Đỗ
Thành Nhân
04/06/2020
Bài viết này trích trong
nhật ký của cá nhân về buổi làm việc với cơ quan An ninh Quảng Ngãi ngày
02/06/2020. Tôi cố gắng lược ghi trung thực nhất nội dung buổi làm việc, tuy
nhiên giữa văn nói, ngữ cảnh và văn viết có thể có sự khác biệt về cách diễn đạt.
Tôi có nói mấy anh công an cho email để tôi gửi bài viết, để bảo đảm tính khách
quan, chân thực.
Bài này, trong dấu “[]”
là ghi chú, “{}” là mô tả thêm bối cảnh. Một số thông tin cá nhân xin che lại,
hoặc để trong “[…]”
I. Mời làm việc
Trong đợt dịch Vũ Hán, Thủ
tướng yêu cầu cách ly, trường học đóng cửa, tăng cường làm việc online, Công an
thành phố Quảng Ngãi mời làm việc với nội dung “có việc công cần”, tôi từ
chối vì bận và cần tôn trọng giản cách xã hội, nếu có chuyện gì thì gửi câu hỏi
tôi trả lời bằng văn bản.
Giấy mời làm việc
Tôi cũng thường làm việc
với các anh công an, trên tinh thần rất hợp tác, có gì cứ thông báo để buổi làm
việc đạt hiệu quả. Ví dụ, bận thì báo bận hẹn dịp khác. Không nhất thiết bằng
giấy mời hay phải gặp nhau tại trụ sở, có khi điện thoại rồi hẹn nhau quán cà
phê hoặc chỗ nào tiện – đơn giản, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ngày 01/6/2020, hơn 11 giờ
có anh CA khu vực đến gửi giấy mời 8:00 ngày 02/6/2020 (hình trên) đến Công an
Thành phố làm việc với Đội an ninh. Tôi ghi vào phiếu trả lời hẹn 9:30 mới đến
được và kèm theo số phone.
II. Đến làm việc
Đúng giờ, tôi đến CA TPQN
hỏi Đội an ninh ở đâu, bảo vệ chỉ lên tầng 4, vào trực ban tầng 1, hỏi thì chỉ
lên tầng 3. Tìm phòng ghi “Đội an ninh”, gõ cửa, một anh CA mở cửa, trong đó có
mấy người chờ sẵn.
Vào phòng thấy có hai anh
công an tỉnh, cũng đã gặp nhau uống cà phê mấy lần, các anh ngồi bàn rộng giữa
phòng, chỉ tôi chỗ ngồi đối diện. Phía sau có mấy bàn nhỏ, có một số các anh
công an khác đang ngồi.
Anh công an ghi tên trên
giấy mời để làm việc tên Nguyễn Đức H […] (gọi tắt là “H”), giới thiệu: Buổi
làm việc hôm nay có hai anh công an tỉnh là: (1) đại úy Phạm […], Đội trưởng
PA03 (gọi là anh “A”), (2) đại úy Nguyễn […], Cán bộ PA03 (gọi là anh “B”).
Anh A nói: Buổi làm việc hôm nay anh không được ghi âm, cơ quan công an có ghi
hình, nếu cần thì cung cấp.
Tôi hỏi: Anh ghi hình cách nào, camera đâu? Tôi thấy mấy lần trước các anh nhiều
người quay, có người còn dí máy sát vào mặt tôi mà.
{Anh A trao đổi với một số người trong phòng, một
lúc sau mang lên cái camera cầm tay nhỏ, đặt ở bàn đối diện chỉ thẳng camera
vào mặt tôi.}
Tôi nói: Các anh đặt đó chỉ quay mình tôi thôi, không phản ảnh hết bối cảnh,
không gian làm việc, các anh đặt ở vị trí bảo đảm ghi hình những người cùng làm
việc, có các anh và tôi.
Anh A chỉ vị trí bản phía
bên trái tôi (chắc bình thường là bản sếp), kê mấy quyển sách lên rồi bật máy
quay.
Tôi nói: hôm nay các anh mời làm việc, nên cần thể hiện sự tôn trọng, không được
xúc phạm, khích bác như lần trước với Trương Quang Rân và những người khác.
Anh A đồng ý, nói thêm:
tôi vẫn tôn trọng anh. Và vào cuộc làm việc chính thức.
III. Nội dung làm
việc
[phần nội dung làm việc là hỏi-đáp của công an và “đối
tượng”, anh A hỏi, anh B ghi biên bản, thỉnh thoảng hỏi thêm; anh H ngồi ghi
chép vào sổ tay, lâu lâu cũng hỏi lại; phía sau một số người ngồi xem, làm gì
chẳng biết]
A nói: Anh đã đến đúng hẹn. Cơ quan an ninh thống nhất lãnh đạo PA03 làm việc
với anh có tham gia của Công an thành phố với 3 vấn đền cơ bản.
A hỏi. Sức khỏe anh như thế nào?
Đáp: Bình thường, ổn định.
[Vấn đề 1: Facebook và bài viết]
A hỏi: Anh có sử dụng facebook không?
Đáp: Có, nhưng không ổn định.
B hỏi: Sử dụng facebook với nickname nào?
Đáp: Anh định nghĩa nickname facebook?.
A nói: Anh chỉ được trả lời, không được hỏi lại.
Đáp: Tôi không hiểu nickname facebook là gì?
A nói: Muốn vào facebook từ địa chỉ nào?
B nói: Chẳng hạn tên thể hiện trên màn hình.
Đáp: Hiện nay tôi hay sử dụng các facobook App Do, Lynx Do, còn trước kia
tôi không nhớ.
A hỏi: Ngoài 2 facebook kia, còn sử dụng facebook nào khác không?
Đáp: Không nhớ, các con tôi còn nhỏ cũng có facebook, thỉnh thoảng tôi
cũng vào.
B hỏi: Tại sao facebook không ổn định?
Đáp: Dùng thời gian thì mất.
B hỏi: Tại sao mất?
Đáp: Bị mất password, bị báo giả mạo, cung cấp đủ thứ giấy tờ cũng không
được.
B hỏi: Các facebook Đỗ Thành Nhân hiện tại (?) [không rõ câu hỏi]
Đáp: Facebook không phải là tài sản, không được bảo vệ, không còn sử dụng
thì không nhớ nữa, không quan tâm. Tạo cái khác, đưa tin có trách nhiệm với cộng
đồng.
A hỏi: Anh hay đưa tin gì lên facebook?
Đáp: Thấy tin nóng, bức xúc thì đưa lên.
B hỏi: Anh thường truy cập, tải những gì?
Đáp: Tôi không truy cập, mà thiết lập chế độ “xem trước” một số trang, có
tin gì mới thì nó hiện lên xem. Những facebook đưa tin về tình hình thời sự ở
Việt Nam. Tin tức an ninh. Ví dụ như trang “Cờ đỏ Quảng Ngãi”[1] của công an
các anh, tôi cũng đặt chế độ xem trước, thấy đưa tin vạch mặt hình của tôi trên
đó. Có phải không?
A nói: Giấy mời Công an Thành phố nói nội dung gì thì làm việc nội dung đó.
Nếu anh đưa tin không theo cái chung thì ảnh hưởng đến anh.
A hỏi: Anh nhớ mình có bao nhiêu tài khoản facebook?
Đáp: Tôi không nhớ, facebook có từ lâu, mất thì tạo lại. Ngay cả số điện
thoại bỏ tiền ra mua mà tôi cũng không nhớ, ví dụ mấy số khuyến mãi.
A hỏi: Hiện tại anh có cộng tác với báo chí trong và ngoài nước hay không?
Đáp: Có, thỉnh thoảng có viết bài gửi qua email, ai muốn đăng thì đăng, kể
cả website Bộ công an, Chính phủ, Quốc hội.
A hỏi: Anh gửi báo nào trong nước?
Đáp: Tôi gửi qua email, ai muốn đăng thì đăng.
A hỏi: Anh nhớ email nào?
Đáp: Không nhớ, để về xem lại.
A hỏi: Báo nước ngoài thì anh gửi báo nào?
Đáp: Thứ nhất, tôi không phân biệt báo nào là báo nước ngoài và báo Việt
Nam, chỉ phân biệt tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Thứ hai, tôi gửi qua email,
không biết email của ai.
A hỏi: Anh gửi thì phải biết email của ai ?
Đáp: Trên không gian ảo, ai quan tâm thì mình chia sẻ suy nghĩ của mình, vậy
thôi.
A hỏi: Anh chia sẻ chính kiến của mình về vấn đề gì ? Ví dụ:
Đáp: Những vấn đề thấy bức xúc. Ví dụ Bộ Thông tin truyền thông yêu cầu chụp
ảnh kèm theo số điện thoại [2].
A hỏi: Chuyện đó lâu rồi, còn gần nhất là gì?
Đáp: Ví dụ như luật an ninh mạng mà hôm nay anh làm việc với tôi, tôi cũng
có mấy bài viết gửi Quốc hội [3], Bộ Công an [4]. Trên cơ sở số liệu khảo sát
tôi chứng minh sự đồng thuận của người dân rất thấp …
A ngắt lời: Khảo sát ở đâu là chuyện cá nhân, không có giá trị …
Đáp: Số liệu khảo sát trên chính cổng thông tin của Quốc hội, tôi có gửi
cho Quốc hội và Bộ Công an. …
A hỏi: Trong 6 tháng gần đây anh quan tâm đến gì nhất?
Đáp: Không ai lượng tính được cái gì là nhất, nhì. Nhưng có quan tâm ví dụ
vụ Hồ Duy Hải, virus Vũ Hán, Trung Quốc thiết lập đơn vị hành chính ở Trường
Sa, còn trong tỉnh thì dư luận vụ kỷ luật Lê Viết Chữ – Trần Ngọc Căng, … nói
chung nhiều chuyện, nhắc tới thì mới biết có quan tâm hay không. [Các thông tin
trên, tra Google có rất nhiều]
{Dừng một lúc. Tôi mang theo chai nước, uống hết,
tôi hỏi nước ở đâu, cho tôi xin, anh H lấy chai mang đi, sau đó mang chai nước
vào cho tôi (hơi lâu); xong lấy ly anh A đi rót tiếp. Tôi nói: lấy chai nước
này rót ra rồi uống, khỏi đi rót. Anh A nói: không ai làm gì anh đâu. Tôi nói:
sao anh suy nghĩ vậy, tôi thấy anh kia đi ra đi vào mất công thôi, nếu các anh
muốn làm gì tôi thì rất dễ, chẳng hạn alo đi uống cà phê.}
[Vấn đề 2: Phạm Chí Dũng và Việt Nam Thời Báo]
A hỏi: Nếu anh muốn thì tôi gợi ý, anh có quan tâm tới Phạm Chí Dũng và Nguyễn
Tường Thụy bị bắt không?
Đáp: Có, bởi lẽ: Thứ nhất, đó là tin nóng, thể hiện trên rất nhiều kênh
truyền thông. Thứ hai, Phạm Chí Dũng cũng như cá nhân anh [anh A] thôi, cũng
quen biết, từng uống ca phê nói chuyện. Dù sao cũng là bạn bè và có sự tôn trọng.
A hỏi: Còn Nguyễn Tường Thụy thì sao?
Đáp: Hồi giờ chưa gặp và hay xem bài ghi tên Nguyễn Tường Thụy.
B hỏi: Anh hay đọc Nguyễn Tường Thụy những nội dung nào? ở đâu?
Đáp: Ở đâu, những tin nổi lên trên facobook; những nội dung trên FB mang
tên Nguyễn Tường Thụy viết về các vấn đề bức xúc trong xã hội.
A hỏi: Anh và Phạm Chí Dũng quen biết với nhau từ khi nào?
Đáp: Cụ thể không nhớ, nhưng sau 2013 [5].
A hỏi: Anh biết Phạm Chí Dũng làm gì không?
Đáp: Biết, Phạm Chí Dũng là nhà báo.
A hỏi: Anh biết Phạm Chí Dũng làm cho báo nào không?
Đáp: Khái niệm làm cho báo nào tôi không quan tâm, không có nghĩa có bài
đăng là làm cho báo. Ví dụ, tôi viết bài, báo này báo kia đăng, không có nghĩa
là làm cho báo đó.
A hỏi: Anh hay dùng email nào để gửi bài?
Đáp: Tôi có email dotnhan@gmail.com,
A hỏi: Anh có một email à?
Đáp: Tôi có một email chính thức, còn những email khác tôi không nhớ và
không quan tâm, cũng như facebook vậy.
A hỏi: Anh có gửi bài viết nào cho Phạm Chí Dũng không, nội dung bài viết
gì?
Đáp: Ai đưa địa chỉ mail thì tôi gửi bài, tôi không quan tâm email của ai?
nên cũng không biết có phải của Phạm Chí Dũng hay không?
A hỏi: Email hay dùng là dotnhan@gmail.com phải không?
Đáp: Email đó tôi thường xuyên sử dụng.
B hỏi: Anh có biết và có nghe qua Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không?
Đáp: Biết, bởi vì thông tin trên mạng đầy rẫy.
B hỏi: Anh có viết bài gì cho trang Hội Nhà báo độc lập Việt Nam này không?
Đáp: Tôi không tương tác trực tiếp với trang web mà gửi qua email cho một
số người, họ muốn gửi đi đâu thì gửi. Tôi không khẳng định trong các email tôi
gửi có email của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hay email của ai.
A hỏi: Anh có tham gia vào Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không? Ví dụ: làm
đơn, viết bài?
Đáp: Thứ nhất, các anh phải định nghĩa bằng văn bản thế nào là “tham
gia”, thì lúc đó tôi trả lời. Thứ hai, Hội Nhà báo độc lập cũng như các
diễn đàn khác trên mạng, như khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội, báo chí …
A ngắt lời: Tôi chỉ hỏi anh có hay không?
Đáp: Ví dụ các báo đăng bài không có nghĩa là tôi tham gia báo đó. Tôi từ
chối trả lời bởi vì không rõ ràng trong câu hỏi và định nghĩa.
A hỏi: Định nghĩa là: viết đơn tham gia
Đáp: Tôi không trả lời, sử dụng quyền im lặng.
A {hơi nóng}: Anh làm mà anh không dám nhận, “hèn” vậy?
Đáp: Bao nhiêu người “hèn” còn được vinh danh. Tôi phải xem lại thế
nào là “tham gia”. Việc tham gia các diễn đàn hội nhóm trên mạng như
khoa học công nghệ, kinh tế xã hội, chính trị có vi phạm gì Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không? Ví dụ như: hacker chẳng hạn. Tôi hợp
tác với các anh, nhưng cái này cần tường minh về định nghĩa “tham gia” hay,
“không tham gia”.
[sau này anh A nói: không có nói từ “hèn” – có thể
tôi nghe nhầm – xin lỗi anh A)]
H (CA TP) hỏi lớn tiếng: Đề nghị anh trả lời “có” hay “không”
thôi, tại sao anh không trả lời?
Đáp: Đây là cái bẫy vì câu hỏi không rõ ràng, mà chỉ trả lời “có /
không”. Tôi giữ quyền im lặng.
A nói: Sẽ có cuộc làm việc với anh nữa. Còn việc anh trả lời hay không trả lời
tôi sẽ cho thời gian. {dừng một chút} Phạm Chí Dũng – Chủ tịch,
Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ tịch đều bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt. Để bắt
được những người đó không đơn giản, họ sẽ thấm thía. … Còn nhiều yếu tố.
B {ghi biên bản} hỏi: anh có ý kiến gì thêm biên bản không?
Đáp: Tôi có cho các anh email rồi, đề nghị cung cấp clip buổi làm việc. Đề
nghị Công an Quảng Ngãi giải quyết đơn ngày 09/11/2018, anh xem nội dung
đây[6] {đồng thời đưa cái đơn cho anh A}.
A nói: Cung cấp clip thì không thuộc thẩm quyền, cũng không nhận đơn vì anh
gửi cho người khác [không gửi cho Công an Quảng Ngãi].
Tôi hỏi: Tại sao các anh nói chuyện sẽ xem xét giải quyết mà các anh không chịu
làm. Các anh thu giữ hủy họa tài sản về tiền là hơn 2 tỷ đồng, tiền có thể làm
ra được, {tôi cầm đơn đọc đoạn cuối} “Các Ông Bà cũng là con người, cũng có
con cháu; hành vi chiếm đoạt, hủy hoại di ảnh của những người đã chết, đặc biệt
là di ảnh đứa bé chưa đầy 10 tuổi là tội ác mà trời không dung, đất không tha,
lòng người ai oán muôn đời”.
Tôi nói thêm: Tôi sẽ tiếp tục gửi đơn này đến ông chủ tịch nước nhiệm kỳ mới. Tôi
có tội gì thì các ông xử tôi, còn con gái tôi mới 10 tuổi thì nó có tội gì, mà
nó chết rồi thì làm gì nên tội, vậy mà các ông độc ác đến mức hủy hoại cả di ảnh
của nó. Việc này người chịu trách nhiệm trực tiếp là Trương Quang Rân, những
người liên quan là Trần Đại Quang [Bộ trưởng Công an], Võ Văn Thưởng [Bí thư tỉnh
ủy], tôi làm đơn gửi. Trần Đại Quang chết rồi tôi đốt hết gửi xuống âm phủ,
không nói nữa. Tôi nói thẳng, qua việc ông Trần Đại Quang là có nhân quả đấy,
và kể cả tôi nữa ….
{Nói chung, mỗi khi nhắc tới chuyện con tôi bị hủy
hoại di ảnh, tôi quá uất ức, xúc động, có thể có một số câu chữ thiếu kiềm chế
– nói gì nữa tôi không nhớ, nếu đụng chạm tới cá nhân người nghe thì xin lỗi.}
{Trong khi tôi nói, anh A ngồi đối diện, nhìn thẳng
vào nhau và lắng nghe. Anh B ghi biên bản xong, và đọc lại cùng nghe, xong đưa
tôi ký}
Tôi hỏi: Tôi chụp biên bản được không?
A nói: Không được!
Tôi nói: Cái chuyện ghi biên bản 1 bản công an giữ, xảy ra lắm trò; thậm chí
bút lục còn bị mất. Lúc Trương Quang Rân lập biên bản thu giữ tài sản, cứ chừa
phần trống trên các dòng, tôi lấy viết gạch thì mấy anh trẻ nhảy xổ vào nạt nộ,
xé tờ biên bản đó ghi lại tờ khác, bắt ký.
[Biên bản 8 trang, ký từng
trang], trang cuối [8] tôi ghi ý kiến cá nhân [nguyên văn]:
“Toàn bộ buổi làm việc được ghi video 2 giờ 13 phút
57 giây. Đề nghị:
– Các anh Công an gửi câu hỏi để tôi trả lời bằng
văn bản.
– Mong các anh công an giao trả tài sản của tôi theo
đơn ngày 09/11/2018 tôi đã gửi CTN và các cơ quan chức năng.
Tôi xác nhận công an đã ghi biên bản, nhưng vì câu hỏi
chỉ buộc trả lời có / không nên biên bản không phản ảnh bản chất buổi làm việc.
Đỗ Thành Nhân (đã ký)”
Tôi hỏi: tôi chụp trang 8
được không; các anh đồng ý.
***
Còn một số vấn đề phát
sinh khác gây căng thẳng, nhưng các bên thống nhất bỏ qua và chuyện cá nhân,
nên không ghi vào nhật ký công khai. Bài viết này có thể ghi không nguyên văn
như lời nói trong video và khác với biên bản của các anh công an, nhưng nội
dung chính buổi làm việc phần hỏi-đáp là như vậy.
Nói thêm: PA03 vào năm
2013 là PA83, do Trương Quang Rân là Thượng tá Phó phòng đã chỉ huy bắt giữ thu
hủy tài sản của tôi.
Dù sao: Tôi tôn trọng anh
A, anh B phòng PA03 Công an tỉnh Quảng Ngãi về buổi làm việc. Cũng như đã từng
nói chuyện khi uống cà phê: bạn bè với nhau thì tôn trọng pháp luật; thống nhất
nói chuyện cởi mở, không gài bẫy lấy nội dung nói chuyện làm chứng cứ buộc tội.
Về quan hệ cá nhân, có lỗi thì xin lỗi tôn trọng giữa người với người.
Kết thúc buổi làm việc tất
cả đều … đói bụng (ai cũng bị người nhà gọi).
Tôi về đến nhà, lúc 13:20
nắng, nóng, đói, mệt !
Ghi chú
[1]. Cờ đỏ Quảng
Ngãi:
[2]. Bắt nộp ảnh chân
dung cho nhà mạng: Một bước tụt hậu của cải cách hành chính
Google search từ khóa: “Bước lùi của chính phủ kiến tạo phát triển”
[3] Google search từ
khóa: “Chủ tịch quốc hội có tôn trọng lời tuyên thệ ?”
[4]. Google search từ
khóa: “Góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của luật
an ninh mạng”
[5] Google search từ
khóa: “Tôi viết về Phạm Chí Dũng”
[6] Đơn đề nghị giao trả
tài sản cho công dân, ngày 09/11/2018, gửi ông Nguyễn Phú Trọng,
ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Tô Lâm, ông Võ Văn Thưởng,
… (trước đó cũng có nhiều đơn nữa): Về việc Công an Quảng Ngãi
đã thu giữ hủy họa tài sản công dân từ năm 2013 đến nay vẫn chịu giải quyết,
giao trả.
(Đỗ Thành Nhân, trích từ NKNN BTC – Phần II).
----------------------------
.
Đôi lời: Một phương pháp
đấu tranh, lối ứng xử ôn hòa, khôn ngoan, dựa trên pháp luật. Kinh nghiệm cho mọi
người khi phải đối mặt với cơ quan công quyền; cũng là nhắc nhở những người ở
các cơ quan này (không chỉ công an) biết làm việc/sống văn minh, theo pháp luật.
Ba Sàm https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/.../647-lam.../
Ba Sàm https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/.../647-lam.../
.
Chúc Bạn Nhân dồi dào sức
khỏe gia đình Hạnh Phúc ... Lấy trí Nhân thay cường bạo ( lời của tiền nhân )
No comments:
Post a Comment