Sunday, November 24, 2019

THAM VỌNG ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC HỦY DIỆT TÀI NGUYÊN BIỂN (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 24-11-2019 

Trung quốc đã gây ra rất nhiều thiệt hại lớn ở vùng Biển Đông, theo nhà sinh học biển Kent Carpenter, thuộc đại học Old Dominion (bang Virginia, Mỹ). Điều nguy hiểm hơn cả là phải mất vài chục thập niên, nếu không phải là cả thế kỷ, để những nguồn tài nguyên biển đó được tái tạo.

Ảnh chụp ngày 14/05/2019 tại vùng biển bãi Scarborough: một tàu tuần duyên Philippines và phía xa là tàu tuần duyên Trung Quốc. TED ALJIBE / AFP

Nhận định trên được nhà nghiên cứu Mỹ đưa ra trong hội thảo “Changing the World Order? China’s Long-term Global Strategy” (Thay đổi trật tự thế giới? Chiến lược toàn cầu lâu dài của Trung Quốc), ngày 19/11/2019 tại Makati, Philippines và được đưa tin trong chương trình State of Nation của GMA News.

Với nhiều hình ảnh được chiếu minh họa trong hội thảo, ông Carpenter khẳng định : “Họ (Trung Quốc) tái khởi động khai thác trai tai tượng từ các rạn san hô tại nhiều khu vực khác nhau ở Biển Đông. Chúng tôi có những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ngay từ năm 2018, những lớp trầm tích tiếp tục bị hút khỏi những hòn đảo nhân tạo này”.

Có cùng quan điểm trên, nhà chính trị học Philippines Rommel Banlaoi giải thích : “Tuần trước, tôi đến Hải Nam và chúng tôi đã đề cập đến việc tình trạng Biển Đông bị phá hủy như thế nào qua các hoạt động kinh tế và quân sự trong vùng”. Theo ông Banlaoi, 25% trữ lượng tài nguyên biển còn lại ở trong vùng bị phá hủy với “nhịp độ rất nhanh”.

Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển, thuộc đại học Philippines, đánh giá thực trạng trên không còn là vấn đề lãnh thổ : “Việc tàn phá này thực chất là hệ quả liên đới. Đó là hậu quả từ ý đồ kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Không chỉ những nước có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông, mà gần như cả thế giới cũng phải lĩnh hậu quả, vì việc khai thác làm giảm nguồn tài nguyên mà mọi người cùng được hưởng”. Theo ông, cần phải lấy lập luận này làm “nền tảng cho lập trường chung và thống nhất để chống lại các hoạt động của Trung Quốc”.

Giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển cho rằng Trung Quốc nhắm đến hai mục tiêu trong việc sử dụng quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Ông nói : “Ví dụ, ngay năm 2013, Bắc Kinh đã thông báo khuyến khích ngư dân Trung Quốc xuống sâu hơn vùng biển phía nam, đặc biệt là Biển Đông... Họ cũng có thể đuổi hết ngư dân các nước lân cận” ra khỏi ngư trường truyền thống.

Khi Tòa Trọng tài La Haye ra phán quyết có lợi cho Philippines năm 2016, Trung Quốc tạm ngừng một phần hoạt động ở Biển Đông, nhưng đến đầu năm 2018, thì cho tái khởi động hoạt động đánh bắt ở bãi cạn Scarborough.

Cựu thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines Antonio Carpio, người kiên quyết chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, nhấn mạnh rằng Philippines cần tìm cách mở rộng chủ quyền ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang gián tiếp rời xa yêu sách đường chín đoạn vì phải lo đối phó với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và phong trào biểu tình ở Hồng Kông.







No comments: