(Lời mở bài của người dịch)
Nhiều người Việt Nam định
cư ở Mỹ, sẵn có thành kiến, sẵn bụng kỳ thị người Da Đen không nói làm gì,
nhưng cũng có không ít người, tuy không kỳ thị hay căm ghét người Da Đen như số
đông kia, lại không chịu tìm hiểu và nghiên cứu kỹ những lý do sâu xa tại sao
và hoàn cảnh gì đã khiến cho "giống dân Da Đen ở Mỹ" không ngóc đầu
lên nổi, không vượt qua được số phận đã an bài cho họ, kể từ ngày tổ tiên họ bị
bắt cóc đem sang Mỹ, cái đất nước mà người Da Trắng cướp được từ tay thổ dân Da
Đỏ, để bán làm nô lệ.
Họ kết luận khá đơn giản:
Cũng tại người da Đen ở Mỹ, lười biếng không chịu cố gắng vượt qua, đi học, đi
làm, vươn lên để thoát ra khỏi cảnh đối xử bất công, và họ cũng thường đem cộng
đồng người Việt ở Mỹ ra làm thí dụ. Họ không hiểu rằng, cái nước Da Đen của nạn
nhân, chính là tấm bia khổng lồ cho những người thợ săn Da Trắng.
Họ không biết rằng, làm
thân phận người Da Đen ở đất nước này, việc thoát ra khỏi đám sình lầy kỳ thị,
đè nén và đàn áp, còn khó hơn cả chuyện cổ tích tào lao “Cá Chép Vượt Vũ Môn
Hóa Rồng” của người Việt. Bởi sự kỳ thị người Da Đen ở Mỹ, nó được tổ chức quy
củ bằng cả một hệ thống hết sức tinh vi. Người da trắng gom và dồn người Da Đen
vào những vũng sình lầy, hễ đứa nào tìm cách ngoi lên, là đã có những đòn thù
chuẩn bị chờ sẵn tống ngay xuống trở lại. Ngay cả sau khi một số nhỏ những chú
cá chép này Vượt Qua được Vũ Môn và Hóa Rồng, cũng chưa chắc … bay bổng được
lâu.
Câu chuyện này chỉ là một
trong hàng ngàn thí dụ. Câu chuyện của một giảng sư đại học tên Steve Locke.
**********
TÔI NHÌN ĐÚNG NHƯ
TÊN TỘI PHẠM NGƯỜI TA MÔ TẢ …
Đây là những gì tôi mặc
trong ngày làm việc hôm nay. Trước khi đến chỗ làm, tôi định ghé mua cái
burrito (một món ăn của người Spanish ở châu Mỹ), tôi đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tôi đã để ý thấy chiếc xe
cảnh sát đậu ở một bãi đậu xe công cộng phía sau đường Center. Sau khi tôi rảo
bước ra khỏi xe được một đoạn, thì chiếc xe cảnh sát đó bám theo tôi. Tôi tiếp
tục đi xuống phía đường Center và chuẩn bị băng qua tiệm bán burrito thì viên cảnh
sát bước ra khỏi xe của ông ta.
"Này ông," ông
ta gọi theo.
Cùng một lúc, ông ta gỡ
nút giữ súng ở cái bao da đeo bên hông.
Tôi vội vàng rút tay ra khỏi
túi.
"Dạ?" tôi trả lời.
"Ông đến từ
đâu?"
"Từ nhà."
“Nhà ở đâu?”
"Dedham."
“Đến đây bằng cách
nào?"
"Tôi lái xe."
Lúc này ông ta đã đứng
sát bên tôi. Vừa lúc đó hai chiếc xe cảnh sát khác kéo tới. Chỗ tôi đang đứng
là ở phía đàng trước của một ngân hàng, nhìn qua bên kia đường là tiệm bán
burrito. Trong chương trình, tôi định sẽ ăn trưa trước khi tôi dạy lớp vào 1:30
chiều của mình. Lúc này đã có nhiều nhân viên cảnh sát bao bọc xung quanh tôi.
Tôi không nói gì. Tôi
nhìn vào viên cảnh sát, người đang tra hỏi với tôi. Ông ta trắng trẻo, to lớn,
râu ria.
"Ông không đến từ đằng
đó chứ?" Ông ta chỉ tay xuống đường Center về phía quảng trường Hyde.
"Không. Tôi đến từ
Dedham."
"Địa chỉ của ông là
gì?"
Tôi nói địa chỉ của mình
cho ông ta.
"Có người đã tả cho
chúng tôi, một người đã tìm cách đột nhập vào nhà của một người phụ nữ, và ông
nhìn đúng như người mà họ đã mô tả."
Một nhân viên cảnh sát thứ
hai tiến đến đứng cạnh tôi, ông ta cũng trắng, cao, có râu. Lúc đó, có hai chiếc
xe cảnh sát khác đi qua và đánh một đường vòng, quanh khu vực, tiếp tục như thế
trong 35 phút mà tôi đang đứng, bên kia đường của tiệm burrito.
"Nhân dáng ông, nhìn
đúng như họ mô tả," người cảnh sát nói. "Đàn ông da đen, đội mũ đan
len, áo phồng. Ông có thẻ căn cước không?"
"Nó nằm trong ví của
tôi. Ông cho phép tôi thò tay vào túi và lấy ví của mình không?"
(Phụ ghi: Ở Mỹ, người dân
khi bị cảnh sát chặn hỏi, nhất cử nhất động phải xin phép trước, nhất là khi
cho tay vào túi. Chỉ khi nào được phép mới làm. Vì cảnh sát thường ngộ nhận và
lo lắng là “nghi phạm” thò tay vào túi móc súng bắn mình. Họ không chờ, chỉ
trong 1 giây, là họ đã móc súng và nả đạn trước. Luôn có những “ngộ nhận” này
và có rất nhiều nạn nhân bị cảnh sát bắn chết hàng năm. Mặc dù sau đó, người ta
không tìm thấy bất kỳ loại vũ khí nào trong túi của nạn nhân. Hầu hết ai ở Mỹ
cũng biết việc phải hỏi phép trước khi thò tay vào túi.)
"Được."
Tôi đưa cho ông ta thẻ
căn cước của tôi. Tôi nói với ông ta rằng đó không phải là địa chỉ hiện tại của
tôi vì tôi mới dọn tới. Ông ta trở lại xe cảnh sát của mình. Một người cảnh sát
khác, cao hơn, đeo kính râm, nói với tôi rằng tôi nhìn đúng như họ mô tả về một
người tìm cách đột nhập vào nhà của một người phụ nữ. Đúng cho tới cả cái mũ
đan len.
Barbara Sullivan đã đan
chiếc mũ len này cho tôi. Cô ta đan nó với đủ thứ len, len màu hồng, nâu, xanh
lam, cam và xanh lá chanh. Tôi biết không ai có một chiếc mũ như thế này. Bảo đảm
không ai mô tả được một chiếc mũ kỳ lạ như thế. Tôi nhìn viên cảnh sát thứ hai.
Tôi chắp hai tay trước mặt, giữ chặt để ngăn chúng khỏi run.
"Ông cứ coi hồ
sơ," tôi nói với người cảnh sát thứ hai, "Tôi không phải là môt tên tội
phạm. Tôi là giáo sư đại học." Tôi đang đeo trên cổ thẻ giảng viên của
tôi. Ông có thể thấy rõ ghi chú với bức ảnh của tôi.
"Ông nhìn đúng như
người mà họ đã mô tả, chúng tôi cần kiểm tra." Người cảnh sát cầm thể căn
cước của tôi lúc nãy trở lại và trả lại căn cước của tôi sau khi đã điều tra
qua hệ thống máy vi tính.
"Nạn nhân của việc
báo cáo này có mặt ở gần đây, chúng tôi cần cô ấy nhìn mặt ông để xem cô ta có
xác nhận ông có phải là người đó không."
Ngay vào lúc này tôi lo sợ
là mình có lẽ sẽ chết. Tôi không bi kịch hóa khi nói như vậy. Tôi nhất định sẽ
không lên xe cảnh sát. Tôi biết mình không phạm tội, sao lại phải đứng ra trưng
bày bản thân mình như một tội phạm để cho nạn nhân quyết định. Tôi không chấp
nhận để ai đó chứng nhận với cảnh sát rằng tôi không có tội, khi tôi đã nói và
chứng minh rằng tôi không liên quan gì đến bất kỳ vụ trộm cắp nào cả. Tôi sẽ
không để cảnh sát chở tôi đi bất cứ đâu vì nếu tôi để họ làm vậy, cơ hội tôi sẽ
bị buộc tội oan sai một tội gì đó sẽ tăng theo cấp số nhân. Tôi biết điều này
quá rõ. Tôi nhất quyết sẽ không đi đâu với những người cảnh sát này và tôi nhất
định sẽ không để một người phụ nữ da trắng nào quyết định liệu tôi có phải là một
tội phạm hay không, nhất là sau khi tôi đã nói với họ rằng tôi không phải là tội
phạm. Điều này có nghĩa là tôi sẽ chống lại việc bắt giữ này. Điều này có nghĩa
là tôi sẽ không để cảnh sát đặt tay lên người tôi.
Nếu bạn đang tự hỏi tại
sao lại không đi theo cảnh sát như họ đòi hỏi, tôi hy vọng điều này giải thích
cho bạn.
Chẳng lạ gì khi bạn đang
đi trên đường và bị cảnh sát bắt giữ. Mọi người sẽ nhìn bạn như bạn là một tên
tội phạm một cách tự động. Không phạm tội, sao bị cảnh sát bắt giữ? Rõ ràng là
bạn đã vi phạm điều gì đó, nếu không, cảnh sát bắt bạn làm gì. Không ai quanh
đây nhìn tôi cả. Tôi đã hy vọng rằng một người quen biết nào đó đang trên đường
xuống phố hoặc vừa bước ra khỏi một trong những cửa hàng ở đây hoặc vừa bước xuống
xe buýt chạy tuyến đường 39 này hoặc vừa bước ra khỏi tiệm JP Licks trước mặt
và nói với các nhân viên cảnh sát này: "Đây là Steve Locke. Mấy ông bắt giữ
ông ta về tội gì? "
Cuối cùng, các nhân viên
cảnh sát quyết định rằng họ sẽ chở nạn nhân đến, ngồi nguyên trong xe họ để nhận
diện tôi trên đường phố. Họ yêu cầu tôi đứng yên ở đó chờ. Tôi đi làm sao được.
Tôi không nói gì. Tôi đứng yên tại chỗ.
"Cám ơn ông đã hợp
tác," viên cảnh sát thứ hai nói. "Điều này có lẽ không có gì, nhưng đó
là công việc của chúng tôi và ông nhìn đúng như người mà họ đã mô tả. Cao 5
'11", đàn ông da đen. Nặng 160 lbs, mặc dù ông nặng hơn thế một chút. Đội
mũ đan len."
Nặng hơn 160lbs. Cám ơn
đã nghĩ đến điều đó, tôi nghĩ.
Lúc đó, có một phụ nữ da
trắng lớn tuổi bước đến phía sau tôi và người cảnh sát thứ hai. Bà ta quay lại
nhìn tôi rồi lại nhìn người cảnh sát nói một cách mỉa mai. "Hôm nay, chắc
chắn các vị sẽ phải bận rộn đây."
Lúc đó, tôi nhìn thấy có
một người phụ nữ da đen đứng ở xa hơn. Cô ta nhỏ con và có cái nhìn lo lắng. Cô
ấy chăm chú xem coi chuyện gì đang xảy ra. Tôi để ý đến chiếc áo khoác đỏ của
cô ấy. Tôi cố thở chậm lại. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn về phía cô ấy.
Tôi nghĩ: Đừng bỏ đi, cô
nhé. Xin đừng bỏ đi.
Người cảnh sát đầu tiên hỏi,
"Ông dạy ở đâu?"
"Đại Học Nghệ thuật
và Thiết kế Massachusetts." Tôi cố ý giơ sợi dây buộc quanh cổ tấm thẻ có
hình của mình.
"Ông đã dạy ở đó bao
lâu rồi?"
"Mười ba năm."
Những người cảnh sát đó
và tôi cùng đứng im lặng trong khoảng 10 phút nữa.
Một chiếc xe cảnh sát loại
xe của công an chìm, không có bất kỳ dấu hiệu gì, chầm chậm tiến tới. Người cảnh
sát đầu tiên đi đến và nói chuyện với người lái xe đó. Người tài xế cứ nhìn tôi
chằm chằm, trong khi người cảnh sát nói chuyện với anh ta. Tôi nhìn thẳng vào người
lái xe đó. Anh ta bước ra khỏi xe.
"Tôi là công an
Cardoza. Tôi cám ơn sự hợp tác của ông."
Tôi không nói gì.
"Tôi chắc rằng những
nhân viên cảnh sát này đã nói với ông nguyên do?"
"Họ có nói."
"Ông đến từ
đâu?"
"Từ nhà của tôi ở
Dedham."
"Ông đến đây bằng
cách nào?"
"Tôi lái xe."
"Xe của ông đậu ở
đâu?"
"Tôi đậu xe ở bãi đậu
phía sau Bukhara." Tôi chỉ về hướng đường Center.
"Được rồi,"
viên công an nói. "Chúng tôi sẽ để ông đi. Ông có thể cho tôi xem chìa
khóa xe của ông không?"
"Được,” tôi trả lời
và nói chậm rãi. "Tôi sẽ thò tay vào túi và sẽ lấy chìa khóa xe ra cho ông
coi."
"Được."
Tôi chỉ cho ông ta chìa
khóa xe của tôi.
Một lần nữa, nhân viên
công an cám ơn sự hợp tác của tôi. Tôi gật đầu và quay đi.
"Xin lỗi, đã làm mất
giờ nghỉ trưa của ông," viên cảnh sát thứ hai nói.
Tôi không trả lời, lặng lẽ
đi về hướng xe tôi đậu, tránh xa tiệm bán burrito. Tôi thấy người phụ nữ mặc đồ
đỏ.
"Cám ơn," tôi
nói với cô ấy. "Cám ơn cô đã nán lại."
"Ông không sao chứ?"
Cô ấy nói. Khuôn mặt nhỏ nhắn xinh đẹp của cô đượm những nét lo lắng.
"Làm sao không hả
cô. Tôi thực sự rất run sợ. Và tôi còn phải đi làm."
"Tôi biết có gì đó
không bình thường. Nên tôi đã nán lại để theo dõi toàn bộ sự việc. Cách mà họ đối
xử với chúng ta bây giờ, phải hết sức cẩn thận."
"Tôi cám ơn cô đã đứng
đó. Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ: 'Đừng bỏ đi nhá, em gái.' Tôi có thể ôm cô
được không? "
"Vâng," cô ta
nói. Cô ta ôm tôi lúc đó, cả thân hình tôi run rẩy. "Anh có chắc là không
sao chứ?"
"Làm sao không được.
Tôi sẽ khóc ròng trong xe. Tôi phải đi dạy đây."
"Anh đang dạy ở
MassArt. Bạn tôi cũng đang dạy ở MassArt."
"Tên cô là gì?"
Cô ấy nói tên của cô cho tôi. Tôi nhận ra cô gái này chính là một người bạn
Facebook của tôi mà tôi chưa từng gặp. Tôi nói với cô ấy điều này.
"Tôi sẽ liên lạc
thêm với anh trên Facebook," cô ta nói.
Tôi cúi đầu lầm lũi đi đến
xe của tôi.
Người bạn đồng nghiệp
chung văn phòng với tôi cố làm cho tôi bình tĩnh lại. Tôi còn khoảng 45 phút
trước khi lớp học của tôi bắt đầu và tôi phải dạy. Tôi quên hết bài học mà tôi
đã soạn sẵn cho hôm nay. Tôi quên luôn cả lịch trình giờ giấc. Tôi không còn
tâm trí để nghĩ về công việc của mình. Tôi nghĩ về cái thực tế là tất cả những
gì mà tôi nói với những nhân viên cảnh sát, không có giá trị để họ tin. Họ
không tin rằng tôi không phải là tội phạm. Họ phải tìm cho tới khi không còn bất
cứ lý do gì để kết tội. Lời nói của tôi không đủ cho họ. Thẻ căn cước của tôi
không đủ cho họ. Chiếc mũ đan len thủ công có một không hai của tôi không đủ để
xóa sự nghi ngờ. Chiếc áo cộc tay Ralph Lauren của tôi trong con mắt họ đúng là
một "chiếc áo phồng". Người phụ nữ da trắng đó, chỉ nhận dạng để kết
luận, coi tôi như thể tôi là một món đồ vật. Tôi muốn quay lại và nhổ vào mặt họ.
Những người cảnh sát đó có lẽ rất hài lòng với cách họ xử lý trong việc điều
tra tội phạm, cách họ không làm cho tình hình rối rắm thêm, cách họ đối xử tôn
trọng và lịch sự.
Tôi tưởng tượng ra cảnh
tôi phải ngồi ở phía sau, trong xe cảnh sát để cho một ngươi phụ nữ da trắng
quyết định tôi có phải là tội phạm hay không. Nếu những nhân viên cảnh sát kia
bắt giữ tôi chỉ vì cái nhìn, thì thử tưởng tượng xem tôi đáng tội thế nào khi
ngồi ở phía sau, trong xe cảnh sát? Tôi biết tôi không thể để điều đó xảy ra với
tôi. Tôi biết nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ tiêu đời.
Không có bất kỳ cái gì về
hình dáng con người của tôi, không có bất kỳ việc gì tôi làm để chứng minh,
không có gì trên người tôi có ý nghĩa để chứng minh tôi vô tội, vì tôi nhìn
đúng như người mà họ đã mô tả.
Tôi đã phải thú nhận với
các học trò sinh viên của mình rằng, tôi không được bình thường ngày hôm nay và
tôi xin họ cố chịu đựng. Tôi phải dạy.
Sau giờ dạy, là giờ tôi
phải dự buổi họp vào mỗi thứ Sáu đầu tháng. Tôi bỏ và đi thẳng về nhà.
***
A big thank to chú Trevor
Ngo for this story.
Hình : https://www.facebook.com/photo.php?fbid=4429213150426020&set=a.508054802541894&type=3&theater
.
Link tiếng Anh của người
viết hồi ký:
STEVELOCKE.COM
.
Tôi cũng không hiểu biết
gì tới khi xem phim Roots theo sách của Alex Haley tạm dịch là Cội rễ, giúp
mình phần nào hiểu lịch sử Mỹ và người Mỹ đã hoà nhập vào nhau khó khăn ra sao.
https://www.youtube.com/playlist...
https://www.youtube.com/playlist...
YOUTUBE.COM
.
Các bác biết tiếng Anh
thì đây là cái video ngắn gọn, khá dễ hiểu để giải thích HỆ THỐNG KỲ THỊ ở Mỹ
...
YOUTUBE.COM
.
Van
Mazz Vừa lướt qua thấy quá trời dân VN ở Vn và Mỹ chửi đen đủ thứ,
nào là ko chịu học hành, nao là tội phạm... chán chả buồn nói!!
No comments:
Post a Comment