Chu Văn chuyển ngữ
16/06/20
Donald Trump tố cáo Trung Quốc "siết cổ"
Hong Kong. Thế rồi ông lại đe dọa sử dụng quân đội chống lại những người biểu
tình ở Mỹ (*)
Những cuộc biểu tình rầm
rộ và những hành động cuồng nộ đầy bạo động trên khắp nước Mỹ trông giống hệt
như những cảnh nổi bật kéo dài hàng tháng ở Hong Kong.
Những cuộc biểu
tình chống sự tàn bạo của cảnh sát và bất bình đẳng chủng tộc bùng ra khắp nơi ở
Mỹ. (Reuters : Eduardo Munoz)
Những biểu tượng của
chính phủ, như các trụ sở cảnh sát và tòa nhà chính phủ, đã bị giật sập và đốt
cháy.
Tuy nhiên, mặc dù trong
căn bản cội rễ của sự phẫn nộ tại Hoa Kỳ khác với nguyên nhân (dẫn đến những cuộc
biểu tình) của người dân Hong Kong, động lực thúc đẩy phong trào (ở Hoa Kỳ và
Hong Kong) lại giống nhau : đòi hỏi công lý cho mọi người !
Các nhà lãnh đạo trên thế
giới, kể cả Hoa Kỳ, đã không ngừng lên án những hành động tàn bạo của cảnh sát
Hong Kong đối với những người biểu tình đòi dân chủ.
Từ nhiều
tháng qua của năm trước, hàng triệu người đã lo lắng theo dõi, họ dự
báo rằng Bắc Kinh sẽ đưa quân đội (Giải phóng quân nhân dân/People's
Liberation Army-PLA) đến đàn áp các cuộc biểu tình rập theo khuôn
mẫu cuộc tàn sát tại Thiên An Môn (hồi tháng 6 năm 1989).
Điều đó đã không xảy ra.
Năm ngoái, tôi đã có mặt
trong giới truyền thông để theo dõi trong lo sợ khi cuộc biểu tình ôn hòa đầu
tiên bên ngoài trụ sở của Hội đồng lập pháp Hong Kong bị nhận chìm trong
hơi cay.
Những cuộc biểu tình đã
trở nên ngày càng bạo động và hủy hoại trong hàng tháng trời sau khi thế hệ trẻ
nhận thấy không còn có cách nào để giữ lại thành phố của họ. Chính vì vậy mà họ
tìm cách phá hủy các cơ sở kinh doanh đã từng mang lại quá nhiều thịnh vượng
cho Trung Quốc.
Người biểu tình chống
chính phủ Hongkong đã bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ trong các cuộc
biểu tình. (Reuters : Tyrone Siu)
Mặc dù người Mỹ gốc Châu
Phi đã từng là đối tượng của sự tàn bạo của cảnh sát tại Hoa Kỳ, nhưng người
dân tại Mỹ và tại khắp nơi trên thế giới đều không nghĩ sẽ có một sự đáp trả mạnh
tay như thế trên một vùng đất của tự do.
Tại Hoa Kỳ, quyền phản đối
của công dân được bảo vệ theo tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp. Tuy nhiên,
các cuộc biểu tình, mặc dù bùng phát do chính sự tàn bạo của cảnh sát, trong
nhiều trường hợp đã bị trấn áp càng bạo lực hơn.
Lãnh đạo quốc gia
cần phải xoa dịu các mối căng thẳng
Tôi đến Hong Kong lần thứ
ba khi cảnh sát bắn loạt đạn đầu tiên vào một người biểu tình. Điều này chỉ xảy
ra sau năm tháng bất ổn.
Các nhà hoạt động
dân chủ Hồng Kông lo ngại về sự can thiệp của Bắc
Kinh vào các quyền tự do đã được bảo đảm cho Hồng Kông
theo nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống". (Reuters :
Tyrone Siu)
Trong hai tuần lễ liền,
đã có ít nhất 11 người bị giết chết trong những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ.
Và đã có ít nhất 10.000 người bị bắt giữ, hơn tổng số những người bị giam giữ
trong những cuộc biểu tình hồi năm ngoái tại Hong Kong.
Có lẽ thật là ngây ngô để
nghĩ rằng sự việc rồi ra sẽ bị lên án nặng nề trong một quốc gia mà việc sở hữu
súng đạn là chuyện thường tình và được đánh giá cao cùng với việc cảnh sát có
vũ trang, vốn được bảo vệ một cách chặt chẽ bởi các nghiệp đoàn sử dụng bạo lực.
Để xoa dịu các mối căng
thẳng, cấp lãnh đạo quốc gia cần phải hiểu được thế nào là nỗi lo âu, bày tỏ thiện
cảm và nhìn nhận sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống vốn đang ám ảnh các cơ quan
công lực thi hành luật pháp.
Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump lại chụp lên đầu những người biểu
tình cái mũ "côn đồ" rồi còn cảnh cáo trong một "tuýt" rằng
"khi có cướp của thì sẽ có súng nổ".
Vào giữa lúc hỗn loạn
đang tràn lan và các thành phố bị đốt phá không chỉ vì cái chết của ông George Floyd tại
Minneapolis, mà còn vì tình trạng bất bình đẳng chủng tộc đã kéo dài hàng trăm
năm, Tổng thống Trump lại tước đoạt khỏi Hong Kong những đặc ân về
thương mại.
Ông tuyên bố rằng Hong
Kong "không còn đủ khả năng tự trị" trước Trung Hoa lục địa và gọi những
luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt là một "thảm kịch" cho các quyền
tự do của Hong Kong.
Vậy mà chỉ vài ngày sau
đó, ông lại đe dọa đưa quân đội đến đàn áp chính người dân của mình để chấm dứt
các cuộc biểu tình trên đất nước của mình.
Trong một bài diễn văn truyền hình cho toàn quốc, Tổng thống Trump
tuyên bố ông là tổng thống của "luật pháp và trật tự" và cảnh cáo các
thống đốc tiểu bang phải "khống chế các đường phố", bằng không ông sẽ
đưa quân đội đến "để nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ".
Người biểu tình đã
bị xua đuổi để nhường đường cho Tổng thống Trump đi bộ đến
Nhà thờ St John. (Reuters : Jim Bourg)
Thế rồi, trong một khoảnh
khắc được tính toán để biểu dương sức mạnh và quyền lực, ông rời nơi trú ẩn an
toàn trong Tòa Bạch Ôc để đến chụp một bức ảnh bên ngoài Nhà thờ St John, với
quyển Kinh Thánh cầm trên tay.
Với sự canh phòng của
ông, thủ đô Hoa Kỳ, vốn được rất nhiều người trên khắp thế giới xem như một biểu
tượng của thế giới tự do, nay đã biến thành một pháo đài được trang bị tận
răng.
Cung cách các lực lượng cảnh
sát thi hành nghĩa vụ của họ để bảo vệ luật pháp và trật tự trong những ngày
trước và sau đó đã gợi lên những suy nghĩ tương tự.
Dường như không màng đến
những thước phim về những hành động của họ được điện thoại di động ghi lại và
tin tưởng rằng luật pháp sẽ bảo vệ họ nên cảnh sát thường xuyên sử dụng dùi
cui, lựu đạn cay và đạn mã tử đối với những người biểu tình.
Tại Atlanta, Tiểu bang
Georgia, sáu cảnh sát viên đã bị buộc tội sau khi cảnh sát đã lôi 2 người ra khỏi
xe của họ, ném họ xuống đất và dùng súng điện bắn vào người họ.
Tại Buffalo, Tiểu bang
New York, một cụ già 75 tuổi bị nứt sọ vì bị cảnh sát xô ngã xuống đất. Sau đó,
Tổng thống Trump tuyên bố rằng cụ già này có dính líu đến tổ chức tả khuynh
Antifa (phong trào chống Phát-xít) và sự té ngã của ông là một sự "dàn dựng".
Cách đối phó của
Hoa Kỳ phản ảnh thái độ của Bắc Kinh đối với Hong Kong
Các phát ngôn viên của
chính phủ và các cơ quan truyền thông quốc doanh Trung Quốc đã tung ra những cuộc
tấn công chống lại chính phủ Mỹ. Họ cho phát tán những đoạn phim cho thấy cảnh
sát Hong Kong đã biết "tự chế" nếu so sánh với các hành động đã được
nhìn thấy tại Hoa Kỳ. Những thước phim có chú thích "Cảnh sát Hong Kong đã
tự chế như thế nào !" đã được truyền đi trên trang mạng Weibo, một trang mạng
giống như Twitter.
Khi một số cuộc biểu tình
tại Mỹ trở nên bạo động, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân
Ánh, liền tấn công Washington. Trên trang mạng Twitter, bà Ánh viết : "Tôi
không thở được", để đối lại một "tuýt" của phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Mỹ, ông Morgan Ortagus, khi ông này phê bình chính phủ Trung Quốc về chính
sách của họ đối với Hong Kong.
Cảnh sát chống bạo
động đã sử dụng bình xịt hơi cay vào người biểu tình trong các cuộc biểu tình
phản đối luật pháp an ninh quốc gia của Bắc Kinh tại Hồng Kông. (AP : Kim
Cheung)
Truyền thông cũng trở
thành đối tượng của sự xách nhiễu của cảnh sát. Mặc dù việc sử dụng bạo lực và
bạo động gia tăng ở Hong Kong, các cơ quan truyền thông của Phương Tây vẫn được
tự do đi lại và thu thập hình ảnh của hiện trường đang diễn ra trước mắt chúng
tôi, kể cả những hành động tàn bạo của cảnh sát. Trong nhiều dịp, chúng tôi đã
được những người biểu tình hoan nghênh và bảo vệ. Họ cám ơn chúng tôi vì nói
cho thế giới biết chuyện của họ. Đây là thứ tự do mà tôi cũng đã trông đợi sẽ
có ở Hoa Kỳ.
Những người biểu
tình ủng hộ dân chủ đã kêu gọi Donald Trump giúp đỡ và yêu cầu cảnh sát ngừng sử
dụng hơi cay. (AP : Ng Han Guan)
Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói rằng "có sự khác biệt giữa đất nước
chúng ta và nhiều nước độc tài khác, bởi vì khi một điều như thế xảy ra, chúng
tôi sẽ cho điều tra". Ông còn nói thêm : "Người dân của chúng ta phản
đối. Họ đòi hỏi chính phủ của họ phải cải thiện. Và chúng tôi đứng về phía những
người phản đối". Nhưng cũng trong cùng buổi nói chuyện, ông O’Brien lại tố
cáo những phần tử cực đoan và đổ lỗi cho những kẻ gây rối từ bên ngoài đang
khích động sự rối loạn trong những cuộc biểu tình.
Đây cũng chính là bài bản
mà Bắc Kinh đã từng sử dụng để giải thích về tình trạng bất ổn tại Hong Kong.
Trong nhiều tháng, báo chí Phương Tây, cũng như các viên chức của chính phủ Mỹ,
đã xem hành động mạnh tay của các lực lượng an ninh tại Hong kong như là một
trong những yếu tố dẫn đến những cuộc biểu tình. Tuy nhiên, khi những cảnh người
biểu tình và các ký giả bị cảnh sát hành hung tràn ngập các trang mạng xã hội,
thì chính phủ và những người ủng hộ Tổng thống Trump lại không nhìn những sự kiện
này cùng một cái nhìn như thế.
Trump đe dọa sẽ đưa quân đội đến chấm
dứt các cuộc biểu tình của người dân trên chính đất nước của
mình. (Reuters : Tom Brenner)
Nhiều cựu tướng lãnh và
nhân vật cấp cao trong quân đội đã công khai lên án việc tổng thống Trump đe dọa
sử dụng quân đội. Mặc dù có vô số bằng chứng cho thấy cảnh sát sử dụng bạo lực,
trong 2 tuần lễ qua vẫn có nhiều khoảnh khắc cho thấy các nhân viên công lực đứng
về phía những người biểu tình : họ quỳ gối và khoác tay cùng tiến bước với những
người biểu tình.
Thật quá lắm rồi !
Sự sôi sục và phẫn nộ
bùng phát khi phong trào này mới khai sinh đã tan biến dần khiến cho nhiều người
tự hỏi liệu nó có còn đủ sự hăng say và sức mạnh để tiếp tục không.
Ông Floyd không phải là
người da đen đầu tiên chết dưới tay cảnh sát, nhưng lần này xem ra khác. Một
người thuộc phong trào Tranh đấu cho Tự do có mặt trong cuộc biểu tình tại thủ
đô Washington nói : "Xem một người đang chết trên truyền hình toàn quốc
và theo dõi tất cả 8 phút 46 giây quả là một điều khủng khiếp. Điều này không
thể xảy ra nữa".
Hàng ngàn người biểu tình đã tràn ra đường để phản đối
cái chết của George Floyd. (AP : Elaine Thompson)
Sự ủng hộ ngày càng vững
chắc, lan rộng và đa diện. Những cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn nước Mỹ,
trong tất cả 50 tiểu bang và tại thủ đô Washington, qui tụ nhiều người thuộc mọi
tuổi tác, màu da và giai cấp. Một người biểu tình tên là Zeus nói : "Chúng
tôi chỉ xin chính phủ đối xử với chúng tôi như những con người. Đây không phải
là điều chúng tôi muốn thấy xảy ra cho thế hệ tương lai của chúng tôi".
Một cuộc nghiên cứu mới
nhất cho thấy mức ủng hộ của người Mỹ dành cho phong trào "Black Lives
Matter" đã lên đến 53 phần trăm, tức tăng 11 phần trăm kể từ khi Ahmaud
Arbery bị giết chết hồi tháng Hai vừa qua.
Lần nay, các chính quyền địa phương và các thành phố xem ra cũng sẵn
sàng hơn để tỏ rõ lập trường. Họ ủng hộ những lời kêu gọi hãy giải tán cảnh sát
hay cắt giảm việc tài trợ cho cảnh sát để dành cho những chương trình đối phó với
những bất bình đẳng chủng tộc.
Những phong trào bắt nguồn
từ quần chúng do giới trẻ và những người thuộc thế hệ Z khởi xướng đang lên tiếng
nói "thôi đã quá đủ rồi" và kêu gọi thay đổi.
Năng lực và sự kiên trì của
những người biểu tình ở Hong Kong phần lớn xuất phát từ giới trẻ. Họ biết rằng
lãnh thổ của họ sẽ bị Trung Quốc cai trị xuyên suốt cuộc sống của họ. Họ không
có gì để mất. Theo đúng nghĩa, họ chiến đấu cho chính tương lai của họ.
Cái chết của ông Floyd đã
trở thành một giây phút lịch sử phơi bày những bất bình đẳng thâm căn cố đế mà
đại dịch Covid-19 là một điển hình.
Cũng rất giống với người
dân Hong Kong, ở đây (Hoa Kỳ) thế hệ tương lai cũng đang kêu gào phải chấm dứt
ngay (những bất bình đẳng).
Trách nhiệm của phong
trào này là bảo đảm rằng ông Floyd đã không chết đi một cách vô ích, mà trở
thành xúc tác cho một sự thay đổi thật sự.
Kathryn Diss
---------------------------------
By North America
correspondent Kathryn
Diss
June 14, 2020
Chu Văn chuyển ngữ
(16/06/2020)
Chú thích :
(*) Đây là nguyên văn tựa
đề của bài viết, người dịch đặt lại tiêu đề cho ngắn gọn để dễ trình bày
Kathryn Diss là thông tín viên của Đài ABC Úc Đại Lợi
tại Bắc Mỹ
No comments:
Post a Comment