Wednesday, October 6, 2021

NẾU TẬP CẬN BÌNH QUYẾT ĐỊNH GIẢ PHÓNG ĐÀI LOAN . . . (Trương Nhân Tuấn)

 


NỘI DUNG :

 

NẾU TẬP CẬN BÌNH QUYẾT ĐỊNH GIẢ PHÓNG ĐÀI LOAN . . .  

Trương Nhân Tuấn

.

TT Thái Anh Văn cảnh báo: Để Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là thảm họa cho châu Á

Thụy My  -  RFI

 

===========================================

.

.

NẾU TẬP CẬN BÌNH QUYẾT ĐỊNH GIẢ PHÓNG ĐÀI LOAN . . .  

Trương Nhân Tuấn

05/10/2021  02:19   

https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/4687535881278177

 

Kỷ niệm 110 năm ngày “Song thập” (10 tháng Mười năm 1911), tức ngày “Quốc khánh” của nước “Trung hoa dân quốc” năm nay có thể sẽ khác mọi năm. Hàng trăm phi cơ chiến đấu từ lục địa xâm phạm vùng “nhận dạng phòng không-ADIZ” của Đài Loan đe dọa đảo quốc này từ mấy ngày qua.

 

Trên RFI có bài viết nói rằng “Ngoại trưởng Đài Loan cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang “cận kề”, kêu gọi Úc chia sẻ thông tin tình báo và nhấn mạnh Đài Loan sẽ “tự vệ đến cùng” trong trường hợp bị tấn công”.

 

Bắc Kinh có dám sử dụng vũ lực chinh phục Đài Loan “thống nhất lãnh thổ” hay không? Tại sao Tập Cận Bình “lên gân” với bà Thái Anh Văn vào lúc này và tại sao Đài Loan kêu gọi Úc “chia sẻ tin tức tình báo” mà không kêu gọi Mỹ, hay Nhật?

 

Nếu TQ đánh Đài Loan, quốc gia đầu tiên can thiệp vào Đài Loan không phải là Úc mà là Nhật hay Mỹ.

 

 

Úc có “dám” chia sẻ tin tức tình báo với Đài loan hay không?

 

Hiệp ước NATO phương đông, cách nói khác của AUKUS, vừa được ba quốc gia Mỹ, Anh và Úc tuyên bố thành lập (15-9-2021) có thể là một (trong nhiều) nguyên nhân.

 

Bắc kinh có thể đã thấy có những dấu hiệu rạn nứt về niềm tin giữa các quốc gia đồng minh thân cận với Hoa Kỳ. Đây có thể là cơ hội để Tập Cận Bình tấn công Đài Loan thống nhất đất nước. Trước hết từ nội bộ của Bộ tứ QUAD. Hai quốc gia Ấn Độ và Nhật cảm thấy họ không được Mỹ tin tưởng bằng Anh và Úc. Mặc dầu mục tiêu thành lập QUAD là để chống sự trỗi dậy của TQ. Các quốc gia Nhật, Ấn độ, Úc và Mỹ có chung mối lo “chiến lược”. Nhưng Ấn độ và Nhật không được Mỹ chia sẻ những tin tức tình báo cũng như chia sẻ kỹ thuật về tàu ngầm nguyên tử và thông minh nhân tạo như Anh và Úc. Canada và Tân Tây Lan là hai quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ, cũng cảm thấy thương tổn vì bị gạt ra vòng ngoài.

 

Các quốc gia Mã Lai và Indonesia từ cuối tháng 9/2021 đã tuyên bố quan điểm về AUKUS. Các quốc gia này lo ngại cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, nhất là về việc lạm dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân. Nga cũng vừa lên tiếng tương tự về việc này.

 

Lập luận của Mỹ, về hợp đồng cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân không phải là “vũ khí hạt nhân”.

 

Tuy nhiên, lò nguyên tử trong tàu ngầm của Mỹ sử dụng Uranium làm giàu ở mức “cao”, là 20%.

Mỹ vì vậy không thể lên tiếng răn đe Iran khi quốc gia này có mục đích “làm giàu” Uranium lên đến 20% để “phục vụ cho dân sự”.

 

Vấn đề là việc làm giàu Uranium (thiên nhiên 0,7% chất fissile – phân nhân) lên đến 20% là một quá trình cực kỳ khó khăn. Nhưng từ 20% lên đến 90% (sử dụng cho quân sự) thì quá trình khá đơn giản (mà Iran có thể đạt đến mà không gặp trở ngại về kỹ thuật).

 

Sự lo ngại về chạy đua vũ trang và lạm dụng hạt nhân của các quốc gia Ấn Độ, Nhật, ASEAN và Nga là có căn cứ.

 

Ngoài ra còn có Pháp, đồng minh cật ruột khác của Mỹ. Pháp cho rằng đã bị Mỹ và Úc “phản bội”.

Hôm qua đặc sứ về khí hậu của TT Biden là John Kerry có trả lời báo chí Pháp. Ông Kerry cho rằng không có vụ “phản bội” mà chỉ tồn tại vấn đề thiếu thông tin giữa Mỹ và Pháp.

 

Trong khi dư luận từ các chính trị gia, trí thức từ nước Úc đều đồng ý rằng AUKUS và hợp đồng tàu ngầm là một sự “phản bội trắng trợn”. Hai vị cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd và Malcolm Turnbull đều biểu lộ ý kiến nhiều lần trên diễn đàn báo chí quốc tế rằng “Scott Morrison đã cố ý lừa gạt nước Pháp”.

 

Bài viết thú vị của triết gia Úc Clive Hamilton hôm qua trên tờ Le Monde thì cho rằng nước Úc đã “phản bội” nước Pháp, tương tự như một ông chồng (là Úc) lén thu xếp hành trang, bỏ vợ (là Pháp) không nói một lời từ biệt để đi với bạn thân của Pháp là Anh.

 

Thủ tướng Scott Morrison biện luận rằng hợp đồng tàu ngầm (với Pháp) hủy bỏ là vì an ninh của Úc bị TQ đe dọa.

 

Tức là những lý do mà Scott Morrison viện dẫn trước đây như đội giá, chậm trễ… đều là “fakes news”. Dịch Covid-19 đã làm tê liệt nhiều quốc gia, trong đó có Pháp và Úc. Các ý kiến của các vị thủ tướng Úc Scott Morrison, Kevin Rudd và Malcom Turnbull sẽ trở thành “bằng chứng” chống lại Úc, nếu vụ “hợp đồng tàu ngầm” phải giải quyết trước một toàn án quốc tế. Tập quán các quốc gia Âu-Mỹ, nếu nói kiểu triết gia Clive Hamilton, Úc sẽ bồi thường rất nhiều cho Pháp. (Chồng bỏ nhà ra đi với người tình khác thì của cải chia đôi với vợ).

 

Yếu tố quan trọng từ ý kiến của cựu thủ tướng Malcolm Turnbull: không có hợp đồng tàu ngầm nào được ký kết giữa Úc và Mỹ hay Anh hết cả.

 

Điều này có thể suy diễn rằng Mỹ sẽ “nhượng”, hay cho mướn, tàu ngầm sẵn có của mình cho Úc xài. Việc “cho mượn” vũ khí, quân trang, quân dụng… xảy ra bình thường trong chiến tranh. Thế chiến thứ II, vũ khí của Nga, của Anh, của Úc, của Trung Hoa… phần lớn là của Mỹ.

 

Trở lại câu hỏi: Úc có “dám” chia sẻ tin tức tình báo cho Đài loan hay không?

 

Thái độ của Úc sẽ cho Đài loan thấy mức độ “dấn thân” của Mỹ và AUKUS trong vấn đề Đài loan.

 

Ta nên biết là phát triển kinh tế của Úc và Đài loan phụ thuộc rất nhiều vào TQ. Nói kiểu bà Thái Anh Văn, nếu Đài Loan là “con cua bám vô sườn TQ” thì Úc cũng là con cua khác, cũng bám vô sườn của TQ. Kinh tế Úc gần 50% lệ thuộc vào TQ. Thủ tướng Scott Morrison nói là TQ đe dọa an ninh của Úc (do đó mới hủy hợp đồng với Pháp), qua một số các biện pháp “trừng phạt kinh tế” và 14 yêu sách đối với Úc. Vấn đề là Úc đã giao “an ninh kinh tế” của quốc gia mình vào tay TQ từ nhiều thập niên.

Úc trong chừng mực đã “mất chủ quyền” về kinh tế về tay TQ.

 

Ngoài ra vũ khí chiến lược của Úc (có thể răn đe TQ), nếu không có tàu ngầm của Mỹ, thì Úc cũng không làm gì được TQ. Chủ quyền của quốc gia (về tuyên bố chiến tranh) của Úc (trong chừng mực nước Anh) đã nằm trong tay Mỹ.

 

Nhưng sự cạnh tranh giữa Mỹ và TQ hoàn toàn mang sắc thái (chiến lược) khác.

 

Nói theo thuyết “cái bẫy Thucydide”, một cường quốc đang lên thách thức vị trí đang có của một cường quốc đã an vị từ lâu. Chiến tranh sẽ xảy ra giữa hai đại cường để phân biệt ngôi thứ. TQ, cường quốc đang lên. Với 20% dân số thế giới và GDP chỉ 3% tổng sản lượng thế giới vào những năm Mao Trạch Đông cầm quyền. Đến nay GDP của TQ chiếm 18% tổng sản lượng thế giới. Còn Mỹ, GDP chiếm 50% tổng sản lượng thế giới từ sau 1945, nay chỉ còn không tới 20%.

 

Đụng độ Mỹ-TQ do cạnh tranh chiến lược. Còn Úc và Anh chống TQ vì bị TQ trừng phạt kinh tế. Đụng độ Mỹ-TQ trước sau gì cũng xảy ra. Úc (và Anh) có theo Mỹ đánh TQ hay không còn tùy thuộc vào việc TQ có bỏ lệnh trừng phạt kinh tế cho Úc và Anh hay không. TQ có thể bỏ lệnh trừng phạt Úc và Anh bất cứ lúc nào, nếu thấy việc này có lợi cho họ.

 

AUKUS trong chừng mực là một kết ước “cơ hội chủ nghĩa”.

 

Yêu cầu của Đài Loan về “chia sẻ thông tin tình báo” có thể đưa Úc vào thế khó xử. Úc làm gì có khả năng “tình báo”, ngoài những tin do Mỹ chia sẻ?

 

Nếu Mỹ bật đèn xanh, Úc lên tiếng cho biết sẽ chia sẻ thông tin cho Đài Loan. Trong chừng mực Úc “dấn thân” và cuộc chiến Đài Loan (nếu xảy ra) và nước này sẽ là “đối thủ” của TQ.

 

Với một thủ tướng tầm cỡ ông Scott Morrison, theo tôi nước Úc chưa đủ chuẩn bị tâm thế để đứng cùng với Mỹ bảo vệ Đài loan. Nếu Nhật hoài nghi và Ấn độ tiếp tục con đường “phi liên kết”, Mỹ sẽ đứng một mình lâm chiến với TQ.

 

Hy vọng chuyến đi của Ngoại trưởng Anthony Blinken vài ngày tới sẽ giải tỏa những mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu. Độc tài TQ chỉ có thể bị kềm chế khi Mỹ và các quốc gia dân chủ đoàn kết.

 

9 BÌNH LUẬN  

 

.

Taykhông Phiêubạt

Xin lỗi bác Nhân Tuấn Trương

Nhưng bác viết bài mà sự hiểu biết của bác chỉ đơn chiều , phiến diện . ( hoặc có thể là sự hiểu biết bạn hẹp ) chứ xin đưa ra một cách nhìn khác . Để bác ngẫm và mở rộng hơn cái nhìn tổng quát về các vấn đề . Mong bác lần sau viết gì thì lên tìm hiểu kỹ hơn . Mong bác có những cái nhìn thấu đáo . Để bà còn trân trọng bác hơn 

 

Lý do Úc hủy hợp đồng tàu ngầm được đưa ra:

 

- Giao hàng: 2036!

- Chi phí: Đội giá 100%, hợp đồng là 40 tỷ USD, đến nay đã tăng lên 65 tỷ USD, dự kiến cả chi phí bảo trì lên đến 136 tỷ USD.

- Dùng công nghệ cũ và thiết kế truyền thống, không sở hữu hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), không dùng pin lithium-ion, không được trang bị ống phóng thẳng đứng hoặc ống kích thước lớn để triển khai và thu hồi phương tiện không người lái dưới nước cỡ lớn.

- Tỷ lệ nội địa hóa: Từ 60% theo lời hứa của Pháp.

 

Thỏa thuận Mỹ đưa ra:

- Chuyển giao công nghệ, Úc tự đóng làm chủ công nghệ.

- Tiến độ: Có thể nhận chiếc đầu vào năm 2030.

- Công nghệ mới nhất và chưa từng chia sẻ cho ai ngoài Anh, tàu ngầm hạt nhân 25-30 năm không cần tiếp nhiên liệu, không cần định kì 3 ngày nổi lên lấy khí một lần, có khả năng tích hợp vũ khí tấn công mạnh mẽ.

Với so sánh như vậy, nếu Úc cố mua tàu ngầm Pháp thì chỉ có khi bị kangaroo đấm chấn thương vùng não.

 

.

Danny KT

Danny nhận định TCB & bộ sậu mafia Bắc Kinh không ngu dại gì tính toán sai lầm để tấn công ĐL.

1/ chiếm ĐL bằng chiến tranh sẽ mang lại cho TQ được gì? Một đống gạch đỗ nát, và chắc chắn đại lục China cũng nhiều tp kt thành bình địa.

2/ quyền lợi của Mỹ và khu vực Đông Á là endless: hơn 90% nghành công nghệ semiconductor chuỗi cung ứng đến từ ĐL. Một trong những chiến lược của Mỹ và phương Tây là con đường được xây dựng khkt phụ thuộc vào nghành semiconductor.

ĐL là mắt xích dây chuyền kèm hãm TQ từ quân đảo Okinawa, Nam Hàn, cực Bắc các đảo của Philippines xuống đến Úc, Malacca… Okinawa là nơi đóng quân của Mỹ đông nhất; nếu Taiwan bị mất thì cả Nhật, Nam Hàn lung lay.

3/ nội tạng KT TQ không như bề nổi chúng ta thấy; TCB có nhiều vấn đề của kt nội địa, guổng máy KT cần được bảo vệ tiếp tục chạy mạnh để nuôi cơm 1.4 tỷ dân. Bất cứ một tác động bên ngoài đều ngăn chặn chén cơm này.

4/ những gì TQ muốn với ĐL không phải mới trong suốt 70 năm qua: hù dọa, răn đe, bắt nạt ĐL, phô trương sức mạnh quốc phòng của TQ thôi. Và ngày nay tuy TQ có sức mạnh về quân sự nhưng các nước trong khu vực sẽ không như những bao cát treo lơ lửng cho TQ đấm thoải mái: Taiwan, Nhật, NH, Mỹ, Philippines, Úc v.v…

Và Mỹ có cả he thống tên lửa với radar Thaad (Terminal High Altitude Area Defense) tại NH trực chỉ vào TQ từ 2016, bất cứ động thái nào của TQ đều được radar này kiểm soát.

.

===================================

.

.

TT Thái Anh Văn cảnh báo: Để Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là thảm họa cho châu Á

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 05/10/2021 - 13:55

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211005-tt-th%C3%A1i-anh-v%C4%83n-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%83-trung-qu%E1%BB%91c-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C3%A0i-loan-s%E1%BA%BD-l%C3%A0-th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-cho-ch%C3%A2u-%C3%A1

 

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay 05/10/2021 cảnh báo nếu hòn đảo rơi vào tay Bắc Kinh, điều đó sẽ mang lại hậu quả « thảm khốc » cho châu Á. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục trong bốn ngày qua đã có đến 148 chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Đài Bắc cũng chuẩn bị bổ sung ngân sách quốc phòng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7ba682de-25cd-11ec-952c-005056a90284/w:980/p:16x9/AP21258100103750.webp

Ảnh minh họa: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại căn cứ Không Quân ở Giai Đông (Jiadong) thuộc Bình Đông (Pingtung), ngày 15/09/2021. AP

 

Trong bài viết trên tờ Foreign Affairs, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh, nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan, điều đó có nghĩa là trong cuộc đối đầu giữa các giá trị hiện nay trên thế giới, toàn trị đã thắng được dân chủ. Bà đồng thời khẳng định Đài Loan sẽ chống trả bằng mọi cách nếu Trung Quốc tấn công.

 

Cũng trong hôm nay, thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) tuyên bố: Đài Loan phải luôn trong tình trạng cảnh giác trước các hoạt động quân sự thái quá của Bắc Kinh, làm phương hại đến hòa bình khu vực.

 

Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :

 

« Các vụ xâm nhập ồ ạt vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đúng vào ngày lễ quốc khánh Trung Quốc. Từ đó đến nay lại càng dồn dập thêm: Quân Đội Đài Loan ghi nhận có 39 chiếc phi cơ hôm thứ Bảy, 52 chiếc Chủ nhật và hôm qua 56 chiếc bay vào.

 

Hoàn Cầu Thời Báo đắc chí viết « Trung Quốc đã dời cuộc diễu hành sang eo biển Đài Loan ».

Đây là con số kỷ lục kể từ đợt xâm nhập năm ngoái, sau khi bà Thái Anh Văn - vốn kiên quyết chống lại việc sáp nhập vào Trung Quốc - tái đắc cử.

 

Hoa Kỳ, đối tác chính của Đài Loan, hôm Chủ nhật đã tỏ ra lo ngại trước hành động khiêu khích này, nhắc nhở rằng những cam kết với Đài Loan vẫn « vững chắc như bàn thạch ».

 

Tuy vậy việc chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập sẽ còn diễn ra trong những ngày tới, vào lúc Đài Loan chuẩn bị mừng lễ quốc khánh Chủ Nhật này. Tất nhiên là Bắc Kinh không ưa, và chừng như quyết tâm phá rối ngày lễ. »

 

 

Đài Loan gia tăng ngân sách quốc phòng

 

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết chi tiêu quân sự sẽ được tăng thêm 240 tỉ đài tệ (8,6 tỉ đô la) trong 5 năm tới, trong đó 64% dành cho Hải Quân kể cả hỏa tiễn và chiến hạm. Bản dự chi mà hãng tin Reuters có tham khảo được trình lên Quốc Hội hôm nay, và nhiều khả năng sẽ được thông qua vì đảng của bà Thái Anh Văn chiếm đa số tuyệt đối.

 

Cũng theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu quân sự, đặc biệt là chiến đấu cơ hiện đại, tàu đổ bộ, và các hoạt động không quân, hải quân gần Đài Loan. Do bị đe dọa chưa từng thấy, Đài Loan cần nhanh chóng củng cố khả năng răn đe để tránh xảy ra chiến tranh.

 

Gần 30 tỉ Đài tệ (1,5 tỉ đô la) được dành cho các loại hỏa tiễn Vạn Kiếm (Wan Chien), Hùng Phong (Hsiung Feng) IIE phiên bản nâng cấp, Hùng Thăng (Hsiung Sheng) ; một số hỏa tiễn được đặt trên xe quân sự để cơ động hơn, địch quân khó tìm thấy và phá hủy.

 

                                                         ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Sách nhiễu Đài Loan, Trung Quốc muốn đi đến chiến tranh ?

.

Đài Loan cảnh báo nguy cơ chiến tranh "cận kề" với Trung Quốc

.

Đài Loan, mảnh ghép còn thiếu trong « giấc mộng Trung Hoa »





No comments: