‘Nước
Mỹ trên hết’ định hình chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa
VOA Tiếng Việt
26/08/2020
Nghị trình chính sách đối ngoại của đảng Cộng hoà hầu như được định
hình toàn bộ trong bốn năm qua bởi phương cách tiếp cận các mối quan hệ quốc tế
của Tổng thống Trump, bao gồm các thoả thuận thương mại mới, sự hoài nghi về
các tổ chức quốc tế, và kêu gọi giảm quân số Mỹ ở hải ngoại.
https://gdb.voanews.com/994024fa-4c9b-4fe1-bc86-d027d2a43967_w650_r1_s.jpg
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong ngày đầu tiên của Đại hội Đảng Cộng
hoà hôm 24/8/2020.
Do đại dịch COVID và các quy tắc giãn cách xã hội, đảng Cộng hoà năm
nay không viết cương lĩnh mới vốn đề ra viễn kiến và ưu tiên chính sách của đảng.
Tuy nhiên, nghị quyết đảng công bố tại đại hội tuần này ở Charlotte, bang North
Carolina, nói nếu có triệu họp và viết cương lĩnh mới năm nay, đảng chắc chắn sẽ
đồng loạt ủng hộ nghị trình của chính quyền Trump.
Đảng Cộng hoà tập họp xung quanh các mục tiêu đối ngoại của ông Trump,
chủ yếu gói gọn trong khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ mà Tổng thống Trump trình
làng trong chiến dịch tranh cử 2016 và lặp lại đầu tuần này trong nghị trình
nhiệm kỳ hai do ban vận động của ông công bố. Các mục tiêu đối ngoại khác bao gồm
‘đưa binh sĩ về nhà’ và ‘chấm dứt lệ thuộc vào Trung Quốc.’
Trung Quốc
Trung Quốc trở thành một trong những đề tài đối ngoại trọng tâm trong
chiến dịch tranh cử 2020, leo thang bởi cuộc thương chiến và những câu hỏi về
cách Bắc Kinh xử lý đại dịch.
Hoa Kỳ và Trung Quốc ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng
Giêng sau nhiều vòng thuế quan trả đũa qua lại lên tới nhiều tỷ đô la. Đảng Cộng
hoà ca ngợi thoả thuận này là bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump có thể thực
hiện các mục tiêu thương mại. Thoả thuận đó theo sau một thoả thuận thương mại
vừa ký khác giữa chính quyền Trump với Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, thương thuyết về thoả thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2
bị đình trệ. Hồi tháng 7, Tổng thống Trump tuyên bố hiệp ước thương mại với
Trung Quốc không còn ý nghĩa gì nhiều đối với ông vì điều mà ông cho là vai trò
của Bắc Kinh trong sự lây lan của đại dịch COVID. Tháng này, ông Trump huỷ vòng
đàm phán thương mại mới với Trung Quốc, nói rằng “Tôi không muốn nói chuyện với
Trung Quốc lúc này.”
Một số thành viên trong đảng Cộng hoà thúc giục Tổng thống Trump cứng rắn
hơn nữa với Trung Quốc.
Mục tiêu nghị trình nhiệm kỳ hai của ông Trump bao gồm cam kết “đem về
1 triệu công việc sản xuất từ Trung Quốc,” cũng như ngăn không cho các hợp đồng
của chính phủ liên bang rơi vào tay các công ty sử dụng nguồn nhân lực ở Trung
Quốc.
Afghanistan
Nghị trình nhiệm kỳ hai của Tổng thống cũng hứa “chấm dứt các cuộc chiến
vô tận” và đưa binh sĩ Mỹ về nhà.
Dù ông Trump thường lặp lại mong muốn chấm dứt các cuộc chiến ở Iraq,
Syria và Afghanistan, nhưng ông đang vất vả hoàn tất mục tiêu giảm tổng quân số
của Mỹ ở nước ngoài.
Vào năm 2017, ông Trump đồng ý tăng quân số Mỹ tại Afghanistan lên khoảng
14.000 theo đề nghị của tư lệnh hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan lúc bấy giờ là
Tướng John Nicholson. Số này hiện giảm xuống còn 8.500, tương đương lúc ông
Trump lên nhậm chức vào năm 2017. Tổng thống gần đây đưa ra các kế hoạch rút
binh sĩ trong khuôn khổ các điều kiện của thoả thuận ký kết giữa Mỹ với Taliban
trước đây trong năm.
Ông Trump bênh vực các nỗ lực ngoại giao với Taliban, phát biểu trong
diễn văn trước Liên hiệp quốc năm ngoái rằng “Mỹ chưa bao giờ tin vào những kẻ
thù thường trực.”
Liên minh
quốc tế
Tổng thống Trump có chính sách ngoại giao đối ngoại hết sức khác biệt
so với các đời Tổng thống trước: công khai chất vấn giá trị của các liên minh
và các tổ chức quốc tế kể cả NATO, WTO hay WHO.
Đối với NATO, ông Trump cho rằng nhiều thành viên không chi đủ cho quốc
phòng để hoàn thành đầy đủ những cam kết của họ theo thoả thuận.
“Các nước NATO phải chi thêm, Hoa Kỳ nên chi ít lại. Rất bất công,” ông
Trump viết trên Twitter trước khi tham dự thượng đỉnh NATO năm 2018.
Chi phí luôn là yếu tố
chính trong quan điểm chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump và ông đã chất vấn về các chi phí liên hệ tới
các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới như ở Nhật, Hàn và Đức.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi một loạt các
thoả thuận quốc tế, trong đó có Thoả thuận Paris về Biến đổi Khí hậu, Hiệp ước
Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga và thoả thuận hạt nhân với Iran.
Ông Trump cũng không ngại chỉ trích các đồng minh truyền thống và tranh
cãi công khai với một số lãnh đạo các nước bao gồm Đức, Pháp và Canada.
Ông bênh vực đường lối của mình và từng phát biểu trước Đại hội đồng
Liên hiệp quốc vào năm 2019 rằng “Các lãnh đạo sáng suốt luôn đặt những gì
có lợi cho nhân dân và đất nước lên hàng đầu. Tương lai không thuộc về những
người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá. Tương lại thuộc về những người yêu nước.”
Triều Tiên
Tuy ông Trump không ngại bất đồng công khai với các lãnh đạo thế giới,
nhưng mối quan hệ của ông với họ thường đóng vai trò then chốt trong các chính
sách ngoại giao của ông.
Điều này biểu hiện rõ ràng nhất trong trường hợp Triều Tiên. Đầu nhiệm
kỳ ông Trump từng gọi lãnh đạo Kim Jong Un “ông rocket bé nhỏ” và đe doạ Bình
Nhưỡng với “hoả thịnh nộ” nhưng sau đó nói với ông Kim rằng “Chúng ta đã phát
triển một mối quan hệ rất tốt.”
Ông Trump đã gặp ông Kim ba lần và tin nói đôi bên đã trao đổi ít nhất
25 lá thư riêng.
Tại thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi 2018, hai bên ký thoả thuận làm
việc hướng tới “phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” nhưng chưa bao giờ đồng thuận về
các chi tiết thế nào là phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Dù không đạt được những điều cụ thể, nhưng ông Trump cũng đạt một số
thành công nhất định từ các cuộc gặp với ông Kim. Kể từ khi các cuộc gặp thượng
đỉnh này khởi sự, Triều Tiên tự chế không tiến hành các vụ thử hạt nhân hay phi
đạn nào quan trọng.
Tuy nhiên, trong nhiều tháng ròng, các cuộc thương thuyết bị đình trệ
và Bình Nhưỡng từ chối đàm phán. Đầu năm nay, ông Kim tuyên bố sẵn sàng cho một
cuộc bế tắc lâu dài với Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment