Saturday, October 23, 2021

PHIẾM CHUYỆN ĐẠO ĐỨC (Lê Huyền Ái Mỹ)

 


PHIẾM CHUYỆN ĐẠO ĐỨC   

Lê Huyền Ái Mỹ

23/10/2021  08:45  

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/276661824336259

 

Sáng 23-10, trong phiên họp tổ góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà cho rằng nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài.

 

Tôi nghĩ, bất cứ ai, làm nghề gì thì cũng cần phải có đức - một nhân tính căn bản, nó chẳng phải có trước hay sau bất kỳ đức tính, phẩm chất nào khác.

 

Còn đã là nghệ sĩ, ở đây chỉ tạm gói trong nghệ sĩ biểu diễn thì phải có tố chất tài năng sáng tạo -biểu diễn, tùy mỗi lãnh vực mà tài năng ấy là trời cho, là di truyền, là khổ luyện…

 

Tôi nghe kể lại, hồi những năm mới thống nhất, khi bàn về việc dựng Tiếng trống Mê Linh và các vở có đề tài lịch sử yêu nước chống ngoại xâm, có một số ý kiến lấn cấn việc đóng vai những anh hùng dân tộc lại giao cho nghệ sĩ… “ngụy”. Ông Dương Đình Thảo vừa cười vừa trả lời, không lẽ giờ mời chị Ba Định, chị Mười Thập vào đóng Trưng Trắc, Trưng Nhị là đúng nhất, hay nhất!

 

Một tài năng nghệ thuật đích thực, thường được chứa đựng trong một tâm hồn mẫn cảm trước con người, cuộc sống. Họ dễ dàng rung động bởi vẻ đẹp của vạn vật, quay quắt trước những nỗi thống khổ và khát khao đi tìm chân trời của tự do, tình yêu, dù nếm trải tận cùng sự vật vã, đau đớn…

 

Trong cơn mê sáng tạo ấy, đã “thức tỉnh” cái phẩm hạnh đạo đức của chính họ. Tôi không tin rằng, những kẻ bất chính, tìm cách chiếm đoạt danh vọng, tiền bạc, dối trá, phản trắc lại cố tô vẽ và tô vẽ thành công trong chiếc áo nghệ thuật. Bởi ngay những nét nguệch ngoạc đầu tiên, nghệ thuật đích thực đã tố cáo chúng; hoặc chúng tự lột mặt.

 

Còn quy ra “cần đức trước khi cần tài”, thì thú thật, với “mặt bằng” hiện nay, tài đã hiếm trong nghệ thuật, mà đức hạnh liệu có còn, có đủ trinh nguyên để được quyền phân xử, phán xét lấy ai?

 

Vậy nên, trong góp ý sửa đổi luật thì mới (và cũng chỉ) đi vào các chế định pháp lý để kiểm soát cái hiện trạng đang xảy ra. Còn đạo đức, nhất là phần đạo đức -xã hội của con người lại là hệ quả của cả một hệ sinh thái văn hóa -xã hội đã và đang tồn tại, vận động, biến thể…nó phản ảnh một phần nhưng lại khá trung thực về bộ mặt xã hội ấy. Luật, chả điều chỉnh được họ đâu, chỉ có thể là những “phụ lục” ràng buộc đính kèm.

 

Làm nghệ thuật, nói gì thì nói, cứ phải có cái tài đi đã. Tài không tới, cứ nhân danh nào “sáng tạo”, “được truyền cảm hứng từ” mà cho ra một “tác phẩm” như Kiều - rồi cũng đem đi dự thi bông sen bông súng thì eo ôi, đức có dày cũng “đố mày làm nên” tài cán tích sự gì!

 

Hoặc có khi, lại buồn buồn lên sóng chém gió chê bai người buôn bán online, kẻ làm nail là thấp kém. Nhẽ chẳng phải tài kém mà do đức của....cái tivi đã suy đồi!

 

.

19 BÌNH LUẬN   

 

.

=================================================

.

.

THẠC SĨ, TIẾN SĨ ĐỂ LÀM GÌ ?   

Trần Thị Sánh

23/10/2021  06:55   

https://www.facebook.com/giolunglay13/posts/3122505741366735

 

Hồi mình gần 40 tuổi, mấy đứa bạn làm báo rủ mình đi làm thạc sĩ, tiến sĩ. Mình hỏi lại: “Làm báo thì làm thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì”? Các bạn mình bảo: “Mày làm ở báo quốc doanh, báo mậu dịch cũng là cơ quan đoàn thể, tổ chức. Khi đề bạt lãnh đạo người ta cũng xét các tiêu chuẩn, trong đó phải là thạc sĩ, tiến sĩ mới có cửa chứ. Mày định để lũ dốt nát nó ngồi lên đầu, lên cổ mày à?”…

 

Mình nghĩ, các ngành nghề khác làm thạc sĩ, tiến sĩ còn có lý và còn cần thiết. Còn làm báo chỉ cần yêu nghề, giỏi nghề, viết hay và tâm huyết với nghề nghiệp chứ cần thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì? Chả lẽ dưới mỗi bài báo lại ghi thêm chức danh là thạc sĩ, tiến sĩ?

 

Thế rồi thời gian cứ trôi đi. Đúng là có kẻ dốt nát, học hành vớ vẩn, tiến sĩ nhố nhăng, viết câu không thành câu, không biết gì về báo chí, ngồi lên đầu, lên cổ mình làm lãnh đạo thật. Tuy nhiên, mình vẫn cứ yêu nghề, đi cơ sở, gắn bó và đồng hành với người lao động, người thợ trên các công trinh công nghiệp, nhà máy, gian khoan, học hỏi và biết thêm nhiều kiến thức mới lạ trên công trường như tổng thầu EPC, EPCI, BOT, tua bin, máy phát, bao hơi, roto, stato, siêu trường, siêu trọng, rồi công nghệ khai thác dầu khí, chế biến lọc hóa dầu, khai thác than, hầm mỏ, xi măng, hóa chất, phân đạm, cao su, cà phê … Không ít người nghĩ mình học xây dựng, bách khoa hay thủy lợi, kiến trúc…Chả mấy ai bảo mình học văn, học thơ và mộng mơ, lãng mạn lại thích đi công trường …

 

Thôi thì bằng lòng vậy, cầm lòng vậy, không thạc sĩ, tiến sĩ cũng là may, cũng chả sao. Tiến sĩ như bà nọ, ông kia mà dốt nát, huyênh hoang, nói năng lung tung, rồi copy, rồi ăn cắp kiến thức của người khác, rồi bị ném đá, ném gạch thì nhục nhã lắm …

 

Hà Nội đang vào cuối thu thật đẹp. Chúc cả nhà yêu quý mùa thu êm đềm, đầy hoa thơm quả ngọt, an lành và không phải hối tiếc, không phải băn khoăn gì nếu như không phải là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư …

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3122505708033405&set=a.1467793763504616

Ảnh tác giả

 

.

297 BÌNH LUẬN

.

====================================================

.

.

NHẦM LẪN CÓ TÍNH LỊCH SỬ 

Luân Lê

23/10/2021  04:43   

https://www.facebook.com/HienTheVoHinh/posts/3074431056133992

 

Học vấn và bằng cấp là hai vấn đề khác nhau. Học vấn liên quan nhiều tới nhận thức và văn hoá, bằng cấp là một vấn đề của công việc đào tạo và ngay cả nghề nào thì cũng cần có bằng cấp.

 

Người không được đi học vẫn có thể có học vấn và trình độ, ngược lại, bằng cấp có thể có nhiều nhưng trình độ hạn chế và cư xử vẫn như người vô học.

 

Trước hết cần phải nhận thức được khái niệm sau đó mới có thể bàn tới phạm vi của khái niệm mà nó tác động. Nhắc lại, học vấn và bằng cấp là hai vấn đề khác hẳn nhau, nó chỉ có một phần chung giao nhau là năng lực tư duy của con người.

 

Người ta thường phải học suốt đời và khả năng tự học là phẩm chất quan trọng nhất của đời người, chứ không phải bằng cấp (việc đi học theo chương trình đào tạo). Bằng cấp chỉ có tính giai đoạn và phạm vi hẹp hơn, có tính bước đệm hơn là phản ánh năng lực của họ.

 

Nghề nào cũng tốt và cần người tốt cũng như có năng lực thực sự để đảm nhận. Vì hiểu nhầm giữa học vấn và bằng cấp mà đến nay tình trạng kẻ có quyền chức giăng mắc đầy mình và đầy nhà những tấm bằng để tiến thân và loè bịp thiên hạ nhiều như nấm mọc sau mưa, mà thiệt hại chúng gây ra thì không thể đong đếm được.

 

Người phát ngôn câu này cần xem lại học vấn của mình và cả bằng cấp thực sự mà mình có. Vì người ta đã mang nghề nghiệp ra để định danh và định giá con người.

 

.

269 BÌNH LUẬN   

 

.

Ngọc Lương Thế

Đạo diễn Lê Hoàng nói gì?

Trước khi chửi, tôi hỏi có bao nhiêu người chửi Lê Hoàng mà đã nghe (và xem) câu nói gốc đầy đủ và đúng ngữ cảnh???

Khi câu nói miệt thị người làm "nail" đưa lên trên mạng gắn với mặt Đ D Lê Hoàng, tôi đã nghi nghi vì anh này không phải kiểu người ác hiểm như vậy...

Tìm lại bài báo gốc thì nhận ra cảm giác mình là đúng: câu nói này đã được cắt cúp, bị đưa ra khỏi ngữ cảnh và biến thành ý khác.

 

Trong chương trình "Có hẹn lúc 22 giờ"

toàn bộ câu nói của đạo diễn Lê Hoàng được trích dẫn ở show chỉ mang ý giả dụ.

Cụ thể, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng nếu giữa vợ và chồng có sự chênh lệch về học thức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. (Nó như 1 giả lập tình huống để trao đổi, ko nói đến ai xấu tốt...)

 

Nội dung cụ thể:

"Nếu nói cô ấy đang làm nail hoặc buôn bán online thì gia đình sẽ có một chút e ngại và nghi ngờ cô ta học thức không cao..."

chứ không hề khẳng định "Con gái làm nghề nail, bán hàng online thì học vấn thấp" như một số trang dẫn lại.

 

Cắt cúp là nghề của báo mạng... và miệt thị ai đó khi chưa tìm hiểu kỹ là tính cách của cư dân mạng.

 

- Đọc báo chí ngày xưa là để nâng tầm hiểu biết. Còn ngày nay phải nâng tầm hiểu biết trước khi đọc báo chí!

 

Quanh mình thấy nhiều người lôi chuyện này ra để miệt thị, để chứng tỏ mình...

 

Bản thân mình cũng từng mắc vài lần vô trách nhiệm ko xem nguồn như vậy.. và thực sự thấy ân hận...

 

- Mình chỉ mong bạn bè mình có chút trách nhiệm với những lời miệt thị ai đó... đừng để dắt mũi bởi những người ác ý...

(Hiếu)




No comments: