Saturday, October 9, 2021

BÁO CÁO GÂY SỐC : GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LÀ NƠI CÓ TỶ LỆ ẤU DÂM GẦN NHƯ CAO NHẤT NƯỚC PHÁP (Thùy Dương - RFI)

 


Báo cáo gây sốc : Giáo hội Công giáo là nơi có tỉ lệ ấu dâm gần như cao nhất nước Pháp

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 08/10/2021 - 15:27

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20211008-b%C3%A1o-c%C3%A1o-g%C3%A2y-s%E....B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p

 

Ngày 05/10/2021, báo cáo về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công giáo Pháp giai đoạn 1950-2020 được công bố, gây chấn động và làm dấy lên nỗi phẫn nộ trong công luận. Báo cáo cho thấy tại Pháp, Giáo hội Công giáo là nơi có tỉ lệ lạm dụng tình dục trẻ em gần như cao nhất, chỉ sau phạm vi gia đình, họ hàng thân thích, đa phần thủ phạm là linh mục ở các giáo phận và 80% nạn nhân là nam thiếu niên 10-13 tuổi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/64f62b86-25c6-11ec-b44a-005056bf30b7/w:980/p:16x9/1eebbb1e423daf5e7498037711449655d1db5fc8.webp

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công giáo Pháp giai đoạn 1950-2020 trong buổi công bố kết quả báo cáo, ngày 05/10/2021, tại Paris. Thomas Coex POOL/AFP

 

Những con số « biết nói »

 

Chính Giáo hội Công giáo Pháp đã đề nghị việc thực hiện báo cáo độc lập với chi phí lên đến 3 triệu euro. Ủy ban độc lập Ciase là cơ quan thực hiện báo cáo trong vòng 2 năm rưỡi, với 21 chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như bác sĩ, luật gia, nhà xã hội học, sử gia … Báo cáo liên ngành dài 500 trang, với 1.500 trang phụ lục về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công giáo Pháp giai đoạn 1950-2020 có tên gọi là « Báo cáo Sauvé », được đặt theo tên của ông Jean-Marc Sauvé, 72 tuổi, chủ tịch Ủy ban độc lập Ciase, cựu phó chủ tịch Tham Chính Viện Pháp.

 

Mặc dù mọi thông tin về kết quả báo cáo đều được giữ kín cho đến ngày chót, nhưng dường như các chức sắc Công giáo phần nào đã có thể đoán được tầm mức nghiêm trọng về các vụ đụng chạm, lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp trẻ em trong phạm vi Giáo hội suốt 70 năm, từ năm 1950 đến năm 2020. Le Figaro cho biết trong buổi lễ nhà thờ ngay từ Chủ Nhật 03/10, một số giáo phận đã yêu cầu các tín đồ « chuẩn bị tinh thần » hứng « một cú sốc ». Các con số quả thực đã vượt rất xa so với ước tính ban đầu. Ông Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban Ciase, giải thích về kết quả báo cáo :

 

 « Việc kêu gọi mọi người ra làm chứng cho phép xác định khoảng 2.700 nạn nhân, cuộc điều tra trong các kho lưu trữ cho phép xác định khoảng 4.800 nạn nhân, nhưng cuộc điều tra dân số diện rộng do Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Sức khỏe và Y khoa INSERM thực hiện với sự hỗ trợ của Viện thăm dò ý kiến IFOP cho phép ước tính trong dân số trên 18 tuổi hiện nay, có đến 216.000 người từng bị các linh mục, giáo sĩ, thầy tu và các nữ tu bạo hành tình dục ở độ tuổi vị thành viên.

 

Việc kêu gọi mọi người ra làm chứng như vậy chỉ tiếp cận được 1,25% số người là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội, điều này cho thấy là việc tiếp cận được với các nạn nhân và khích lệ họ kể ra mọi chuyện là vô cùng khó khăn.

 

216.000 nạn nhân nói trên là những người còn sống. Tất nhiên là những người bị lạm dụng tình dục nhưng đã qua đời thì không được tính, những vụ tấn công tình dục xảy ra trước năm 1950 cũng không được thống kê.

 

Nếu như tính thêm vào con số 216.000 này những ai bị lạm dụng tình dục bởi những người không theo đạo nhưng có tham gia vào hoạt động của Giáo hội, chẳng hạn các tình nguyện viên dạy về tôn giáo, những người làm việc tình nguyện trong các cơ sở đào tạo Công giáo … thì số nạn nhân phải lên đến 330.000 người. Như vậy là hơn 34% số vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo là do những người không phải theo đạo Công giáo gây ra (…)

 

Về tầm mức thì những con số 216.000 hay 330.000 đều không chỉ là đáng lo ngại, mà còn tạo một sức nặng không thể chối cãi được, và dù gì đi chăng nữa thì chuyện này cũng không thể cứ để như vậy mà không có bước giải quyết tiếp. Cần phải có những biện pháp mạnh mẽ ».

 

 

Tội ác xảy ra ở nơi không mấy ai ngờ tới

 

Nếu trong phạm vi gia đình và ngoài xã hội, các bé gái là nạn nhân chính của nạn ấu dâm thì trong Giáo hội Pháp, 80% nạn nhân là nam thiếu niên, đặc biệt là các em ở độ tuổi 10-13. Một điều khác không mấy ai có thể ngờ tới là Giáo hội Pháp là nơi nạn lạm dụng tình dục trẻ em cao hơn hẳn so với nhiều môi trường khác. Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập về các vụ lạm dụng tình dục của Giáo hội Pháp giải thích cụ thể trong ngày công bố báo cáo tại Paris :

 

« Nếu bây giờ chúng ta tính tỉ lệ nạn nhân tại một nơi chốn nào đó trên tổng số người thường hay lui tới nơi đó thì dường như sau phạm vi gia đình, họ hàng thân thích và bạn bè, thì Giáo hội Công giáo là môi trường có tỉ lệ các vụ tấn công tình dục cao nhất, cao hơn đáng kể so với trường học, các cơ sở tiếp đón tập thể trẻ vị thành niên mà người ta gọi là trại nghỉ dưỡng, vui chơi trong các kỳ nghỉ và cao hơn cả trong lĩnh vực thể thao.

 

Đúng là tổng số vụ lạm dụng tình dục có giảm mạnh nhưng sau đó xu hướng giảm đã ngưng. Các vụ lạm dụng tình dục trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1969 chiếm tới 56% tổng số vụ, sau đó giảm rõ rệt trong giai đoạn 1970 - 1990. Số vụ lạm dụng tình dục đã giảm, nhưng chiều hướng giảm này có liên quan đến tình trạng số linh mục, thầy tu giảm và sau nhiều thập niên người dân cũng ít lui tới các cơ sở Công giáo hơn.

 

Và cuối cùng, nếu chúng ta xét theo tỉ lệ, thì tỉ lệ các vụ lạm dụng tình dục trong giai đoạn 1970-1990 cũng giảm so với giai đoạn 1950-1970 nhưng sau đó thì mức giảm cũng thấp đi. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ suy nghĩ rằng nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội đã hoàn toàn bị loại trừ, rằng mọi chuyện đã lùi lại phía sau chúng ta. Không, vấn đề vày vẫn tồn tại dai dẳng. » 

 

Con số 330.000 tương đương với 6% tổng số nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại Pháp. Theo điều tra của Viện INSERM cho Ủy ban Ciase, 1,2% số người thường xuyên lui tới các cơ sở Công giáo thời thơ ấu từng là nạn nhân các vụ đụng chạm, tấn công tình dục, thậm chí là bị cưỡng hiếp. Nhưng ông Jean-Marc Sauvé lấy làm tiếc là các định chế tôn giáo « cho đến đầu những năm 2000 đã thể hiện một sự thờ ơ vô cùng lớn, thậm chí là ác độc đối với các nạn nhân ».

 

Trong tổng số 115.000 linh mục, giáo sĩ trong giai đoạn 1950-2020 tại Pháp, có 2.900-3.200 linh mục từng có các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, tương đương tỉ lệ 2,5-2,8%. So sánh với tình hình các nước khác, đài France Inter nhận định tỉ lệ linh mục ấu dâm tại Pháp như vậy là thấp hơn nước ngoài.

 

 

Báo cáo Sauvé nhìn từ Ý 

 

Nhìn sang Ý, một báo cáo tương tự như của Ủy ban độc lập tại Pháp về nạn lạm dụng tình dục ở Giáo hội chắc chắn vẫn chưa thể được tiến hành trong nay mai. Cho dù một số cơ quan tổ chức đã được thành lập để lắng nghe các nạn nhân, nhưng vấn đề tội phạm tình dục trong Giáo hội nhìn chung vẫn là đề tài cấm kỵ ở Ý và rất khó để thúc đẩy nhận thức về vấn đề này.  

 

Cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội Ý vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đó là nhận định của thông tín viên RFI Éric Sénanque, từ Roma :  

 

« Francesco Zanardi, thời thơ ấu từng bị một linh mục lạm dụng tình dục, hiện giờ là chủ tịch mạng lưới L’Abuso, hiệp hội chính của những người là nạn nhân của các linh mục phạm tội ấu dâm ở Ý. Zanardi đã đọc rất kỹ các kết luận của Ủy ban Sauvé, nhưng theo ông vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể thay đổi nhận thức. Ông lấy làm tiếc và nói : « Ở Ý, chúng tôi vẫn đang chờ đợi để có một Ủy ban điều tra về Giáo hội. Ý thực sự là một trong những quốc gia chậm trễ nhất trong việc đưa ra các biện pháp, nhưng có lẽ đó là vì có Tòa thánh Vatican ». Từ nhiều năm nay, Francesco Zacardi đã thất vọng về việc Giáo hội công giáo Ý thiếu ý chí để đối phó hiệu quả với thảm kịch tội phạm ấu dâm. 

 

Đối với Massimo Faggioli, sử gia về Giáo hội, chắc còn lâu mới có chuyện nước Ý đối mặt với vấn đề nhức nhối, gây đau đớn liên quan đến các vụ bê bối tình dục trong Giáo hội như Pháp đã làm, vì xã hội Ý vẫn chưa sẵn sàng. Ông nói : « Thật khó để tưởng tượng Ý có một Ủy ban như Ủy ban Sauvé của Pháp. Hai nước không có cùng xuất phát điểm. Thứ nhất là các phương tiện truyền thông của Ý thiếu can đảm để thực hiện các cuộc điều tra sâu rộng, thứ hai là nền chính trị, tư pháp và cảnh sát Ý cũng thiếu dũng cảm, luôn có thái độ miễn cưỡng khi phải giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục.  

 

Tuy nhiên, cũng không phải là Giáo hội Ý không có nỗ lực. Một mạng lưới quốc gia với những đội ngũ chuyên lắng nghe các nạn nhân đã được lập ra ở nhiều giáo phận, và cách nay 2 năm, Hội đồng Giám mục Ý thậm chí đã ban hành văn bản hướng dẫn để chống nạn lạm dụng tình dục. Nhưng còn xa Ý mới làm được như Pháp, tức là có một Ủy ban độc lập nằm ngoài Giáo hội Công giáo có khả năng đưa ra ánh sáng nạn lạm dụng tình dục trong suốt nhiều thập kỷ và nỗi khổ đau các nạn nhân ». 

 

Hiệu ứng của báo cáo Sauvé đã vượt ra khỏi biên giới nước Pháp. Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ « nỗi hổ thẹn, đau buồn » và kêu gọi Giáo hội Pháp hành động để trở thành « một ngôi nhà an toàn cho tất cả mọi người ».

 

 

Hành động cụ thể của Giáo hội Pháp ?

 

Trở lại Pháp, hôm 05/10, trước khi nhận báo cáo từ tay chủ tịch Ủy ban Ciase, phát biểu trước mặt nhiều nạn nhân hiện diện tại buổi công bố báo cáo Sauvé, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Eric de Moulins-Beaufort, đã thừa nhận số nạn nhân và tầm mức sự việc đã vượt quá khả năng tưởng tượng của Giáo hội Pháp. Đức Tổng giám mục thể hiện « nỗi hổ thẹn, kinh hãi và quyết tâm hành động », đồng thời xin lỗi các nạn nhân.  

 

Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là Giáo hội Pháp sẽ gánh trách nhiệm, khắc phục hậu quả như thế nào ? Bởi vì cứ 10 vụ thì có 9 trường hợp không để đưa ra trước pháp luật vì đã xảy ra quá lâu, vượt quá giới hạn thời gian để có thể đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật. Vì thế, việc tìm cách nói chuyện hàn gắn và bồi thường cho các nạn nhân đều tùy thuộc hoàn toàn vào Giáo hội Công giáo Pháp.

 

Hiện nay, bồi thường tài chính cho để bù đắp phần nào các nạn nhân hiện là giải pháp nhận được nhiều sự ủng hộ và cũng là một trong 47 kiến nghị của Ủy ban Ciase. Cho đến mùa xuân năm 2021, Giáo hội Công giáo Pháp đã lập ra một quỹ bồi thường 5 triệu euro và dự kiến ​​sẽ sớm công bố thành phần một cơ quan độc lập chuyên trách phân bổ tiền bồi thường. Tuy nhiên, cả các nạn nhân và tín đồ đều phản đối ý tưởng Giáo hội quyên góp tiền từ giáo dân để bồi thường cho các nạn nhân.

 

Theo đài Europe 1, một dự án khác đã được tiến hành về việc lập một tòa án hình sự tôn giáo quốc gia. Đây cũng là một trong các khuyến nghị của Ủy ban Ciase, bởi vì cho đến nay mới chỉ có tòa án riêng của từng giáo phận, nhưng quyền bổ nhiệm thẩm phán và cho thi hành bản án với các linh mục bị kết tội đều nằm trong tay giám mục của giáo phận đó. Hội đồng Giám mục Pháp hiện đang chờ sự chấp thuận của Tòa thánh Vatican. Hàng loạt giải pháp khác dự kiến sẽ được thảo luận và sau đó được biểu quyết thông qua vào tháng 11/2021.

 

                                                         ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Đức giáo hoàng Phanxicô cho giải mật các vụ lạm dụng tình dục

.

Giáo Hoàng muốn biện pháp hiệu quả chống lạm dụng tình dục

.

Úc : Nhân vật số ba của Vatican bị khép tội bạo hành tình dục trẻ em





No comments: