhất Ấn Độ, lên mức cao kỷ lục.

 

Hôm thứ Ba hãng xếp hạng Moody’s đã nâng cấp xếp hạng quốc gia của Ấn Độ từ “tiêu cực” lên “ổn định.” Họ dự đoán GDP thực tế sẽ về lại mức tiền đại dịch trong năm nay. Song không phải mọi thứ đều tốt đẹp. Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng lên 15% tổng khoản vay cho đến cuối năm tài chính của Ấn Độ vào ngày 31 tháng 3. Đó sẽ là tỷ lệ nợ xấu tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ này.

 

Tổng thống Pháp tổ chức thượng đỉnh châu Phi

Vào thứ Sáu, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh châu Phi với một bước ngoặt – không có nhà lãnh đạo châu Phi nào được mời. Thay vào đó, Achille Mbembe, một nhà văn người Cameroon chuyên chỉ trích chính sách châu Phi của Pháp, sẽ tổ chức một cuộc đối thoại giữa tổng thống Pháp và một nhóm người trẻ. Với khoảng 3.000 người tham dự hội nghị thượng đỉnh, ý tưởng là để cả hai bên có cơ hội nói lên những bất bình.

 

Căng thẳng Pháp-Phi đang ở mức cao. Pháp có một chiến dịch chống thánh chiến mạnh tay với 5,100 quân ở khu vực Sahel, mà ông Macron đang điều chỉnh và thu nhỏ lại. Điều này khiến chính phủ quân sự Mali nói Pháp bỏ rơi nước này. Vì lo ngại chính quyền có thể thuê hãng lính đánh thuê Nga Wagner, Pháp đe dọa thu hồi trợ giúp của quân đội quốc tế. Trong khi đó, ông Macron cũng khiến Algeria tức giận khi chỉ trích chế độ và cắt giảm số lượng thị thực cấp cho công dân nước này, cũng như cho người Maroc và Tunisia. Nói về mâu thuẫn là một chuyện. Giải quyết chúng lại là chuyện khác.

 

Thị trường lao động Mỹ phục hồi chậm chạp

Nước Mỹ đang thiếu hụt lao động trầm trọng, với khoảng 11 triệu vị trí vẫn đang trống. Các nhà kinh tế kỳ vọng con số này sẽ giảm vào tháng 9 khi trường học quay lại và trợ cấp thất nghiệp hào phóng hết hạn, thúc đẩy mọi người trở lại làm việc. Song biến thể Delta đang gây cản trở. Tuyển dụng đã chậm lại trong tháng 8, đặc biệt nặng nề trong các lĩnh vực có giao tiếp nhiều như giải trí và khách sạn. Khi Bộ Lao động báo cáo dữ liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 9 vào thứ Sáu này, giới quan sát dự đoán con số việc làm mới sẽ chỉ ở mức 300.000. Nếu vậy tỷ lệ thất nghiệp sẽ xuống còn 5,1%, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch là 3,5%.

 

Cục Dự trữ Liên bang muốn có bằng chứng cho thấy thị trường lao động đã phục hồi trước khi khép lại chương trình mua trái phiếu khẩn cấp. Nhưng có lẽ họ đã thấy đủ. Dù thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn, ngân hàng vẫn sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua vào khi họp trong tháng 11. Chủ tịch Jerome Powell cho biết ông chỉ cần thấy mức tăng “khá,” không nhất thiết phải “ngoạn mục.” Mối quan tâm lớn hiện tại của Fed là kiềm chế lạm phát.




No comments: