Tuesday, August 18, 2020

QUEN THÓI CẮN CÀN (Lý Trần)

 


Quen thói cắn càn

Lý Trần 

18/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/18/quen-thoi-can-can/

 

Lẽ ra tôi không cần viết bài này nhưng vô tình hôm nay nghe một cụ “cựu thành viên bán rong”, 91 tuổi, xổ hết bức xúc, nên lại viết vài dòng.

 

Chuyện trò với “cựu thành viên bán rong”

 

Chúng nó có biết người bán rong vất vả như thế nào không. Chúng tôi phải dậy sớm từ 2-3 giờ sáng, gánh gồng đi bộ cả chục cây số mới lên được chỗ bán, bây giờ thì có xe đạp còn đỡ. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài đồng bạc về nuôi con.

 

Xin lỗi bác, tôi cứ phải nói tục mới bõ tức, đúng là phải ‘đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lxx’ mới có miếng cơm. Sáu bảy mươi tuổi còn phải bươn chải chứ có ngồi một chỗ tham nhũng như lũ chúng nó được đâu. Thế mà chúng nó bảo mình là ‘vi trùng’ (KST)”, bà cụ nói như mếu.

 

Vâng, các cụ không phải là ‘vi trùng’ nhưng đôi khi gây cản trở giao thông trên đường phố đấy ạ”, tôi nhắc.

 

Đang trong cơn bức xúc, cụ không để ý tôi nói gì, tiếp tục: “Không biết bọn TV ăn gì vào mồm hay sao mà chúng nó mở mồm nói ngu như thế”.

 

Tôi an ủi cụ, đấy là do mấy cháu hơi cách mạng quá đà thôi. Cụ vẫn còn bức xúc: “Lũ chúng nó là chó cậy chủ nên quen cắn càn đấy bác ạ”.

 

Thật ra lũ trẻ ranh ở VTV cũng chỉ là bầy vẹt “cậy chủ” mà thôi, vì mọi nội dung đều được cấp trên duyệt kỹ rồi, mấy cô cậu mắt xanh mỏ đỏ lên băm bổ trên màn hình chủ yếu làm cái loa.

 

Nghe cụ chửi xong, tôi nhớ đến chuyện trong họ nhà tôi.

 

“Ăn cháo đái bát” 

 

Mỗi khi nói về cách đối xử của chế độ CS, thím tôi thường nói với chú tôi: “Cái giống CS các ông là lũ ăn cháo đái bát. Khi xưa tôi nuôi chúng nó dưới hầm, đổi bằng cả tính mạng và tài sản của cả gia đình. Mỗi khi đưa xuống hầm cho chúng nó những hộp sữa gui-gô (Guigoz) mà con tôi phải nhịn không được ăn, miệng chúng xoen xoét ‘Chúng em không bao giờ quên ơn chị, khi đất nước hòa bình, chúng em đền ơn chị’. Sau bao chục năm hết chui hầm, con tôi không được chúng cho được cái kẹo mút, còn ruộng vườn chúng gom hết vào HTX”…

 

Thế là hai ông bà lại cãi nhau.

 

Khi còn sống, ông được cho cái giấy chứng nhận “50 năm tuổi đảng và được cấp miễn phí tờ báo địa phương mà thím tôi bảo “chó không buồn đọc, nhưng được cái giấy tốt thỉnh thoảng để lót thớt chặt thịt gà khỏi rơi ra đất”.

 

Cậy chủ nên cắn càn

 

Kể ra thì “cựu thành viên bán rong” dùng từ ‘cắn càn’ có phần đúng. VTV từng bị nhân dân gán cho thói “ngậm máu phun người” nhiều lần. Xin nhắc lại đôi vụ làm dẫn chứng.

 

– Ngày 22/8/2008, giáo dân Thái Hà (Hà Nội) kiện VTV1 và đài Truyền hình Hà Nội vì vu khống họ đã “thành khẩn nhận tội”, trong khi họ không hề nhận tội vì họ không có tội.

 

– Người trồng rau ở Thanh Hóa đòi VTV1 bồi thường vì “dàn dưng”.

 

Thói cắn càn của VTV đã được nói nhiều rồi, nhưng đòi nó xin lỗi là chuyện không tưởng. Cộng sản không bao giờ có lỗi nên không xin lỗi. Duy có lần ông Phúc xin lỗi cho xe vào phổ cổ Hội An.

 

Yêu cầu người CS xin lỗi chẳng khác gì yêu cầu họ cắn lưỡi.

 

VTV: Khủng hoàng thừa nhân viên và sân sau

 

Tôi hầu như không bao giờ xem VTV, trừ đôi lần xem VTV2 vì có phát nội dung khoa học của các kênh nước ngoài. Nhiều chương trình của VTV có tới 2-3 người dẫn, mặc dù chỉ độc có một khách mời, và chẳng cần phải “tung hứng”.

 

Đúng là “khách ba, chủ nhà bảy”. Tôi hỏi người quen ở VTV, anh bảo, toàn con cháu trong nhà hoặc người nhà các sếp, đuổi ai?

 

Anh cho tôi biết “VTV có nhiều công ty truyền thông sân sau. Tất cả là của người trong VTV, tất nhiên phải có chức sắc. Những hợp đồng nào béo bở là xâu xé nhau cho sân sau của mình. Tất nhiên, phần béo bở nhất phải thuộc về ‘đức ông’.

 

Và VTV cũng không dám quên bề trên của mình, nếu muốn tiếp tục được đầu tư hàng trăm tỉ từ ngân sách hàng năm. Mua sắm, thay thế máy móc, thiết bị và lương ‘cứng’ thì đã có ngân sách, còn tiền quảng cáo thì chia nhau và biếu bề trên”.

 

Những đồng tiền thuế từ “mồ hôi háng” của người lao động để nuôi bộ máy cồng kềnh của ĐCS, trong đó có VTV và hơn 100 đài tỉnh/ thành trên khắp cả nước.

 

Nói về chất lượng cái gọi là nhà báo, chúng ta có thể tìm thấy nhan nhản những câu què, cụt, không chỉ trên VTV mà ở nhiều báo khác nhau. Các “nhà” báo hầu hết đều từ trường Tuyên giáo, nay gọi bằng cái tên nghe kinh hãi “Học viện Báo chí và Tuyên truyền”. Chuyện này sẽ nói sau.

 

Kẻ nghèo hèn khinh người nghèo: Hiện tượng mang tính quy luật

 

Nếu chúng ta để ý đến lịch sử thời phong kiến (chế độ CS là một kiểu lai phong kiến), sẽ thấy trong thời khó khăn và thời kỳ trứng nước của chế độ, vua tôi thường đoàn kết đồng lòng. Song, một khi đã củng cố được quyền lực và chế độ phong kiến trở nên thối nát, nó thường quay sang bạc đãi người dân nghèo từng cưu mang nó và từng đổ máu vì nó.

 

Khi nhìn vào lũ quan lại CS từ Liên Xô đến Việt Nam ngày nay, ta cũng thấy điều tương tự. Những kẻ vừa thoát nghèo và ăn cắp được tiền bạc của dân, thường có cái nhìn khinh khi người nghèo. Đừng quên rằng báo Nhân Dân từng đăng một loạt bài mang tựa đề “Liên Xô sụp đổ vì lý do đạo đức”: Quan chức CS sống như vua chúa trên lưng người dân nghèo khổ.

 

Từ những quan sát trong cuộc sống, tôi nhận thấy những kẻ xuất thân nghèo hèn nhưng bỗng có quyền và giàu có, thường quay ra khinh rẻ người nghèo.

 

Tôi có hai người quen. Một xuất thân từ một gia đình giàu có thời thuộc Pháp, nhưng thái độ của anh đối với người nghèo rất nhân hậu. Anh thường quyên góp ủng hộ các cháu học sinh nghèo ở các tỉnh miền núi.

 

Người kia là một đ/c xuất thân hạ tiện nhưng leo được lên chức Trưởng phòng. Chỉ cách đây 20 năm, anh vẫn đi bằng chiếc xe máy Tàu mà “chó không buồn đi” (mượn từ của thím tôi), quanh năm suốt tháng đi dép tổ ong. Không biết bằng cách nào, anh nhanh chóng có nhà đẹp và xe hơi đắt tiền.

 

Một hôm tôi quá giang xe của anh ta. Ngồi trong xe nhìn mọi người nhễ nhại mồ hôi trong khói bụi và tắc đường, anh nhăn mặt, nói: “Phải cấm hết xe máy và đuổi hết lũ rác rưởi này ra ngoại thành thôi”.

 

Nghe anh nói thế, tôi bảo: “Tôi vẫn đang dùng xe máy đây”. Từ ngày đó tôi chẳng bao giờ gặp lại anh ta.

 

Này VTV, đừng ăn cháo đá bát, “đừng cắn bàn tay đã cho mình ăn”!

 

 

 

 

 


No comments: