Friday, June 19, 2020

BẢN TIN NGÀY 19-6-2020 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
19/06/2020

Tin Biển Đông

Về vụ tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật: “Sau buổi chiều và tối 18/6 có xu hướng di chuyển xuống phía nam và ra xa bờ biển Việt Nam, Hải Dương 4 đã quay ngược trở lại, di chuyển theo hướng bắc tây bắc tại vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 150 hải lý về phía đông đông nam.

Lúc 5h07 sáng 19/6, không bắt được tín hiệu AIS của Hải Dương 4 khi tàu đang di chuyển tại vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 145 hải lý với tốc độ 1,1 hải lý giờ. Từ sáng sớm 19/6, tàu di chuyển với tốc độ khá chậm (duy trì từ 0,6 đến 1,1 hải lý giờ)”.

Đến khoảng 18h chiều nay, trang tin này cập nhật thêm: “Tiếp tục không bắt được tín hiệu AIS của Hải Dương 4, có lẽ tàu Hải Dương 4 tắt thiết bị AIS. Tín hiệu cuối cùng lúc 5h07 sáng 19/6 tại toạ độ 9.4548 N/111.18026 E, cách đảo Phú Quý 135 hải lý. Có lẽ phải chờ vào thông tin từ ngư dân ngoài biển”.

Mất tín hiệu AIS của Hải Dương 4, còn tàu hải cảnh Haijing 5202 của Trung Quốc đã rời Đá Chữ Thập di chuyển về phía bắc với tốc độ cao, có lẽ tàu quay trở về cảng Tam Á. Nguồn: Đức Tâm/ Dự án ĐSKBĐ

BBC có bài phỏng vấn các chuyên gia quốc tế: Việt Nam – Trung Quốc có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không? Ông Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Nga, nhận định:

“Tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa có nguyện vọng chính trị thật sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tranh chấp này cần thiết cho họ để giữ gìn chủ nghĩa dân tộc trong nước, dãn sự chú ý của quần chúng nhân dân khỏi các vấn đề nội bộ. Họ cần có hình ảnh của kẻ thù đối ngoại để đoàn kết lại xã hội xung quanh Trung ương Đảng và chủ tịch nhà nước”.

Hãng tin Mỹ Benar News đưa tin, Jakarta: ‘Không có lý do để đàm phán’ với Bắc Kinh trên Biển Đông. Nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói trong cuộc họp báo hôm thứ năm, tái khẳng định lập trường của Jakarta, rằng “Indonesia không có lý do gì để đàm phán vì dựa trên UNCLOS 1982, không có yêu sách chồng chéo với Bắc Kinh ở Biển Đông”.

Cũng trong bức thư mới nhất gửi Tổng thư ký LHQ Gutteres, Indonesia tuyên bố rằng, các đặc điểm ở quần đảo Trường Sa – không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa theo UNCLOS và do đó không thể trùng với vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Indonesia.

Tạp chí Modern Diplomacy từ châu Âu phân tích vị thế pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông có bị suy yếu? Bài viết nhận định, “sự phản đối từ các quốc gia chống lại yêu sách trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là đề cập đến phán quyết của Toà án quốc tế về Luật biển, có thể đã làm suy yếu yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm cả về mặt pháp lý.

Mặc dù các quốc gia này phản đối yêu sách của Trung Quốc dựa trên phán quyết được ban hành hợp pháp theo Điều 297 của UNCLOS, mặt khác, Trung Quốc vẫn kiên quyết với yêu sách lịch sử đơn phương của mình dù đã bị bác bỏ bởi cách giải thích của phán quyết. Trung Quốc phải chứng minh rằng các yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế hoặc phải tiếp tục và tìm ra các lập luận pháp lý mới có thể phù hợp với sự giải thích của luật pháp quốc tế về tranh chấp Biển Đông, bao gồm cả phán quyết của Toà án”.

Báo Kiến Thức có bài: Mỹ phanh phui thời gian, lộ trình Trung Quốc thiết lập AIDZ trên Biển Đông. Các chuyên gia Mỹ nhận định, nếu Trung Quốc bất chấp những nhân tố về hình ảnh trên trường quốc tế và cái giá tiềm tàng khác mà thiết lập vùng nhận diện phòng không, rất có khả năng sẽ kích động các nước xung quanh Biển Đông, bao gồm cả phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ.

Mời xem thêm: 


Tin Nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng, Việt Nam: Gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa. HRW nói rằng, chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 1/2021.

HRW cũng liệt kê những nhà hoạt động bị bắt thời gian gần đây, cũng như tình trạng của những người bị bắt trước đó. HRW cho biết: “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được biết có ít nhất 150 người đã bị kết tội chỉ vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù. Ít nhất có mười lăm người khác đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử“.

TC Luật Khoa có bài: Tuyên bố của Luật Khoa và The Vietnamese về việc bắt giữ ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Tuyên bố viết: “Là đồng nghiệp, chúng tôi quan tâm tới sự an toàn của các nhà báo khác. Chúng tôi coi việc bịt miệng bất kỳ nhà báo nào là hiểm họa đối với chính bản thân mình và cho bất kỳ ai muốn thực hành quyền nói. Bịt miệng một nhà báo cũng là sự xúc phạm tới quyền đọc báo của người dân.

Chúng tôi kêu gọi mọi nhà báo, nhà hoạt động, người dân, các tổ chức quốc tế và các chính phủ nước ngoài giám sát và thúc ép chính quyền Việt Nam trả tự do cho ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, cũng như tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do lập hội của người dân Việt Nam”.

RFA đưa tin: Cao Đài chân truyền đối đầu với nhóm Cao Đài quốc doanh ở Thánh thất Hiếu Xương. Chiều 18/6, Chánh trị sự Nguyễn Hà, một chức sắc Cao Đài chân truyền đến Thánh thất Hiếu Xương, cho RFA biết: “Vào sáng sớm ngày hôm nay phía Cao Đài quốc doanh do nhà nước hỗ trợ đến đây với mục đích mang Huấn lịnh bổ nhiệm của một vị chức sắc Cao Đài quốc doanh về đây để cai quản Thánh thất Hiếu Xương”.

Xung đột tại Thánh thất Hiếu Xương, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên hôm 18/6/2020. Nguồn: Công Danhboy

Ông Trần Minh Lợi, là chủ trang facebook “Diệt giặc Nội xâm”, sau khi ra tù đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, về hành vi Vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự, mà theo ông Lợi cáo buộc, ông Triển là một trong nhóm người đã từng tìm mọi “mưu hèn kế bẩn” để đưa ông vào tù đắng cay với hơn 4 năm tù oan trái.

Đơn tố cáo của ông Lợi đăng trên facebook, cho biết: “Đúng sau 01 ngày tôi bị bắt, ông Triển ký văn bản gửi tới 20 cơ quan liên quan từ Đắk Lắk đến Trung ương để tố cáo, bịa đặt, vu khống cá nhân tôi và nhà báo Hoàng Thiên Nga một cách hoàn toàn không có căn cứ, nhằm bao che, chạy tội cho nhóm lợi ích thuộc Sở Y tế Đắk Lắk mà bản thân tôi là người cùng báo chí có tham gia đấu tranh để tìm ra vi phạm pháp luật này của họ vào tháng 2 và 3 năm 2016”.

Mời đọc thêm: 


Phó ban Dân nguyện QH Đỗ Văn Đương chống lại dân

Ông Đỗ Văn Đương là người được cộng đồng mạng đặt cho biệt danh “ông nghị rau muống”, lại tiếp tục gây bão mạng khi mới đây gửi văn bản đến các lãnh đạo cấp cao để khẳng định “việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng sự thật khách quan về bản chất vụ án, không còn gì để làm thêm, không có lý do gì để hủy án và điều tra lại”.

Văn bản này đề ngày 12/6/2020, được ông Đương gửi đến người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Tòa án, trang Báo Sạch đăng tải, cho biết, khi còn là Đại biểu Quốc hội khóa 13, kiêm Phó ban Dân nguyện Quốc hội cùng khóa, ông Đương từng là thành viên của Đoàn giám sát về vụ án này.

Văn bản của ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc Hội gửi lãnh đạo VN về vụ Hồ Duy Hải. Nguồn: Báo Sạch

Dù trong văn bản nói rằng, đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông Đương, nhưng xem qua các nội dung mà ông Đương nêu ra trong văn bản thì không có gì mới, mà toàn “nhai lại” thông tin từ các cơ quan tố tụng và của ông chánh án TAND tối cao, luôn khẳng định Hồ Duy Hải đã nhận tội và dù có sơ xuất trong khâu thu giữ vật chứng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Phản ứng về văn bản này của ông Đương, Luật sư Dương Phi Anh nhận định: Đỗ Văn Đương đúng là có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc lệch lạc nhân cách thật rồi. Là Đại biểu Quốc hội trước đây, Phó Ban Dân nguyện, nếu không nói và làm được gì tốt cho dân thì hãy hạn chế phát biểu; còn xấu cho dân hoặc hại dân, đặc biệt là vụ án gây tranh cãi liên quan đến tử hình như Hồ Duy Hải, thì không được phép nói theo kiểu buộc tội”.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bình luận trên facebook của LS Dương Phi Anh: “Một văn bản của kẻ cơ hội nhân danh cơ quan Dân nguyện (phản ánh nguyện vọng của người dân) chống lại dân, lặp lại báo cáo đầy tính chủ quan và áp đặt của người chủ trì cuộc họp quyết định số phận của Hồ Duy Hải”.

Chân dung ông “nghị rau muống” Đỗ Văn Đương. Ảnh trên mạng

Lưu ý rằng, tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 năm 2016-2021, ông Đỗ Văn Đương được Trung ương giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội, tuy nhiên ông đã thất cử. Dù không được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, nhưng như một phép màu, ông Đỗ Văn Đương vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân nguyện, Quốc hội Việt Nam khóa 14.


Bắt Triệu Quân Sự: “Công an tranh công với dân”

Vụ tù nhân Triệu Quân Sự đang chấp hành án chung thân, bỏ trốn khỏi trại giam hôm 3/6 vừa bị bắt lại vào tối 18/6, báo Zing có bài: Thưởng nóng lực lượng bắt sát nhân Triệu Quân Sự. Tin cho hay, sáng 19/6, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã khen thưởng đột xuất Công an và Ban chỉ huy quân sự TP Tam Kỳ vì có “thành tích xuất sắc” khi bắt được Triệu Quân Sự – cựu quân nhân trốn khỏi trại giam T10 ở tỉnh Quảng Ngãi.

Đánh giá về vụ thưởng nóng này, nhà hoạt động Hoàng Dũng cho biết: “Thật ra, Sự chơi trong quán nét này 4 ngày liên tiếp, người ta sinh nghi mới báo và công an chỉ việc xuống bắt”. Ông Dũng còn dẫn lại thông tin trên báo Người Lao động tường thuật chi tiết về hành trình 15 ngày trốn khỏi trại giam, Triệu Quân Sự đã thực hiện 6 vụ trộm cắp, và nhận định “lực lượng truy lùng (Triệu Quân Sự) là vô dụng” và gọi “việc thưởng nóng là hài hước”.

Triệu Quân Sự được lực lượng quân sự dẫn ra xe chở về trại tạm giam. Ảnh: Sơn Thủy/ Ngôi Sao

Báo Vnexpress có bài: Triệu Quân Sự trốn 5 ngày trong quán Internet. Bài viết dẫn lời nhân viên quán Internet kể lại: “Sau 5 ngày liên tiếp chơi game trong quán… Theo dõi Sự, nhân viên và chủ quán thấy nói giọng Bắc, lại giống đặc điểm của kẻ hai lần vượt ngục đang bị truy tìm được đăng tải trên truyền thông nên nghi ngờ. Ngày 17/6, chủ quán trình báo, 20h hai công an đến nhưng Sự đã rời quán đi ăn. 20h ngày 18/6, Sự đang ngồi chơi game, nhiều công an xuất hiện. Sự đưa hai tay ra phía trước, nói: ‘Các anh bắt em đi’.”

Vụ việc này cho thấy, có sự trách tắc của các cơ quan chức năng. Sau khi vượt ngục, Sự còn thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp, hành trình trốn truy nã của Sự cứ như là một người đi “du lịch bụi”. Sự vào tiệm nét ăn nằm dầm dề mấy ngày trời để chơi game chán chê, chủ tiệm sinh nghi báo công an, và Sự chờ bị bắt…

Vậy mà lực lượng công an và quân sự cũng khen thưởng nóng cho cái gọi là “thành tích xuất sắc” trong vụ việc này, quả thật hài hước. Lẽ ra, người được khen thưởng trong vụ này phải là người chủ quán Internet chứ không phải là lực lượng truy bắt Triệu Quân Sự.

Mời xem lại: 
Sự mò vào trong Nam nhưng lực lượng truy tìm lại chuyển hướng truy bắt phạm nhân Triệu Quân Sự ra phía bắc (TN).




No comments: