Anh Vũ - RFI
Đăng
ngày: 11/06/2020 - 16:01
Chủ đề được các báo Pháp ra hôm nay tập trung chú ý
là kế hoạch phục hồi kinh tế của Pháp hậu Covid-19 và hệ lụy của phong trào phản
kháng bạo lực và kỳ thị màu da đang bùng lên từ châu Mỹ sang châu Âu.
Tượng Robert
Milligan bị đính tấm biển với hang chữ “Mạng sống của người da đen cũng đáng
giá”, bên ngoài Bảo tang Docklands Luân Đôn, Anh Quốc. Ảnh chụp ngày
09/06/2020 REUTERS - John Sibley
.
Pháp : Phục hồi
kinh tế, bao nhiêu tiền cho đủ
Chật vật thoát khỏi khủng
hoảng dịch bệnh, giờ chính phủ Pháp đang đau đầu vì tiền để khôi phục nền kinh
tế cũng bị virus corona đánh quỵ đang cần hồi sức tích cực. Nhật báo Le Figaro
chạy tựa chính: « Cái giá kinh khủng của khủng hoảng y tế đối với nước
Pháp ». Tờ báo cho hay, chính phủ Pháp đã phải huy động đến 460 tỷ
euro từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này có nghĩa
là thâm hụt ngân sách và nợ nần của nước Pháp tăng vọt.
Hôm qua, trong cuộc họp hội
đồng bộ trưởng, chính phủ đã trình dự luật ngân sách, lần thứ 3 điều chỉnh bổ
sung thêm hàng trăm tỷ euro kể từ đầu khủng hoảng Covid-19. Nhiều ngành kinh tế
được cứu giúp trong đó đặc biệt lĩnh vực chế tạo xe hơi, du lịch và hàng không.
Cũng cần biết là số tiền
trên chỉ để cứu trợ cho các ngành kinh tế không bị sụp đổ, còn tăng trưởng thế
nào lại là chuyện khác. Trong khi đó hoạt động kinh tế của Pháp trong năm 2020
dự tính suy giảm 12%, thâm hụt ngân sách Nhà nước sẽ chiếm trên 11% và nợ nần sẽ
đạt 120% của GDP. Những con số đó theo đánh giá của tờ báo là
« chưa từng thấy trong thời bình ». Ra khỏi cuộc khủng hoảng y
tế với thân hình tàn tệ, không biết nước Pháp có vượt qua được cuộc khủng hoảng
kinh tế tiếp theo hay không ? Xã luận của Le Figaro đặt câu hỏi.
.
Chống phân biệt chủng
tộc: Một khủng hoảng mới
Chuyển qua nhật báo
Liberation. Tờ báo dành sự quan tâm đến cuộc khủng hoảng xã hội bùng lên từ sau
cái chết của George Floyd, một người Mỹ da đen. Làn sóng biểu tình chống bạo lực
cảnh sát và phân biệt chủng tộc đã nhanh chóng lan ra từ châu Mỹ sang châu Âu,
giờ đang chuyển sang những hình thức khác.
Trên hình lớn bức tượng
Edward Colston, một nhân vật lịch sử của chế độ thực dân Anh, đặt ở thành phố
Bristol, bị bôi bẩn và đang đổ nghiêng, tờ báo chạy tựa: « Phân biệt
chủng tộc: Sự sụp đổ của những biểu tượng ».
Sau các cuộc biểu tình, bạo
động, phong trào chống phân biệt chủng tộc đang chuyển sang một hướng mới. Đó là tấn công vào các biểu tượng
tôn vinh quá khứ thực dân và chế độ nô lệ. Từ vài ngày qua liên tiếp từ
Mỹ, qua Anh đến Bỉ và đã bắt đầu ở Pháp xảy ra việc những người đấu tranh chống
kỳ thị chủng tộc bôi bẩn, phá hỏng hoặc đòi gỡ bỏ các bức tượng hay di
tích tôn vinh những nhân vật lịch sử có công trong cuộc chinh phục thuộc địa của
các nước đế quốc, thực dân cũ.
Libération đặt câu hỏi: « Hạ
một bức tượng, phải chăng cũng là hạ bệ lịch sử ? Đập phá hình tượng của một
nhân vật chủ trương chế độ nô lệ, như người ta vừa làm ở thành phố Bristol, Anh
với bức tượng của một ông Edward Colston, một chủ buôn nô lệ từ thế kỷ thứ 17,
hay với biểu tượng của tướng Lee, một người chủ trương chế độ nô lệ mà khá đông
người Mỹ đang đòi dỡ bỏ. Phải chăng như vậy là xóa bỏ quá khứ của một dân tộc? »
Đó là câu hỏi đang được đặt
ra và chia rẽ dư luận cũng như giới chính trị ở nhiều nước có quá khứ thực dân,
từng đi chinh phục và chiếm hữu nô lệ. Đây quả thực là một vấn đề nhạy cảm và
không hề đơn giản, sự việc có thể kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Libértion phân tích:
« Trước hết bởi vì các bức tượng dựng trên các quảng trường, cũng như
những cái tên đặt cho các con phố không phải là hành động của lịch sử mà là của
ký ức ». Với công việc của các nhà sử học thì không đáng kể nhưng sẽ
có ý nghĩa nhiều với một đất nước. « Các bức tượng, các tấm biển gắn ở
góc phố không chỉ là gợi nhắc lịch sử mà còn là sự tôn vinh. Khi người ta dựng
tượng ai đó, chắc chắn người ta ủng hộ, ngưỡng mộ việc làm của người đó. »
.
Vì sao lại là vấn
đề nhạy cảm phức tạp ?
Libération lấy ví dụ trường
hợp Napoléon đệ nhất. Ông là người đóng vai trò lớn trong lịch sử của nước
Pháp, tích cực hay tiêu cực thì tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Tuy
nhiên, không một con phố nào của Paris mang tên ông và thủ đô Pháp chỉ dành cho
ông 2 chỗ đặt tượng, một ở nơi nhìn không rõ, trên đỉnh cột tháp cao ở quảng
trường Vendôme, một bức tượng khác bị che khuất trong hành lang của khu bảo
tàng Invalides.
Tại sao lại như vậy ? Bởi
vì những người Cộng hòa đã đánh giá Hoàng đế là kẻ thù của tự do và vì thế ông
nên được tôn vinh kín đáo. Tương tự đó là trường hợp của thống chế Philippe
Pétain. Tên ông có ở khắp nơi trong thời gian từ 1940-1944, giờ hầu như biến mất
trong các thành phố của Pháp.
Tuy nhiên ở Pháp cũng giống
như nhiều nước có quá khứ lịch sử chinh phục thuộc địa khắp thế giới thì xóa đi
các biểu tượng của thời kỳ chiếm hữu nô lệ và khai thác thuộc địa quả là không
đơn giản chút nào.
Các đảng phái, tổ chức xã
hội dân sự đã đưa ra không ít các giải pháp nhằm xóa đi những ký ức lịch sử mà
giờ đây được nhìn nhận như đã để lại di sản phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng.
Tuy nhiên không một đề xuất nào thỏa đáng cân bằng giữa lịch sử và hiện tại.
Vẫn trong dòng sự kiện,
xã luận báo Công giáo La Croix với tựa ngắn gọn: « Lịch sử của
chúng ta » đưa ra một vài đề xuất giải pháp cho vấn đề.
Theo La Croix, khi « một
số người anh hùng của chúng ta không còn giá trị nữa tại sao giờ không dành chọn
cho họ một chỗ trong viện bảo tàng, trong các cuốn sách sử của chúng ta hay
trong các đề tài nghiên cứu ở trường đại học, còn hơn là cứ để họ lộ diện gây
tranh cãi ở nơi công cộng. Vị trí của họ chắc chắn là ở nơi khác, theo cách
khác, nhưng không phải dưới đất. Bôi bẩn lên họ là phá hoại lịch sử của riêng
chúng ta ».
.
Điện ảnh truyền
thông cũng bị Black Lives Matter tác động
Những tác động của phong
trào đấu tranh vì quyền của người da đen đã bắt đầu len vào lĩnh vực văn hóa.
Nhật báo les Echos cho hay bộ phim « "Cuốn theo chiều
gió" trong cơn bão Black Lives Matter ».
Tờ báo cho hay, trong lúc
tại Anh đang bùng lên các tranh cãi về chuyện tượng các nhân vật lịch sử
có gắn bó với chế độ chiếm hữu nô lệ hay thực dân, thì phong trào Black Lives
Matter đã lật đổ một tượng đài của điện ảnh. HBO Max, một nền tảng dịch vụ phim
trả tiền của tập đoàn AT&T đã quyết định rút bộ phim kinh điển từng đoạt 8
giải Oscar, « Cuốn theo chiều gió » ra khỏi chương trình phục
vụ. Tập đoàn đưa ra lời giải thích vì bộ phim thể hiện một số định kiến về
chủng tộc màu da, vấn đề đang rất nhạy cảm ở Mỹ. Sắp tới phim sẽ được đưa trở lại
phục vụ, không có sửa đổi nội dung nhưng sẽ bổ sung phần dẫn nhập giải thích bối
cảnh lịch sử của bộ phim.
Tờ báo cho biết thêm,
không chỉ điện ảnh, nghe nhìn bị tác động của làn sóng Black Lives Matter, báo
chí Mỹ cũng bị. Một tổng biên tập trang « Ý kiến » của báo New York
Times đã bị buộc từ chức vì đăng diễn đàn kêu gọi đưa quân đội dẹp người bạo loạn
trong các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd.
.
Châu Âu quá thận
trọng về hồ sơ Hồng Kông
Liên quan đến châu Á, nhật
báo Le Figaro trở lại với chủ đề Hồng Kông và Trung Quốc. Trong khi Le Monde trở
lại với thời sự trên bán đảo Triều Tiên với vụ việc « Bình Nhưỡng
cắt đường dây liên lạc trực tiếp với Seoul ».
Về Hồng Kông, trang quốc
tế của Le Figaro ghi nhận qua bài viết: « Trước việc quy chế của Hồng
Kông bị xói mòn, các nước châu Âu chọn chủ trương chờ thời ». Theo Le
Figaro thì vấn đề Trung Quốc thắt chặt quản lý Hồng Kông cũng là chủ đề khá ngại
ngùng cho ngoại giao Pháp.
Trong cuộc điện thoại với
chủ tịch Trung Quốc tuần trước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ bày tỏ
lại lập trường của Pháp một cách chung chung rằng Pháp tôn trọng quy chế
« một đất nước, hai chế độ » với Hồng Kông.
Trong khi đó các đồng
minh của Pháp như Mỹ, Canada, Anh và Úc thì phản ứng kiên quyết, ra cả thông
cáo chung lên án Bắc Kinh không tôn trọng các cam kết quốc tế về Hồng Kông.
Tờ báo cho rằng Pháp
không muốn làm mếch lòng Trung Quốc vì không chỉ phụ thuộc vào kinh tế, Pháp
còn cần đến Trung Quốc trong các chủ trương quốc tế lớn như xóa nợ cho các nước
châu Phi hay hồ sơ chống ô nhiễm bầu khí hậu. Le Figaro nhận định: « Chính
sách đối với Trung Quốc của Pháp mang di sản truyền thống chính trị nặng nề mà
từ thời De Gaulle cho đến Chirac, đã đặt cược vào ảo tưởng quan hệ đối tác
chiến lược với Trung Quốc ».
Sự thận trọng của Pháp đối
với vấn đề Hồng Kông cũng là thái độ của Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, EU mới
chỉ đưa ra những tuyên bố bày tỏ quan ngại, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự
trị Hồng Kông. Không hề có một chút đe dọa trả đũa nào như trong các tuyên bố từ
Luân Đôn hay Washington.
Nhưng theo các chuyên gia
được tờ báo trích dẫn thì lập trường như vậy về lâu về dài của EU là không thể
trụ được. Tình hình Hồng Kông hiện nay cần phải được các nước lên tiếng mạnh mẽ.
No comments:
Post a Comment