Tuesday, June 2, 2020

CÓ PHẢI TÌNH HUỲNH ĐỆ TRUNG QUỐC - VIỆT NAM TRÔI LÊNH ĐÊNH TRÊN BIỂN ĐÔNG? (David Koh - SCMP)




David Koh  -  SCMP
Bùi Như Mai dịch
02/06/2020

Tình đồng chí giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã được gắn liền rất mạnh. Thường thì bên này đã là và vẫn là hậu phương vững chắc của bên kia. Họ đã từng là huynh đệ chiến đấu sát cánh bên nhau để chống lại đế quốc và thực dân. Nhưng câu chuyện lãng mạn này không phải là một nền móng vững chắc cho chính sách quốc gia hai nước.

Cảnh sát Việt Nam tiếp cận người biểu tình chống Trung Quốc trong cuộc biểu tình năm 2019 trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Khi nói đến Biển Đông, các yêu sách của Trung Quốc và Việt Nam là, bên này được thì bên kia mất và ngược lại – vì vấn đề đó, bất kỳ yêu sách nào trong tranh chấp vùng biển – thật sự chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ quyền chung, sử dụng chung, khai thác tài nguyên chung, hoặc bất cứ điều gì chung.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) không dính vào chuyện giúp giải quyết vấn đề căng thẳng này một cách nhanh chóng. Hoa Kỳ đã đánh hơi được sự căng thẳng này, với các lợi ích tự do hàng hải của riêng mình đã bị ảnh hưởng bởi các vụ chiếm đoạt Biển Đông của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cũng như mục tiêu của Hoa kỳ là kềm chế Trung Quốc.

Hoa Kỳ hiện cũng đang hướng tới việc thả neo trên một vùng ở Biển Đông, quan hệ giữa Philippines và Washington về quân sự và quốc phòng thì bấp bênh. Các kịch bản về mối quan hệ quốc phòng với các nước khác đang được cân nhắc, gồm các hiệp ước đối tác với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như trợ giúp quốc phòng cho Đài Loan.

Các nhà quan sát cho rằng, sự ảo tưởng của Hà Nội với Bắc Kinh sẽ khiến Việt Nam xoay trục qua Mỹ, là điều mà Hoa kỳ muốn có mối quan hệ chiến lược và có thể là quân sự nhiều hơn với các nước quan trọng ở Đông Nam Á. Nhưng Việt Nam không sẵn sàng tiến tới với Mỹ nhanh như vậy, và không muốn làm mích lòng Trung Quốc vì có thể Trung Quốc sẽ phản ứng với một chiến lược nào đó làm cho Việt Nam trở tay không kịp. Do đó, Hà Nội tiếp tục thấy sự nguy hiểm nếu kết thân với Hoa kỳ vì Hoa kỳ có kế hoạch dân chủ hóa đối với chính quyền cộng sản Việt Nam. Mỹ đã trở thành một con cờ cho Việt Nam thương lượng chống lại Trung Quốc.

Các phản ứng đối với chiến lược của chính phủ Việt Nam cũng khác nhau trong nội bộ. Trong khi không có cuộc thảo luận nào về sự trung thành của chính quyền hiện tại với Trung quốc, nhưng có một cuộc tranh luận về cách thực hiện các mục tiêu của đất nước. Quan điểm này gồm, từ việc xem chính phủ là khờ khạo, vẫn tin tưởng vào tình huynh đệ xã hội chủ nghĩa và sẵn sàng chịu mất chủ quyền tạm thời, tới việc Hà Nội thận trọng và cần thiết để ngăn ngừa chiến tranh, nếu cần thiết – nhưng không phải là sợ chiến tranh.

Giữa chính phủ và đảng cộng sản cũng có sự khác biệt về quan điểm, tập trung nhiều về chiến thuật và chiến lược từng bước thay vì sử dụng quân sự một cách hiếu chiến. Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (ngoại giao), mời hợp tác quốc phòng đa phương (quân sự), và tăng cường sự phát triển và thịnh vượng (kinh tế là nền tảng của hai lãnh vực trên).

Chính sự thận trọng có tính cách chậm chạp này của Việt Nam đã bị lãnh đạo Trung Quốc khai thác, vì họ muốn biến các đảo trên Biển Đông thành các căn cứ của Hải quân Trung Quốc, sẽ cho Trung Quốc sức mạnh hải quân khi va chạm. Vì vậy, Bắc Kinh đã phớt lờ sự phản đối của Hà Nội, và làm cho Việt Nam chia rẽ trầm trọng. Tuy nhiên, sự lì lợm của Trung Quốc để mong giành chiến thắng toàn diện, sẽ khiến cho chính sách của Việt Nam rõ ràng hơn và dứt khoát ngả sang hướng khác – nhưng chưa ai biết lúc nào sự bùng phát sẽ xảy ra.

Tình huynh đệ, nếu được hâm nóng trở lại có thể giúp giải quyết các vấn đề Biển Đông hiện tại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2000, khi hai nước giải quyết các vấn đề biên giới và ký hiệp ước phân định ranh giới, là một hiệp ước có được có mất, hiệp ước này được coi như một thí dụ về chính sách “đồng chí tốt, láng giềng tốt” được đưa vào hiện thực. “Đồng chí tốt, láng giềng tốt” có nghĩa mù mờ “gần gũi như môi với răng”, như “tình huynh đệ”, đây là những từ hoa mỹ được sử dụng để mô tả mối quan hệ của hai nhân vật sáng lập đảng cộng sản là Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, tuy nhiên hiệp ước năm 2000 này đã làm giảm khả năng xung đột trên đất liền và cả hai nước có thể tiến về phía trước.

Việt Nam và Trung Quốc có thể còn tình huynh đệ không? Theo quan điểm của tôi, năm 2000 rất khác so với năm 2020 vì nhiều thứ đã thay đổi và đặc biệt có ba trở ngại lớn. Trước hết, trong khi Trung Quốc không còn coi Việt Nam là thành phần quan trọng trong việc đoàn kết xã hội chủ nghĩa, thì Việt Nam vẫn cần sự đoàn kết này để ngăn chặn các nỗ lực dân chủ hóa của Hoa Kỳ. Từ cuối thập niên 1980, Trung Quốc tuyên bố với Việt Nam rằng, mối quan hệ song phương của họ không có gì đặc biệt và không khác gì mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng khác.

Người ta nghi ngờ là các cuộc tham vấn giữa các đảng cộng sản về kinh nghiệm của họ với chủ nghĩa xã hội và sự hục hặc lẫn nhau, có thể tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Việt Nam – đặc biệt là giảm bớt được sự xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông, mà Việt Nam rất ghét. Tuy nhiên, có nhiều người Việt Nam lên án Trung Quốc về hành động xâm lăng trên biển, tương tự tỷ lệ người Trung Quốc cũng lên án ngược lại. Tình huynh đệ và ý thức hệ luôn đứng sau lợi ích quốc gia.

Trở ngại thứ hai là Việt Nam không cho Trung Quốc thấy lợi thế kinh tế hay chính trị đáng kể nào để nước này xem Việt Nam như là anh em nữa, hoặc để nhượng bộ những yêu cầu của Việt Nam. Những nghi kỵ lẫn nhau, và mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước không còn mạnh mẽ. Như đã xảy ra trong quá khứ, Việt Nam chỉ là một điểm mà Trung Quốc sử dụng để ngăn chặn sườn phía nam để chống lại sự xâm lấn của phương Tây. Mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là đạt được lợi ích cốt lõi và mối quan hệ tốt với Mỹ hoặc Nga. Nói cách khác, Việt Nam cung cấp rất ít giá trị chiến lược, trừ khi nó liên kết chặt chẽ và liên minh với Mỹ hoặc Nga.

Thứ ba, cũng có thể Bắc Kinh đã bao vây Hà Nội, bằng cách liên kết chặt chẽ với Lào, Thái Lan, Cambodia và tìm cách tách các nước này khỏi Việt Nam. Đi kèm với những lo ngại đó là những tin đồn rằng các cơ sở hoặc căn cứ quân sự của Trung Quốc đã được thành lập ở Cambodia, cùng với sự gia tăng hợp tác kinh tế và quân sự với Thái Lan.
Lào, một căn cứ quan trọng trong cuộc cách mạng Việt Nam chống Pháp, cũng khởi đầu một quan hệ tốt hơn với Trung Quốc (có chung biên giới) và sự hiện hữu của Trung Quốc tại Lào hiện nay rất rõ rệt. Không có cách nào để biết rằng ở biên giới phía bắc của Việt Nam nếu bị Trung Quốc đe dọa lần nữa, thì Việt Nam có thể rút lui vào Lào một cách an toàn hay không.

Nói cách khác, Trung Quốc đang nhốt Việt Nam mà không cho lối thoát trên bán đảo Đông Dương, và lợi ích của Việt Nam trong khu vực có thể bị khuất phục và đóng vai trò thứ yếu đối với lợi ích của Trung Quốc, trừ khi Hà Nội nhanh chóng tăng cường khả năng quân sự và quốc phòng.

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019, Việt Nam tái khẳng định lập trường không liên minh, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không có quan hệ đối tác với bất kỳ ai để đe dọa nước khác, và mới tăng cường thêm lập trường thứ tư – không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng các sách lược quốc phòng mới này có thể xoay chiều nhanh chóng để chuyển hướng chính sách của đất nước nếu Việt Nam liên tục bị bế tắc trong mối liên hệ với Trung Quốc.

-----------------------------------------

BBC Tiếng Việt
02/06/2020

Một nhà nghiên cứu đang công tác ở Viện Chính trị học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về hướng đi trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay.

Bà Christina Lai, nhận bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế ở Đại học Mỹ Georgetown, nói phương châm 16 chữ vàng từ 1999 vẫn đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc, dưới thời Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Bà Christina Lai nhận định "16 chữ vàng" này hàm chứa cả góc độ song phương và khu vực.
"Nhìn tới tương lai, cả hai nước đều rất cần duy trì trật tự khu vực ổn định, và phương châm 16 chữ có thể là phương tiện diễn ngôn quan trọng.
"Phương châm này tới nay chưa có gì thay đổi đáng kể.
"Tuy nhiên, vẫn còn sự bất an trong quan hệ Việt - Trung. Căng thẳng đang lên từ sự cạnh tranh Mỹ - Trung, và sự cứng rắn của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa có thể ảnh hưởng tới mức độ định vị lại chính sách Trung Quốc của Việt Nam."

.
BBC: Từ năm ngoái, giữa căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung, bà có thấy xu hướng gì nổi bật trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc?

- Chính sách của Việt Nam với Trung Quốc phải giữ sự cân bằng tế nhị giữa quan hệ kinh tế khăng khít và căng thẳng trong tranh chấp biển đảo.
Ví dụ, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam mới đây đã chỉ ra sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự o ép chính trị, các biện pháp đơn phương và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc có thể gây hại cho lợi ích an ninh của Việt Nam và ổn định khu vực.
Trong tương lai, chính phủ Việt Nam nên giữ các kênh ngoại giao ổn định với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng gia tăng ở Đông Nam Á.

Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Nội tháng 11/2015.  EPA

.
BBC: Một số người đã nói rằng Việt Nam có thể hay sẽ là nước chiến thắng về kinh tế, trong lúc Mỹ tìm cách tách ra khỏi Trung Quốc. Bà nghĩ thế nào?

- Dựa vào thống kê, dữ liệu có tới nay, Việt Nam quả thật hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhiều trong giai đoạn 2018-19. GDP Việt Nam cũng tăng trưởng 6,7% năm ngoái.
Thương chiến hiện nay đặt ra cả thách thức và cơ hội cho chính phủ Việt Nam.
Ví dụ, số lượng mobile phone, dệt may, đồ gia dụng, trước làm ở Trung Quốc để xuất sang Hoa Kỳ, thì nay đã tăng ở Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam phải thắt chặt kiểm tra xuất nhập khẩu để ngăn ngừa việc hàng hóa Trung Quốc dùng Việt Nam làm trạm trung chuyển rồi xuất sang Mỹ.
Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào việc củng cố tính cạnh tranh của nhân lực, cải thiện cung cấp năng lượng và hạ tầng…

Việt Nam được khen vì thành công chống Covid-19.  REUTERS

.
BBC:Trung Quốc mới đây cảnh báo rằng Washington đang đẩy hai nước đến bờ vực "chiến tranh lạnh". Trong tương lai, liệu cạnh tranh Mỹ - Trung có tác động sâu sắc tới chính sách ngoại giao của Việt Nam?

- Trong mấy thập niên gần đây, Việt Nam luôn duy trì chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược duy trì khoảng cách bằng nhau như vậy có thể khó giữ mãi trong lúc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh.
Trong khi Việt Nam thận trọng để không làm mất lòng Trung Quốc, thì sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm Hà Nội rất lo ngại.
Tuy nhiên, không chắc chắn là Washington và Hà Nội sẽ có thể thắt chặt quan hệ tới mức nào ở châu Á - Thái Bình Dương.
Một số người ở Việt Nam nghi ngại Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông.

.
BBC:Năm 2021 tại Việt Nam sẽ diễn ra Đại hội Đảng 13, với sự chuyển giao lãnh đạo mới. Bà có nghĩ rằng Việt Nam sẽ có tư tưởng và nguyên tắc mới trong quan hệ với Trung Quốc trong 5 năm tới?

- Nếu chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam diễn ra êm đẹp, chính sách của Việt Nam với Trung Quốc sẽ có sự tiếp nối liên tục.
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối hệ thống chính trị, nhưng Việt Nam nói chung là vẫn "đa nguyên" hơn, theo đó, sự đồng thuận đứng cao hơn cung cách lãnh đạo mạnh. Vì thế, dù cho các lãnh đạo cao cấp mới sẽ là ai, ưu tiên của chính phủ Việt Nam vẫn là duy trì tăng trưởng kinh tế cao và trật tự khu vực ổn định.
Việt Nam sẽ chỉ đề ra nguyên tắc mới trong quan hệ với Trung Quốc nếu họ quyết định từ bỏ chính sách cân bằng và chuyển sang gần với Mỹ trong tương lai.

-------------

Tin liên quan

05/05/2020

30/03/2020






No comments: