Saturday, June 6, 2020

BIỂU TÌNH RẦM RỘ KHẮP THẾ GIỚI PHẢN ĐỐI VỤ SÁT HẠI ÔNG GEORGE FLOYD (tổng hợp)




Người Việt Online
June 6, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Người dân khắp nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới biểu tình rầm rộ hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu, phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát, theo đài CNBC.

Người biểu tình tuần hành trên đường Pennsylvania ở Washington, DC, vào Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)

Đây là ngày biểu tình thứ 12 liên tiếp kể từ sau vụ cảnh sát làm thiệt mạng ông George Floyd ở Minneapolis, Minnesota, hôm 25 Tháng Năm.

Tại Washington, DC, hàng chục ngàn người đi tuần hành trên đường phố, và tập trung gần tòa nhà Quốc Hội, Lincoln Memorial và Lafayette Park.

Lực lượng an ninh chặn tất cả ngã đường dẫn đến Tòa Bạch Ốc. Sở Cảnh Sát Washington, DC, loan báo sẽ phong tỏa nhiều tuyến đường đến nửa đêm.

Trong khi đó, Thị Trưởng Muriel Bowser hoan nghênh người biểu tình tập trung trên con đường gần Tòa Bạch Ốc mà bà đổi tên thành “Quảng Trường Mạng Sống Người Da Màu Cũng Quan Trọng” hôm Thứ Sáu.

Hôm Thứ Hai, lực lượng an ninh liên bang bắn lựu đạn khói để giải tán người biểu tình ở khu vực này trước khi Tổng Thống Donald Trump đi bộ ngang qua đây để đến nhà thờ.
Bà Bowser nói những đoàn người biểu tình ở thủ đô vào Thứ Bảy gửi thông điệp quan trọng cho ông Trump.

“Nếu ông ấy kiểm soát được Washington, DC, ông ấy có thể kiểm soát được bất kỳ tiểu bang nào. Lúc đó, không ai chúng ta được an toàn,” bà nói. “Do đó, hôm nay, chúng ta đã đẩy quân đội khỏi thành phố của chúng ta.”

Người biểu tình tập trung tại Lincoln Memorial ở Washington, DC, hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu. (Hình: AP Photo/Alex Brandon)

“Không nên đối xử với binh lính của chúng ta như vậy, không nên yêu cầu họ tấn công công dân Mỹ. Hôm nay, chúng ta nói ‘không;’ vào Tháng Mười Một, chúng ta nói ‘mời người kế tiếp,’” bà nói tiếp.

Bà Muriel Bowser (giữa, cầm micro), thị trưởng Washington, DC, phát biểu trước người biểu tình trên con đường mới đổi tên “Quảng Trường Mạng Sống Người Da Màu Cũng Quan Trọng.” (Hình: Tasos Katopodis/Getty Images)

Những ngày qua, bà Bowser yêu cầu rút toàn bộ lực lượng an ninh liên bang cũng như Vệ Binh Quốc Gia ra khỏi Washington, DC, vì cho rằng họ “không cần” có mặt.

Tại North Carolina, hàng trăm người đến viếng tang ông Floyd ở nhà thờ trong thành phố Raeford, gần nơi ông sinh ra.

Sau đó, một buổi lễ được cử hành riêng cho gia đình ông.

Hàng trăm người dự lễ tang ông Floyd tại nhà thờ Cape Fear Conference B ở Raeford, North Carolina, hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu. (Hình: Ed Clemente/POOL/AFP via Getty Images)

Ông Roy Cooper, thống đốc North Carolina, ra lệnh treo cờ rủ khắp tiểu bang từ sáng sớm đến chiều tối vào Thứ Bảy để tưởng niệm ông Floyd.

Hàng ngàn người tuần hành qua cầu Golden Gate nổi tiếng ở San Francisco vào trưa Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu. (Hình: AP Photo/Jeff Chiu)

Tại San Francisco, hàng ngàn người tuần hành qua cầu Golden Gate nổi tiếng để phản đối vụ sát hại ông Floyd. Cuộc tuần hành bắt đầu vào buổi trưa và diễn ra ôn hòa.

Người biểu tình ở London ủng hộ phong trào “Mạng Sống Người Da Màu Cũng Quan Trọng” ở Mỹ. (Hình: AP Photo/Frank Augstein)

Trong ngày Thứ Bảy, nhiều cuộc biểu tình lớn cũng diễn ra khắp Âu Châu và Úc. Hàng chục ngàn người biểu tình kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát ở đất nước họ. 

Tại Anh, người biểu tình tập trung trên Parliament Square ở trung tâm London bày tỏ sự ủng hộ cho phong trào “Mạng Sống Người Da Màu Cũng Quan Trọng,” bất chấp chính phủ Anh kêu gọi tránh tụ tập đông đúc vì lo sợ COVID-19 lây lan.

Người biểu tình ở Paris tập trung trước Tháp Eiffel biểu tượng. (Hình: Geoffroy Van Der Hasselt/AFP via Getty Images)

Những cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại các thành phố lớn khác ở Âu Châu, như Paris và Nice của Pháp; Turin của Ý; Berlin, Frankfurt và Cologne của Đức.

Biểu tình vụ ông George Floyd ở Sydney, Úc, hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu. (Hình: AP Photo/Rick Rycroft)

Còn tại Úc, rất đông người biểu tình xuống đường ở ba thành phố lớn Sydney, Melbourne và Brisbane. Ngoài việc ủng hộ phong trào “Mạng Sống Người Da Màu Cũng Quan Trọng” ở Mỹ, người biểu tình cũng kêu gọi đối xử tốt hơn với dân Úc bản địa. (Th.Long) [qd]

-----------------------------------------------------------------------------
.
Dân Trí   (Theo Reuters)
Chủ Nhật 07/06/2020 - 06:50

 Hàng trăm nghìn người ở Mỹ đã xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát sau vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết.

Người biểu tình tập trung bên ngoài Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington ngày 6/6. (Ảnh: Reuters)

Theo Guardian, hàng trăm nghìn người ở nhiều thành phố của Mỹ ngày 6/6 đã xuống đường tuần hành trong cuộc biểu tình lớn nhất trong vòng 12 ngày qua kể từ sau vụ Floyd bị cảnh sát Minneapolis ghì cổ hôm 25/5.

Một người biểu tình gần Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Biểu tình ôn hòa bên ngoài Nhà Trắng ngày 6/6. (Ảnh: Reuters)

ại thủ đô Washington, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình tại các địa điểm như bên ngoài Nhà Trắng, Điện Capitol (Quốc hội Mỹ). Các cuộc biểu tình nhìn chung ôn hòa, người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như "Đừng bắn", "Không thở được" hay "Chúng tôi tuần hành vì hy vọng, không phải vì sự thù ghét". Nhiều người biểu tình nói chuyện vui vẻ với lực lượng an ninh hoặc thậm chí nhảy múa.

Một binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia Mỹ gác tại Đài tưởng niệm Lincoln khi các cuộc biểu tình diễn ra. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc biểu tình nhìn chung là ôn hòa thay vì bạo lực, cướp bóc, đốt phá như những ngày đầu. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, hàng trăm người đã quỳ gối khoảng 9 phút bên ngoài một trụ sở văn phòng của Thượng viện để tưởng niệm Floyd, người bị cảnh sát ghì cổ trong gần 9 phút dẫn đến tử vong.

"Tôi chỉ hy vọng rằng những gì đang diễn ra sẽ dẫn đến thay đổi. Mọi người đã quỳ xuống, phản đối và cầu xin trong một thời gian dài và như vậy là quá đủ rồi", Katrina Fernandez, 42 tuổi, cho biết khi tham gia các cuộc biểu tình gần Nhà Trắng chiều 6/6.
Washington đã chuẩn bị sẵn các phương án để đối phó với cuộc biểu tình quy mô lớn này, bao gồm gia cố hàng rào an ninh Nhà Trắng, cấm đường tại một số tuyến phố, yêu cầu các tài xế lái xe vào thành phố nếu không cần thiết.

Biểu tình gần tòa nhà quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tại New York, hàng nghìn người tập trung gần Công viên trung tâm, trong khi các nhóm khác tuần hành qua cầu Brooklyn vào khu vực trung tâm Manhattan.

Tại bang California, các cuộc tuần hành xảy ra ở nhiều thành phố trong đó có Los Angeles, San Fancisco.

Cuộc biểu tình quy mô lớn này diễn ra trùng thời điểm diễn ra lễ tang thứ hai của Floyd tại một thị trấn ở Bắc Carolina. Công dân da màu Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì cổ đến chết hôm 25/5 sau khi bị tố giác dùng tiền giả. Cái chết của Floyd đã thổi bùng sự giận dữ của dư luận, đặc biệt là cộng đồng người da màu. Làn sóng biểu tình ở Mỹ đã bước sang ngày thứ 12 và lan ra nhiều nơi trên thế giới.

Hơn 43.000 thành viên thuộc Vệ binh Quốc gia đã được huy động để ứng phó các cuộc biểu tình bạo loạn trên khắp nước Mỹ.

Hàng chục nghìn binh sĩ Vệ binh Quốc gia được huy động ứng phó biểu tình khắp nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Minh Phương
Theo Reuters

-------------------------------------------------
.
Lao Động Online
07/06/2020 | 07:42

Sau cái chết của George Floyd, hàng nghìn người trên khắp 3 châu lục đã biểu tình để đòi công lý cho người da đen hôm 6.6.


Biểu tình ở Stuttgart, Đức. Ảnh: Getty Images

Hàng nghìn người đã xuống đường ở khắp Châu Âu và Australia, cũng như hàng trăm người ở Tokyo và Seoul, để ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ trong những ngày qua chống lại sự tàn bạo của cảnh sát.

Biểu tình ở Melbourne, Australia, ngày 6.6. Ảnh: AFP

Các cuộc biểu tình khắp toàn cầu phản ánh sự phẫn nộ ngày càng tăng về sự đối xử của cảnh sát đối với các sắc dân thiểu số, bùng lên sau vụ sát hại người đàn ông da đen George Floyd vào ngày 25.5 tại thành phố Minneapolis sau khi một viên cảnh sát khống chế ông này bằng cách đè đầu gối lên cổ trong gần chín phút trong khi các viên cảnh sát khác đứng nhìn.

Theo Reuters, Châu Âu đã chứng kiến một làn sóng các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc chưa từng có thu hút hàng chục nghìn người xuống đường.

Tại London, hàng ngàn người biểu tình bất chấp thời tiết ẩm ướt tụ tập tại Quảng trường Nghị viện, đeo khẩu trang đề phòng mối đe dọa từ COVID-19 và vẫy biểu ngữ và hô khẩu hiệu: “Không công lý, không hòa bình, không cảnh sát phân biệt chủng tộc”.

Tuần hành từ Đại sứ quán Mỹ ở Pretoria, Nam Phi đến Văn phòng Tổng thống. Ảnh: AFP

Tại Berlin, những người biểu tình tụ tập chật cứng quảng trường trung tâm Alexanderplatz, trong khi các cuộc biểu tình khác được tổ chức tại Hamburg và Warsaw, Ba Lan.

Tại Paris, nhà chức trách cấm các cuộc biểu tình được lên kế hoạch định diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ và trên các bãi cỏ gần Tháp Eiffel.

Biểu tình ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Dù vậy hàng trăm người biểu tình, một số người cầm biểu ngữ “Black Lives Matter” (Người da đen đáng được sống), tập trung tại quảng trường Place de la Concorde, gần đại sứ quán. Cảnh sát đã dựng một rào chắn dài trên quảng trường để ngăn người biểu tình đến gần đại sứ quán, vốn cũng gần dinh tổng thống Élysée.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại hạn chế hơn vì các quy định về giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Người biểu tình quỳ gối ở Liege, Bỉ. Ảnh: AFP

Tại Brisbane, một trong một số thành phố của Australia có các cuộc tập hợp, cảnh sát ước tính 10.000 người tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa vào ngày 6.6, đeo khẩu trang và cầm biểu ngữ Black Lives Matter. Nhiều người khoác cờ của người bản địa, kêu gọi chấm dứt sự ngược đãi của cảnh sát đối với người Australia bản địa.

Các biểu ngữ và khẩu hiệu không chỉ tập trung vào George Floyd mà còn vào một loạt các tranh cãi khác ở từng quốc gia cụ thể cũng như sự ngược đãi các nhóm dân thiểu số nói chung.

Biểu tình ở Tokyo, Nhật Bản Ảnh: AP

Tại Tokyo, những người tuần hành phản đối điều mà họ nói là sự ngược đãi của cảnh sát đối với một người đàn ông người Kurd nói rằng ông ta bị dừng xe lại và bị xô xuống đất. Những người tổ chức cho biết họ cũng tuần hành ủng hộ phong trào Black Lives Matter.

Biểu tình ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: AFP

Tại Seoul, hàng chục nhà hoạt động người Hàn Quốc và cư dân nước ngoài tụ tập, một số người đeo khẩu trang màu đen với dòng chữ “can’t breathe” (không thở được) bằng tiếng Hàn, lặp lại những lời cuối cùng của George Floyd khi ông nằm trên vỉa hè.

SONG MINH






No comments: