Tuesday, June 16, 2020

TỶ PHÚ LÊ VĂN KIỂM, "HẠT GIỐNG ĐỎ" ƯƠM BẰNG MÁU CỦA DÂN (Phạm Vũ Hiệp)




Phạm Vũ Hiệp
13/06/2020

Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 ở Vỹ Dạ, thành phố Huế. Các mốc thời gian gắn với cuộc đời ông này:
Năm 1949, bố ông Kiểm là ông Lê Văn Lân theo Việt Minh tử trận. Mẹ Lê Văn Kiểm bế con ra chiến khu Ba Lòng, tại Dakrong, Quảng Trị sống cùng bộ đội Việt Minh.
Năm 1954, mẹ con họ theo đoàn quân tập kết ra Bắc. Lê Văn Kiểm được cho vào học ở Trường học sinh miền Nam số 1 tại làng Chuông, Thanh Oai, Hà Đông, sau đó chuyển về Trường học sinh miền Nam tại Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Đông để ươm mầm “Hạt giống đỏ”.
Năm 1964, Lê Văn Kiểm học tại Đại học Thuỷ lợi, ngành cầu cống. Vì mẹ đi bước nữa và có tổ ấm riêng, nên sau khi tốt nghiệp vài năm, ông Kiểm lấy vợ là bà Trần Cẩm Nhung, sinh năm 1946, cũng là học sinh miền Nam. Bố bà Nhung là du kích Ba Tơ, Quảng Ngãi, đã hy sinh.
Năm 1972, giai đoạn cuối của cuộc nội chiến hai miền Nam – Bắc. Người Mỹ rút quân khỏi miền Nam, Việt Nam. Miền Bắc trong bối cảnh không còn nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa. Cộng sản Bắc Việt đã phải dốc toàn bộ sức lực của mình chi viện cho chiến trường. Tổng động viên, nhiều thanh niên, học sinh miền Bắc được thổi phồng lý tưởng, hướng dẫn viết “đơn tình nguyện” bằng máu để nhập ngũ. Lê Văn Kiểm cũng vào Nam trong thời gian đó.
Sau ngày 30/4/1975, Lê Văn Kiểm làm công chức một thời gian dài, đến giai đoạn đổi mới năm 1986 thì lợi dụng “chân trong chân ngoài”, vợ chồng ông Kiểm nhảy ra thành lập công ty tư nhân Huy Hoàng. Huy Hoàng kinh doanh may mặc, xây dựng, bất động sản. Chính quyền thành Hồ cũng ưu ái Lê Văn Kiểm, vốn là “cán bộ thuộc Trung ương Cục miền Nam” nên cho Huy Hoàng thầu Nút giao thông Ngã Tư Hàng Xanh năm 1994.

Vợ chồng Lê Văn Kiểm, Trần Cẩm Nhung và hai con. Photo Courtesy

Giai đoạn 1986-1996, Huy Hoàng cùng với công ty Minh Phụng của đại gia Tăng Minh Phụng (sinh năm 1957), là hai công ty “làm mưa làm gió”, đình đám trong xuất nhập khẩu may mặc với các quốc gia Đông Âu và kinh doanh bất động sản ở thành Hồ. Công ty Huy Hoàng có 2000 công nhân; Cty Minh Phụng có hơn 10.000 công nhân.
Thương gia thì phải vay vốn ngân hàng bằng tài sản thế chấp. Nếu công ty Minh Phụng của Tăng Minh Phụng nợ ngân hàng cả ngàn tỷ, thì cùng thời điểm, số nợ từ Huy Hoàng của Lê Văn Kiểm cũng xấp xỉ 700 tỷ đồng.
Đầu tư thì cũng có rủi – ro, thành – bại. Cả Lê Văn Kiểm lẫn Tăng Minh Phụng đều tạm thời mất khả năng chi trả bằng tiền mặt cho Ngân hàng, do khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới năm 1996-1997.
Hợp đồng vay vốn có thế chấp bằng bất động sản, kho tàng, nhà xưởng… được thẩm định. Thế nhưng, khi thị trường biến động, ngân hàng phủi trách nhiệm. Tăng Minh Phụng bị cấm xuất cảnh một thời gian, trước khi bị bắt giam ngày 24/2/1997.

Ông Lê Văn Kiểm và TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh trên mạng

Ông Lê Văn Kiểm nhận hoa từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một sự kiện năm 2017. Ảnh: VNF

Lê Văn Kiểm với Trần Đại Quang. Ảnh trên mạng

Vụ án Tăng Minh Phụng gây rúng động cả nước. Mặc dù Tăng Minh Phụng làm đơn kêu oan, một số “thầy dùi”, quan chức du côn, lẫn các “nhà báo lưu manh” hứa tìm cách cứu Tăng Minh Phụng, nhưng rốt cuộc chúng “xơi” tiền của gia đình ông ta rồi lặn mất tăm.
Công ty Huy Hoàng của Lê Văn Kiểm đứng trước bờ vực phá sản. Nợ ngập đầu, ngân hàng tư nhân mà ông Kiểm cổ đông sáng lập cũng vỡ nợ. Lê Văn Kiểm nhận ra rằng mình sẽ bị bắt, phải lãnh án chung thân hoặc tử hình, chung số phận với Tăng Minh Phụng.
Vốn trưởng thành trên đất Bắc và nhiều năm phục vụ trong guồng máy của Đảng, độ cáo già và ma mãnh của ông Lê Văn Kiểm phát huy hết công năng. Ông ta mò đến nhà những ông trùm gốc Huế như “Thái thượng hoàng” Lê Đức Anh và Tố Hữu để cầu cứu. Ông Kiểm được bày vẽ làm đơn, “xin khoanh nợ, giãn nợ 5 năm” để vực dậy kinh doanh và trả nợ ngân hàng và các tổ chức, cá nhân.
Số phận đã mĩm cười với Lê Văn Kiểm. Với lý lịch “hạt giống đỏ”, con liệt sĩ, bản thân tham gia quân đội, có công lao…, cùng với tác động của các “ông trùm”, đơn của ông Kiểm đến được Bộ Chính trị, lúc này Lê Khả Phiêu đã trở thành Tổng bí thư thay ông Đỗ Mười (từ tháng 12/1997). Ông Phiêu bàn với Thủ tướng Phan Văn Khải “tha” cho cựu quân nhân Lê Văn Kiểm.
Một văn bản của Bộ Chính trị đồng ý cho phép Huy Hoàng được giãn nợ, khoanh nợ và không “hình sự hóa” vụ việc.
Cũng trong thời điểm này, có sự đổ vỡ của hàng loạt quỹ tín dụng và các tổ chức tài chính, nhiều ngân hàng cũng diêu đứng, phải trông chờ sự cứu giúp của nhà nước. Một “hạt giống đỏ” khác cũng được nhà nước cứu để thoát hiểm như Lê Văn Kiểm, đó là Lê Kiên Thành con trai Lê Duẩn.
Thành có 10 năm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT (từ năm 1995 đến 2004) trong ngân hàng tư nhân cổ phần Techcombank. Techcombank được thành lập ngày 27/9/1993 và cũng gặp biến cố lao đao, giai đoạn khủng hoảng tài chính 1996-1997.
Đầu năm 2000, thị trường địa ốc đảo chiều, giá bất động sản tăng vọt. Đất nền ở quận 2, Sài Gòn lên đến 40-50 triệu đồng/m2. Lê Văn Kiểm và công ty Huy Hoàng hồi sinh, bán đất, dư trả nợ ngân hàng và các khoản vay tín dụng khác.
Ở trong tù, Tăng Minh Phụng khóc cạn nước mắt, khi nghe tin “hạt giống đỏ” Lê Văn Kiểm, cũng ngập nợ như ông, lại được cứu và ngồi rung đùi đếm tiền. Còn Tăng Minh Phụng bị tống giam, kê biên, thẩm định tài sản giá rẻ như bèo để quy tội danh, quyết bắt ông chết, không cho ông có cơ hội được giãn nợ và có thời gian để xoay xở, trong khi ông sở hữu một khối tài sản khổng lồ đang bị nhà nước kê biên. Khối tài sản của Tăng Minh Phụng, gần 4 triệu mét vuông đất đắt địa, nhà mặt tiền trung tâm các thành phố, cộng với kho tàng, tài sản cố định đang bị phong toả, thời điểm 2000-2002 giá trị thực tế lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Tăng Minh Phụng là “án điểm” để chết đúng quy trình cho một cơ chế kinh tế và pháp luật mập mờ đến điên rồ. Góp phần đưa Tăng Minh Phụng vào vòng lao lý, còn có một số quan chức ngành tố tụng thành Hồ, hệ thống báo chí quốc doanh và những cây bút vô cùng lưu manh.
Ngày 12/1/2000, bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tuyên án tử hình Tăng Minh Phụng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN”.
Ngày 22/4/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ra quyết định bác đơn ân xá của Tăng Minh Phụng. Khoảng 8 giờ sáng ngày 11/7/2003, tại trường bắn Long Bình, quận 9, thành Hồ, Hội đồng Thi hành án do thẩm phán Phạm Doãn Hiếu làm chủ tịch, đã nổ súng bắn chết Tăng Minh Phụng.
Khát vọng làm giàu kinh tế tư nhân trong “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã vĩnh viễn khép lại với họ Tăng ở tuổi 46.
Về phần Lê Văn Kiểm, lợi nhuận khổng lồ từ bất động sản, nhà đất lên giá, đã đưa “Tư bản đỏ” thế hệ đầu đời này lên đỉnh tiền tài và danh vọng.

Tăng Minh Phụng trả lời thẩm vấn trước tòa. Ảnh: PLTP

Lê Văn Kiểm thừa thắng, vươn “vòi bạch tuột” ra các tỉnh thành phụ cận. Ông Kiểm thành lập Sân Golf Long Thành năm 2001 tọa lạc tại khu tam giác kinh tế phía nam, thuộc ấp Tân Mai, xã Phước Tân, Tp. Biên Hoà. Sân có diện tích 100ha đồi cỏ, trong tổng diện tích 350 hecta và được bao bọc bởi các nhánh sông Đồng Nai, được các quan chức sở tại cướp của dân để “đi đêm” cùng Lê Văn Kiểm.
Với chiêu bài thu hồi đất cho nhà đầu tư làm dự án, đền bù với giá rẻ mạt, chính quyền Đồng Nai đã cướp cả ngàn hecta đất trồng lúa của dân lành “cúng” cho gia đình Lê Văn Kiểm. Oan khiên, khiếu kiện dai dẵng hàng chục năm.
Từ đây, “hạt giống đỏ” được ươm bằng máu của dân, trở thành tư bản thân hữu, vua biết mặt, chúa biết tên. Hàng tá huân chương, danh hiệu đeo đỏ rực trên ngực áo của vợ chồng Lê Văn Kiểm, thì cũng chừng ấy máu của dân lành đã tắm vào đó.
(Còn nữa)

------------------------------------

Phạm Vũ Hiệp
16/06/2020

Tiếp theo kỳ 1

Từ năm 1997, chính phủ Việt Nam ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, để thu tóm đất đai ở Long Thành, Đồng Nai, Lê Văn Kiểm lập ra cái gọi là “Dự án cổ phần đầu tư vốn nước ngoài CLB golf Long Thành”.
UBND tỉnh Đồng Nai “ngậm” tiền của ông Kiểm, nên cấp phép, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/1999. Thủ tướng CP ra QĐ số 341/QĐ-TTg, cho phép CLB Golf Long Thành được thuê 204 hecta đất tại Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai, để xây dựng sân golf.
Không lâu sau, nhà đầu tư “nước ngoài” nhượng hết cổ phần lại cho Cty Huy Hoàng. Cty Huy Hoàng nhanh chóng đổi tên thành Cty Golf Long Thành. Lột xác một lần, 204 hecta đất rơi vào tay ông Kiểm. Không dừng ở đó, Lê Văn Kiểm tiếp tục “đi đêm”. Bằng các văn bản 2722/QĐ- UB năm 2005, 3625/QĐ-UB năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép bổ sung diện tích mở rộng 140 hecta nữa, biến dự án này đã trở thành “siêu” dự án vào năm 2007.

Lê Văn Kiểm và Sân Golf Long Thành. Ảnh trên mạng

Lòng tham không đáy của Lê Văn Kiểm y hệt bà vợ của ông lão trong câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Tháng 4/2009, UBND tỉnh Đồng Nai lại có công văn 1972/QĐ-UBND trình Chính phủ để xin mở rộng Sân Golf Long Thành thêm 870 hecta nữa, nâng tổng diện tích sân lên đến 1.200 hecta.
Tháng 10/2011, văn bản số 7079/UBND-CNN, UBND tỉnh cũng cho phép Lê Văn Kiểm xây nhà, biệt thự trên diện tích 91 hecta trong tổng diện tích sân golf để bán bất động sản. Sau đó, Lê Văn Kiểm nâng dự án này lên thành Dự án Biên Hòa New City 120 hecta. Tổ hợp này gồm 372 căn biệt thự, 3200 căn nhà phố liền kề được xây dựng thành 5 tiểu khu.
Với diện tích đất khổng lồ giao cho Lê Văn Kiểm kinh doanh, đồng nghĩa với đất đai của nông dân Long Thành, Đồng Nai bị biến mất đi “diện tích một xã”. Chính quyền sốt sắng thu hồi đất để giao cho Lê Văn Kiểm, thẳng tay giải phóng mặt bằng, đền bù dân với giá rẻ mạt. Ai không đồng ý sẽ bị cưỡng chế, ai chống đối thì bắt giam, khởi tố, bỏ tù…
Luật pháp ở Việt Nam rất lạ lùng. Nếu dâng đất cho chính quyền, cứ cúi đầu im lặng, nhìn bọn “tư bản đỏ” cướp đất, phá nhà… thì sẽ được tuyên dương “điển hình tiên tiến”, “yêu nước”. Ngược lại, nếu đấu tranh, khiếu kiện, đòi tài sản của mình thì sẽ bị quy chụp là “thế lực thù địch”, bị “kích động gây rối chính quyền, chống phá nhà nước”… và sẽ bị “TIÊU DIỆT ĐÚNG PHÁP LUẬT” như số phận của đảng viên 57 tuổi Đảng, cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, Hà Nội.

Vợ chồng đại gia Lê Văn Kiểm cùng hai con Lê Nữ Thùy Dương và Lê Huy Hoàng. Ảnh trên mạng

Quay lại Long Thành, Đồng Nai, cả ngàn hecta đất canh tác, đất ở, bỗng dưng bị cướp, quyền lợi và đời sống của hàng ngàn lao động và con em họ bị đẩy đến khốn cùng. Đang êm ấm yên lành, bỗng dưng tay trắng, không có đất định cư, cày cấy, chăn nuôi, nông dân kêu gào, than khóc thấu cả trời xanh.
Trong khi chính quyền ép dân, chỉ áp giá đền bù 70.000/m2, tương đương 1 bát phở/ m2 đất, thì tỷ phú Lê Văn Kiểm sau khi san ủi mặt bằng, rao bán ngay với giá 10-20 triệu /m2 đất nền tại Sân Golf Long Thành.

Bảng giá đất Sân Golf Long Thành

Bảng giá khu vực Mỹ An

Việc UBND tỉnh ra quyết định sai trái với chủ trương của HĐND tỉnh, thu hồi đất vượt quá thẩm quyền, hành xử đàn áp dân… dẫn đến hàng trăm hộ dân ở xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai mang đơn khiếu nại ra đến tận Hà Nội để khiếu kiện, kêu oan.
Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ NN và PTNT, có văn bản cảnh báo UBND tỉnh Đồng Nai về việc chuyển đổi mục đích, giao diện tích đất trồng lúa quá lớn cho Sân Golf Long Thành như thế cần phải xem xét. Công văn số 4293/VPCP-KTN ngày 25/6/2009 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch đất trồng lúa trước khi xem xét giao đất cho Sân Golf Long Thành. Nhưng tất cả đều bị chính quyền Đồng Nai phớt lờ như “đàn gảy tai trâu”.
Thậm chí ngày 25/2/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1192/VPCP-KTNT, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nhưng rồi phép vua thua lệ làng, đâu lại vào đấy.
Mặc cho dân tình than khóc và nguyền rủa, hàng chục ngàn tỷ lợi nhuận vơ vét, thu tóm được từ Sân gofl Long Thành, qua bán biệt thự, đất nền cho giới quý tộc, quan chức giàu có muốn ở riêng biệt với dân đen… chảy vào túi vợ chồng Lê Văn Kiểm. Lợi nhuận khổng lồ đó tạo nên các công ty con của “đế chế Lê Văn Kiểm” trên thương trường:
– Cty Tập đoàn KN Viêng Chăn, vốn 1.934 tỷ đồng.
– Cty TNHH Khai thác Mỏ Long Thành với vốn 143,7 tỷ đồng.
– Cty Điện mặt trời KN Vạn Ninh, Khánh Hoà, vốn 500 tỷ đồng.
– Cty Trân Châu với Khu nghỉ dưỡng có quy mô 15 hecta tại Phước Hải, Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công trình gồm 120 phòng khách sạn và các villa biển.
– Cty hợp tác với CapitaLand, phát triển căn hộ cao cấp trải dài cả nước, như The Vista với 850 căn (Quận 2, TP HCM), PARCSpring với 974 căn (Quận 2, TP HCM) và Mulberry Lane với 1.478 căn (Quận Hà Đông, Hà Nội).

Dự án Khu phức hợp KN Paradise

Năm 2015, từ thông tin nội bộ của bộ sậu lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, Lê Văn Kiểm, chủ tịch HĐQT Cty Golf Long Thành, nhanh chóng lập Công ty TNHH KN Cam Ranh, để chuẩn bị cướp đất.
Dự án Khu phức hợp KN Paradise trước đó có tên là The Lotus Cam Ranh được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất. Dự án có 3 mặt là phía Đông, Tây và Nam giáp khu quân sự, còn phía Bắc giáp Biển Đông. Đây là khu vực có vị trí chiến lược, nằm liền kề với Sân bay quốc tế Cam Ranh và gần cảng biển quốc tế Cam Ranh.
Diện tích đất trên giấy tờ là gần 800 hecta, nhưng thực tế diện tích sau này Lê Văn Kiểm khai thác lên đến 921 hecta. Dự án gồm có một sân golf 100 hecta, một casino quốc tế và các loại hình bất động sản khác nhau như: Biệt thự, shophouse, khách sạn, condotel, đất nền… Tổng vốn đầu tư của dự án công bố khoảng 46.730 tỷ đồng.
Hãy xem đất này từ đâu mà ra?
Nguồn gốc là đất quốc phòng, không có trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015 của thành phố Cam Ranh, mà UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt vào tháng 12/2013.
Tháng 7/2015, Bộ Quốc phòng có chủ trương trả lại đất quốc phòng cho địa phương quản lý, sử dụng.
Tháng 8/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi gần 800ha đất do Quân chủng Hải quân bàn giao.
Tháng 12/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đưa dự án Khu đô thị The Lotus Cam Ranh vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp theo, tỉnh ra văn bản số 1499/QĐ-UBND, phê duyệt chi tiết 1/500 dự án The Lotus Cam Ranh.
Ngày 14/6/2016, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lách luật, qua mặt Thủ tướng Chính phủ, ký quyết định 1678/QĐ-UBND giao đất và cho thuê đất để Công ty TNHH KN Cam Ranh thực hiện dự án mà không hề thông qua hình thức đấu giá.
Gần cả ngàn hecta đất của dân, tài sản quốc gia, đã chuyển cho “Anh hùng lao động” Lê Văn Kiểm.
Tỷ phú Lê Văn Kiểm và gia đình đang gom hàng chục ngàn tỷ từ lợi nhuận bất động sản Dự án Khu phức hợp KN Paradise.
Có tiền, Lê Văn Kiểm mua được tất cả. Dư luận đồn rằng, bạn bè hỏi “bí quyết làm giàu”. Ông Kiểm cười nói: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Bác ở đây là tiền đồng Việt Nam. Thật đáng sợ với Lê Văn Kiểm!
Cũng như các “tư bản đỏ” của Sun Group, Vin Group, Vũ “nhôm”, Út “trọc, Phượng “công chúa”… Lê Văn Kiểm cũng mua danh qua “Quỹ học bổng”, “Quỹ từ thiện”, tài trợ này kia. Hình thành nhóm lợi ích, liên kết với những sâu mọt trong bộ máy chính quyền, cướp công khai thành quả lao động của dân nghèo, hút máu họ… rồi quay trở lại đóng vai “ông Tiên”, làm từ thiện và bố thí, đó thật sự là tội ác man rợ.
Hàng chục ngàn tỷ đồng đẫm máu dân, bố thí ít đồng bạc lẻ lại cho dân, thì được cả hệ thống báo chí quốc doanh, tuyên truyền của Đảng ca ngợi và tôn vinh. Họ xếp Lê Văn Kiểm vào danh sách đảng viên cực kỳ ưu tú và thổi ông ta lên tận mây xanh. Trong khi đó, người Việt hải ngoại một nắng hai sương ở xứ người, vất vả khổ cực lao động, bằng trái tim nhân hậu, tấm lòng thơm thảo, khi họ gởi tiền về ủng hộ người nghèo và tù nhân lương tâm, thì họ bị xem là “thế lực thù địch” là “hải ngoại chống phá đảng, nhà nước”…

Trong những bài viết ngắn thế này, khó có thể lột tả hết chân dung Lê Văn Kiểm, cũng như các đại gia khác đã bòn rút dân nghèo, để họ làm giàu ra sao. Bài này chỉ nói lên phần nào về thực trạng đảng CSVN và nhà nước XHCN đã ươm trồng những “hạt giống đỏ” bằng máu của dân, để họ trở thành những tỷ phú đô la như thế đó. Người dân chỉ biết ngậm ngùi, than thân trách phận theo dòng đời run rẩy, đầy phẫn nộ và cay đắng.





No comments: