Sự hãnh tiến và tự mãn quá mức của
chính quyền Việt Nam trước nCovid
Thứ Ba, 08/04/2020 -
10:35 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/6419
Nguy hiểm nhất của đời
người, nhóm người, tổ chức, quốc gia… không phải là sự thất bại mà là sự hãnh
tiến, tự mãn. Điều đó đã ứng với Việt Nam, nhìn trên góc độ nào cũng thấy Việt
Nam đã quá hãnh tiến, quá tự mãn trong đợt chống dịch đầu năm, để đến bây giờ,
mọi sự đã quá muộn màng. Nói mọi sự quá muộn màng liệu có quá bi quan không?
Không! Đây là một sự thật mà chắc chắc trong thời gian tới, Việt Nam phải đối mặt!
Bởi trong đợt chống dịch
vào tháng Tư, Việt Nam kịp thời khóa các cửa khẩu với Trung Quốc, các chuyến
hàng giao dịch giữa hai nước được cách ly rất tốt, chuyến xe lửa Việt Nam –
Trung Quốc được tổ chức cách ly sau khi về nước, khử trùng đầy đủ và đặc biệt
các đường biên giới được canh giữ kĩ càng, dường như không có người Việt sang
Trung Quốc và ngược lại. Sở dĩ có chuyện này bởi hầu hết người dân đều rất sợ,
phải nói là rất sợ dịch bệnh, bởi dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu hoàn cảnh
đất nước, nhân tình thế thái, ví dụ như Mỹ, hay cả Trung Quốc có bị dịch chết
tràn lan cả năm trời thì mức độ khủng hoảng cũng không bằng việc nó xảy ra tại
Việt Nam chừng vài tháng. Chính vì lẽ này mà người người, nhà nhà ý thức tự
cách ly, tự tránh dịch.
Thế rồi thời gian chống
chọi với dịch cũng qua, không có cái chết nào do dịch (hoặc có mà không được
loan báo cũng không chừng!). Sau sự vụ chống dịch, hầu hết các đảng viên Cộng sản
đều tự hào ra mặt, đều dương dương vỗ ngực về thiên đường xã hội chủ nghĩa của
họ. Và không dừng ở đó, ngay cả báo chí nhà nước và báo chí phi nhà nước cũng
có những nhận định hết sức ầu ơ. Nếu báo chí nhà nước tha hồ ca ngợi, tung hê
thành quả chống dịch thì báo chí phi nhà nước lại đặt câu hỏi tại sao người Việt
Nam có thể kháng được dịch? Hay là do người Việt Nam quen ở bẩn? Cả hai khuynh
hướng viết tuy trái chiều nhưng lại có chung hệ quả: Gieo rắc vào tâm lý người
Việt tính chủ quan, không sợ dịch, nghĩ rằng dịch chỉ có ở nước khác, nó sợ Việt
Nam. Về phía chính phủ, từ các Phó Thủ tướng cho đến Thủ tướng đều không ngớt tự
đắc, ông Vũ Đức Đam tuyên bố “Dịch hoành hành ở đâu không biết, nhưng sang Việt
Nam thì nó phải bị dập chết!”, ông Thủ tướng còn gân cổ hơn: “Nếu cây cột điện
Mỹ có chân thì nó cũng chạy vào Việt Nam!”.
Tất cả các cơ ngôn luận từ
truyền thông mậu dịch cho đến phi mậu dịch, từ ngành y tế cho đến chính phủ đều
tỏ ra hãnh tiến, thậm chí tự mãn, tạo ra bầu không khí tự đắc từ Nam chí Bắc.
Và, không dừng ở lời nói, Thủ tướng chỉ đạo phải tiến hành phục vụ du lịch trở
lại, kêu gọi du lịch trong nước, tạo điều kiện cho các công ty lữ hành hoạt động
chống lỗ… Nói chung là “cứu du lịch”. Mọi chuyện kiếm tiền từ du lịch nghe cứ như
cháy rừng bên cạnh, lũ quét sắp kéo qua. Kết quả là ngành du lịch đua nhau kéo
khách, các hãng lữ hành chạy đường dây đen, kéo hàng ngàn người Trung Quốc sang
Việt Nam. Đương nhiên là ngành biên phòng không khỏi nhúng tay vào, vấn đề là kẻ
nào nhúng tay, cho đến giờ này vẫn chưa ai biết. Nhưng chí ít nó gợi lại chuyện
bán biển thời sau 1975, hầu hết dân đi biển mua biển từ biên phòng để đi vượt
biên, nếu không bị lộ thì họ thả cho đi luôn, nếu có dấu hiệu cấp trên phát hiện
thì họ bắn chìm tàu hoặc bắt ngược trở lại giao cho công an, sau đó mở tòa, kết
án… Bài này rất quen!
Khi mọi thứ đều trở nên lỏng
kẻo vì chủ quan, lãnh đạo thì dương dương vỗ ngực khoe thành tích, thậm chí mạo
phạm cả một siêu cường như Mỹ, người dân thì lao vào kiếm tiền, bất chấp, ngành
y tế thì lúc nào cũng hất mặt lên trời trước thiên hạ (sau đợt chống dịch đầu
tiên, chính phủ tuyên bố thành công thì hầu hết cán bộ y tá đều tỏ ra hách dịch,
xem mình là tinh hoa của quốc gia, cách hành xử của họ với bệnh nhân khác trước
đó rất nhiều, coi thường, kiêu ngạo trước bệnh nhân và người nhà của họ, chuyện
này diễn ra khắp mọi nơi. Và hình như người dân cũng tỏ ra kiêng dè, nễ sợ y
bác sĩ hơn trước…), ngay cả ngành giáo dục cũng vỗ ngực xưng hô thành tích chống
dịch… Nhìn chung là không khí tự sướng diễn ra khắp mọi thành phần, mọi ngành
nghề. Và trong lúc người ta say sưa, mãi mê tự sướng thì có ít nhất hàng trăm
người thu lợi bất chính, bất chấp để đưa hàng chục ngàn người Trung Quốc vào Việt
Nam. Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Đợt dịch thứ hai bùng phát ngay trung
tâm du lịch bậc nhất Việt Nam – thành phố Đà Nẵng, thành phố mệnh danh “đáng sống”
nhất Việt Nam!
Và, sau một thời gian dài
“không có dịch” tại Việt Nam (có thể con số 189 ngày không có người chết vì dịch
này cũng là con số ngộ nhận?!), Việt Nam chính thức khủng hoảng vì dịch, các ca
dịch liên tiếp xuất hiện, F0 vẫn là một ẩn số, nhiều người Trung Quốc bị bắt
nhưng vẫn chưa cho thấy đó là con số đầy đủ. Các F1 di chuyển khắp mọi miền đất
nước và mức độ lây lan, mức độ lo lắng gần như có khắp mọi ngõ ngách. Nếu như ở
đợt chống dịch đầu tiên, người ta chỉ khủng hoảng và lo lắng với những ca nhiễm
có nguồn gốc, địa chỉ thì ở đợt chống dịch này, người ta chỉ nhìn thấy những ca
được phát giác và chỉ nhìn thấy những ca F1, riêng thành phần F0 vẫn trong vòng
bí mật, chẳng biết đâu mà lần!
Và hơn bao giờ hết, Việt
Nam lúc này đứng trước nguy cơ vỡ trận nếu như ngành an ninh không tìm ra được
nguồn F0. Hơn nữa, sau một đợt chống dịch hết sức cam go từ tháng Giêng đến
tháng Tư, dường như mọi nhóm ngành nghề đều trong trạng thái mỏi mệt, chưa thể
phục hồi, bây giờ nhận thêm một đợt chống dịch tiếp theo, đương nhiên khả năng
cầm cự không cao như ban đầu mặc dù kinh nghiệm có khá hơn trước. Và mức độ rủi
ro thì quá cao bởi nguồn lây lan chưa tìm ra, bởi lương thực bắt đầu cạn, bởi
nguồn tài chính quốc gia suy kiệt, bởi chủ nợ Trung Quốc bắt đầu đòi mạnh tay
(các hành vi xấm lấn trên biển Đông của họ lúc này không chỉ đơn thuần thể hiện
óc bành trướng của Trung Quốc mà nó cho thấy họ biết bành trường mạnh tay lúc
nào, khi con nợ bắt đầu đuối sức thì chủ cho vay nặng lãi mới xiết nhà. Trung
Quốc lâu nay vẫn là chủ cho vay nặng lãi của Việt Nam, và Trường Sa, Hoàng Sa
lâu nay vẫn là món gá nợ của Việt Nam. Hành vi im lặng của Việt Nam trước Trung
Quốc không phải vô duyên vô cớ mà là sự lép vế mang tính nợ nần…), cơ sở điều
trị dã chiến và trang thiết bị y tế có thể thiếu hụt nếu dịch bùng phát mạnh… Mọi
thứ đều ẩn chứa nguy cơ rủi ro rất cao.
Đó là chưa muốn nói đến một
vấn đề khác, mùa thiên tai lũ lụt cũng cận kề, nếu không giải quyết rốt ráo dịch
bệnh trước mùa mưa thì nguy cơ đói kém của năm sau là hiện rõ trước mắt. Và, chỉ
vì chủ quan, hãnh tiến và tự mãn quá đáng mà chúng ta đã trả giá quá đắt cho
tương lai! Và, nếu chúng ta không dốc toàn lực để chống dịch, không dập dịch được
trước mùa mưa thì hậu quả thật khó lường. Giả sử Việt Nam dập dịch rốt ráo trước
mùa mưa thì cũng đừng tin mù quáng rằng cột điện Mỹ sẽ chạy sang Việt Nam. Vì cột
điện Trung Quốc sát cạnh Việt Nam, nó đã chạy và sẽ còn chạy sang Việt Nam rất
nhiều. Đừng mời bất kỳ cây cột điện nào vào Việt Nam nữa, cẩn thận và cẩn ngôn!
No comments:
Post a Comment