Monday, October 4, 2021

ĐỔI TÊN ĐỂ LÀM GÌ? (Nguyễn Đình Cống)

 


Đổi tên để làm gì?

Nguyễn Đình Cống

04/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/04/doi-ten-de-lam-gi/

 

Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị ĐCSVN thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đó là việc đổi tên bằng cách thêm vào từ tiêu cực.

 

Một vài người cho rằng, thêm như thế có ý nghĩa rất quan trọng, để tăng cường việc nọ, chống lại việc kia, nhằm củng cố sức mạnh của Đảng, nhưng một số khác lại cho rằng, ngoài việc “vẽ rắn thêm chân” thì còn có mưu đồ gì đây, vì những điều được viết ra chỉ dùng để che đậy bản chất được giấu kín. Mưu gì thì chỉ có người đề ra biết rõ và không thể che giấu các vị Thần ở trên đầu. Người ngoài chỉ có thể đoán dựa trên các biểu hiện.

 

Theo Từ điển, tiêu cực có vài nghĩa. Ở đây là: “Ý nghĩ, việc làm có tác dụng không tốt, làm trở ngại đến sự phát triển của xã hội”. (Các nghĩa còn lại là: Không lành mạnh, không tích cực và có ý phủ định).

 

Theo giải thích của Bộ Chính trị thì: “Phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”. Giải thích này làm hé lộ một ngầm ý và phơi bày một ngụy biện. Ngầm ý rằng “Tiêu cực chủ yếu là suy thoái về tư tưởng chính trị”. Ngụy biện ở chỗ ghép suy thoái đạo đức, lối sống vào cùng một bản chất với diễn biến tư tưởng chính trị.

 

Xin kể ra những biểu hiện được Đảng cho là suy thoái về tư tưởng chính trị.

 

Đó là “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cho rằng Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa xã hội theo đường lối cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng Chủ nghĩa Mác Lê đã sai từ gốc, với những điều sau đây: Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, công nhân là giai cấp lãnh đạo có nghĩa vụ chôn vùi chủ nghĩa tư bản, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, phải làm cách mạng vô sản để bảo đảm sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, phải thiết lập chuyên chính vô sản.

 

Đó là việc phát hiện và lên án sự mất dân chủ trong Đảng và trong xã hội, chống lại sự tuyên truyền dối trá, chống lại sự đàn áp của công an trị, là vạch ra những vi phạm nhân quyền và dẫm đạp lên công lý, là phê phán sự tổ chức một Nhà nước nặng nề, kém hiệu quả, nhiều lãng phí gồm ba tầng (Đảng, Chính quyền, Mặt trận), là vạch ra bản chất của một Quốc hội không thực sự đại diện cho tinh hoa, cho trí tuệ của nhân dân, là phản đối định nghĩa của Lê Nin về Nhà nước, cho rằng “Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác”, là yêu cầu thiết chế Tam quyền phân lập, điều mà ĐCS kiên quyết chống lại.

 

Đó là những bất đồng và phản biện trong đường lối theo sát và lệ thuộc Trung Cộng v.v và v.v…

 

Thử hỏi, những điều vừa kể có phải là “Ý nghĩ, việc làm có tác dụng không tốt, làm trở ngại đến sự phát triển của xã hội”. Xin trả lời là không phải, hoàn toàn không phải. Không những không làm trở ngại đến sự phát triển xã hội mà thực chất chỉ là bất đồng quan điểm, bất đồng về chính trị đối với một số ít người lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là của Tổng Bí thư. Chẳng suy thoái gì cả, chẳng có gì là tiêu cực.

 

Trong bất đồng có phần là chống lại, nhưng không chống lại sự tiến bộ, không tổ chức lật đổ chế độ mà chống lại những thứ đang thối nát, đang kìm hãm sự phát triển của dân tộc, chống lại đặc quyền đặc lợi của thế lực thống trị.

 

Nếu vậy thì những thứ đó là tích cực theo nghĩa thông thường. Bộ Chính trị cho rằng, những điều trên đây là tiêu cực thì đó là sự quy kết quá sai lầm mà chỉ có họ mới ngang nhiên làm như vậy, bất chấp đạo lý.

Như thế, phải chăng Ban Chỉ đạo được giao thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực là nhằm bảo vệ những thứ đã lỗi thời, phản lại tiến bộ xã hội, nhằm duy trì và phát triển chế độ độc quyền toàn trị của những nhóm lợi ích nấp, dưới danh nghĩa Đảng lãnh đạo.

 

Xin kể ra những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống.

 

Đó là tham quyền và hưởng lạc, là thói xu nịnh đội trên đạp dưới, là kết bè kéo cánh, là tạo nên những nhóm lợi ích, không quan tâm đến quyền lợi của người dân, của đất nước.

 

Đó là thói không trung thực trong kê khai, báo cáo, là chạy theo thành tích dỏm, là khoa trương, lãng phí, là sống ích kỷ, là thói vô cảm trước những khó khăn và oan trái của dân, là thói kiêu ngạo, kể công, bắt người dân phục tùng và đời đời nhớ ơn.

 

Đó là tham nhũng, nhận hối lộ, bòn rút của công và của dân, lo vinh thân phì gia, v.v… và v.v…

 

Đem ghép suy thoái đạo đức với bất đồng về chính trị là một việc làm vô minh, có thể do nhận thức quá kém hoặc là thủ đoạn thâm độc.

 

Vì sao vậy? Vì thoái hóa đạo đức và bất đồng về chính trị là của hai loại người có phẩm chất hoàn toàn khác nhau, hai loại hành động có bản chất khác nhau. Sự thoái hóa đạo đức do độc quyền toàn trị gây ra, kết hợp với tham lam và độc ác của bọn người cơ hội, bọn chúng có phẩm chất thấp kém, nhưng có nhiều mưu mô thủ đoạn, lại liên kết với bọn tư bản đỏ, hoang dã, để tạo nên những nhóm lợi ích. Sự bất đồng về chính trị nhằm chống lại sự độc quyền đó, chống lại sự thoái hóa đó, là thể hiện trí tuệ kết hợp lòng dũng cảm của những con người thật sự yêu nước thương dân.

 

Với một thể chế Quang Minh Chính Đại thì cách đối xử với hai loại hành động trên cũng phải rất khác nhau. Đối với bọn thoái hóa đạo đức chủ yếu phải dùng kỷ luật và tòa án, còn với người bất đồng về chính trị và tư tưởng chủ yếu là đối thoại, tranh biện, tự do ngôn luận để làm rõ phải trái, đúng sai. Cách ghép bất đồng chính trị vào với thoái hóa đạo đức và tội tham nhũng phải chăng nhằm hình sự hóa việc đấu tranh tư tưởng, ngang nhiên xem những người bất đồng quan điểm là tội phạm.

 

Vậy đổi tên Ban chỉ đạo…, thêm vào việc phòng chống tiêu cực, công khai là nhằm tăng cường việc nọ, chống lại việc kia, nhưng phải chăng để thực hiện mưu đồ xiết chặt của chế độ độc tài toàn trị, khống chế tự do tư tưởng, ngăn cản tự do ngôn luận, bắt buộc mọi người chỉ được nghĩ theo, nói theo, làm theo ý muốn của một người. Nếu chống tiêu cực như vậy thì càng làm cho xã hội bế tắc và thoái hóa.




No comments: