Minh
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 12/06/2020 - 14:25
Ngày 11/06/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc
lệnh cho phép trừng phạt nhiều quan chức của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế và những
viên chức có tham gia điều tra hai hồ sơ Afghanistan và Palestin. Đây là một đòn giáng mạnh vào
công lý quốc tế.
Sau Tổ Chức Y Tế Thế Giới
– WHO, UNESCO, Hội Đồng
Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, giờ đến lượt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế La Haye trở thành mục tiêu
tấn công mới của chính quyền Donald Trump. Sau hai năm dọa dẫm không thành, chủ
nhân Nhà Trắng ngày hôm qua quyết định tăng tốc « cuộc chiến tiêu hao »
được tiến hành từ hai năm qua : dọa khai tử CPI vào tháng 9/2018, rút giấy
phép nhập cảnh đối với chưởng lý Fatou Bensouda, tấn công chỉ trích hai viên chức
trong văn phòng của bà chưởng lý ngay giữa mùa dịch bệnh ...
Theo nhà báo Stephanie
Maupas tại La Haye, hai hồ sơ Afghanistan và Palestine chính là tâm điểm của
đọ sức giữa chính quyền Trump và CPI. Từ tháng Giêng năm 2020, chưởng lý Fatou
Bensouda bắt đầu điều tra về những tội ác mà quân đội Mỹ bị nghi ngờ phạm phải ở
Afghanistan. Một trong những điểm cốt lõi của cuộc điều tra chính là những nhà
tù bí mật mà CIA lập ra tại một số nước châu Âu để tra khảo các tù nhân
Afghnistan sau khi bắt cóc họ.
Hành động trừng phạt mà Mỹ
đưa ra vào lúc CPI sắp ra một quyết định mới liên quan đến các khu định cư Do
Thái trên vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng. Dù được thông báo mở điều
tra từ tháng 12/2019, nhưng bà Fatou Bensouda vẫn chờ các thẩm phán xác nhận thẩm
quyền hợp pháp để điều tra về vùng Cisjordani, kể cả thành phố Jerusalem và dải
Gaza.
Hoa Kỳ chưa bao giờ phê chuẩn Quy Chế Roma, một hiệp ước quốc tế thành
lập CPI và Tòa Án này đã đi vào hoạt động từ năm 2002, hiện có 120 quốc gia phê
chuẩn, trong đó có Afghanistan.
Chính quyền Washington cho rằng các hành động của CPI là một « tấn công
chống lại các quyền của nhân dân Mỹ và có nguy cơ giẫm đạp lên chủ quyền quốc
gia Mỹ », lên án CPI đã bị nhiều « thế lực bên ngoài như Nga »
thao túng.
Thái độ này của Nhà Trắng
đã bị CPI, nhiều tổ chức nhân quyền, các chính phủ và tổ chức quốc tế phản đối
mạnh mẽ, cáo buộc Hoa Kỳ « xâm phạm tính độc lập của tư pháp quốc tế »,
« bác bỏ công lý cho các nạn nhân của tội ác chiến tranh nghiêm trọng tại
Afghanistan, Israel hay Palestine » như phát biểu của Andrea
Prasow, tổ chức Human Rights Watch với AFP.
Lo sợ trước hiện tượng điều
tra tội ác chiến tranh sẽ trở nên phổ biến, Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách để cản trở
và sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đối với CPI. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, William Barr,
thông báo phản công, mở một cuộc điều tra nhắm vào CPI khi nhắc đến « nạn
tham nhũng tài chính và biển thủ ở cấp độ cao tại văn phòng của chưởng lý ».
Liệu CPI có trụ được
trong cuộc đọ sức này hay không ? Bởi vì từ nhiều năm qua định chế tư pháp
quốc tế này cũng là tâm điểm của nhiều lời chỉ trích cho rằng CPI dùng châu Phi
như là một sân chơi để tập luyện. Các thủ tục tố tụng chủ yếu nhắm vào các nước
châu Phi nghèo, tư pháp yếu kém… Độ tin cậy vào CPI cũng vì thế mà bị suy giảm
mạnh, đòi hỏi phải có một sự cải tổ sâu rộng.
------------------------------------
NỘI DUNG LIÊN QUAN
Minh Anh
- RFI
Đăng
ngày: 12/06/2020 - 11:36
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/06/2020 ký sắc lệnh
trừng phạt kinh tế và cấm nhập cảnh Mỹ nhắm các lãnh đạo của Tòa Án Hình Sự Quốc
Tế (CPI) cũng như các quan chức của định chế có tham gia điều tra hồ sơ
Afghanistan và Palestine.
Hoa Kỳ có phản ứng như
trên sau khi bà chưởng lý Fatou Bensouda của CPI, bất chấp các đe dọa của Mỹ,
ngày 05/03/2020 thông báo mở một điều tra về các vụ hành quyết tại
Afghanistan, nghi ngờ lính Mỹ vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân
loại.
Từ La Haye, thông tín viên
Stéphanie Maupas cho biết cụ thể :
« Đó là một cú bắn
chụm, tập trung hỏa lực vào Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI, vào các
lãnh đạo, quan chức và cả những người thân. Tổng thống Mỹ muốn gây áp lực trong
hai hồ sơ được mở ra ở La Haye : Afghnistan và mở rộng khu định cư Do Thái
ở Palestine.
Những lời dọa dẫm của chính quyền Trump nhắm vào Tòa
Án có từ mùa thu năm 2018 nhưng vẫn không ngăn cản được việc mở một cuộc điều
tra về những tội ác do quân đội Mỹ và CIA phạm phải ở Afghanistan.
Mối lo một cuộc điều tra sắp tới về việc chiếm đóng
lãnh thổ Palestine gây rắc rối nghiêm trọng cho Israel, đồng minh của
Washington tại Trung Đông. Đây là một trong những rào cản cho dự án sáp nhập những
vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng mà chính quyền Trump đã bật đèn xanh.
Cuối tháng 5/2020, thủ tướng Israel, Benjamin
Netanyahou xem Tòa Án Hình Sự Quốc Tế là "mối đe dọa chiến lược" đối
với Nhà nước Israel. Kể từ giờ, Donald Trump đã nâng vấn đề CPI lên mức
"khẩn cấp quốc gia".
Nhiều tổ chức phi chính phủ đề nghị các nước thành
viên của CPI hành động. 24 giờ trước khi có sắc lệnh của Donald Trump, mười nước
tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án những lời dọa dẫm nhắm vào định chế.
Tại La Haye, mặc dù tỏ ra cứng rắn, nhưng chắc chắn
là lệnh trừng phạt của Mỹ gây lo ngại cho các lãnh đạo của CPI. »
Ngay sau sắc lệnh của
nguyên thủ Mỹ, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) lấy làm tiếc về « một chuỗi
tấn công chưa từng có » nhắm vào định chế, đồng thời nhấn mạnh đến
tính chất độc lập của tổ chức. Chủ tịch hội đồng các nước có tham gia CPI, thẩm
phán O-Gon Kwon bác bỏ lệnh trừng phạt mà ông cho là « cản trở những nỗ
lực chung chống lại hiện tượng miễn truy tố ».
No comments:
Post a Comment