Biển Đông : Học giả TQ nói VN có thể nhượng
bộ chủ quyền Hoàng Sa cho Bắc Kinh
Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
20 tháng 8 2020, 13:28
+07
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53845213
Bài
nghiên cứu xuất bản mới đây có tiêu đề "Những thay đổi trên Biển
Đông: Tại sao Việt Nam có điều chỉnh lớn trong chiến lược với Trung Quốc?"
của giáo sư Triệu Úy Hoa (Zhao Weihua) từ Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quảng
Đông, đưa ra những quan điểm gây chú ý cho giới quan sát.
Trong bài xã luận bằng tiếng
Trung dài gần 20 trang, giáo sư Triệu Úy Hoa cho rằng các lãnh đạo Việt Nam
nghĩ rằng Việt Nam có thể nhượng bộ Trung Quốc để đạt được các thỏa thuận.
Ông Triệu viết rằng đã có
một thỏa thuận tồn tại trong suy nghĩ của các lãnh đạo Việt Nam: Nếu Trung Quốc
hứa không dùng vũ lực để chiếm các đảo ở Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, thì
Việt Nam sẽ không đề cập đến chủ quyền Hoàng Sa hoặc sẽ không sử dụng Hoa Kỳ để
can thiệp vào tranh chấp Việt-Trung.
Nói cách khác, ông Triệu
cho rằng Việt Nam có khả năng nhượng bộ chủ quyền tại Hoàng Sa để củng cố vị
trí tại Trường Sa; đồng thời nhượng bộ một cách có giới hạn ở Trường Sa liên
quan đến đường phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ đường bờ biển của VN.
Biển Đông: Việt Nam chèo
lái ASEAN vững vàng trước Trung Quốc?
Việt Nam – Trung Quốc có
thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
Biển Đông: Các bản đồ cổ
giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?
Ông Triệu cũng nghĩ rằng
'Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế' mà chỉ "dùng chủ đề này
như một công cụ để đe dọa, gây áp lực lên Trung Quốc".
Về quan hệ với Mỹ, ông
Triệu phân tích các phát biểu của các tướng Việt Nam và kết luận rằng: Các lãnh
đạo Việt Nam tin "Mỹ chỉ dùng Việt Nam và sẽ không từ bỏ các chính sách lật
đổ của mình đối với Việt Nam. Các học giả Việt Nam thân cận với giới ra quyết định
tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn cản". Và rằng các
lãnh đạo Việt Nam 'không có niềm tin ở Mỹ', mà tin rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ
trao đổi lợi ích với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đáp ứng các yêu cầu cơ bản về
'tự do hàng hải' ở Biển Đông, phản bội Việt Nam, và thừa nhận các đòi hỏi về chủ
quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Triệu chỉ ra rằng các
lãnh đạo Việt Nam tin rằng nếu Việt Nam hoàn toàn đi theo Mỹ, Việt Nam sẽ trở
thành nạn nhân trong trò chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó lựa chọn tốt
nhất cho Việt Nam là duy trì thế cân bằng với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Triệu cũng cho rằng
trước năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo
Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước xung quanh, dù ông không đưa ra bằng
chứng nào.
Bên cạnh đó, giáo sư Triệu
dành nhiều trang mô tả các thay đổi mới trong chính sách Biển Đông của Việt Nam
kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền năm 2011 như sau:
·
Việt Nam khẳng định rằng
Hoàng Sa, Trường Sa là các đảo đá không thích hợp cho con người sinh sống, do
đó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Năm 1977, trong "Tuyên
bố của Việt Nam về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa", Việt
Nam tuyên bố rằng mình có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa).
·
Việt Nam thu hẹp diện
tích vùng biển trong yêu sách tài phán của mình trên Biển Đông
·
Việt Nam nỗ lực tìm kiếm
sự đồng thuận với các nước Đông Nam Á có cùng yêu sách trên Biển Đông
·
Việt Nam cố gắng không
nói rõ quan điểm của mình về các tàu quân sự của nước ngoài đi qua khu vực
tranh chấp trên Biển Đông
Đặc biệt, ông Triệu chỉ
ra sự thay đổi trong thái độ của Việt Nam đối với 'Việt Nam Cộng Hòa' (VNCH)-
không còn gọi đây là 'chế độ con rối Sài Gòn' - bởi vì cần dùng các hoạt động của
VNCH trước năm 1975 để phục vụ cho các yêu sách chủ quyền hiện thời của
CNXHCNVN.
.
Khả năng nhượng bộ
chủ quyền?
Trao đổi với BBC News Tiếng
Việt, Giáo sư Carl Thayer từ Úc nói rằng dựa trên cơ sở của việc ông từng
tham dự 75 hội nghị và hội thảo quốc tế về Biển Đông ở 20 quốc gia kể từ năm
2009, đồng thời gặp và tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các học giả Trung Quốc,
ông cho rằng quan điểm của giáo sư Triệu Úy Hoa về khả năng Việt Nam nhượng bộ
chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc 'chỉ là thiểu số'.
"Nói cách khác, Triệu là nhà phân tích học thuật
duy nhất mà tôi biết đã lập luận rằng Việt Nam sẽ từ bỏ yêu sách của mình đối với
Hoàng Sa để đạt được thỏa hiệp với Trung Quốc về Trường Sa. Một đề xuất như vậy là không tưởng
hiện nay tại Việt Nam.
"Theo đánh giá của tôi, một thỏa hiệp lãnh thổ
như Triệu đề xuất là không thể xảy ra. Dư luận trong nước ở Việt Nam về Trung
Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông là rất tiêu cực. Theo tôi, bất kỳ nhà lãnh
đạo Việt Nam nào chủ trương từ bỏ yêu sách Hoàng Sa sẽ bị coi là phản bội chủ
quyền quốc gia.
"Đối với Trường Sa, Việt Nam sở hữu 21 thực thể
địa lý nằm rải rác từ Bắc đến Nam của Biển Đông. Việt Nam không tuyên bố các thực
thể này là đảo. Có vẻ như Việt Nam coi những thực thể này như những bãi đá nằm
trong vùng lãnh hải 12 hải lý của Việt Nam.
"Việt Nam hoàn toàn bác bỏ yêu sách về chủ quyền
của Trung Quốc dựa trên thuyết Tứ Sa, bao gồm cả Trường Sa.
"Khu vực duy nhất nơi Vùng đặc quyền kinh tế
(EEZ) của Việt Nam có liên quan là ở góc phần tư phía tây bắc của Biển Đông -
nơi các EEZ của hai nước (Việt Nam tuyên bố chủ quyền tính từ đường bờ biển của
mình và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền từ đảo Hải Nam) chồng lên nhau.
"Theo tôi biết thì đã có sự chấp nhận không
chính thức một đường ranh giới giả định giữa hai bên. Mỗi bên có thể thực hiện
các hoạt động ở bên của mình và bên kia được tự do chỉ trích. Nhưng vấn đề chồng
lấn này đến nay vẫn đang tồn tại."
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/CFEC/production/_107982235_gettyimages-168208585.jpg
Bức ảnh được chụp
ngày 6/5/2013 cho thấy các thủy thủ TQ đứng trên một tàu đánh cá trên quần đảo
Trường Sa, một quần đảo tranh chấp giữa TQ, Việt Nam và Philippines
.
'Việt Nam lo ngại
bị Hoa Kỳ bán đứng'
Về mối hoài nghi của Việt
Nam với Mỹ, GS Carl Thayer đồng ý với quan điểm của vị giáo sư Trung Quốc, dựa
trên các cuộc trao đổi của ông với các sĩ quan cấp cao của quân đội Việt Nam,
các quan chức an ninh và các nhà phân tích cao cấp của Việt Nam.
Bãi Tư Chính: "Đã đến
lúc VN kiện TQ ra tòa quốc tế"?
Biển Đông: Phát hiện Mỏ
Kèn Bầu 'lớn nhất' lịch sử, VN có lo TQ can thiệp?
VN bị ảnh hưởng gì khi
Philippines muốn 'gần Trung, xa Mỹ'?
GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt:
"Tất cả những người này đều lo ngại về việc bị
Hoa Kỳ bán đứng vì lợi ích quốc gia của Mỹ không giống với Việt Nam. Tuy nhiên,
vấn đề là những nhà phân tích này không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ đến
mức có thể bị bán đứng.
"Nhưng Việt Nam cũng nhìn nhận rằng Hoa Kỳ có lợi
ích quốc gia trong việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện bá quyền trên Biển Đông.
Vì vậy, Việt Nam khuyến khích Hoa Kỳ vì lợi ích này mà đối trọng với Trung Quốc
ở Biển Đông.
"Việt Nam hiểu rõ về sự trỗi dậy và tăng cường
sức mạnh của Trung Quốc. Phản ứng của Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc trên
cơ sở "hợp tác và đấu tranh" cũng như phối hợp với các cường quốc
khác - Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga - để duy trì sự cân bằng.
"Việt Nam từ lâu đã có quan ngại về Hoa Kỳ và
mong muốn thúc đẩy "diễn biến hòa bình" ở Việt Nam. Quan điểm này được
các quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao duy trì vì Hoa Kỳ ủng hộ nhân quyền,
dân chủ và tự do tôn giáo. Trong khi chính quyền Trump bỏ qua tất cả những vấn
đề này trong quan hệ với Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật, chẳng hạn
như Đạo luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á (ARIA), trong đó có các điều khoản về
thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.
"Mối quan ngại của Việt Nam được an ủi một phần
bằng các thỏa thuận cấp cao với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ để tôn trọng toàn vẹn
lãnh thổ và chủ quyền của nhau."
.
'VN khó có khả
năng kiện TQ'
GS Carl Thayer cho biết
Việt Nam đã có kế hoạch dự phòng để khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013, hoặc có
thể sớm hơn.
Dẫn chứng một vài vụ việc
nghiêm trọng, như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HYSY 981 tới vùng biển của Việt
Nam năm 2014 và đưa tàu thăm dò vào Bãi Tư Chính vào năm 2019, GS Carl Thayer
nói rằng khi đó giới chức Việt Nam cho thấy triển vọng kiện Trung Quốc như một
hình thức răn đe.
Nhưng GS Carl Thayer cũng
lưu ý rằng Việt Nam chỉ kiện được TQ trong vấn đề hiểu và áp dụng sai Công ước
Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS) chứ không kiện được về vấn đề chủ
quyền. Bởi quy định của UNCLOS không giải quyết các tranh chấp chủ quyền, phân
giới trên biển hoặc các hoạt động quân sự.
"Nếu Việt Nam khởi kiện, học theo Philippines,
Việt Nam sẽ phải làm rõ các quyền của mình và tình trạng của các thực thể địa
lý (các đảo, các bãi đá và các thực thể dưới mực thủy triều) ở Hoàng Sa (như
Tòa Trọng tài năm 2016 đã quyết định về các thực thể địa lý ở Trường Sa).
"Cuối cùng, để khởi kiện, Việt Nam cần trình
bày cụ thể một số sự cố lớn dẫn đến tranh chấp mà đã không thể giải quyết bằng
tham vấn song phương với Trung Quốc.
"Trong hoàn cảnh hiện nay, rất khó có khả năng
Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc" GS Carl Thayer nhận định.
Tuy vậy, GS Carl Thayer
cho rằng việc Malaysia đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng ở phía bắc Biển
Đông lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2019 đã mở ra khả năng hình thành một mặt
trận pháp lý thống nhất có sự tham gia của Malaysia, Philippines, Việt Nam và
Indonesia để phản đối các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử và quyền tài
phán đối với vùng biển xung quanh Tứ Sa.
.
Thái độ của Việt
Nam với VNCN 'không thay đổi'
GS Carl Thayer cho rằng
ông Triệu đã "không chính xác" khi khẳng định rằng Hà Nội đã thay đổi
thái độ đối với VNCH để củng cố lập trường của mình ở Biển Đông.
Ông đưa ra các dẫn chứng
lịch sử:
"Khi Việt Nam bị chia cắt hai miền Nam, Bắc vào
năm 1954 dọc theo vĩ tuyến 17, chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa thuộc về Việt Nam Cộng hòa (VNCH) chứ không phải Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa.''
"Khi Trung Quốc tấn công các lực lượng hải quân
của VNCH ở Hoàng Sa vào tháng 1/1974, cả VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam đã chính thức phản đối.''
"Năm 1976, khi Việt Nam chính thức thống nhất,
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam) nắm chủ quyền đối với vùng
đất và vùng biển mà trước đây đã hình thành nên Nhà nước VNCH.''
"CHXHCNVN tự coi mình là quốc gia kế thừa và những
tuyên bố chủ quyền của họ là dựa trên lịch sử từ thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn
thường xuyên tổ chức các chuyến thăm lực lượng hải quân (Đội Hoàng Sa và Bắc Hải)
nhằm kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa.''
"Sau năm 1991, khi Việt Nam và Trung Quốc bình
thường hóa quan hệ, Biển Đông nổi lên như một vấn đề ngày gay gắt trong quan hệ
song phương. Điều này dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc
ở Việt Nam và trong giới Việt kiều. Người Việt Hải ngoại cho rằng những quân
nhân VNCH bị giết vào tháng Giêng năm 1974 tại Hoàng Sa là tử sĩ.''
"Ở Việt Nam, áp lực đã bùng lên trong việc công
nhận những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam bị Trung Quốc giết vào tháng
3/1988 tại Gạc Ma, là những người tử vì đạo," GS Carl Thayer nhận định.''
.
Ý kiến khác
Viết trên Twitter, nhà
báo của BBC News, đồng thời là nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton nhìn nhận rằng
bài nghiên cứu này được viết bởi một học giả tại một trường đại học cấp địa
phương, đăng trên một tạp chí mở, chứ không phải là báo cáo tóm tắt của Bộ
Chính trị Trung Quốc.
Tuy nhiên, "đây
dường như là suy nghĩ chủ đạo của những người quan sát Biển Đông của Trung Quố"',
ông Bill Hayton bình luận.
"Có những bóng gió cho thấy rằng có thể có một
sự thỏa hiệp về lãnh thổ."
"Nếu giới ra quyết định của Trung Quốc thực sự
Việt Nam chỉ dọa chứ không dám kiện, thì việc Việt Nam đưa ra các giả thuyết về
kiện tụng sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Nó sẽ chẳng ảnh hưởng tí nào tới thái độ của
Trung Quốc trên Biển Đông."
.
Bối cảnh
Bài nghiên cứu của GS Triệu
Úy Hoa được đăng trên tạp chí mở CSSCI bằng tiếng Trung vào tháng 8/2020, và được
đăng lần đầu trên tạp chí "Nghiên cứu Đông Nam Á" của Trung Quốc năm
2019.
Bài viết tập hợp ý kiến của
nhiều nhà nghiên cứu Biển Đông và Đông Nam Á của Trung Quốc, Việt Nam và các nước
khác, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ ngày
càng bày tỏ lập trường cứng rắn hơn trước Trung Quốc về Biển Đông, cho rằng
Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và quân sự hóa trên Biển Đông. Đặc biệt là vào 13/7
khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của
Trung Quốc với hầu hết khu vực Biển Đông.
Mỹ cũng tổ chức các cuộc
tập chung trên Biển Đông và thường xuyên cho tàu tuần tra đi qua khu vực tranh
chấp để thực hiện 'tự do hàng hải'.
***
TIN LIÊN QUAN
.
Việt Nam bị ảnh hưởng gì
khi Philippines muốn 'gần Trung, xa Mỹ'?
19 tháng 2 năm 2020
.
Việt Nam – Trung Quốc có
thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
19 tháng 6 năm 2020
.
Biển Đông: 'TQ mượn gió
bẻ măng' nhưng 'thời thế hiện không dễ cho họ'
21 tháng 6 năm 2020
.
Biển Đông: Các bản đồ cổ
giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?
23 tháng 4 năm 2020
.
Biển Đông: Phát hiện Mỏ
Kèn Bầu 'lớn nhất' lịch sử, VN có lo TQ can thiệp?
5 tháng 8 năm 2020
.
Biển Đông: Việt Nam chèo
lái ASEAN vững vàng trước Trung Quốc?
10 tháng 7 năm 2020
No comments:
Post a Comment