Ngô Quốc Huy (Nguồn:
RFA)
Jun 12, 2020
Khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố một “Vùng Nhận Diện
Phòng Không” (Air Defense Identification Zone – ADIZ) tại khu vực Biển Đông hay
không vẫn đang là vấn đề gây xôn xao dư luận ở khu vực này.
Theo các nhà phân tích,
trong các tuyên bố chính thức, Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng thiết
lập ADIZ ở Biển Đông. Mới đây, các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc
nói với các nhà báo nước ngoài rằng Trung Quốc đã có kế hoạch và sẵn sàng thiết
lập ADIZ ở Biển Đông. Việc “rò rỉ” thông tin như vậy được giới quan sát đánh
giá là Trung Quốc đang “thăm dò” phản ứng của thế giới trước khi đưa ra quyết định
chính thức.
Liệu Trung Quốc có
tuyên bố ADIZ trên Biển Đông?
Với việc bắn tín hiệu một
cách mập mờ như vậy, đã có khá nhiều các tranh luận khác nhau về khả năng Trung
Quốc thực sự đủ khả năng để thực hiện ADIZ trên thức tế. Từ năm 2014, Trung Quốc
đã bắt đầu quá trình bồi lấp các đảo nhân tạo trên Biển Đông và sau đó tăng cường
quân sự hóa trên các cấu trúc tại Trường Sa mà quốc gia này đang kiểm soát.
Trên đảo Phú Lâm, Đá Chữ
Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, Trung Quốc xây dựng bốn đường băng dài 3,000 mét
với các nhà chứa có thể chứa hàng chục máy bay. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lắp đặt
các trạm radar tần số cao trên các thực thể này và Đá Châu Viên. Ở các đảo này,
Trung Quốc khai triển tên lửa đất đối không và tên lửa chống tàu có tầm bắn khoảng
400 km.
Hình ảnh vệ tinh mới đây
cho thấy máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 và tàu
vận tải đổ bộ lớp Yuzhao Type 071 hiện diện trên Đá Chữ Thập. Nếu các cơ sở hạ
tầng và hệ thống vũ khí này là công cụ để Trung Quốc đạt được quyền bá chủ Biển
Đông, thì ADIZ sẽ cung cấp nền tảng pháp lý thuận lợi cho hoạt động khai triển
của Bắc Kinh.
Một số chuyên gia như Thẩm
Phán Philippines Antonio Carpio cho rằng khả năng tuyên bố ADIZ ở Biển Đông của
Trung Quốc có thể thành hiện thực, song sẽ được ngụy trang bằng cách không sử dụng
tên gọi ADIZ, hoặc có thể là ADIZ nhưng không khai báo và vẫn được thực hiện một
cách tích cực.
Cụ thể là Trung Quốc đã
áp dụng hiệu quả một “tiền ADIZ” ở Biển Đông bằng cách cảnh cáo các máy bay của
Philippines bay qua Trường Sa tránh xa khu vực này. Tàu và máy bay của Việt
Nam, Mỹ, Australia và Ấn Độ cũng từng nhận được cảnh báo tương tự. Tuy nhiên,
“tiền ADIZ” của Trung Quốc dường như bao phủ không quá 20 hải lý tính từ bờ của
các thực thể do Trung Quốc kiểm soát.
Hình vệ tinh Đá Chữ
Thập ở quần đảo Trường Sa được Trung Quốc xây thành căn cứ quân sự AMTI. (Hình:
amti.csis.org)
Các kịch bản cho ADIZ trên Biển
Đông
Từ đầu năm 2020 đến nay,
xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng
không (ADIZ) tại khu vực Biển Đông. Có nhiều câu hỏi đặt ra là, đây có phải
do Trung Quốc đưa ra để “ném đá dò đường,” tạo ra sự mơ hồ như một sự
đe dọa lơ lửng với các nước ven Biển Đông và cũng có nhiều giả thiết nếu
lập ADIZ ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ thực hiện theo kịch bản nào:
1-Trung Quốc lập ADIZ
trên vùng trời bao phủ quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh.
2-ADIZ bao phủ hầu hết
vùng trời Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa.
3-ADIZ có thể được lập
trên vùng trời của “đường chín đoạn.”
Trong ba kịch bản trên, nếu
Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông, thì kịch bản dễ xảy ra nhất là trên
quần đảo Hoàng Sa.
Bắc Kinh có thể đã sẵn
sàng tuyên bố và thực thi một ADIZ trên Biển Đông, song họ vẫn phải cân nhắc kỹ
vấn đề “thiệt hơn.”
Đối phó thế nào với ADIZ trên
Biển Đông của Trung Quốc?
Do vị trí chiến lược của
Biển Đông và bản chất của các tranh chấp tại vùng biển này, nên ADIZ mà Trung
Quốc có thể thiết lập sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với khu
vực, dẫn tới leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước khác, đẩy khu vực
vào một cuộc leo thang xung đột mới rất nguy hiểm, trước hết là trên lĩnh vực
ngoại giao và pháp lý; giống như căng thẳng đã xảy ra khi Trung Quốc thiết lập
ADIZ trên Biển Hoa Đông và chắc sẽ vấp phải sự phản đối của những quốc
gia có lợi ích về hàng không và hàng hải như Mỹ, hay những nước đang điều hành
các FIR tại khu vực này như Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Thay đổi cán cân quyền lực tại
khu vực
Mặc dù chính quyền
Philippines hiện nay của Tổng Thống Rodrigo Duterte dường như khá thân với
Trung Quốc, nhưng ông ta sẽ chấm dứt nhiệm kỳ năm 2022, và ông ta cũng đang chịu
rất nhiều áp lực từ người dân Philippines trong việc phản đối chính sách của
Trung Quốc trên Biển Đông.
Việc Duterte mới đây rút
lại yêu cầu hủy bỏ Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự (VFA) với Hoa Kỳ cho thấy áp lực
của người dân Philippines lên vấn đề này. Mới đây, cựu Thẩm Phán Antonio Carpio
đã kêu gọi trên báo chí là cần bầu cho những người nào bảo vệ lợi ích của dân tộc
và đất nước trong cuộc bầu cử sắp tới.
Chính vì vậy, một chính
phủ hậu Duterte chắc chắn sẽ có những điều chỉnh mới về chính sách, đặc biệt về
vấn đề Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, nếu Trung
Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, Việt Nam và chính quyền Philippines hậu
Duterte cũng có thể xem xét việc cấp phép cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận thường
xuyên vào các địa điểm chiến lược trên bờ Biển Đông như Vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng
ở Việt Nam hoặc Vịnh Ulugan, Vịnh Subic và tỉnh Zambales ở Philippines, để đối
trọng một số lợi thế của Trung Quốc có được nhờ các cơ sở trên đảo nhân tạo. Kết
hợp những điều này sẽ mang lại thế cân bằng quyền lực trong khu vực và vô hiệu
hóa ADIZ của Trung Quốc.
Hình vệ tinh đảo
Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát AMTI. (Hình:
amti.csis.org)
Sử dụng các tiến trình pháp
lý
Bên cạnh các biện pháp sử
dụng ngoại giao và công luận quốc tế để lên án Trung Quốc, các quốc gia liên
quan trực tiếp tại khu vực sẽ có thể sử dụng biện pháp pháp lý để “phòng vệ”
trước Trung Quốc. Các biện pháp có thể như sau:
-Việt Nam có thể lập một
ADIZ của riêng mình trên quần đảo Hoàng Sa, theo đó có thể lấy lại một số hình
thức quản lý của Việt Nam đối với các đảo và nhờ vậy sẽ làm suy yếu vị thế của
Trung Quốc.
-Việt Nam và Malaysia có
thể khởi kiện các hoạt động đơn phương của Bắc Kinh trong các vùng đặc quyền
kinh tế (EEZ) của họ, các hoạt động bất hợp pháp dựa trên phán quyết của Tòa Trọng
Tài năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Trên bình diện pháp lý,
phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016 đã khẳng định rằng, cho dù Trung Quốc
tuyên bố không tham gia, không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết của Tòa
Trọng Tài, nhưng Trung Quốc vẫn là một bị đơn trong vụ Philippines kiện Trung
Quốc, do đó, Trung Quốc vẫn bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi phán quyết của của
tòa. Bởi vậy, nếu Trung Quốc thiết lập một ADIZ trên vùng trời quần đảo Trường
Sa hoặc vùng trời bên trên “đường chín đoạn,” thì Philippines có thể tiếp tục
yêu cầu Tòa Trọng Tài tuyên bố các biện pháp liên quan tới ADIZ này căn cứ theo
Điều 290, Mục 1 trong UNCLOS 1982.
Tương tự Philippines, các
quốc gia khác liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông như Malaysia hay Việt
Nam cũng có thể sử dụng một thủ tục trọng tài theo Phụ Lục VII của UNCLOS 1982,
theo quy định tại Điều 58 và 87 của UNCLOS 1982 nếu một khi Trung Quốc tuyên bố
ADIZ tại khu vực này. Đồng thời, Việt Nam hoặc Malaysia cũng có thể yêu cầu Tòa
Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS) áp dụng các biện pháp tạm thời căn cứ theo Điều
290, Mục 5 trong UNCLOS 1982 trong lúc chờ đợi phán quyết từ Tòa Trọng Tài.
Chúng ta có thể thấy, do
vai trò và vị trí địa chiến lược quan trọng của Biển Đông đối với cộng đồng quốc
tế, cho nên sự ổn định của vùng biển này là một phần không thể tách rời đối với
lợi ích quốc gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Chính vì vậy, việc
tuyên bố ADIZ có thể sẽ tạo ra sự đoàn kết của khu vực và thế giới để chống lại
các tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.
No comments:
Post a Comment