Tuesday, August 4, 2020

TẠI SAO VIỆT NAM KHÔNG NÊN PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN BẰNG MỌI GIÁ? (Lê Hồng Hiệp)



Tại sao Việt Nam không nên phát triển điện hạt nhân bằng mọi giá?

Lê Hồng Hiệp

Posted on 05/08/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/08/05/tai-sao-viet-nam-khong-nen-phat-trien-dien-hat-nhan-bang-moi-gia/

 

Tại một hội nghị vào tháng trước về Quy hoạch Điện VIII ( 2021-2030) do Bộ Công Thương tổ chức, các chuyên gia Viện Năng lượng, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch phát triển năng lượng ở Việt Nam, đã đề xuất đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của Việt Nam sau năm 2040. Cụ thể, Viện dự kiến ​​năng lượng hạt nhân sẽ đóng góp 1 gigawatt (GW) điện cho Việt Nam vào năm 2040 và 5 GW vào năm 2045.

 

Đến cuối năm 2019, tổng công suất phát điện lắp đặt của Việt Nam là 54,88 GW, bao gồm điện than (33,2%), thủy điện lớn (30,1%), dầu khí (14,8%), và thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo (20,3%). Việt Nam hiện đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất lên 130 GW vào năm 2030. Trong một kịch bản được trình bày tại hội thảo, Viện Năng lượng dự kiến tổng công suất lắp đặt của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng sau đó và có thểđạt mức 268 GW vào năm 2045.

 

Như vậy, nếu Việt Nam đạt công suất điện hạt nhân là 5 GW vào năm 2045, thì công suất này chỉ chiếm 1,9% tổng công suất lắp đặt dự kiến của Việt Nam vào thời điểm đó – một tỉ lệ không đáng kể. Tuy nhiên, điện hạt nhân có thể được coi là một nguồn năng lượng ổn định giúp tăng cường sự ổn định của hệ thống điện quốc gia. Phát triển năng lượng hạt nhân cũng có thể là một cách để chính phủ Việt Nam xây dựng năng lực quốc gia về sản xuất và công nghệ hạt nhân, đồng thời biểu tượng cho tầm nhìn biến Việt Nam thành một nước công nghiệp vào năm 2045.

 

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tham vọng phát triển năng lượng hạt nhân. Philippines và Indonesia cũng đang xem xét việc hồi sinh kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân. Việt Nam trước đây từng chuẩn bị xây hai nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4 GW tại Ninh Thuận, nhưng dự án đã bị hoãn lại hồi tháng 11/2016 vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm vấn đề kinh phí và lo ngại về an toàn.

 

Việt Nam vẫn còn nhiều thời gian để xem xét cẩn trọng lựa chọn năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, nếu xét những vấn đề và tranh cãi liên quan đến năng lượng hạt nhân, Việt Nam không cần phải theo đuổi lựa chọn này bằng mọi giá. Thay vào đó, Việt Nam nên tập trung vào các giải pháp thay thế khác, chẳng hạn như năng lượng tái tạo và các nhà máy điện khí, vốn an toàn hơn, có chi phí hợp lý hơn trong khi ít gây tranh cãi.

 

Năng lượng tái tạo đang nổi lên trở thành một nguồn năng lượng quan trọng cho Việt Nam. Tới cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời của Việt Nam đạt 5,5 GW, chiếm khoảng 44% tổng công suất điện mặt trời của Đông Nam Á. Các trang trại điện gió, cả trên bờ và ngoài khơi, cũng đang bùng nổ trên cả nước.

 

Theo GWEC Market Intelligence, Việt Nam có tổng công suất điện gió lắp đặt hơn 4,87 GW vào cuối năm 2019, biến Việt Nam thành thị trường điện gió lớn thứ hai ở Đông Nam Á.

 

Trong tương lai, năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của Việt Nam. Viện Năng lượng ước tính tổng tiềm năng năng lượng mặt trời của Việt Nam là 434 GW, trong khi năng lượng gió là 377 GW. Tổng hai nguồn năng lượng này là quá đủ để đảm bảo điện cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong nhiều thập niên tới. Đến năm 2045, năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ chiếm 43% tổng công suất lắp đặt của Việt Nam, gấp nhiều lần so với tỉ lệ 1,9% được dự kiến cho năng lượng hạt nhân.

 

Vì các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết thay đổi nên vẫn cần các nguồn năng lượng ổn định hơn. Tuy nhiên, ngay cả trên khía cạnh này, năng lượng hạt nhân không phải là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam do công suất hạn chế của nó. Một nguồn năng lượng ổn định sạch hơn, dễ phát triển hơn và an toàn hơn là các nhà máy điện khí. Hiện tại, Việt Nam đang xây dựng hoặc quyhoạch một số kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các nhà máy điện khí đi kèm, nhà máy đầu tiên trong số này sẽ đi vào hoạt động năm 2026. Đến năm 2028, các nhà máy này sẽ có tổng công suất 10,4 GW. Nếu tất cả các nhà máy điện khí theo quy hoạch được xây dựng, tổng công suất của chúng sẽ đạt 108,5 GW.

 

Điểm yếu của các nhà máy điện khí là chúng khá đắt trong khi ít nhiều phụ thuộc vào LNG nhập khẩu. Tuy nhiên, so với năng lượng hạt nhân, chúng vẫn an toàn hơn và khả thi hơn về mặt tài chính. Do tính chất phức tạp của các nhà máy điện hạt nhân, chính phủ Việt Nam có thể sẽ phải chịu gánh nặng kép, vừa là chủ sở hữu, vừa là người cung cấp tài chính cho các dự án đó. Tuy nhiên đối với các nhà máy điện khí, chúng có thể được đầu tư xây dựng và vận hành bởi các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài, do đó giúpchính phủ không phải bận tâm về những vấn đề này.

 

Một yếu tố quan trọng không kém có thể cản trở tham vọng điện hạt nhân của Việt Nam là nhận thức tiêu cực về năng lượng hạt nhân trong cộng đồng, đặc biệt là sau thảm họa hạt nhân năm 2011 tại Fukushima. Năm 2017, khi giải thích về quyết định tạm gác lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Việt Nam, nguyênChủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thừa nhận rằng sự cố ở Fukushima đã gây lo ngại cho người dân địa phương, dẫn đến việc phản đối dự án. Trên thực tế, không chỉ người dân Ninh Thuận lo lắng; người dân ở các địa phương khác nơi các nhà máy điện hạt nhân được quy hoạch cũng chia sẻ lo ngại tương tự. Vì vậy, nếu chính phủ Việt Nam quyết định theo đuổi các dự án này, căng thẳng chính trị – xã hội có thể tăng lên,gây thêm nhiều thách thức cho nỗ lực phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

 

Khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Năng lượng hạt nhân, dù hấp dẫn ở một số khía cạnh nhất định, vẫn là một lựa chọn tốn kém và gây tranh cãi. Năng lượng tái tạo và điện khí có thể cung cấp những giải pháp tốt hơn cho thách thức năng lượng của Việt Nam trongtương lai.

 

---------------------------

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.

 

 

 

 

 

 


No comments: