21/06/2020
Trong lúc bạn đọc bài viết
này, Ban
Tôn giáo Chính phủ đang tiêu 64 tỷ 900 triệu đồng, nhưng không công khai
ngân sách chi tiết, chỉ biết rằng 60 tỷ 700 triệu sẽ dành cho hoạt động của cơ
quan.
Các lãnh đạo của
Ban Tôn giáo Chính phủ từ trái qua: Trưởng ban Vũ Chiến Thắng, Phó trưởng ban
Nguyễn Ánh Chức và Phó trưởng ban Trần Thị Minh Nga. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ
Ở cấp địa phương, Luật
Khoa đã đọc tất cả các dự toán ngân sách năm 2020 của các tỉnh thành nhưng chỉ
có 14 địa phương kê khai số tiền đã chi cho ban tôn giáo của tỉnh mình.
Năm 2020, ban tôn giáo của
14 tỉnh này được cấp 33 tỷ 965 triệu đồng. Nếu dùng con số này nhân lên cho 63
tỉnh thành, tổng số tiền sẽ vào khoảng hơn 152 tỷ 840 triệu đồng, bằng khoảng
60% ngân sách của Đài truyền hình Việt Nam năm 2020.
Tỉnh Phú Thọ sẽ dành 600 triệu đồng trong 1 tỷ 885 triệu đồng được cấp để chúc mừng,
thăm hỏi các chức việc, chức sắc tôn giáo.
Còn ở Thanh Hóa, Ban
Tôn giáo tỉnh này được chi 5 tỷ 140 triệu đồng, gấp 5 lần số tiền cấp cho
Làng trẻ em SOS của tỉnh, nhưng không công khai sử dụng tiền vào việc gì.
Ngân sách 2020 của
ban tôn giáo ở 14 tỉnh
Những con số trên chưa
bao gồm ngân sách đã cấp cho hàng trăm phòng tôn giáo của các quận, huyện,
thành phố trực thuộc tỉnh.
Rốt cuộc, Ban Tôn giáo
Chính phủ và cơ quan tôn giáo ở các địa phương là những cơ quan như thế nào, liệu
có xứng đáng để dùng tiền thuế của người dân?
Ngày xửa, ngày
xưa…
Theo
Ban Tôn giáo chính phủ, vào năm 1955, tiền thân của cơ quan này được thành
lập với tên gọi là Ban Tôn giáo Trung ương, trực thuộc Thủ tướng phủ.
Vào lúc đó, nhiệm vụ của
cơ quan này là: “Làm đầu mối liên hệ với các tôn giáo, chủ yếu thực hiện chức
năng vận động”.
Nhưng thật sự cơ quan này
đã “liên hệ” và “vận động” các tôn giáo như thế nào khi đất nước mới chia đôi
vào lúc đó?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
đã viết trong Việt Nam Phật giáo Sử luận rằng khi đó ở miền Bắc không tạp chí
Phật giáo nào được xuất bản, không Phật học viện nào được thu nhận học tăng,
không có kinh sách nào được in ấn, đến cô nhi viện cũng phải đóng cửa, thiền sư
dưới 30 tuổi phải bỏ áo tăng thay áo lính hoặc thay áo nông dân để sản xuất,
giáo hội không còn tài sản để hành đạo, đất ruộng nhà chùa phải hiến cho nhà nước
để xây dựng chủ nghĩa xã hội. [1]
Những vị danh tăng bất đồng
với chính quyền liền bị cô lập cho đến lúc chết như Hòa thượng Thích Tố Liên,
Hòa thượng Thích Vĩnh Tường, Hòa thượng Thích Trí Hải…
Cho đến năm 1975, truyền
thống kiểm soát và thuần phục tôn giáo miền Bắc được áp dụng cho miền Nam. Hàng
loạt các vụ tự thiêu các tăng ni xảy ra ở nhiều nơi để phản đối chính sách kỳ
thị tôn giáo miền Nam của chính quyền mới, những nhà sư bị bắt đi cải tạo, tra
tấn, có người đã chết trong trại giam như Hòa thượng Thích Thiện Minh, hay phải
ngồi xe lăn sau một thời gian bị giam cầm như Hòa thượng Thích Trí Quang.
Cho đến cuối những năm
1980, chính phủ vẫn xem tôn giáo, tín ngưỡng dân gian như một vật cản để tiến
lên xã hội chủ nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài vẫn bị cho là “tà đạo”, là
công cụ của ngoại quốc.
Cho đến những năm 1990, đảng
mới bắt đầu nhận thấy rằng đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với chính
sách “Đổi Mới”.
Ban Tôn giáo Chính phủ
lúc này có nhiệm vụ vừa kiểm soát vừa tận dụng sức mạnh của tôn giáo; các phong
tục thờ cúng tổ tiên hết bị xem là mê tín dị đoan; kêu gọi thuyền nhân về nước
để cúng bái và gửi ngoại tệ về cho họ hàng.
Đến cuối những năm 1990,
đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo mới được công nhận một cách dè dặt khi hàng
triệu tín đồ đã trải qua hơn 20 năm bị chính quyền kỳ thị.
Ngày nảy, ngày
nay…
Ba hoạt động gần đây của
Ban Tôn giáo Chính phủ có thể khái quát được một vài nhiệm vụ của cơ quan này
hiện nay, ngoài các nhiệm vụ làm luật và kiểm soát xuất bản các ấn phẩm về tôn
giáo.
Một là ông vụ trưởng Vụ
Cao Đài, Đinh Quang Tiến, đến
gặp Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Nhơn sanh
toàn phái.
Theo Ban Tôn giáo Chính
phủ, trong cuộc gặp này, ông Tiến đã chỉ đạo những công việc nội bộ cho hội
thánh như “xây dựng quy chế chức sắc hữu công, hàm phong; quy chế giải quyết
đơn thư khiếu kiện; công cử chức sắc đủ tiêu chuẩn bổ sung cho Thượng hội, Ban
Thường trực, các Viện của Hội thánh”.
Hai là Phó trưởng ban Trần
Thị Minh Nga chủ trì hội
thảo “lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”
với sự tham gia từ Mặt Trận Tổ Quốc, Bộ Công an đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch.
Không chỉ kiểm soát các
tôn giáo trong nước, Ban Tôn giáo Chính phủ còn vươn cánh tay của mình ra đến
nước ngoài.
Ngày 18/6/2020, lãnh đạo
Ban Tôn giáo Chính phủ và Uỷ ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài đã họp
về tình hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của 5 triệu người Việt ở ngoại quốc.
Trong cuộc họp này, Ban
Tôn giáo Chính phủ đã xác nhận hàng năm ban này đã tổ chức những chuyến đi nước
ngoài để “vừa gặp gỡ cộng đồng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, trao đổi
với chính quyền sở tại, đề nghị giúp đỡ cộng đồng người Việt trong sinh hoạt
tôn giáo, tâm linh”.
Trên website của Ban Tôn
giáo Chính phủ, các hoạt động của họ thường được biết đến như tổ chức các hội
nghị, đi lại khắp nơi từ trong nước ra đến nước ngoài để làm việc với các tôn
giáo và chính quyền ở các tỉnh thành. Tuy nhiên, ban này không công khai ngân
sách như các cơ quan khác.
Trong ngân sách dự toán
năm 2020, ban này là cơ quan duy nhất của Bộ Nội vụ được chi 1 tỷ đồng cho sự
nghiệp bảo vệ môi trường. Một phần số tiền này có lẽ được chi cho “Hội nghị
Toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường
và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Đến nay, Ban Tôn giáo
Chính phủ đã trở thành một “giáo hội” của các giáo hội ở Việt Nam, khi vừa can
thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo vừa cố gắng định hướng “chuẩn mực
tôn giáo” cho xã hội.
Khác với các nước dân chủ,
nơi các tổ chức tôn giáo hoạt động độc lập, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam muốn
được công nhận thì phải hoạt động như một cơ quan của chính quyền, mà ở đó Ban
Tôn giáo Chính phủ như là một tổ chức trung gian thay mặt nhà nước điều hành
các hoạt động tôn giáo.
Những “thành tựu”
đáng kể nhưng chưa được kể
Ban Tôn giáo Chính phủ
cũng có những thành tựu đáng kể nhưng chưa được kể trên trang web của mình.
Hiện nay, ở Thái Lan, có
hơn một nghìn người Thượng đang tị nạn tôn giáo. Những người này đã mang theo vợ,
con rời ngôi làng của mình ở Tây Nguyên để chạy sang Thái Lan sau khi bị công
an sách nhiễu, đàn áp hay giam cầm trong nhiều năm vì muốn sinh hoạt tôn giáo tự
do, kêu gọi trả đất đai cho người bản địa. Họ đi riêng theo từng gia đình hay
đi chung theo nhóm lớn, đối diện với rủi ro trở thành nạn nhân của các đường dây
buôn bán người.
Ở Điện Biên, chính quyền
bắt người dân ký cam kết từ bỏ các tà đạo “Giê Sùa”. Một
trung tá của đồn biên phòng tỉnh này nói rằng ông đã đến từng nhà để phân
tích rồi yêu cầu người dân ký cam kết từ bỏ đạo.
Giáo Hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất được thành lập năm 1964 đến sau năm 1975 đã không còn được chính
quyền công nhận. Thành viên lãnh đạo của giáo hội bị giám sát chặt chẽ, như Hòa
thượng Thích Quảng Độ bị canh giữ tại chùa cho đến lúc qua đời, những ngôi chùa
của giáo hội này cũng đối diện với nhiều hành vi sách nhiễu của chính quyền.
Ở An Giang, tín đồ Phật
giáo Hòa Hảo độc lập phải cử hành lễ tưởng niệm ngày giáo chủ của đạo mất tích
tại tư gia của mình. Nhiều cuộc ẩu đả xảy ra giữa các tín đồ Hòa Hảo độc lập và
an ninh với kết quả là nhiều án tù vì chống người thi hành công vụ.
Các tín đồ Cao Đài độc lập
đang giằng co với “Cao Đài quốc doanh” để bảo vệ những thánh thất còn lại của
mình. Gần đây nhất, ngày 18/6/2020, “Cao
Đài quốc doanh” đã cố gắng chiếm Thánh thất Hiếu Xương của các tín đồ Cao
Đài độc lập ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Từ năm 2009 đến năm 2019,
số lượng các tín đồ theo đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo đã sụt giảm nghiêm trọng.
Đạo Cao Đài đã mất đi khoảng
76% số tín đồ của mình. Khoảng
2,4 triệu tín đồ vào năm 2009 giờ đây chỉ còn lại 556.234, theo kết
quả Kết quả điều tra tổng dân số năm 2019.
Phật giáo Hòa Hảo mất gần
một phần ba số lượng tín đồ so với năm 2009. Số lượng tín đồ của đạo này đã giảm
từ 1,.433.252 tín đồ năm 2009 xuống còn 983,079
người.
Trong chuyến về nước năm
2007, Thiền
sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị nhà nước giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và
ngành công an tôn giáo vì làm hại cho tôn giáo nhiều hơn là làm lợi.
Ông nói tổ chức giáo hội
và Ban Tôn giáo Chính phủ là một mô hình sai lầm của Trung Quốc, vậy mà chính
phủ Việt Nam vẫn cố níu giữ.
------------
Chú thích:
[1] Việt Nam Phật giáo Sử
Luận, Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh), trang 744.
No comments:
Post a Comment