Ngày 25 tháng 12 là ngày
thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, một tổ chức chính trị quy tụ đông đảo người
Việt yêu nước với chủ trương “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh
đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.”
Hội nghị đại biểu toàn quốc
ngày 26 tháng 1, 1930 quyết định cuộc khởi nghĩa cả nước sẽ nổ ra vào đêm 9 rạng
ngày 10 tháng 2, 1930. Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức và
Pháp có thể đã biết ngày nổi dậy, đảng trưởng Nguyễn Thái Học quyết định dời
ngày khởi nghĩa sang đến 15 tháng 2, 1930.
Nhiều nơi không nhận được
tin nên vẫn bắt đầu vào đêm 9 tháng 2 hay như trường hợp Nguyễn Khắc Nhu chỉ
huy cuộc khởi nghĩa ở Hưng Hóa và Lâm Thao vẫn quyết định tiến hành. Khi thất bại,
Xứ Nhu, tức Nguyễn Khắc Nhu tự sát bằng lựu đạn nhưng không chết. Địch băng bó
vết thương và khiêng ông về nhà lao Hưng Hóa. Trên đường giải về nhà lao Nguyễn
Khắc Nhu nhảy xuống sông tuẩn tiết nhưng cũng được vớt lên. Ngày 11 tháng 12,
1930, vì tay chân bị xích, Nguyễn Khắc Nhu phải tự sát lần nữa bằng cách đập đầu
vào tường, ông vỡ đầu và hy sinh vì dân tộc.
Các nơi khác, nói chung
cuộc khởi nghĩa thất bại và nhiều lãnh tụ đảng đã hy sinh, tự sát, hàng trăm
người bị kết án chung thân và 62 người bị kết án tử hình.
Trong tác phẩm Vụ Án Việt
Nam Quốc Dân Đảng 1929-1930 của tác giả Cẩm Đình, xuất bản năm 1950 viết lại
khá đầy đủ chi tiết biên bản các buổi xử án của Hội đồng Đề hình Pháp xử các đảng
viên VNQDĐ suốt hai năm từ 1929 đến 1930. Những đảng viên VNQDĐ chống án, nhận
án, phủ nhận hay công khai nhận trách nhiệm đều được ghi rõ.
Hầu hết trong số lãnh đạo
của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ thành lập đều còn rất trẻ như Nguyễn Thái Học
28 tuổi, Phó Đức Chính 23 tuổi, Nguyễn Ngọc Sơn 27 tuổi, Nguyễn Thế Nghiệp 24
tuổi, Phạm Hoàng Trân tức Nhượng Tống 22 tuổi, Nguyễn Thị Giang tức Cô Giang 24
tuổi, Nguyễn Thị Bắc tức Cô Bắc mới 22 tuổi, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con cũng
chỉ mới 22 tuổi v.v..
Trong suốt thời gian dài
xử án, nhiều trường hợp cảm động nói lên tình yêu nước ngay cả lúc đứng trước
vành móng ngựa.
Nguyễn Thái Học tuyên bố:
“Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ
trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ tọa cuộc hội nghị ở Lạc
Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động.”
Học sinh Trịnh Văn Yên,
chỉ 16 tuổi, trả lời khẳng khái anh gia nhập VNQDĐ lúc 14 tuổi để “đánh đuổi đế
quốc chủ nghĩa Pháp”.
Đoàn Thị Ái, khi luật sư
Mayet biện hộ rằng bà chỉ theo đảng vì tình cảm riêng tư dành cho người yêu vốn
đã là đảng viên VNQDĐ, bà đứng lên phủ nhận và cho rằng bà gia nhập đảng chỉ vì
“thương nước Việt Nam” chứ không phải vì tình yêu trai gái.
Nhiều người như Nguyễn
Xuân Huân, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Tấn Tuất không cho phép các luật sư người Pháp
biện hộ giùm.
Tối 16 tháng 6, 1930,
chuyến tàu đêm đưa đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên Yên Bái để
hành hình.
Theo tác giả Hoàng Văn
Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò”: “Trong chuyến xe lửa
bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng
làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng
đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là
Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ
phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ
kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của
400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi
là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.”
Tác giả Louis Roubaud in
trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc
khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud
đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước
máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy
cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn
Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công
chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt
Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám
đông.”
Vài hôm sau Ngày Tang
Yên Bái, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình mười ba chiếc đầu của các đảng
viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ được đăng trên báo
Pháp. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú "đây là đầu của
Nguyễn Thái Học."
Đảng trưởng Nguyễn Thái Học
và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình
trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém.
Như hai tác giả Louis
Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng
muôn năm”.
Đó cũng là điểm khác biệt
chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc
và đảng CSVN.
Với những người yêu nước
chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông
trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.
Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca
ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu
ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945,
số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái
Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn
Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.
Nguyễn Thái Học khi sống
là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu
thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc,
chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”.
Chàng thanh niên Việt Nam
Nguyễn Thái Học mới 28 tuổi.
Lịch sử mang tính thời đại
và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay
không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế
hệ lớn lên sau.
Sức đẩy để con thuyền dân
tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu
khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và
đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.
Trần Trung Đạo
Xem hình ở cuối trang : https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao/posts/556774811623699
.
DOWNLOAD 3 TÁC PHẨM VỀ VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
Nhân dịp tưởng niệm 90 năm Ngày Tang Yên Bái, tôi upload 3 tác phẩm quan trọng có liên quan đến VNQDĐ:
1. Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Cẩm Đình.
2. Nguyễn Thái Học 1902 - 1930, tác giả Nhượng Tống
3. Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Hoàng Văn Đào.
Để download ba tác phẩm này, bấm vào link dưới đây, khi trang hiện lên, bấm vào chữ “Download Now!” và rồi bấm vào dấu mũi tên chỉ xuống trên góc bên phải để ‘save’ xuống máy trong dạng pdf.
Nếu anh chị em không ‘download’ được vì trang nhà tôi bị chặn, xin vào google và đánh những dòng sau đây để download từ các trang khác: “Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng 1929-1930. Tác giả Cẩm Đình ", “Nguyễn Thái Học 1902 - 1930. Tác giả: Nhượng Tống”, “Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả: Hoàng Văn Đào”.
Vì tôi không thể xin phép gia đình tác giả hay những người có thẩm quyền về tác phẩm nên chỉ để lại trên trang nhà tôi một thời gian ngắn vì mục đích phổ biến không vụ lợi, hy vọng sẽ được thông cảm.
Biết ơn tiền nhân không có gì ý nghĩa hơn là đọc lại cuộc đời, lý tưởng và sự hy sinh của họ.
TTĐ
http://www.trantrungdao.com/?page_id=3092
Nhân dịp tưởng niệm 90 năm Ngày Tang Yên Bái, tôi upload 3 tác phẩm quan trọng có liên quan đến VNQDĐ:
1. Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Cẩm Đình.
2. Nguyễn Thái Học 1902 - 1930, tác giả Nhượng Tống
3. Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Hoàng Văn Đào.
Để download ba tác phẩm này, bấm vào link dưới đây, khi trang hiện lên, bấm vào chữ “Download Now!” và rồi bấm vào dấu mũi tên chỉ xuống trên góc bên phải để ‘save’ xuống máy trong dạng pdf.
Nếu anh chị em không ‘download’ được vì trang nhà tôi bị chặn, xin vào google và đánh những dòng sau đây để download từ các trang khác: “Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng 1929-1930. Tác giả Cẩm Đình ", “Nguyễn Thái Học 1902 - 1930. Tác giả: Nhượng Tống”, “Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả: Hoàng Văn Đào”.
Vì tôi không thể xin phép gia đình tác giả hay những người có thẩm quyền về tác phẩm nên chỉ để lại trên trang nhà tôi một thời gian ngắn vì mục đích phổ biến không vụ lợi, hy vọng sẽ được thông cảm.
Biết ơn tiền nhân không có gì ý nghĩa hơn là đọc lại cuộc đời, lý tưởng và sự hy sinh của họ.
TTĐ
http://www.trantrungdao.com/?page_id=3092
trantrungdao.com
No comments:
Post a Comment