Tú
Anh -
RFI
Đăng ngày: 12/06/2020
- 14:58
Đại dịch siêu vi corona đang làm sụt giảm uy tín của
nhiều nhà lãnh đạo quốc tế do quản lý kém. Donald Trump, Emmanuel Macron,
Vladimir Putin, Recep Erdogan đứng trước áp lực của công luận. Tình thế của tổng
thống Mỹ và Pháp còn bất trắc hơn với phong trào chống kỳ thị chủng tộc và bạo
lực cảnh sát đang có xu hướng lan rộng, một phần vì phản ứng thiếu khôn
khéo chính trị, theo báo chí Pháp.
Tổng thống Macron đánh lá bài
thấu cáy chính trị?
Macron chuẩn bị ra khỏi
khủng hoảng như thế nào? Donald Trump làm sao thoát con đường độc đạo? Đó là
hai câu hỏi dành cho hai nhà lãnh đạo Tây phương trên Le Monde và Les Echos.
Ba tháng sau khi quyết định
phong tỏa đất nước để chống dịch siêu vi corona, chủ nhân Điện Elysée sẽ nói
chuyện với dân chúng vào ngày Chủ Nhật 14/06. Thông điệp bất ngờ này, không nằm
trong chương trình của tổng thống Pháp trước ngày Quốc khánh 14/07, mang ý
nghĩa gì ? Theo Le Monde, tổng thống Pháp cảm thấy phải khẩn cấp tập trung vào
nhu cầu phục hồi kinh tế, phải sang trang tình trạng khẩn cấp y tế và trực tiếp động
viên giới trẻ mà một bộ phận tham gia vào phong trào chống kỳ thị màu da và bạo
lực cảnh sát xuất phát từ sau vụ George Floyd ở Hoa Kỳ.
Les Echos khẳng định là tổng
thống Pháp đang bị áp lực rất mạnh. Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy điểm
tín nhiệm suy giảm. 54% không tin vào khả năng chính phủ hạn chế được thiệt hại
kinh tế, một hệ quả của đại dịch. 81% nghĩ rằng tình hình kinh tế tiếp tục suy
thoái. Từ bình thường hóa sinh hoạt đến chống khủng hoảng kinh tế, tổng thống
Pháp bắt buộc phải nói rõ ý định. Les Echos phiêu lưu với dự đoán tổng thống
Macron sẽ tuyên bố từ chức để tái tranh cử trong điều kiện thuận lợi nhất, so với
các đối thủ tiềm tàng. Giả thuyết này đã bị Điện Elysée phủ nhận, nhưng giới
chính trị Pháp, theo Les Echos, đang bồn chồn như ngồi trên lửa.
Tổng thống Donald Trump tìm
xung lực mới
Kinh tế, y tế, an ninh
cũng là con đuờng độc đạo của tổng thống Mỹ Donald Trump, tựa của Les Echos. Tại
Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump tìm xung lực mới là nhận định của Le Monde. Hai
nhật báo Pháp đều không đánh cược chủ nhân Nhà Trắng sẽ thất cử bởi vì với 42%
cử tri ủng hộ, dù có mất đi 5 điểm sau ba tháng khủng hoảng y tế, nhưng chưa tới "mức
báo động đỏ".
Theo Le Monde, vấn đề là
Donald Trump gặp cảnh "tứ bề thọ địch". Vụ George Floyd xảy ra, tổng thống
Mỹ ứng phó vụng về, thiếu sự nhạy bén của một nhà chính trị. Ông đe dọa huy động
quân đội đàn áp phong trào công dân đòi công lý cho người da đen. Tương lai
chính trị đầy trở ngại, bị công luận đả kích dữ dội, Donald Trump phải làm gì để
có thể tái đắc cử ? Hai nhật báo Pháp cùng nhận định: Để lật ngược thế cờ,
chủ nhân Nhà Trắng bắt đầu với chiến dịch vận động cử tri, tập trung vào thông
điệp kinh tế Mỹ phục hồi sinh hoạt bình thường.
Sự thiếu bén nhạy chính
trị của tổng thống Donald Trump cũng tác hại đến hình ảnh và uy tín Mỹ trên trường
quốc tế. Trong bài "Vì sao doanh nghiệp Hồng Kông xếp hàng theo Bắc
Kinh không mảy may do dự", một chuyên gia giải thích : Doanh nhân Hồng
Kông biết lời hăm dọa của Donald Trump là màn phô diễn tranh cử. Bắc Kinh cũng
đâu dễ bị lừa. Le Monde nhận
định không ngần ngại qua bài phân tích : Donald Trump phá giá đất nước.
Tổng thống Nga trong cơn bão
Covid-19
Đó là tựa của một trong
hai bài ở trang tranh luận của Le Monde. Qua đại dịch, chính quyền Putin để lộ
các nhược điểm quản lý kém, gây bất bình cho người dân Nga. Trong bài phỏng
vấn dài, nhà tỷ phú tị nạn Mikhail Khodorkovski đoán chắc chế độ Putin đang ở
buổi hoàng hôn: Emmanuel Macron không nên hy vọng xây dựng mối quan hệ chiến lược
với Kremlin vì đó là ảo vọng và vì chế độ Putin sắp lụi tàn.
Trái lại, Pháp nên đặt niềm
tin vào xã hội công dân Nga và khéo léo đưa nước Nga vào quỹ đạo văn hóa châu
Âu. Đó là lời tư vấn của người từng trải qua 8 năm trong nhà tù dưới chế độ
Putin.
Erdogan bắt ráo
Khác với hai nhà lãnh đạo
Pháp, Mỹ, để thoát "độc đạo", tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Recep Tayyip Erdogan có biện pháp "độc đáo": bắt hết những
ai chống đối, bất chấp là bao nhiêu. "Xuống điểm thăm dò, Erdogan
đàn áp", tựa của Le Monde. Bị đả kích là quản lý kém đại dịch corona,
nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt nhốt hàng loạt dân biểu, ký giả, sĩ quan
quân đội, cảnh sát, bác sĩ ... Chỉ trong ngày 09/06, có tổng cộng 414 người bị
tống giam. Một ngày trước, hai ký giả có tiếng tăm bị câu lưu trong khuôn khổ
chiến dịch điều tra "gián điệp chính trị và quân sự".
Theo một cựu dân biểu,
người dân Thổ Nhĩ Kỳ bất bình với Erdogan và chính quyền của ông bởi họ đối phó
với đại dịch corona quá kém, không có một biện pháp hỗ trợ xã hội đi kèm giúp
dân chúng chịu đựng khủng hoảng y tế, kinh tế. Các kết quả thăm dò dư luận đề
cho thấy người dân rất thất vọng về khả năng lãnh đạo của Erdogan.
Libya: Thổ Nhĩ Kỳ - Nga : 1-0
Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ
và diễn biến mới tại Libya, Les Echos đề tựa "Thổ Nhĩ Kỳ thắng
Nga 1-0". Tiếng súng ở Libya có thế sẽ lắng im. Chính phủ Libya
được Liên Hiệp Quốc công nhận và được Ankara yểm trợ quân sự vừa giành chiến
thắng quân sự quan trọng tại Syrte, thành trì của phe đối lập võ trang của tướng
Haftar, do Matxcơva và lính đánh thuê Nga hỗ trợ.
Libération cho biết thêm
: Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ tấn công, quân chính phủ chiếm
được Tarhouna, cứ điểm của phe miền đông, quân của tướng Haftar tan rã, lực lượng
đánh thuê Nga rút lui. Libération cũng như đồng nghiệp dự doán : Với thế
thượng phong trên chiến trường, mục tiêu trước mắt của thủ tướng Fayez al
Sarraj sẽ là kiểm soát toàn bộ khu dầu khí và đàm phán với đối thủ về một
thảo ước ngưng bắn, với sự đồng ý của Washington và Ankara. Vấn đề là phản ứng
của Nga sẽ như thế nào?
Trở lại thời sự châu Âu,
thông tin được chú ý nhất là chuơng trình mở cửa lại biên giới: Ngày 15/06 giao
thông giữa các nước thành viên Liên Âu được bình thường hóa và từ ngày 01/07 là
bình thường hóa đối với biên giới bên ngoài. Về chủ đề này, La Croix đưa độc giả
đến Schengen, ở Luxembourg, thành phố đặt tên cho hiệp định tự do đi lại vốn
còn gọi là vùng Schengen.
Dân cư tại đây, cũng như
dân Đức và Ba Lan láng giềng, đều không muốn trở lại tình trạng của 35 năm
về trước. Với tựa "Schengen hay không Schengen", La Croix
cảnh báo xu hướng co cụm trong giới chính trị. Quyết định của Bruxelles muốn
các thành viên điều hợp với nhau mở lại biên giới một cách hài hòa đã gặp phải
thái độ dè dặt của một số nước : nguyên nhân là do tâm lý ích kỷ, muốn mạnh ai
nấy lo đề tranh giành du khách quốc tế.
Cảnh sát Pháp: Vật tế thần
chính trị ?
Riêng về chính trị Pháp,
Le Figaro tập trung công kích chính phủ Macron cũng như phong trào chống kỳ thị
và bạo lực cảnh sát một cách mạnh mẽ nhất. Xin điểm qua một số tựa: Cảnh sát nổi
giận vì bị bỏ rơi. Một vật tế thần dễ dàng. Bị cáo buộc, cảnh sát cảm thấy lẻ
loi. Lòng tin cậy giữa bộ trưởng Nội Vụ và lực lượng an ninh đã mất nhiều.
Bài xã luận của nhật báo
thiên hữu tấn công thẳng tay : Khi cảm xúc lắng dịu, tình thế sẽ đảo ngược. Cảm
xúc thiếu kiểm soát đó là của một ông bộ trưởng (Nội Vụ) mà hai tháng trước đây
đã từng tuyên bố sẽ phạt vạ những người dự lễ an táng người thân qua đời vì
Covid-19. Đâu phải vì ở Minnesota, một cảnh sát dã man giết chết George
Floyd mà hai bộ trưởng Pháp phải "quỳ gối" trước những
người đòi công lý cho Adama Traoré.
Ngày mai, khi xảy ra khủng
bố, đừng hỏi cảnh sát đâu rồi? Đúng là từ sau loạt khủng bố ở Paris, ở nhà hát
Bataclan, thảm sát toà soạn tuần báo Charlie, uy tín của cảnh sát Pháp sụt 8 điểm.
Nhưng kết quả thăm dò thực hiện trong hai ngày 09 và 10/06 cho thấy 76% dân
Pháp tin tưởng vào nhân viên công lực.
Cuối cùng, trong lĩnh vực
điện ảnh, Le Monde và La Croix cùng giới thiệu cuốn phim "Da 5
Bloods" của đạo diễn Mỹ Spike Lee. Trong không khí chống kỳ
thị màu da tại Mỹ, câu chuyện 5 cựu chiến binh Mỹ trở lại chiến trường Việt Nam
tìm hài cốt một đồng đội, mà theo bài giới thiệu, cho thấy số phận người
da đen không có gì thay đổi trong suốt nửa thế kỷ qua.
No comments:
Post a Comment