SƠ NÉT VỀ HOẠT
ĐỘNG CỦA LUẬT SƯ TRONG PHIÊN TÒA XÉT XỬ NHÓM HIẾN PHÁP
https://www.facebook.com/manhdang001/posts/3749358551747315
Trong bài này, tôi thuật
lại một vài hoạt động tiêu biểu của các luật sư trong phiên tòa xét xử nhóm Hiến
pháp, mà tôi tin rằng phải cần rút kinh nghiệm, nhất là khi có thể phải đối diện
với các phiên tòa phức tạp hơn trong tương lai gần, như phiên tòa xét xử vụ án
Đồng Tâm dự kiến sẽ diễn ra trong cuối tháng 08/2020 chẳng hạn.
Trong phiên tòa xét xử
nhóm Hiến pháp, các luật sư đã bị chủ tọa phiên tòa liên tục cắt lời, từ giai
đoạn xét hỏi cho đến giai đoạn tranh luận.
Ở giai đoạn xét hỏi, khi
luật sư hỏi về mục đích, ý nghĩa, toan tính của các bị cáo khi thực hiện các
hành vi, thì đã bị cắt lời và yêu cầu chỉ hỏi về hành vi khách quan mà thôi.
Tương tự thế, trong khi
trình bày quan điểm bào chữa, tất cả các luật sư cũng đều đồng loạt thường
xuyên bị cắt lời với những lời “huấn thị” rằng chỉ bào chữa về hành vi mà thôi.
Bào chữa sau cùng, khi bị
cắt ngang với lý do tương tự, tôi đã nhịn để nghe cho hết lời “huấn thị” rồi
yêu cầu chủ tọa phiên tòa ba vấn đề :
1. Thông qua bản cáo trạng
và bản kết luận đọc trong phiên tòa, để buộc tội, VKS cũng phải chứng minh các
yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó bao gồm các mặt khách quan và nhất là mặt
chủ quan để khẳng định hành vi của các bị cáo có mục đích “Phá rối an ninh”.
Chúng tôi và thân chủ không đồng tình với việc truy tố. Cho nên, chúng tôi xét
hỏi về mục đích, ý nghĩa, toan tính của các bị cáo để xác định về mặt chủ quan
là có lý do chính đáng và phù hợp với quy định pháp luật hình sự. Tại sao chủ tọa
phiên tòa lại liên tục cắt lời các luật sư khi đề cập đến vấn đề này?
2. Chủ tọa cho rằng luật
sư đã cắt khúc hành vi và không tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Tuy
nhiên, theo quy định thì tất cả các hành vi đều phải được thẩm tra xem xét
trong phiên tòa. Trong toàn bộ phần xét hỏi sáng nay, thì đã không có bất kỳ
hành vi phá rối an ninh nào được xét hỏi, mà chủ yếu chỉ hỏi về quá trình nhóm
Hiến pháp chuẩn bị biểu tình mà thôi. Căn cứ vào quá trình thẩm tra hồ sơ trong
phiên tòa, cho nên, tôi bào chữa không có hành vi phá rối an ninh là không sai
và thậm chí, kết quả xét xử cũng phải căn cứ vào kết quả thẩm tra các chứng cứ
và kết quả tranh luận trong phiên tòa.
3. Khi luật sư chưa dứt lời
thì chưa thể biết luật sư nói điều gì mà đã vội cắt lời, làm gián đoạn bài bào
chữa của các luật sư. Hơn nữa, việc cắt lời là không bảo đảm sự bình đẳng trong
việc trình bày, chứng minh quan điểm giữa bên công tố buộc tội và bên luật sư
bào chữa. Do đó, yêu cầu không tái diễn việc cắt lời luật sư đối với tôi nữa.
Trong quá trình trình bày
ba vấn đề như trên, tôi lại bị cắt ngang với đề nghị “luật sư nên thực hiện việc
bào chữa đi!” với ý là không muốn nghe các vấn đề bên ngoài của tôi đối với chủ
tọa nữa. Nhưng khi tôi vẫn tiếp tục trình bày thì chủ tọa hỏi với hàm ý đe dọa
“Luật sư có còn muốn bào chữa nữa không?”. Tôi đáp “Đương nhiên tôi phải tiếp
bào chữa vì mục đích của tôi hiện diện tại tòa là để thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
Tuy nhiên, trước khi tiếp tục bào chữa thì tôi cần phải trình bày cho hết vấn đề
phát sinh từ việc chủ tọa cắt lời của tôi đã”. Thế là tôi trình bày cho xong rồi
tiếp tục trở lại phần bào chữa.
Có lẽ, nhờ vậy mà phần
bào chữa còn lại của tôi đã không còn bị cắt ngang nữa. Cuối lời bào chữa, tôi
đã ngỏ lời cám ơn ông chủ tọa về điều này.
Đáng chú ý, ông Đỗ Thế
Hóa không có luật sư bào chữa, do đó, ông là người duy nhất trong số tám bị cáo
tự bào chữa cho mình. Trong phần tự bào chữa, ông cũng bị cắt lời nhiều lần. Một
trong số đó là chủ tọa phiên tòa phân tích cho rằng vì sự hiểu biết hạn chế nên
các bị cáo đã không thể thấy hết ý đồ của những người ở nước ngoài tác động đến
các hành vi của các bị cáo. Tại phần tranh luận, để ngầm bảo vệ cho ông Hóa,
tôi nhắc lại điều này và nêu ý kiến: Các bị cáo chỉ có thể chịu trách nhiệm về
chính các hành vi của mình đã thực hiện mà thôi. Các bị cáo không thể chịu
trách nhiệm về những toan tính của những người khác ở nước ngoài có ý đồ tác động
vào hành vi của các bị cáo được.
Đối với trường hợp của
ông Ngô Văn Dũng (Biển Mặn). Luật sư bào chữa theo hướng thừa nhận bị cáo có tội.
Nhưng khi bào chữa bổ sung, ông Ngô Văn Dũng đã bác bỏ hoàn toàn lời bào chữa của
luật sư và vẫn khẳng khái cho rằng mình vô tội. Có lẽ do quan điểm không thống
nhất, cho nên, sau đó luật sư của ông Ngô Văn Dũng đã không tham gia tranh luận
nữa.
Cũng tại tòa, có luật sư
đã trở thành chuyên gia gây mê khi bào chữa (đọc) với giọng điệu đều đều, đọc
nguyên văn các công văn trao đổi giữa luật sư và cơ quan điều tra khiến chủ tọa
phải cắt lời (cắt không oan). Sau đó, khi bào chữa trở lại, vì bối rối nên luật
sư đã bỏ sót mất một phần bài bào chữa.
Khá may mắn khi tại tòa,
trái với bộ dạng “dữ dằn” của mình, thì vị đại diện VKS đã tranh luận chiếu lệ
rồi kết thúc với lời “bảo lưu quan điểm”. Khiến các luật sư được dịp tranh luận
tới tấp vào… thinh không.
Kết thúc phiên tòa, nhìn
đoàn xe hộ tống các thân chủ mình đang phóng nhanh ra cổng tòa trong tiếng còi
hụ, chúng tôi bước chân ra sân khi trời đã sụp tối và buông cơn mưa lớn tầm tã.
Chạy ra đến bãi xe, tôi cám cảnh nhìn LS Nguyễn Văn Miếng lóp ngóp trong bộ
vest đang thấm mưa ướt dần. Chia tay đồng nghiệp, chúng tôi thanh thản ra về vì
đã tin rằng mình làm hết trách nhiệm với sự tận tâm nhất để ngày hôm sau đón nhận
những lời… thị phi.
Hơi buồn, nhưng cũng xong
rồi, xin để lại phía sau…
Saigon, ngày 02/08/2020
Manh Dang
-------//-------
* Tôi xin phép tag tên
các luật sư đã tham gia phiên tòa
P/s : Nếu xã hội cần đánh giá luật sư, xin hãy để dành điều ấy cho các bị
cáo, những người đã tận mắt chứng kiến việc luật sư lăn xả bào chữa cho thân chủ
trong phiên tòa…
No comments:
Post a Comment