Thursday, August 6, 2020

LẬT ĐỔ TƯỢNG NHƯNG VẪN THÈM MUỐN TÔN SÙNG NGƯỜI HÙNG (Lê Mạnh Hùng)

 


 

Lật đổ tượng nhưng vẫn thèm muốn tôn sùng người hùng

Lê Mạnh Hùng

Aug 5, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lat-do-tuong-nhung-van-them-muon-ton-sung-nguoi-hung/

 

Thành phố Luân Đôn mà tôi ở là một trong những thành phố có nhiều tượng nhất. Không chỉ riêng những nhân vật lịch sử của Anh hay thần thoại mà cả những nhân vật ngoài nước Anh như Abraham Lincoln hay Mahatma Gandhi cũng có tượng đài kỷ niệm tại Luân Đôn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/A1-Lat-do-tuong-nguoi-hung.jpg

Công nhân làm sạch bức tượng cựu Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln ở London, Anh, hôm 8 Tháng Sáu, 2020, sau khi bị người biểu tình phun sơn trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. (Hình minh họa: Dan Kitwood/Getty Images)

 

Nhưng Luân Đôn không phải là thành phố độc nhất, hầu như tất cả mọi thành phố trên thế giới đều có không ít thì nhiều những tượng đài kỷ niệm. Những tượng đài này là biểu tượng của một sự tôn sùng những người được coi như là anh hùng đã làm nên lịch sử.

 

Một trong những đặc trưng của phong trào phản đối chống kỳ thị chủng tộc vốn bắt đầu tại Mỹ và sau đó lan truyền ra khắp thế giới là việc lật đổ những pho tượng đài mà những người phản đối cho là biểu hiện cho một quá khứ bóc lột và kỳ thị.

 

Trên phương diện này, cả hai phe, dựng tượng và phá tượng, đều đồng ý với nhau, cả hai đều tin tưởng rằng lịch sử được những người “anh hùng” tạo ra. Vấn đề là những người “anh hùng” nào đáng được tôn sùng.

 

Lý thuyết “anh hùng làm nên lịch sử” vốn có từ thời cổ Hy Lạp. Sử gia Thucydides là người đầu tiên dùng quan điểm “anh hùng là lịch sử” này trong bộ sách nổi tiếng của ông “Lịch sử cuộc chiến Peloponnese” với hai nhân vật Pericles và Alcibiades. Quan điểm này được dựng thành một lý thuyết với sử gia Thomas Carlyle của Anh với lý thuyết “người hùng” trong lịch sử. Theo Carlyle, có những con người đặc biệt mà các hành động của họ quyết định chiều hướng diễn tiến của sự kiện chứ không phải những động lực phi nhân của kinh tế, ý thức hệ hoặc kỹ thuật. Theo Carlyle, viết về cách mạng Pháp 1789, một nước Pháp hậu cách mạng hỗn loạn không thể quay trở lại trật tự một cách tự nhiên nếu không có Napoleon.

 

Lý thuyết Carlyle đưa ra ngay cả lúc đó đã gây nhiều tranh cãi. Sau Marx mà quan điểm lịch sử coi như là hoàn toàn do các lực kinh tế xã hội chi phối, quan điểm của Carlyle càng ngày càng bị coi như là bán khai. Ngay cả những người không theo Marx cũng coi như là chính hành động của quần chúng, số người bình thường đông đảo của xã hội mới là tác nhân chính quyết định những diễn biến của lịch sử, “những làn song ngầm” theo Fernand Braudel.

 

Thế nhưng bất chấp những tranh luận của các học giả, Carlyle hiểu rõ tâm tình của quần chúng. Con người chúng ta cần có những anh hùng để tôn sùng. Nó là căn bản của sự đi tìm một “minh chủ” của các nhà cách mạng Việt Nam thời thuộc Pháp. Nó cũng là gốc rễ của sự nổ bùng của những nhà chuyên chế. Luận điệu của Tổng Thống Mỹ Donald Trump “I alone can fix it” được nhắc lại từ Brasilia cho đến Manila và hấp dẫn nhiều người chính vì nhu cầu đó.

 

Trong thời đại Internet và các môi trường truyền thông xã hội phổ biến sự thèm muốn tôn sùng cũng thể hiện qua những người gọi là “celebrity.” Với hầu như không có trở ngại gì cho việc tham gia vào các mạng truyền thông xã hội, đặc biệt là YouTube hay TikTok tiếng tăm trở thành đại chúng hóa. Chỉ cần có một cái gì là lạ là có thể có hàng triệu người theo. Có thể rằng trong số này có một số đặc biệt có thể lưu danh thiên cổ, nhưng đại đa số chỉ là những hấp dẫn nhất thời cho một số người.

 

Carlyle có thể nhận xét sai lầm về lịch sử nhưng lại đúng với chúng ta. Chúng ta cần có những người hùng để tôn sùng. Và sự tôn sùng này được thể hiện qua những tượng đài kỷ niệm.

 

Tuy nhiên những người lật đổ các pho tượng cũng có những cái đúng của họ. Ngoài ra ta cũng không thể chỉ giới hạn vào trong những nhân vật chính trị hay quân sự. Cần phải đa dạng hơn. Trong trường hợp này hệ thống bảng tưởng niệm tại Luân Đôn là một điều đáng được noi theo, tỷ như George Frideric Handel và Jimi Hendrix đều có bảng tưởng niệm tại hai ngôi nhà sát nhau tại Mayfair.

 

Thế nhưng tiến bộ thật sự chỉ đạt được khi ta vượt qua khỏi nhu cầu cần có người hùng để tôn sùng. Sự tôn sùng người hùng có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất nó là một cách sai lầm để hiểu lịch sử. Lịch sử cũng như xã hội con người là một cái gì phức tạp với những liên hệ chồng chất không thể hiểu được chỉ qua những hành động của một người. Ngoài ra sự tôn sùng người hùng cũng đi ngược lại chiều hướng tiến bộ của xã hội loài người. Nó có thể là phản ứng tự nhiên của một người Anh thời Victoria trong một xã hội phân chia giai cấp rõ rệt và nhấn mạnh đến những cá nhân đặc biệt. Carlyle còn biện luận rằng tìm hiểu những nhân vật này có thể kích thích tiềm năng anh hùng của người ta.

 

Nhưng thời đại Victoria đã qua hơn một trăm năm nay rồi. Điều đáng ngạc nhiên là quan điểm này tồn tại đến bây giờ trong thời đại siêu dân chủ hiện nay, trong đó mỗi cá nhân đều được tôn sùng như là độc nhất và quan điểm về một giới thượng lưu “elite” bị chỉ trích. Người ta tự nhủ ai cũng bình đẳng không có kẻ trên người dưới. Trí năng nằm trong tay quần chúng. Chúng ta ai cũng có thể trở thành tác nhân của một sự thay đổi. Thế nhưng đi dạo trên các đường phố của mọi thủ đô vẫn đầy tượng và nếu đập một vài pho thì lại có những đòi hỏi lập những pho tượng mới.

 

Quả là mâu thuẫn. [qd]

 

 

 

 

 

 


No comments: