Monday, June 8, 2020

BẠO ĐỘNG LÀ CON ĐẺ CỦA DỐI TRÁ (Chu Văn)




8/06/20

Mỗi lần nhớ đến cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi luôn nghĩ đến câu nói để đời của ông : "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm". Và kèm với câu nói đã trở thành danh ngôn ấy, tôi cũng luôn nhớ đến một cử chỉ đẹp của ông trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Ngày 6/6/1972, sau khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm tỉnh Quảng Trị, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến thăm nhà thờ công giáo La Vang đổ nát.

Theo những hình ảnh được các phóng viên ngoại quốc cũng như đài truyền hình Việt Nam ghi nhận, ngày 6/6/1972, sau khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm tỉnh Quảng Trị, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến thăm nhà thờ công giáo La Vang đổ nát. Vào bên trong nhà thờ, ông đã quỳ gối trên đống gạch vụn, làm dấu thánh giá và cầu nguyện. Là một tín hữu Kitô, tôi thực sự xúc động khi theo dõi cử chỉ biểu lộ niềm tin một cách thành tâm của vị nguyên thủ quốc gia.

Trong những ngày vừa qua, sở dĩ cử chỉ quỳ gối của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hiện về trong ký ức của tôi là bởi vì chưa bao giờ thế giới nhìn thấy hay nghe nói đến cử chỉ này nhiều cho bằng lúc này tại Hoa Kỳ cũng như tại rất nhiều nước khác ở Châu Âu, Châu Á và Úc Đại Lợi. Hầu như trong bất cứ cuộc biểu tình nào để đòi hỏi công lý cho người đàn ông da đen George Floyd bị một cảnh sát da trắng sát hại, người ta cũng đều thấy có những người, kể cả cảnh sát, quỳ gối. Ngay cả các chính trị gia và các tuyển thủ của các đội thể thao nổi tiếng trên thế giới cũng đã quỳ gối mặc niệm. Người ta quỳ gối để ghi lại thước phim dài 8 phút 46 giây qua đó viên cảnh sát da trắng đã dùng đầu gối quỳ đè lên cổ một người vô phương tự vệ đến nghẹt thở.

Bất cứ cuộc biểu tình nào để đòi hỏi công lý cho người đàn ông da đen George Floyd bị một cảnh sát da trắng sát hại, người ta cũng đều thấy có những người, kể cả cảnh sát, quỳ gối.

Người ta quỳ gối trong thinh lặng để đối lại nét mặt vô cảm đến độc ác tàn bạo của viên cảnh sát trước những lời van xin tha thiết của nạn nhân. Người ta quỳ gối để kêu gọi trả lại ý nghĩa cao đẹp của cử chỉ quỳ gối : quỳ gối để bày tỏ lòng sám hối, khiêm tốn, khoan nhượng, cảm thông... chớ không phải để thể hiện sự độc ác tàn bạo và vô nhân đạo.

Không gì tráo trở và bỉ ổi bằng đánh tráo ý nghĩa của những cử chỉ cao đẹp. Trong những ngày gần đây, khi theo dõi chuyện ở Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều người Việt trong cũng như ở nước ngoài đã chú ý một cách đặc biệt đến lời tuyên bố của một bị cáo trong một phiên tòa ở Việt Nam. Bị cáo là bà Diệp Thị Hồng Liên, người đã từng là Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình ngoài Bắc. Tại phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, bà Liên đã tuyên bố : "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Xưa nay và ở đâu, ai cũng đều xem tư thế "thẳng lưng" là biểu tượng của tính lương thiện. Nhưng khi biện minh cho hành động gian lận của mình, người đã từng đứng đầu một cơ quan giáo dục lại cho rằng khi mọi người đều xấu thì có sống lương thiện, chính trực và thanh liêm cũng là "xấu".

Lời nói công khai tại tòa của bà Diệp Thị Hồng Liên, bị cáo : "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" làm đau lòng tất cả những ai còn tự trọng.

Nhiều người cho đây là một câu nói vô liêm sỉ. Người ta nhắc lại giai thoại về cuộc đối thoại giữa một chính trị gia và nhà thơ nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc là Khuất Nguyên (340-278 trước Công nguyên) và một ông lão đánh cá. Khuất Nguyên bị các quan gièm pha. Nhà vua tin lời các quan cho nên loại ông ra khỏi triều đình. Trông ông thất thểu, một ông lão đánh cá mới hỏi cho biết cớ sự. Khuất Nguyên trả lời : "Đời đục, một mình ta trong ; người say có một mình ta tỉnh cho nên ta mới bị ruồng rẫy". Lão đánh cá mới khuyên : "Đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể ; loài người say cả, sao ông không ăn cả bả, húp cả hèm cho say một thể ? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải bị ruồng bỏ ?" (1).

Triết lý sống của ông lão đánh cá như được thể hiện qua câu nói của bà Liên quả là cách suy nghĩ và hành động của những người vô liêm sỉ. Nhưng với tôi, bà Liên cũng chỉ là sản phẩm của một chế độ được xây dựng trên dối trá. Ông quan tòa xét xử bà, nếu có được ngồi chễm chệ trên ghế thẩm phán để xét xử người khác, có lẽ cũng chẳng liêm sỉ hơn. Luật ông dùng để xét xử là luật rừng và công lý ông nại đến để cầm cân nẩy mực cũng chỉ là công lý của bạo lực. Bà Liên có thể là một người vô liêm sỉ, nhưng câu nói và hành xử của bà phản ảnh đúng cái xã hội đồi bại do chế độ cộng sản dựng lên. Trong chế độ mà dối trá là bản chất, mọi thứ đều bị đảo lộn. "Thẳng lưng" là khuyết tật. Giải phóng là đàn áp. Tự do là nô lệ. Công lý là dùi cui, báng súng, nhà tù. Nhứt là kể từ khi "đạo đức cách mạng" được áp đặt lên nhân dân Việt Nam, thì đạo đức có nghĩa là dối trá, lươn lẹo, lưu manh, vô cảm, tàn nhẫn. Người dám đứng thẳng để sống lương thiện và lên tiếng đòi hỏi công lý bị xem là phần tử phản động, xấu xa. Kẻ độc ác, tàn bạo, lưu manh... lại được tán dương là người tốt !

Để có thể xây dựng và duy trì một chế độ trên nền tảng của dối trá, người ta buộc phải sử dụng bạo lực. Văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn (1918-2008), tác giả của quyển tiểu thuyết nổi tiếng "Quần đảo Gulag", đã giải thích : "Bạo lực chỉ có thể được che đậy bởi dối trá và dối trá chỉ có thể được duy trì bằng bạo lực. Bất cứ ai đã một lần tuyên bố xem bạo lực như phương pháp (hành động) thì đương nhiên bị buộc phải xem dối trá như nguyên tắc".

Câu nói trên đây của văn hào Solzhenitsyn không khỏi làm tôi nghĩ đến cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày vừa qua khi ông kêu gọi sử dụng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân.

Nhà tỷ phú địa ốc đã hơn 6 lần khai phá sản, trốn thuế, dựng lên một đại học ma, lợi dụng Quỹ từ thiện cho mục đích chính trị này... là một minh họa hùng hồn cho liên minh giữa bạo lực và dối trá.

Không phải một sớm một chiều mà tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ có chủ trương sử dụng bạo lực. Bạo lực đã có sẵn trong máu của ông. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Playboy hồi năm 1990, khi được hỏi về việc Trung Quốc đàn áp dã man cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn dạo đầu tháng Sáu năm 1989, tỷ phú địa ốc Trump tuyên bố : "Khi các sinh viên tràn vào Quảng trường Thiên An Môn, chính phủ Trung Quốc đã gần như đè bẹp được. Rồi chúng trở nên bạo động và hung dữ, nhưng họ (chính phủ Trung Quốc) đã dùng sức mạnh để dẹp yên. Điều này cho thấy sức mạnh của bạo lực. Hiện nay đất nước của chúng ta bị xem là yếu... bị cả thế giới sỉ vả".

Khi được hỏi về tình hình ở Liên Xô, tỷ phú Trump nói rằng ông thấy chẳng có gì để ngưỡng mộ chủ tịch Liên Xô lúc bấy giờ là ông Mikhail Gorbachev, mặc dù nhà lãnh đạo này đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì đã giúp giới hạn vũ khí hạt nhân, chấm dứt chiến tranh lạnh và ngăn chặn những vụ vi phạm nhân quyền. Ông Trump khẳng định : "Ông ta "không đủ cứng rắn", vì đã để cho chế độ cộng sản sụp đổ !" (2).

Thì ra thế. Bây giờ thì tôi hiểu được tại sao đương kim tổng thống Mỹ ra lệnh sử dụng quân đội để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. Chê bai ông Gorbachev là "hèn yếu", nhưng lại đề cao sức mạnh bạo lực của Trung Quốc, Tổng thống Trump lúc nào cũng muốn tỏ ra mình là người hùng mạnh bằng bạo lực : bạo lực trong lời nói với các đối thủ chính trị và bất cứ ai bất đồng ý kiến với ông, bạo lực bằng súng đạn với những người biểu tình ôn hòa. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/4/2016, ứng cử viên Trump đã tỏ ra tâm đắc với câu "mắt đền mắt, răng thế răng" trong Cựu Ước của Do Thái giáo (3).

Bạo lực là con đẻ của dối trá. Tôi có thể chủ quan khi đánh giá về trí tuệ, tâm lý, tính khí, tư cách của Tổng thống Trump. Nhưng tôi dám khẳng định như đinh đóng cột rằng nơi ông không hề có bất cứ một làn ranh nào giữa sự thật và dối trá. Báo The Washington Post và toán kiểm chứng sự kiện của tờ báo đã xác quyết rằng tính đến ngày 3/4/2020, nghĩa là chỉ trong 1.170 ngày lãnh đạo quốc gia, Tổng thống Trump đã đưa ra tất cả 18.000 lời tuyên bố dối trá. Tính trung bình mỗi ngày ông nói dối 15.38 lần (4). Không biết "thằng Cuội" của Việt Nam hay người gỗ Pinocchio của nhà văn Ý Carlo Collodi có đủ sức để tranh tài nói dối với Tổng thống Trump không ?

Dối trá là một phạm trù đạo đức. Một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có thế giá nhứt trên thế giới hiện nay là Đạt Lai Lạt Ma chắc chắn đã nghĩ đến kỷ lục dối trá của Tổng thống Trump khi Ngài khẳng định trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài BBC rằng : "Hôm nay ông ta nói một điều. Hôm sau ông ta lại nói ngược lại. Nhưng tôi nghĩ rằng ông ta là người thiếu nguyên tắc đạo đức" (5).

Dùng bạo lực để biện minh cho dối trá, tổng thống Trump cũng dùng cả biểu tượng tôn giáo để che đậy sự dối trá. Tôi chưa từng thấy có hành động nào lố bịch và trơ trẽn cho bằng dùng bạo lực để dẹp tan một đám biểu tình ôn hòa rồi đến trước cửa giáo đường để chụp hình với quyển Kinh Thánh được giơ lên hay đứng mỉm cười trước tượng của một vị thánh công giáo là cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Những vần thơ của nữ sĩ Emma Lazarus

Chưa bao giờ quốc gia vĩ đại Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng thê thảm như hiện nay. Vào giữa lúc con số người chết vì đại dịch Covid-19 đã lên quá 112.000 người, Hoa Kỳ còn rơi vào hỗn loạn chưa từng thấy. Tôi không dám làm thày dùi. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu thay vì chụp hình với Quyển Kinh Thánh, Tổng thống Trump hãy đến trước cửa của trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để đọc câu trích từ Sách Tiên tri Isaia : "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Isaia 2,4), còn nếu như để khỏi mang tiếng là tổng thống của riêng người Mỹ theo Kitô giáo, ông hãy đến quỳ gối trước tượng Nữ Thần Tự Do để suy gẫm những vần thơ của nữ thi sĩ Emma Lazarus :

"Hãy trao cho ta đám người kiệt sức, nghèo khổ, đám người nheo nhóc khao khát hơi thở tự do, những người khốn khó rác rưởi trôi dạt từ bờ bến chen chúc. Hãy gởi đến cho ta những kẻ không nhà, bị giông tố vùi dập. Ta giương ngọn đèn bên cánh cửa vàng"... nếu Tổng thống Trump làm được như thế, nước Mỹ may ra mới hết hỗn loạn và thực sự "vĩ đại trở lại".

Chu Văn
(08/06/2020)
-------------------











No comments: