Wednesday, October 27, 2021

MỘT NỬA SỰ THẬT LÀ GÌ? (Nguyễn Đình Cống)

 


Một nửa sự thật là gì?

Nguyễn Đình Cống

27/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/27/mot-nua-su-that-la-gi/

 

Một câu từ phương Tây được dịch ra tiếng Việt là: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, còn một nửa sự thật là… xxx”. Nhiều người cho đó là câu ngạn ngữ và rất hay dùng.

 

Trong các văn bản tiếng Việt đoạn đầu khá giống nhau, nhưng khúc cuối …xxx  loạn bát nháo. Wikipedia thể hiện rõ sự loạn đó. Tiếp đoạn ‘còn một nửa sự thật’ có các diễn đạt như sau:

 

1- Là giả dối.

 

2- Không phải là sự thật.

 

3- Chưa chắc còn là sự thật.

 

4- Có thể là giả dối.

 

5- Có thể không phải là sự thật.

 

6- Thường là giả dối.

 

1 và 2 là phán đoán khẳng định hoặc phủ định toàn bộ.

 

3; 4; 5; 6 là phán đoán bộ phận.

 

Câu đó được cho là của ông Benjamin Franklin, nhân vật được in trong tờ $100 đô la Mỹ.

 

Nguyên văn của câu đó là: “Half the Truth is often a great Lie“. Nghĩa là: “Một nửa sự thật thường là một lời nói dối lớn“.

 

Thường là chứ không phải nhất định là, vì vậy cách diễn đạt 1 và 2 là sai lạc. Đó là do người ta trích dẫn dựa vào “nghe hơi nồi chõ” và thiếu suy nghĩ chính xác, thiếu kiểm chứng.

 

Cách diễn đạt 3; 4; 5; 6 tương đối đúng, nhưng thiếu mất ý “Lớn” trong từ lời nói dối.

 

                                                           ***

Nhân đây tôi cũng xin mạn phép nhận xét rằng, dùng từ “một nửa” trong câu ngạn ngữ không thật chính xác nếu cho rằng một nửa là bằng 50%. Thay từ một nửa bằng từ ‘một phần’ sẽ chặt chẽ hơn.

 

Một phần sự thật thường là lời nói dối và cũng có thể là sự thật, tuy rằng chưa phải là toàn bộ. Lời nói dối có lớn hay không còn tùy tình huống của người nói.

 

Thí dụ: Một hộp đựng đầy trứng chim. Trứng được chèn bằng bông và giấy vụn. Lấy một phần của cái hộp ấy có thể là trứng (sự thật) hoặc bông và giấy (không phải sự thật).

 

Người ta thường dùng câu ngạn ngữ trên để vạch ra sự ngụy biện của những người dùng một số chứng cứ thu thập được từ một sự kiện nào đó rồi gán cho nó là bản chất của sự kiện. Chứng cứ là có thật chứ không phải được bịa ra, nhưng nó chưa chắc là bản chất sự kiện. Phạm lỗi này có thể do cố ý hoặc vô tình. Cố ý khi họ muốn lái người tiếp nhận thông tin ngã về phía họ, nhằm thực hiện thủ đoạn xảo trá. Lúc này đó là lời nói dối lớn. Khi bị hạn chế về trình độ hoặc điều kiện mà thu thập nhầm chứng cứ, lúc này là nói dối vô tình.

 

Những người phản biện dùng câu trên theo kiểu khẳng định hay phủ định toàn bộ là có tính cực đoan, suy nghĩ thiếu chặt chẽ, nó có thể đúng trong trường hợp đang xét, nhưng không đúng trong trường hợp chung.

 

Trong thực tế, thỉnh thoảng tôi gặp nhược điểm này trong các bài viết của một số người có học vị và bằng cấp cao. Thật đáng tiếc.




No comments: