Diễm
Thi, RFA
2020-06-22
2020-06-22
Tự do báo chí thời
Pháp
Trong cuốn “Đây
"công lý" của thực dân Pháp ở Đông Dương!” của tác giả Nguyễn Ái Quốc
được NXB Sự Thật phát hành ở Hà Nội năm 1962 có bài viết về ‘Chế độ báo chí’.
Nguyễn Ái Quốc là tên ông Hồ Chí Minh sử dụng từ ngày 18 tháng 6 năm 1919 đến
ngày 13 tháng 8 năm 1942.
Ở trang 81 tác giả viết rằng:
“Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ
báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng
tiếng mẹ đẻ của chúng tôi…
Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được
phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế
hay văn học như ta thấy ở các nước Châu Âu hay Châu Á khác, chứ không phải là một
tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến
chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca
tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế,
thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng nêu quan điểm của ông về phát biểu vừa nêu mà
ông Hồ Chí Minh đề cập đến báo chí Việt Nam thời Pháp:
“Vấn đề này chúng ta phải nhìn lại lịch sử. Năm 1925
ở Pháp, ông Nguyễn Ái Quốc tố cáo chuyện ở Đông Dương không có tự do báo chí.
Chuyện đó là hoàn toàn sai.
Báo chí Sài Gòn được hưởng chế độ như Pháp, hoàn
toàn có thể tự do ra báo. Nếu báo bằng tiếng Việt Nam thì cần phải xin phép
nhưng không bị kiểm duyệt. Đến năm 1915 thì báo chí tự do bắt đầu ra Bắc và tự
do báo chí ngày đó rất dễ dàng. Điều này chúng ta có thể tìm hiểu qua lịch sử
hoặc qua hồi ký của ông Vũ Bằng, cuốn “40 năm nói láo”. Qua đó chúng ta thấy thời Pháp thuộc Việt Nam hoàn
toàn có tự do báo chí chứ không phải như ông Nguyễn Ái Quốc nói.”
Theo tư liệu của Bảo tàng
Lịch sử Việt Nam, từ 1865 đến cuối năm 1918 có khoảng hơn 20 tờ báo tiếng Việt
xuất bản trong cả nước, gồm các tờ như: Gia Định Báo (1865-1910), Đại Nam Đăng
cổ tùng báo (1892-1907), Nông Cổ Mín Đàm (1901- 1924), Công Luận báo
(1916-1939), Nam Trung nhật báo (1917-1921), Nam Phong tạp chí (1917-1934)…
Những năm đầu thế kỷ 20,
quá trình đô thị hóa, lối sống thị dân ... đã tạo điều kiện cho báo chí phát
triển phong phú hơn.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận định về báo chí Viêt Nam thời Pháp thuộc:
“Thời Pháp thuộc người ta giúp cho Việt Nam làm báo.
Người Việt Nam làm báo là nhờ người Pháp mới hiểu được báo chí là như thế nào.
Cũng có thời kỳ người ta kìm kẹp, người ta hướng dư luận theo ý người ta nhưng
nhìn chung là báo chí rất tự do.
Dĩ nhiên hồi người Pháp mới hướng dẫn cho người Việt
Nam làm báo cũng có chỉ đạo này chỉ đạo khác và cũng cho báo làm theo hướng này
hướng kia mà không đụng tới mẫu quốc hay sự cai trị của Pháp. Nhưng mà so với
bây giờ thì họ vẫn nhẹ nhàng, lịch sự, đàng hoàng hơn nhiều.”
Ông Chênh kết luận rằng, thời đó, bên cạnh báo của người Pháp thì họ
vẫn cho người Việt Nam ra báo tư nhân. Bây giờ thì toàn bộ báo chí là của đảng
cộng sản. Chỉ có cơ quan nhà nước và cơ quan đảng mới ra báo.
Ngày 21
tháng 6 năm 1925, tờ “Thanh Niên” do ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời. Đến ngày 5 tháng 2 năm 1985, đảng cộng sản
quyết định lấy ngày 21 tháng 6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Đến ngày 21
tháng 6 năm 2000, kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, Bộ Chính trị đổi Ngày
báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
“Tự do báo chí” thời
nay
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng, với tiêu chí chỉ có cơ quan đoàn thể
của nhà nước và của đảng mới được ra báo mà không dựa trên cơ sở nào hết thì
không thể có báo chí tư nhân. Vào thời kỳ đổi mới, cũng có ý kiến cho báo chí
tư nhân, nhưng hầu hết các đại biểu quốc hội là đảng viên phát biểu rằng ‘chúng
ta không cần báo chí tư nhân’. Ông nói thêm:
“Toàn bộ báo
chí phải do đảng cho phép qua công cụ là nhà nước. Các cơ quan, đoàn thể, bộ, ngành, sở, ban mới được quyền ra báo. Ra báo
nhiều quá bây giờ loạn, lại phải quy hoạch lại báo chí, tổ chức lại. Thật ra mấy trăm tờ báo cũng chỉ có một tổng
biên tập mà thôi.
Khi nào hết đảng
cộng sản thì mới có báo chí tư nhân, tức là hết độc tài cộng sản thì sẽ có
báo chí tư nhân. Bây giờ hoàn toàn không có tự
do ngôn luận, không có tự do báo chí. Người dân phát biểu, biểu đạt qua mạng xã
hội.”
Dưới sự toàn trị của đảng
cộng sản, từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, Việt Nam hoàn
toàn không có báo chí tư nhân. Nhà báo Ngô Nhật Đăng nói về báo chí Việt
Nam từ ngày cộng sản nắm quyền cai trị:
"Ở Hà Nội thì báo chí tư nhân bị xóa sổ hoàn
toàn vào năm 1956 sau vụ ‘Nhân văn Giai phẩm’. Ông Hồ ra sắc lệnh về báo chí
trong đó có điều luật quy định nhiệm vụ của báo chí Việt Nam rất rõ. Lúc đó báo
chí Việt Nam bị biến thành nền báo chí công cụ, theo cách gọi của nhà báo chúng
tôi. Trong khi thiên chức của báo chí thì không là công cụ cho bất kỳ một tổ chức
nào, bất kỳ một đảng phái nào cả..
Theo như tôi nghĩ thì đây là sự lo sợ quá đáng về
phía nhà nước. Dù không có báo chí tư nhân thì đã có mạng xã hội, nhưng nếu có
báo chí tư nhân thì các phát biểu, các bài báo sẽ có trách nhiệm hơn. Tôi nghĩ
rằng đây cũng là một đặc điểm của một chế độ tồn tại quá lâu mà không có một sự
biến chuyển nào thì nó sinh ra một tâm lý trơ lỳ.”
Theo nhà báo này, nếu
không vì nỗi sợ bản năng mà nhà nước cho ra đời một vài tờ báo tư nhân thì cái
nhìn của người dân về chế độ, về xã hội sẽ khác đi. Bây giờ cần một sự khoan
dung, kể cả trong chính trị. Đó là điều rất cần thiết nếu muốn đất nước đi lên
một cách hòa bình.
Vì không có báo chí tư
nhân nên mạng xã hội là nơi người dân tìm đọc những thông tin được cho là “nhạy
cảm chính trị” trong xã hội. Theo số liệu thống kê thì có đến 58 triệu người tại
Việt Nam dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số
này đến 8 triệu người dùng so với năm 2018.
Anh Phạm Minh Vũ, một người chọn mạng xã hội để nói lên những bất công trong xã hội
cũng như những điều chính quyền cần thay đổi, bởi ngoài mạng xã hội thì người
dân không có chỗ bày tỏ chính kiến của mình. Nhân ngày Việt Nam kỷ niệm Ngày
báo chí cách mạng, anh viết trên facebook dòng trạng thái mà RFA đã xin phép được
chia sẻ:
“Năm thứ 2 học ngành Báo chí, môn đạo đức Báo chí,
bài đầu tiên tôi được học là 'làm báo, sứ mệnh cao nhất là bảo vệ đảng'.
Với một sinh viên với tâm hồn non nớt về XHCN, bài học
đầu tiên ấy cũng là bài học cuối cùng về niềm tin, nó đã chấm dứt mong muốn thực
hiện khát khao làm một phóng viên thật sự.”
Việt Nam xếp
thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020 theo xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố vào ngày
21 tháng 4 năm 2020.
****
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment