Giáo sư ĐH Harvard nói : Đảng Cộng Hòa thà giết nền dân chủ hơn là bỏ rơi Trump
Dean Obeidallah - Salon
Bùi K. Nguyên, chuyển ngữ
15/10/2021
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/10/1-10-622x420.webp
Donald Trump và cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6/1/2021. Ảnh minh họa của Getty Images/ Salon
Đồng tác giả sách “Nền dân chủ chết như thế nào” nói rằng, đảng Cộng hòa sẵn sàng để nắm chính quyền, nhưng có thể họ sẽ không giữ được nó
Sự việc đó có thể xảy ra. Việc “đó” có thể thấy rõ bây giờ: một chế độ độc tài hay phát xít ở Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Đó là nguyên nhân quan trọng mà Steven Levitsky, giáo sư đại học Harvard cùng đồng nghiệp của ông, Daniel Ziblatt, xuất bản cuốn sách “Nền dân chủ chết như thế nào” (How Democracies Die) hồi năm 2018. Họ muốn cảnh báo dân chúng Mỹ về những dấu hiệu nguy hiểm mà họ chứng kiến từ nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, khi ông ta cai trị theo chiến thuật của kẻ độc tài.
Như vậy về vấn đề dân chủ, chúng ta đang ở đâu? Gần đây, tôi nói chuyện với Levitsky ở show Salon Talks, và đây là lời nói nổi bật nhất mà Levitsky đã nói với tôi: “Cách đây năm năm, chắc tôi cười chế nhạo anh nếu anh ngỏ ý rằng nền dân chủ của chúng ta có thể chết”. Nhưng hôm nay, anh nói thêm rằng, chúng ta thấy rõ ràng đảng Cộng hòa đã tập trung để phá vỡ nền dân chủ của chúng ta. Nói tóm lại, Levitsky tin rằng, sự đe dọa nền dân chủ Hoa Kỳ trở nên dữ dội hơn so với thời gian Trump là chủ nhân tòa Bạch Ốc, vì đảng Cộng hòa đang cố bám lấy quyền hành đang tàn lụi của mình trong sự thay đổi bố trí nhân khẩu, đối nghịch với nguồn lợi của họ.
Levitsky mô tả, đảng Cộng hòa ngày nay “rõ ràng là một đảng độc tài”. Tệ hơn nữa, nó không chỉ hoàn toàn về Trump. Anh nhận xét, đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục con đường phản dân chủ trong những năm sắp tới, ngay cả nếu nói họ là phát xít còn dễ biện giải hơn, vì họ cứ bào chữa hoặc phủ nhận cuôc bạo động ngày 6/1.
Quý vị có thể xem cuộc phỏng vấn Salon Talks của tôi ở đây, hay đọc bài phỏng vấn của chúng tôi bên dưới, để nghe Levitsky đề nghị đảng Dân chủ nên làm gì để tăng cường nền dân chủ của chúng ta, khi họ vẫn còn đang kiểm soát tòa Bạch Ốc và Quốc hội, đồng thời Levitsky giải thích tại sao thi hành việc đó có thể làm cho các đảng viên cấp tiến phải hy sinh vài mục tiêu chính sách của mình.
Như mọi khi, cuộc phỏng vấn sau đây đã được biên tập một chút cho rõ ràng và hợp thời lượng.
*
Năm 2018, khi cuốn sách “Nền dân chủ chết như thế nào” của anh xuất bản, ở mức từ 0 đến 10, trong đó 10 tương đương với mối quan tâm mãnh liệt nhất về nền dân chủ của chúng ta, và 0 là không quan tâm, mọi thứ đều tốt đẹp — chúng ta đang ở đâu về phương diện dân chủ?
Tôi nghĩ nếu 10 là quan tâm nhất, chúng ta đã ở 5 hoặc 6. Chúng tôi viết cuốn sách vì chúng tôi quan tâm. Chúng tôi viết cuốn sách vì chúng tôi thấy những dấu hiệu cảnh báo. Điều tôi muốn nói là mình đã quá lạc quan khi chúng ta đổ thừa cho đảng Cộng Hòa làm mất cơ hội, mở đường cho Donald Trump, một tên mị dân, một tên độc tài mị dân, được đề cử tổng thống. Chúng tôi nghĩ chắc họ phải bỏ Trump để bảo vệ nền dân chủ. Rõ ràng họ đã không làm gì cả. Nhưng lúc đó – không lâu lắm, chỉ ba năm qua thôi – chúng tôi đã tin rằng đa số người trong đảng Cộng hòa chỉ muốn cam kết một cách tối thiểu vào một “nền dân chủ nhỏ” (small-D democracy).
Chúng tôi từng nghĩ, có một phe trong đảng Cộng hòa, nhất là ở Thượng viện, có khả năng và sẵn sàng vẽ một giới hạn cho Trump. Và chúng tôi đã sai lầm về điều này. Vận tốc và mức dộ mà đảng Cộng hòa trở thành “cuồng Trump” quá sức tưởng tượng của chúng tôi.
Có một tổng thống độc tài thật là đáng sợ. Một trong hai đảng chính, về cơ bản, hiện đã ngừng chơi theo luật lệ dân chủ. Đó là một mức đe dọa mới. Vì vậy bây giờ tôi nói – thật khó để đặt một con số, nhưng tôi khẳng định là 7 hay 8.
*
Tôi không biết ở mức độ 9 mình sẽ cảm thấy như thế nào, nếu đây là 7 hay 8. Anh đề cập trong cuốn sách của anh quan niệm dùng phương pháp dân chủ để cứu vớt nền dân chủ của chúng ta. Quan niệm đánh bại Trump qua cuộc bầu cử có thể giúp duy trì các tổ chức dân chủ của chúng ta. Tôi nghĩ, anh không bao giờ dự đoán được Trump sẽ làm gì sau khi thất cử, hoặc dự đoán những biến cố xảy ra vào ngày 6/1. Vì vậy, mặc dù chúng ta đã có một cuộc bầu cử dân chủ, các tổ chức dân chủ bây giờ (sau tháng 11/2020) có thật sự yếu hơn không?
Để tôi trả lời điều đó trong hai phần. Phần đầu, chúng ta đã có những cuộc bầu cử như là một lối thoát và chúng ta đã sử dụng chúng. Và chúng ta đã làm điều đó thật hữu hiệu. Sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu Trump thành công trong việc duy trì chức tổng thống và cầm quyền thêm bốn năm nữa. Sự kiện mà chúng ta đã gửi ông ta tới Mar-a-Lago là rất quan trọng, và mình không nên nói quá. Nói thế, tôi không dự đoán mọi thứ một cách chính xác cho lắm. Một điều dự đoán mà tôi biết đã xảy ra.
Tôi biết Donald Trump sẽ không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử. Điều tôi không lường trước được là, phần lớn đảng Cộng hòa đi theo ông ta. Và dĩ nhiên, tôi đã không đoán điều gì từ xa như sự kiện xảy ra ngày 6/1. Cho nên mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn nhiều, vì không những các lời nói dối trắng trợn phần lớn nằm ở phía đảng Cộng hòa, mà còn đến độ mình không thể trở thành một thành viên hữu dụng của đảng Cộng hòa, nếu mình không nói dối.
Và họ đang chơi kiểu đó, phải không? Hiện nay, họ đang hoạch định từng bước nhỏ tại các tiểu bang quan trọng – Texas, Arizona, Georgia – làm cho chuyện đảo ngược kết quả bầu cử trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, tôi nghĩ có khả năng là đảng Cộng hòa, không chỉ Donald Trump mà cả đảng Cộng hòa, cố đảo ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2024. Vì thế, một lần nữa, điều đó còn tệ hại hơn vài năm về trước. Nhưng chúng ta sẽ còn tệ hại hơn nhiều nếu Trump trở lại nắm quyền.
*
Nếu Trump trở lại nắm quyền, tôi không biết khi nào ông ta rời bỏ chức vụ. Nếu anh quan sát đảng Cộng hòa bây giờ trên quan điểm học thuật, anh sẽ mô tả nó ra sao? Người ta dùng những từ ngữ như: Chuyên quyền, phát xít. Nhưng anh thấy nó như thế nào?
Tôi nghĩ về mặt ý thức hệ, nó đã tiến hóa thành một thứ khá giống như các đảng cực hữu (far-right party) ở châu Âu. Nó chủ yếu là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc. Về cơ bản, nó bảo tồn bản sắc của một nước Mỹ cho giáo dân da trắng, và điều đó gần giống với những gì chúng ta mô tả là các đảng cực hữu ở châu Âu. Điều đáng nói về các đảng cực hữu ở châu Âu là, họ chỉ chiếm được 12, 15, 17, 18 phần trăm số phiếu và họ đứng bên ngoài chính trường. Giỏi lắm thì họ chỉ là một cộng tác cấp dưới trong một chính phủ liên minh, nhưng hầu hết họ ở phía đối lập. Vì vậy, họ gần như đứng bên lề, phá hệ thống chính quyền một chút, nhưng họ không nắm quyền. Không có quốc gia nào, không có nền dân chủ vững vàng nào trên thế giới, ngoại trừ Ấn Độ, mà có một đảng chính là một đảng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
*
Thật đáng sợ. Họ giống như AFD ở Đức, thí dụ như vậy?
Phải rồi.
AFD đã không thành công trong cuộc bầu cử vừa qua ở Đức, họ không bầu được thủ tướng hay chancellor. Nhưng chúng ta có một đảng ở đây đang bắt chước, cố kiểm soát quyền hành các thống đốc hơn. Khi không có sự phản kháng trong đảng Cộng hòa đối với Donald Trump, dựa trên lịch sử, hồi chuông báo động nào sẽ đánh lên cho ta biết cái gì có thể xảy ra trong tương lai?
Có nghĩa là đảng Cộng hòa, như trường hợp xảy ra từ năm 2016, sẽ đi theo và hoạt động để phục vụ một tay lãnh đạo độc tài. Ý của tôi là, có rất nhiều nhà lãnh đạo trong quá khứ và hiện tại trong đảng Cộng hòa, mà có thể tôi không đồng ý về chính sách, nhưng tôi biết cuối cùng họ sẽ tuân theo các nguyên tắc dân chủ. Điều đó không đúng với Donald Trump. Và chúng ta biết rất rõ, hơn những gì chúng ta đã biết cách đây ba năm, rằng phần lớn đảng Cộng hòa sẽ xếp hàng sau lưng ông ta. Họ đã đeo bám ông ta ngay cả sau khi ông ta khiêu khích bạo loạn hôm 6/1. Ý tôi muốn nói là, điều đó còn tệ hơn việc bắn một người nào đó trên đại lộ Fifth Avenue (Lời của Trump: “Tôi có thể đứng giữa đại lộ số 5 và bắn ai đó, tôi cũng sẽ không mất một cử tri nào” – ND). Bây giờ, đã quá rõ là họ sẽ theo ông ta đến bất cứ điểm độc tài nào mà ông ta muốn. Và điều đó nguy hiểm hơn là chỉ có một người. Ông ta có hẳn một đảng hậu thuẫn đằng sau.
*
Ở Mỹ, theo một số người, điều này không thể xảy ra ở đây – bất kể những điều như: Một chế độ chuyên quyền, một chế độ độc tài hay một chế độ phát xít. Tôi nghĩ rằng nó đang xảy ra ở đây. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều người không chuẩn bị, trong đảng Dân chủ hoặc các phương tiện truyền thông, để thấy những gì đang xảy ra ngay lúc này. Có phải do Donald Trump mà nền dân chủ bị chết như thế này không?
Có thể như vậy. Thật là thú vị, ý tôi nói rằng chúng ta có thể có một cuộc bầu cử vào năm 2024 mà đảng đối lập sẽ đánh cắp. Điều đó không thường xuyên xảy ra. Nhưng hãy nhìn xem, chúng tôi đã viết “Nền dân chủ chết như thế nào” chính xác với những lý do mà anh đã nói. Tất cả chúng ta, những người Mỹ, coi nền dân chủ của mình là điều hiển nhiên. Tôi đã trưởng thành trong năm năm qua, lúc trước tôi có thể cười chế nhạo anh, nếu anh nói rằng nền dân chủ có thể chết. Đối với 99% người Mỹ trên khắp các lãnh vực chính trị, chúng ta xem hành vi của các chính trị gia là hiển nhiên, dù họ có hành động liều lĩnh đến đâu, thật sự chúng ta vẫn không thể phá vỡ được nền dân chủ của mình.
Chúng tôi viết cuốn sách vì chúng tôi bắt đầu thấy, đây này, chúng ta có thể đánh mất nền dân chủ của mình. Và mặc dù vào lúc đó, chúng tôi chỉ thấy sự nguy hiểm ở mức độ 5 hoặc 6, chúng tôi nghĩ rằng việc nâng cao nhận thức của mọi người là điều tốt. Người Mỹ bây giờ lo sợ nhiều so với 5, 6, 7 năm qua, nhưng tôi thấy anh nghĩ đúng. Chúng ta trên các phương tiện truyền thông, hầu hết người Mỹ, hầu hết các đảng viên lâu năm và thậm chí cả đảng Dân chủ, thậm chí cả chính quyền của Biden, chưa hoàn toàn có mức độ khẩn cấp mà chúng ta cần phải có.
*
Tôi chưa bao giờ nghe một tổng thống Mỹ nào nói về cuộc chiến giữa chuyên quyền và dân chủ như cách Tổng thống Biden nói. Nhiều lần nó được nói đến ở ngoại quốc, nhưng ông ấy cũng mang nó về nói ở nước Mỹ. Có một cuộc thăm dò ý kiến của CBS hồi tháng 7, trong đó 55% những người ủng hộ Trump – không phải các đảng viên đảng Cộng hòa, mà những người ủng hộ Trump – coi ngày 6/1 là một hành động bảo vệ tự do. Điều đó báo động cho anh ra sao? Chúng ta đang đi đến một điểm mà nếu đảng Cộng hòa nói họ chấp nhận bạo lực, có thể gọi họ là một phong trào phát xít được không? Và chuyện này hoàn toàn không phóng đại.
Riêng tôi, tôi luôn chống lại cái nhãn hiệu “phát xít”. Tôi nghĩ nó dính dáng tới những người cực hữu mà chúng ta không thích cho lắm. Tôi nghĩ bây giờ nhãn hiệu đó dễ được bào chữa hơn so với vài năm trước đây. Nhưng tôi nghĩ nó minh bạch và dễ chấp nhận hơn khi mình nói rõ ràng: Bây giờ, đây là một đảng độc tài công khai.
Anh có thể dùng các biện pháp khác nhau, nhưng một số dấu hiệu rõ ràng mà các học giả của các chế độ đều đồng ý là: Một đảng phái nồng nhiệt đón tiếp, dung túng, chấp nhận và thúc đẩy bạo lực chính trị, một đảng phái không chấp nhận thất bại trong bầu cử và không chịu chấp nhận thất bại. Trên hai tiêu chuẩn đó, nhất là trong khoảng thời gian giữa tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, chúng ta thấy phần lớn đảng Cộng hòa lung lay và thiếu sót hai tiêu chuẩn này: Luôn luôn từ bỏ bạo lực, luôn luôn chấp nhận thất bại. Họ không còn thực hiện một trong những điều đó. Vì thế, tôi đã không nói điều này với anh khi chúng tôi xuất bản cuốn sách lần đầu tiên, nhưng tôi nghĩ mình có thể gọi đảng Cộng hòa một cách hợp pháp là: Một đảng độc tài.
*
Sau ngày 6/1, tôi cũng ngạc nhiên như anh. Tôi thật sự nghĩ rằng đảng Cộng hòa sẽ truất phế Donald Trump và tuyên bố: “Ông ta đi rồi. Ông ta đã nói láo hai tháng liền. Ông ta rõ ràng đã xúi giục cuộc bạo động này. Nó có thể là sự vi phạm hình sự, nó có thể không, nhưng rõ ràng là ông ta. Ông ta đã làm điều đó”. Một tuần sau, tại phòng họp Hạ viện, Kevin McCarthy tố cáo Donald Trump. Rồi thời gian trôi qua, và bây giờ họ tán dương những người đã gây ra cuộc bạo động. Tệ hơn nữa, họ đang tôn vinh những người như Ashli Babbitt là liệt sĩ. Cô Babbitt đã bị giết khi xông vào một khu vực an ninh, chống lại sự chỉ dẫn của một viên cảnh sát vì ông biết có những viên chức dân cử đang làm việc gần đó. Điều đó có nghĩa gì đối với anh? Anh lo ngại gì khi nghe Donald Trump bênh vực những kẻ tấn công, nói họ bị đàn áp, nói họ là tù nhân chính trị và bênh vực Ashli Babbitt công khai?
Ý tôi muốn nói, đây là những gì các phong trào chính trị độc tài thực hiện. Tôi không muốn so sánh với chủ nghĩa phát xít Ý hay Đức Quốc xã một cách vội vàng, nhưng đó là kiểu mà các đảng phát xít đã từng làm. Họ tôn vinh, bênh vực, khuyến khích bạo lực. Và bạo lực là con đường dẫn đến quyền lực, vì vậy họ OK với nó từ trên xuống dưới, từ các nhà hoạt động bình dân, đến cử tri, đến các nhà lãnh đạo. Họ OK với những cuộc chiếm đoạt quyền hành bằng bạo lực. Làm sao anh hiểu khác về ngày 6/1, phản ứng của mọi người về ngày hôm đó, và bây giờ là sự tôn vinh ngày 6/1, những người này sẽ OK với chuyện cướp chính quyền bằng bạo lực?
Tôi đã có phản ứng giống như anh trong những ngày sau ngày 6/1. Tôi thật sự hy vọng, lắng nghe Mitch McConnell tại phòng họp Thượng viện, lắng nghe McCarthy, hy vọng rằng cuối cùng đây sẽ là một bước ngoặt. Nhưng tôi nghĩ các đảng viên đảng Cộng hòa đã mất vài ngày để thử chiều gió và họ nhận ra rằng, các cử tri vẫn thuộc về Trump. Và vì họ cần thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ, và vì những người này quá hèn để đứng lên đấu tranh cho dân chủ thay vì cho sự nghiệp chính trị của mình, nên họ đã chọn đứng về phía các cử tri của Trump.
Họ không muốn, vì bất cứ lý do gì – ngoại trừ Adam Kinzinger và Liz Cheney và một số ít người khác, nhiều người sắp mãn nhiệm – họ không muốn đứng lên phản kháng lại các cử tri của Trump. Phản kháng lại các cử tri của Trump có nghĩa là họ có thể chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình và họ không muốn làm điều đó chút nào. Họ thà giết chết nền dân chủ.
*
Họ theo đuổi quyền lực bằng mọi giá. Đó là thứ mà mình đã từng đọc trong sách lịch sử. Tôi đang đọc “Sự vùng dậy và sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế” (The Rise and Fall of the Third Reich) và “Cơn bão đang ập tới” (The Gathering Storm) của Winston Churchill cùng một lúc, tôi sợ phát khiếp với những gì chúng ta đang trải qua. Thật là tàn nhẫn khi nhìn vào nước Đức và sự nổi dậy của Đức Quốc xã, mà Churchill nói: “Chúng ta có muôn vàn cơ hội để ngăn chặn điều này nhưng chúng ta đã không làm gì cả”. Tôi muốn anh chia sẻ những điều đã thành công ở các nước khác, để nó có thể trở thành một kiểu mẫu ở đây, cho ngay cả các đảng chính trị đang cạnh tranh nhau, để họ cùng tham gia thiết lập một liên đoàn ủng hộ dân chủ về cơ bản – không cần cùng ý thức hệ, nhưng tối thiểu phải ủng hộ nền dân chủ.
Trước hết, tôi xin nói rằng sẽ không có một giải pháp thần kỳ nào cả. Khi mình ở trong tình trạng mà một trong hai đảng chính trị đại diện cho gần một nửa đất nước, thực hiện hành động phản dân chủ, điều đó sẽ không thực hiện được dễ dàng. Và chúng ta sẽ phải tham gia trận chiến này, tôi nghĩ, nhiều khi đến 10, 15, 20 năm nữa. Đây không phải là việc mà chúng ta kết thúc trong vài năm tới.
Điều tốt là, chúng ta có thể không bao giờ phải chịu nguyên tắc độc đảng lâu dài. Hoa Kỳ cũng có rất nhiều tổ chức hoạt động. Phe đối lập “dân chủ nhỏ”, chủ yếu là đảng Dân chủ, rất mạnh. Nó được tổ chức tốt, nó khả thi về mặt bầu cử, nó được tài trợ tốt. Đây không phải là một phe đối lập có thể bị đàn áp như ở Nga, Hungary hoặc Venezuela. Cho nên ngay cả trong trường hợp xấu nhất, ngay cả khi đảng Cộng hòa cướp cuộc bầu cử năm 2024, kết thúc nền dân chủ trong phút chốc – và điều đó có thể xảy ra – nhưng nó sẽ không có nghĩa là hết chuyện. Chúng ta sẽ không vướng vào 30 năm của chủ nghĩa độc tài. Đảng Dân chủ sẽ chống lại. Sẽ có các cuộc biểu tình trên đường phố. Sẽ có một cuộc bầu cử khác. Nó có thể là một cuộc bầu cử không hoàn toàn công bằng, nhưng đảng Dân chủ sẽ tiếp tục đấu tranh để cầm quyền. Có thể chúng ta đến một giai đoạn “rơi vào trong và thoát ra ngoài khủng hoảng”, thay vì hoàn toàn rơi vào một giai đoạn suy thoái dài hạn.
Chúng ta phải làm gì? Riêng tôi nghĩ rằng, đây là bài học mà chúng ta đã thu nhập được từ các trường hợp khác, đặc biệt ở châu Âu, là một liên minh dân chủ nhỏ, rộng rãi, bao gồm phái cấp tiến của đảng Dân chủ, đến những người dân chủ bảo thủ. Họ phải hoan hỷ đón nhận các đảng viên đảng Cộng hòa muốn tham gia. Hiện đó không phải là một việc làm dễ dàng cho phái cấp tiến. Nghĩa là họ phải hy sinh một số mục tiêu chính sách và mục tiêu chương trình, và tham gia liên minh chính trị với những người mà họ thật sự không thích, cũng như họ đã từng bất đồng trong quá khứ.
Liz Cheney không thấm gì so với một số người có thể cuối cùng sẽ tham gia vào liên minh dân chủ. Nhưng đó là cách duy nhất để chúng ta bảo đảm chúng ta sẽ thắng, là chúng ta xây dựng một liên minh với các đảng viên đảng Cộng hòa cũng như những người bảo thủ, càng nhiều càng tốt: Những người theo đạo Tin lành, những thương gia. Đó phải là một liên minh rộng rãi. Nếu nó chỉ là một liên minh cho tiểu bang xanh (tiểu bang nghiêng về đảng Dân chủ), thì vẫn chưa đủ.
*
Thật là ngoài sức tưởng tượng khi mình có cuộc trò chuyện này ở Mỹ vào năm 2021. Nó giống như trong sách của Philip Roth. Nó có thật và đang xảy ra ngay tại đây. Anh có lạc quan không? Anh đã đề cập đến những thứ mang lại cho anh niềm hy vọng. Trên thực tế, khi đảng Dân chủ còn kiểm soát Quốc hội, điều này có mang lại cho anh nhiều hy vọng hơn nếu họ thông qua đạo luật bầu cử (voting rights act), một đạo luật “tự do bỏ phiếu” hay một đạo luật tương tự?
Ồ, đúng vậy. Tôi nhìn lại Đạo luật Lodge năm 1890 (1), ngay trước khi củng cố luật Jim Crow (2). Đã có đạo luật thiết lập một sự giám sát liên bang rộng lớn hơn cho các cuộc bầu cử, đã được Hạ viện thông qua, được đa số Thượng viện ủng hộ, và bị chặn bởi “chiến thuật câu giờ bằng diễn văn” (filibuster). Nhưng phái đa số Thượng viện đó cuối cùng đã tan vỡ vì đảng Cộng hòa, mà lúc đó là đảng ủng hộ mạnh mẽ quyền bỏ phiếu, bất bình về chuyện giao dịch thương mại và các ưu tiên khác. Họ đã từ bỏ, không thông qua dự luật, và ngay lập tức các tiểu bang “Confederate” (3), các tiểu bang miền Nam, bắt đầu tiến hành các diễn đàn hiến pháp và diễn đàn bầu cử để tước quyền của người Mỹ da đen mà dân số của họ chiếm gần phân nửa ở miền Nam. Việc này đã mở ra 80 năm chủ nghĩa độc tài ở miền Nam vì chúng ta không thông qua dự luật dân chủ đó vào năm 1890. Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ như thế trong lúc này, nhưng đó là hậu quả nếu chúng ta không thực hiện các bước nhỏ để chống lại sự đàn áp cử tri và đảo chính bầu cử.
Điều gì cho tôi hy vọng? Một vài điều sau đây. Tôi nghĩ rằng các nguyên liệu thô [cần thiết] cho sự tồn tại của nền dân chủ đang hiện hữu ở Hoa Kỳ. Sự mất cân bằng bất thường về quyền lực giữa bên này và bên kia mà mình thấy ở Nga, ở Venezuela, ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ở Hungary, không xuất hiện ở Mỹ. Đây là một cuộc chiến khá công bằng. Nó có thể trở nên xấu xa, nó có thể rơi vào một số cuộc khủng hoảng khá nhơ nhuốc, nhưng đảng Dân chủ sẽ tiếp tục có cơ hội đấu tranh trong nhiều năm tới.
Tôi nghĩ điều mang lại cho tôi niềm hy vọng nhất là, chúng ta đang sắp sửa tạo dựng một nền dân chủ đa chủng tộc chưa từng có. Đó là một điều rất khó thực hiện, và có lẽ không xã hội nào khác đã thật sự làm được điều đó. Chúng ta chưa làm, nhưng chúng ta đang trên con đường tiến hành. Chúng ta đã chính thức tiến đến đó vào năm 1965, và chúng ta đã đi theo đường hướng đó nửa thế kỷ qua. Đó là điều mà cuộc tranh đấu này phải làm. Đó là phản ứng mà đảng Cộng hòa phải có. Nhưng nếu chúng ta thắng – và nó sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng – tôi nghĩ về mặt khác, đó có thể là một thí nghiệm dân chủ đáng chú ý, mà có thể trở thành một mô hình cho thế giới. Điều đó giúp tôi ngủ ngon vào ban đêm và thức dậy ngày hôm sau để tiếp tục sống.
*
Nhiều người khẳng định rằng, Donald Trump nên bị truy tố bởi những điều ông ta gây ra trong ngày 6/1. Liệu điều đó có thật sự chấm dứt mối đe dọa, hay tại thời điểm này, nó vượt qua các giới hạn những gì dính dáng đến Donald Trump?
Tôi nghĩ, chắc chắn vượt qua Trump và tràn ngập khắp đảng Cộng hòa. Trump có thể đến Ái Nhĩ Lan sống lưu vong vào ngày mai, ông ta có thể qua đời vào ngày mai, nhưng điều đó sẽ không kết thúc sự xáo động. Hệ tư tưởng này sẽ tồn tại lâu dài, cho dù từ Tucker Carlson hay ai khác. Có nhiều, rất nhiều doanh nhân chính trị, vì thấy Trump đã làm bậy, vì thấy ông ta đã vượt qua lằn ranh đó, vì thấy ông ta đã thiết lập một kiểu danh tính đó, tôi nghĩ rằng chả ai muốn đặt nó trở về tình trạng cũ.
Trump là một nhân vật duy nhất và chắc chắn sẽ không ai có thể bắt chước ông ta. Tôi nghĩ sẽ có một cuộc tranh luận thú vị để truy tố Trump. Đó là con dao hai lưỡi, nhưng tôi nghĩ mình có thể tạo ra một án lệ khá tốt. Nhưng ngay cả khi làm được như vậy, mọi việc vẫn chưa kết thúc. Về bản chất, theo tôi, đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục là một đảng theo chủ nghĩa Trump trong một thời gian nữa.
*
Gần đây, các thành viên đảng Dân chủ ở Quốc hội, Adam Schiff và những người khác, đã đưa ra luật cải cách hệ thống chính quyền, dựa vào những gì mà Trump đã làm trong tòa Bạch Ốc. Không phải về cuộc bầu cử, mà về cách ông ta sử dụng quyền lực. Chúng ta đã có rất nhiều cải cách sau vụ Watergate. Anh có nghĩ rằng đảng Dân chủ nên ưu tiên thực hiện điều đó, cũng như quyền bỏ phiếu? Lỡ tổng thống kế tiếp có thể không phải là một đảng viên đảng Dân chủ – có thể là Trump, hoặc một người khác như Trump – liệu họ có nên ban hành cải cách ngay bây giờ?
Chắc chắn rồi. Dĩ nhiên thực hiện việc cải cách hiện rất khó, vì rất khó để loại bỏ ngay cả một phiếu bầu của đảng viên đảng Cộng hòa. Nói thì dễ hơn làm, nhưng những gì Adam Schiff nói rất có lý đối với tôi. Trong hệ thống chính quyền của chúng ta, như chúng tôi đã viết trong “Nền dân chủ chết như thế nào”, các quy tắc rất mù mờ và chúng ta phụ thuộc nhiều vào sự kiềm chế của các chính trị gia qua nhiều năm.
Chúng ta đã tin tưởng rằng các chính trị gia sẽ không làm bậy. Họ sẽ không kiếm được hàng triệu đô la một cách trắng trợn từ việc trở thành tổng thống. Họ sẽ không ân xá cho bạn bè hoặc những người thông đồng với họ. Và bây giờ rõ ràng, với mức độ chia rẽ, với gương xấu mà một số người đã làm, chúng ta sẽ phải chính thức hóa những gì được từng là chuẩn mực không chính thức. Chúng ta không thể dựa vào sự tự kiềm chế nữa. Chúng ta không thể dựa vào sự kiên nhẫn, chịu đựng, khoan dung. Chúng ta cần tạo ra các nguyên tắc cứng rắn hơn, thay vì các nguyên tắc lỏng lẻo.
______
Chú thích của người dịch:
(1) Đạo luật Lodge năm 1890: Là đạo luật công nhận quyền bầu cử của người da đen, để họ được bỏ phiếu ở miền Nam Hoa Kỳ.
(2) Luật Jim Crow: Là luật phân biệt chủng tộc (1877-1965) ở miền Nam Hoa Kỳ, được ban hành bởi các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang bị những người da trắng thống trị. Luật này quy định, các khu vực công cộng ở miền Nam Hoa Kỳ như phòng vệ sinh, nhà hàng, xe buýt… dành riêng cho người da trắng và người da đen, hai nhóm người này không được sử dụng chung với nhau.
Sự củng cố luật Jim Crow là sự kết hợp chính quyền của các tiểu bang quanh Virginia hồi thập niên 1950 để củng cố quyền lợi về kinh tế và bầu cử của những người da trắng.
(3) Tiểu bang “Confederate”: Là 11 tiểu bang ở miền Nam Hoa Kỳ trong thời nội chiến Mỹ (1861-1865). Những tiểu bang này theo chủ nghĩa đề cao người da trắng và ủng hộ nô lệ.
No comments:
Post a Comment