Sunday, June 7, 2020

CHUYỆN "FAKES NEWS", NHÂN BẢN TIN GIẢ MẠO CỦA LUẬT SƯ LÊ CÔNG ĐỊNH (Nhã Duy)




Nhã Duy
07/06/2020

Vài năm qua, cụm từ “Fake News”- tin giả mạo, đã trở thành từ ngữ được nhắc đến khá nhiều, trong chính trường, trên mặt báo cho đến các mạng xã hội, kể từ khi được tổng thống Trump sử dụng để tấn công vào truyền thông Hoa Kỳ. Bất kể tả hay hữu, nếu bài báo, bản tin xem ra bất lợi hay chỉ trích ông đều bị xem là “fake news” dù cho chúng có là những sự thật được kiểm chứng.

Và cho dù cũng ngần ấy những tờ báo, hệ thống truyền hình mà TT Trump đã từng thích thú, hãnh diện khi được xuất hiện trên mặt báo hay trong các cuộc phỏng vấn trước kia, đến độ từng tự mình giả mạo tấm hình chụp trên trang bìa báo Time để treo tại nhiều cụm sân golf do gia đình Trump làm chủ, nhưng tất cả bây giờ đều trở thành “fake news” dù các thành viên nội các chính phủ vẫn thường xuyên xuất hiện trên các cơ quan truyền thông này. Tại sao?

“Fake News” được định nghĩa khá rõ ràng và dễ hiểu, đó là những tin tức không thể kiểm chứng, không có nguồn và vô căn cứ, không đúng sự thật nhưng được trình bày như là sự thật. Chúng được tạo ra trong mục tấn công cá nhân, trục lợi tài chính hay mang ý đồ chính trị nào đó.

TT Trump đã khá thành công khi bơm được điều này vào người ủng hộ mình. Họ chối bỏ mọi tin tức, sự thật hay dữ liệu, số liệu nếu chúng bất lợi hay chỉ trích Trump. Họ tin vào điều họ đang tin và nghe những điều muốn nghe, bất kể đó là điều bịa đặt hay giả dối, một cách ý thức hay vô thức. Họ tấn công ngược lại giới truyền thông chuyên nghiệp và uy tín là “fake news”.

Phổ biến hơn thế nữa, tựa như việc Trump từng giả mạo hình mình được đăng trang bìa báo Time nói trên, một số người cũng tự tạo những bản tin, sự việc, con số hoặc đã bị bóp méo hay không có thật để dẫn dắt nhóm ủng hộ Trump nói trên. Đây là một thực tế với người Việt đang ủng hộ Trump hiện nay, từ trong nước ra đến hải ngoại.

“Fake News” đến từ nhiều nguồn, nhiều người khác nhau. Có những điều ngây ngô dễ nhận ra lập tức, có những điều tinh vi, sử dụng, chế biến từ một nửa sự thật. Nhưng đáng tiếc hơn, nó đến từ một số người có học vấn và được nhiều người theo dõi và phát tán những bản tin giả mạo này đi xa hơn. Hãy thử phân tích và kiểm tra thực hư (fact-check) một tin “fake news” kiểu này vừa được luật sư Lê Công Định, sống ở trong nước tung ra như thế nào.

Trên trang facebook của mình, LS Lê Công Định đăng tin như sau:
Hoa Kỳ chuẩn bị công bố các bước trừng phạt Trung Quốc.
1. Đóng băng tài sản 8.000 tỷ USD của quan chức Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Danh sách nhân sự và lý do đóng băng sẽ được công bố ngay lập tức.
2. Trục xuất người thân, con cái thành viên gia đình của các quan chức bị trừng phạt của Trung Quốc, bị hủy hộ chiếu Hoa Kỳ và bị từ chối nhập cảnh vĩnh viễn.
3. Ban lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ đối mặt với một thảm họa lớn hơn, 90% các quan chức cấp cao có tiền gửi và con cái gia đình họ ở Hoa Kỳ, và tài sản của hai thế hệ này có thể bị mất sạch sau một đêm.
Tổng thống D. Trump là anh hùng chống tham nhũng thực sự ở Trung Quốc“.

Thứ nhất hãy nhìn vào tiêu đề. “Hoa Kỳ chuẩn bị công bố”, tức là chưa công bố. Nếu chưa công bố thì tại sao có được tin này và nguồn từ đâu? Cũng vậy, “trừng phạt Trung Quốc” thì trừng phạt vì lý do gì?

Dù Trung Cộng đáng bị trừng phạt nhưng các các biện pháp chế tài kinh tế (economy sanction) được áp dụng như một biện pháp đối ngoại lên một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào đó, thường được công bố với mục đích và lý do rõ ràng. Trong cuộc thương chiến vừa qua thì Hoa Kỳ đã sử dụng việc gia tăng thuế quan lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng như một biện pháp chế tài.

Nên quay lại với định nghĩa về “fake news” thì chỉ cái tựa đã cho thấy đây là một “fake news” vì không nguồn dẫn, chẳng thể nào kiểm chứng được và thiếu tính hợp lý.

Điểm vô lý thứ nhì là con số 8.000 tỉ đô la của quan chức Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ đâu ra? Để có thể hình dung con số 8.000 tỉ là bao lớn, chúng ta có thể xem qua vài con số về đầu tư ngoại quốc trực tiếp (FDI – Foreign Direct Investment) từ Hoa Lục vào Hoa Kỳ như thế nào.

Theo Rhodium Group dẫn nguồn từ Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ thì năm 2018, Trung Cộng đầu tư vào Mỹ chỉ khoảng 5 tỉ đô la nhưng lại thoái vốn, rút ra (divestment) cao hơn mức này, sút giảm từ mức cao kỷ lục 46 tỉ vào năm 2016. Tổng đầu tư trực tiếp của Trung Cộng vào Mỹ là 145 tỉ, so với Hoa Kỳ đổ vào Hoa Lục là 246 tỉ đô la.

Cũng vậy, theo số liệu từ Statista, trị giá của thị trường chứng khoán của Trung Cộng, bao gồm cả Thượng Hải và Thẩm Quyến, chỉ ở mức 59.290 tỉ nhân dân tệ, tức khoảng hơn 8.000 tỉ đô la. Nó cao gấp khoảng 30 lần GDP của Việt Nam. Bản tin đã ngụy tạo con số 8.000 tỉ, một cách dễ dãi và không hợp lý vì không ước tính được giá trị của 8.000 tỉ là bao lớn.

Những ai muốn tìm hiểu thêm việc đầu tư cùng các số liệu của Trung Cộng vào Hoa Kỳ, có thể đọc thêm tường trình của văn phòng Congressional Research Services theo đường dẫn cuối bài.

                                                ***
Có thể không cần phân tích điều 2 và 3 trong mẩu tin trên vì nó là diễn giải mang tính “ly kỳ” thêm cho việc “trừng phạt” và “8.000 tỉ đô la” ở trên mà thôi. Tuy nhiên vì Lê Công Định là luật sư nên ở đây cũng giải thích thêm cho anh ta hiểu về việc luật tước quốc tịch (denaturalization) như thế nào khi tước sổ thông hành của một công dân Mỹ, mà ông Lê Công Định nêu ở điều 2 và 3.

Việc tước quốc tịch xảy ra khi bị rơi vào hầu hết các trường hợp như man khai trong đơn nhập tịch, âm mưu lật đổ chính phủ hay tham gia các nhóm khủng bố, cộng sản, bị xem là tội phạm chiến tranh. Nó đòi hỏi các thủ tục pháp lý rắc rối và tranh tụng kéo dài, khi mà các cơ quan liên quan phải cung cấp rất nhiều chứng cứ cho tòa án liên bang phân xử. Thậm chí có vụ còn đưa lên đến Tối Cao Pháp Viện để phân xử như vụ Maslenjak v. United States.

Từ năm 1990, Bộ Tư Pháp và cơ quan di trú chỉ nộp 305 hồ sơ tước quốc tịch và trên thực tế chỉ khoảng hơn 100 trường hợp thành công, phần lớn liên quan đến các tội phạm chiến tranh trong Đệ Nhị Thế Chiến và liên quan đến khủng bố. Do đó, không đơn giản chỉ là quyết định tước quốc tịch “hủy hộ chiếu Hoa Kỳ” của ai đó qua đêm, cho dù có là tổng thống. Bởi nó không nằm ở quyền hạn của tổng thống mà theo luật pháp và thủ tục của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ.

Hiện nay Hoa Kỳ sử dụng Đạo luật Magnitsky (Magnitsky Act) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 2012, thoạt đầu chỉ áp dụng với Nga nhưng mở rộng ra toàn thế giới năm 2016, để chế tài các cá nhân, tổ chức bị cáo buộc liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền và tham nhũng trên thế giới. Bộ Ngân Khố và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có trách nhiệm theo dõi, giám sát các chế tài kinh tế và xuất nhập cảnh của các cá nhân bị đưa vào danh sách này.

Cho đến nay, dù một số dân biểu Quốc Hội từng lên tiếng yêu cầu Tổng thống Trump và Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ áp dụng luật Magnitsky với một số quan chức Trung Cộng đã đàn áp người Duy Ngô Nhĩ hay giới y tế, báo chí bị bịt miệng trong dịch bịnh Covid-19 vừa qua nhưng chính phủ Trump vẫn chưa hề áp dụng với ai. Văn phòng Kiểm Soát Tài Sản Ngoại Quốc (Office of Foreign Assets Control-OFAC) thuộc Bộ Ngân Khố luôn cập nhật danh sách cá nhân và tổ chức bị chế tài kinh tế, bất cứ ai cũng có thể truy cập và kiểm chứng danh sách này.

Thêm vào đó, những ai theo dõi tin tức chắc còn nhớ vụ bê bối Panama (Panama Papers) hồi 2016 cùng nhiều tài liệu, phim ảnh về sau. Nó cho thấy việc sử dụng các công ty bình phong để che giấu tài sản diễn ra khá tinh vi và liên quan đến nhiều quốc gia, không dễ dàng kiểm soát chính xác được tài sản cá nhân của ai đó. Những con số đồng chí X, Y … nào đó có 5,10 tỉ đô la chỉ là câu chuyện mua vui vì không ai có thể biết được chính xác họ sở hữu bao nhiêu tiền, ngoài chính họ.

Quả không cần thiết phải kIểm chứng mức độ xác thực của quá nhiều tin tức giả mạo từ vô số cá nhân ngoài kia, tuy nhiên việc kiểm chứng và phân tích với “fake news” của LS Lê Công Định qua bài viết này để thấy rằng, một luật sư từng được tu nghiệp ở Mỹ và Pháp, ít nhiều được biết đến trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, lại có thể tung ra những bản tin giả mạo, ấu trĩ như vậy.

Dường như bản tin giả mạo đã bị gỡ bỏ khi tôi đang viết những hàng này, cho dù trước đó nó cũng đã được vài ngàn người “like” hay vài trăm lượt phát tán. Một con số cũng chẳng là bao nhiêu nếu nhìn sang tấm hình mừng sinh nhật của một chàng diễn viên hài tại Việt Nam nhưng có đến gần 400 ngàn người “like” và “love”. Nhưng tôi cũng viết về điều này một lần bởi những tin giả vẫn còn liên tục được chia sẻ trên mạng. Và để bạn sẽ không bị dẫn dụ một cách dễ dàng như vậy.

“Fake News” không chỉ thể hiện sự yếu kém về khả năng, trình độ, lý luận cùng nhận thức, mà ở mặt nào đó, nó còn là vấn đề nhân cách. Nhân cách giả mạo. Thật đáng tiếc!
_____

Dữ liệu đầu tư giữa Hoa Kỳ và Trung Cộnghttps://fas.org/sgp/crs/row/IF11283.pdf







No comments: