Bài
học dân chủ và minh bạch qua câu chuyện Christian Porter
02/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/bai-hoc-dan-chu-minh-bach-van-minh/6253300.html?withmediaplayer=1
Một nền dân chủ đích thực không thể dung túng,
vận hành và tồn tại nếu thiếu minh bạch. Câu chuyện về cựu Bộ trưởng cao cấp
trong chính quyền Úc Christian Porter đang chứng minh điều này.
Christian Porter là một chính trị gia trẻ,
thông minh và đầy triển vọng của Đảng Cấp tiến của Úc. Sinh ngày 11 tháng 7 năm
1970, Porter hành
nghề luật từ năm 1996 đến 1999, làm Công tố viên Cao cấp tại Tây Úc từ năm 2002
đến 2008, và cũng giảng dạy tại đại học Tây Úc từ năm 2006 đến 2008. Porter bắt
đầu tham chính vào năm 2008 ở cấp chính quyền tiểu bang Tây Úc, giữ chức vụ Bộ
trưởng Tư pháp từ năm 2008 đến 2012, đồng thời làm Bộ trưởng Ngân khố
(Treasurer) từ cuối năm 2010 đến giữa năm 2012. Porter quyết định tham chính cấp
liên bang, làm dân biểu từ năm 2013, và được tiếp tục đắc cử vào năm 2016 và
2019. Porter đã giữ nhiều chức vụ Bộ trưởng khác nhau kể từ năm 2015, cao nhất
là Bộ trưởng Tư pháp, từ năm 2017 đến 2021. Con đường sự nghiệp của Porter khá
suôn sẻ, và vì là người có đầy tiềm năng, Porter được xem là có triển vọng làm
thủ tướng Úc trong tương lai. Cho đến khi vụ xì căng đan về Porter, cách đây
hơn ba thập niên, được phanh phui trên báo chí vào đầu năm 2021.
Thật ra câu chuyện về Porter không phải là một
vấn đề riêng lẻ. Nó có tính cách dây chuyền và nhân quả. Tôi đã viết về
cô Brittany
Higgins, một cố vấn chính trị cho Bộ trưởng Linda Reynolds, bị hãm hiếp
ngay trong văn phòng làm việc tại quốc hội Úc, vào ngày 23 tháng 3 năm 2019. Sự
việc này đang được điều tra ở nhiều cấp, lãnh thổ ACT lẫn liên bang, và văn
phòng thủ tướng, và cũng được tòa
sơ thẩm ACT đang xét xử.
Sau khi vụ hãm hiếp cô Higgins bị đưa ra công
luận Úc vào cuối tháng 2 năm 2021, một số vụ lem nhem về tình dục của các chính
trị gia khác, trong đó có Porter, cũng bị phanh phui trên truyền thông Úc.
Rất nhiều cơ quan truyền thông đưa tin về sự vụ
này, nhưng không chi tiết và tác động bằng bài “Scott Morrison, các thượng nghị
sĩ và AFP [Cảnh sát Liên bang Úc] được cho biết về cáo buộc hiếp dâm lịch sử đối
với Bộ trưởng Nội các” (Scott
Morrison, senators and AFP told of historical rape allegation against Cabinet
Minister). Bài này là do ký giả Louise Milligan, thuộc chương trình Four
Corners của cơ quan truyền thông ABC, thực hiện vào ngày 26 tháng 2 năm 2021.
Milligan là ký
giả điều tra của ABC, chuyên về các đề tài phụ nữ và xã hội, nhiều năm
kinh nghiệm truyền thông cho Seven News and The Australian.
Những chi tiết chung quanh sự kiện này đã được
chia sẻ trong bài
trước đây, viết vào tháng 3 năm 2021. Xin nhắc lại, một cách tóm tắt, rằng
trong bài viết của Milligan, cũng như các tin tức có sẵn vào lúc đó, tiết lộ là
cảnh sát Nam Úc tìm thấy xác của một phụ nữ 49 tuổi tại một căn nhà ở Adelaide,
Nam Úc, vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, và cảnh sát NSW đã xác định điều này. Cuộc
điều tra về cái chết này tiết lộ nhiều thông tin rất quan ngại. Người phụ nữ
này, trong bản tường trình cuối năm 2019 viết cho luật sư mình, cho biết bà đã
bị hãm hiếp lúc 16 tuổi. Là một học sinh thông minh, tương lai xáng lạn đang
dành cho một người như bà. Nhưng sự kiện đó đã để lại một chấn thương không thể
nào phai nhòa. Nó ám ảnh bà cả đời. Sức khỏe tâm thần của bà đã suy sụp rất nhiều
vài tuần trước khi bà tự tử. Trước đó bà cũng đã tự tử nhiều lần nhưng không
thành. Một ngày trước khi tự tử, bà báo cho cảnh sát NSW biết rằng bà thật sự
không muốn tiếp tục cuộc điều tra này nữa.
Trong bản tường trình, bà viết: “Đây là câu
chuyện của tôi, rõ ràng và đơn giản. Nó không đẹp, nhưng nó là của tôi… Nếu câu
chuyện này được công chúng biết đến, tôi hy vọng rằng nó sẽ khuyến khích những
người phụ nữ khác tiến lên… Không phải cho tôi, mà cho chính họ ... Tôi cũng hy
vọng rằng những người khác đã phải chịu đựng những tổn thương tương tự, nếu những
sự thật này trở thành kiến thức của công chúng, sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn.”
Nói chung, bà không còn muốn truy tìm công lý
cho chính mình, nhưng chỉ muốn công lý cho người khác, và muốn cảnh sát và các
cơ quan công quyền, các lãnh đạo quốc gia v.v…, hiểu vấn đề và qua đó, giúp cho
các hoàn cảnh tương tự.
Bài viết trên của Milligan, tuy không hé lộ
danh tánh về nghi can, nhưng những thông tin đó cũng đủ để người đọc có thể tự
suy luận rằng nghi can không ai khác ngoài Christian Porter.
Ba tuần sau bài viết của Milligan, ngày 15
tháng 3, luật sự Rebekah Giles, thay mặt cho thân chủ của mình là Christian
Porter, đã nộp
đơn kiện Milligan và ABC về tội phỉ báng, đơn dài 20 trang, lên tòa
liên bang. Đơn kiện này có in lại và kèm theo bài viết của Milligan, và các chứng
cớ chứng minh bị phỉ báng. Trong đó, Porter phủ nhận những cáo buộc của
Milligan, và Porter cho biết ông muốn vụ án này kết thúc bản án được xét xử bởi
truyền thông (trial
by media), thay vì qua thủ tục tố tụng bình thường của ngành tư pháp/tòa
án.
Tuy nhiên, sau vài tháng, vụ kiện Milligan và
ABC của Porter đã không tiếp diễn nữa, vào cuối tháng 5 năm 2021. Hai bên đã đi
đến thỏa thuận với nhau, thay vì dùng tòa án. Điều được tiết lộ là ABC không trả
phí tổn nào liên quan đến cáo buộc tổn hại uy tín, nhưng đã đồng ý trả $100,000
đô Úc được xem là chi phí hòa giải (mediation
costs). Ngoài ra, cũng được biết ABC chấp nhận đề nghị từ phía Porter rằng
ABC hối hận về kết quả của bản tường trình này, và viết vài quan điểm đính
chính bài của Milligan.
ABC, qua đó, xác
nhận như sau: “ABC không có ý định cho rằng ông Porter đã phạm các tội
hình sự bị cáo buộc. ABC không cho rằng các cáo buộc nghiêm trọng có thể được
chứng minh theo tiêu chuẩn pháp lý hiện hành - hình sự hoặc dân sự. Tuy nhiên,
cả hai bên đều chấp nhận rằng một số độc giả đã hiểu sai bài báo như một lời buộc
tội có tội đối với ông Porter. Rất tiếc việc đọc đó, không phải do ABC dự định.”
Sự việc, tuy nhiên, không ngừng ở đó.
Vào ngày 14 tháng 9 năm 2021, Porter tiết
lộ rằng một tín thác có tên “Tín thác Dịch vụ Pháp lý” (Legal Services
Trust) trị giá cả triệu đô la, đã được lập ra để trang trải một phần chi phí
pháp lý, vốn rất tốn kém, cho vụ kiện của Porter đối với ABC trước đây. Tín
thác này có dạng kín/mù (blind
trust), và khi được hỏi thì Porter biện luận rằng ông không biết ai đã lập
ra nó, hoặc đứng đằng sau tín thác này. Tuy không biết nhưng Porter đã chấp nhận
sử dụng nó cho phí tổn pháp lý của mình.
Theo luật Úc, mọi chính trị gia, dân biểu hay
thượng nghị sĩ, phải công khai tất cả mọi tài chánh, quà cáp hay lợi nhuận nào
nhận được. Tất cả chính trị gia phải khai báo rõ ràng, không phải chỉ cho chính
mình, mà còn cho người phối ngẫu và cả con cái mình (những người con một phần
hay hoàn toàn phụ thuộc). Báo cáo này được cập nhật thường xuyên trên website
của quốc hội Úc, để giới truyền thông và công chúng muốn tìm hiểu thì sẽ biết.
Đây là biện pháp để giảm thiểu xung đột quyền lợi khi nắm giữ các vai trò quan
trọng trong guồng máy nhà nước, và nhất là để tránh sự lạm dụng, tham nhũng khi
có quyền lực trong tay. ABC cho biết: “Có 14 hạng mục khác nhau mà các dân biểu
phải khai báo bao gồm bất động sản, công ty mà họ có đầu tư, các khoản nợ hoặc
tiền vay ngân hàng mua nhà, họ có sổ ngân hàng với ai, các thu nhập đáng kể
khác, và các chuyến du lịch không được họ trả, và quà tặng trên 300 đô la.”
Porter có vẻ đã tuân thủ tất cả các điều lệ
này và báo cáo đầy đủ. Nhưng vì là một Bộ trưởng, tức thành viên trụ cột của
chính quyền, nên tiêu chuẩn dành cho cấp Bộ trưởng (Ministerial
Standards) cao hơn, tuy phần lớn các nguyên tắc và tiêu chuẩn giống như mọi
chính trị gia.
Porter khẳng định ông không làm gì sai cả,
ngay cả đối chiếu với tiêu chuẩn dành cho cấp bộ trưởng. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng
Úc Malcolm Turnbull, người đã bổ nhiệm Porter làm Bộ trưởng Tư pháp, biện
luận rằng quyết định của Porter nhận tiền từ quỹ tín thác mà không biết
nguồn của nó là một sự “thoái thác trách nhiệm bất thường”. Turnbull lấy làm
kinh ngạc nếu Porter có thể thoát trách nhiệm này, và kinh ngạc hơn nữa, nếu Thủ
tướng Morrison để chuyện đó xảy ra. Turnbull cho
rằng đây chẳng khác gì nhận một ủng hộ tài chánh thật lớn mà không công bố nguồn
hoặc không biết nguồn từ đâu. Turnbull khẳng định đây là hành động sai trái, và
ví von hành động này chẳng khác gì biện
bộ rằng “Các khoản phí pháp lý của tôi đã được thanh toán bởi một người
đeo mặt nạ, người đã giao chuyển một chiếc túi đựng đầy tiền mặt” ngay tại văn
phòng của tôi.
Với áp lực của nhiều nhân vật gạo cội hàng đầu
khác của Úc, từ các cựu thủ tướng như Kevin Rudd, cho đến các chuyên gia về luật,
và các ký giả gạo cội, Thủ tướng Morrison đã phải lấy quyết định. Thủ tướng
Morrison yêu cầu Văn phòng Thủ tướng phải điều tra và cho biết có sự vi phạm
nào không. Vào ngày Chủ Nhật 19 tháng 9, Morrison công
bố Porter đã từ chức vai trò Bộ trưởng Công nghệ, Khoa học và Kỹ thuật,
vai trò mà Porter đã đảm nhiệm (xuống chức) từ 30 tháng 3 đến 19 tháng 9.
Morrison cho biết Porter đã không thể “loại trừ một cách dứt khoát một xung đột
lợi ích được nhận thức”, nên đây là hành động đúng đắn để bảo vệ các chuẩn mực
này.
Ký giả gạo cội Michelle Grattan nhận
định Christian Porter là một đàn ông rất thông minh trí tuệ, nhưng
cũng thể hiện là người có những nhận định cực kỳ tồi tệ. Porter phải từ chức và
trả giá đắc cho tương lai chính trị của mình.
Nhật báo The Age, trong bài quan
điểm ngày 17 tháng 9, có những nhận định rất đúng đắn. Bài nói: “Các mối
đe dọa đối với nền dân chủ của Úc có nhiều dạng nhưng không có mối đe dọa nào
quá ngấm ngầm như mối đe dọa do quyền lực của đồng tiền tham nhũng gây ra. Nhận
thức rằng các chính trị gia có thể bị ảnh hưởng bằng tiền mặt có tác động làm mất
niềm tin của cử tri vào hệ thống, và đẩy họ về phía, một mặt, các quan điểm cực
đoan, và mặt khác, thờ ơ và buông thả.”
Tham nhũng, hay nguy cơ tham nhũng, do tập tục,
thói quen, văn hóa, khe hở pháp luật v.v… có khả năng làm xói mòn niềm tin người
dân và từ đó lũng đoạn, hư hỏng và kể cả tê liệt guồng máy công quyền của mọi
quốc gia, dân chủ hay độc tài. Ở các nước dân chủ, từ luật pháp đến quy tắc
hành xử, bắt buộc các chính trị gia, bộ trưởng và mọi nhân viên công quyền, phải
hành xử và khai báo đúng mực, nên rất khó để nó xảy ra. Nhưng các nước phi dân
chủ thì thật là vô phương. Tham nhũng cũng đã làm cho cuộc chiến tại
Afghanistan trở nên vô nghĩa với bao hy sinh và mất mát, như có chia sẻ
trong bài
trước. Nó là vấn nạn lớn nhất của mọi chế độ độc tài, cộng sản hay không cộng
sản. Một phần, nó thuộc bản chất thao túng quyền lực của họ, bởi loại trừ tham
nhũng cũng đồng nghĩa là loại trừ chính mình. Nhưng phần khác, vì không mấy ai
làm được gì với các hành vi sai trái đó, nên vẫn xảy ra một cách bình thường.
Quan ngại nhất là không còn mấy người xem nó là bất thường nữa.
Chính vì thế mà cuộc đấu tranh loại trừ tham
nhũng đòi hỏi tinh thần dám nhìn thẳng vào vấn đề, trước hết là thái độ của mỗi
người dân. Phải bắt đầu xây dựng và phát huy tính chính trực và minh bạch.
Ngoài cung cách hành xử ra, cơ chế, pháp luật và văn hóa chính trị đóng vai trò
quan trọng không kém. Sự kiện Christian Porter, và bài học chống tham nhũng tại
Úc, cũng như nhiều thể chế dân chủ chính trị khác, đáng để cho người Việt
nghiên cứu và suy ngẫm.
Làm người văn minh để xây dựng đất nước văn
minh khó là vậy.
No comments:
Post a Comment