Saturday, October 16, 2021

MỸ TRỞ LẠI HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC (Thanh Hà - RFI)

 


Mỹ trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 15/10/2021 - 12:03

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211015-m%E1%BB%B9-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-%...BB%87p-qu%E1%BB%91c

 

Liên Hiệp Quốc ngày 14/10/2021 biểu quyết cho phép Hoa Kỳ trở lại với Hội Đồng Nhân Quyền (HRC). Tháng 6/2018, Washington dưới chính quyền Trump đã ra khỏi tổ chức này với lý do HRC « che chở cho các quốc gia vi phạm nhân quyền » và có khuynh hướng bài Do Thái.

 

Trong phiên họp hôm qua tại New York, 168 trên tổng số 193 quốc gia bỏ phiếu thuận để Mỹ hội nhập trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này bao gồm 47 thành viên bắt đầu hoạt động từ năm 2006, trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ. Các thành viên được bầu lại 3 năm một lần. Washington sẽ chính thức trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 01/01/2022 cùng với 17 nước khác, trong đó Ấn Độ, Malaysia hay Qatar, Achentina … Giới quan sát dự báo với việc Washington hội nhập lại định chế đa quốc gia này, « nhiều cuộc tranh cãi gay go sẽ diễn ra, giữa Mỹ và Trung Quốc hay Nga ».

 

Dưới chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Reuters lưu ý, trong thời gian Mỹ vắng mặt, Trung Quốc và nhiều đối tác của Bắc Kinh, như là Venezuela hay Belarus, đã tận dụng thời cơ thông qua những tuyên bố chung ủng hộ Bắc Kinh trên các vấn đề từ Hồng Kông đến Tây Tạng hay Tân Cương.

Tháng Giêng 2021, khi lên cầm quyền, tổng thống Joe Biden tuyên bố Nhà Trắng xem nhân quyền sẽ là « trung tâm » trong chính sách đối ngoại. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas Greenfiels, trong thông cáo hôm qua nhấn mạnh trong giai đoạn đầu, Washington có thể sẽ xem xét trên các hồ sơ liên quan đến Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Ethiopia, Syria và Yemen. Đại diện của Hoa Kỳ cho biết thêm là sẽ đặc biệt chú ý đến trường hợp của Israel, không để các tuyên bố « quá đáng » bất lợi cho quốc gia này. 

 

Một cuộc điều tra do Reuters thực hiện hồi tháng 9/2021 cho thấy ngay cả chính quyền Biden đôi khi cũng đã gạt vấn đề nhân quyền sang một bên vì những ưu tiên như là « an ninh quốc gia hay nhu cầu cần nối lại đối thoại với một số nước lớn ».

 

Tổ chức quan sát nhân quyền UN Watch chỉ trích Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, xem cơ quan này là một « trò hề » khi kết nạp các những quốc gia chà đạp nhân quyền, như Syria, Kazakhstan …

 

                                                          ***

Các nội dung liên quan

.

Mỹ rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

.

Trung Quốc bị nghi thao túng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ chấp nhận Việt Nam?

 



No comments: