Hà Thu (theo
CNBC)
Thứ hai, 25/11/2019, 11:35 (GMT+7)
Các
công ty sản xuất súng đạn, thuốc lá, dầu khí hay đồ uống có đường có thể không
thích việc Michael Bloomberg tranh cử tổng thống.
Tỷ phú Michael Bloomberg đã chính thức gia nhập
cuộc đua vào Nhà Trắng hôm qua (24/11), với tư cách ứng cử viên đảng Dân chủ.
Dù ông chưa công bố chi tiết cương lĩnh tranh cử, những hoạt động của ông trong
12 năm làm thị trưởng New York có thể hé lộ phần nào về các ngành công nghiệp sẽ
chịu tác động.
1.
Súng đạn
Everytown for Gun Safety được Bloomberg hỗ trợ
thành lập năm 2014 và đã trở thành tổ chức có tiếng nói lớn trong việc hạn chế
bạo lực súng đạn. Ông cam kết đổ vào đây ít nhất 50 triệu USD.
Michael
Bloomberg đăng ảnh chụp cùng các thành viên trong tổ chức chống bạo lực
súng đạn lên Twitter ngày 25/11. Ảnh: Bloomberg
Tổ chức này tập trung vào việc vận động các
hãng bán lẻ lớn, như Walmart, Kroger and Albertsons thay đổi chính sách bán
súng. Họ gần đây cũng mở rộng vận động sang các hãng bán lẻ không có giấy phép.
Cổ phiếu các hãng sản xuất súng, như Vista
Outdoor’s, American Outdoor Brands và Sturm Ruger & Company thường diễn biến
ngược chiều trong các kỳ bầu cử có đề cập đến cải tổ súng đạn. Những người
thích súng sẽ tăng mua, do lo ngại tổng thống mới khiến họ khó mua hơn.
2. Thuốc
lá và thuốc lá điện tử
Kể từ năm 2007, Bloomberg Philanthropies đã
cam kết chi gần 1 tỷ USD để đấu tranh với thuốc lá trên toàn cầu. Hồi tháng 9,
họ tiếp tục tuyên bố rót thêm 160 triệu USD để giảm sử dụng thuốc lá điện tử. Mảng
này được coi là cỗ máy tăng trưởng cho nhiều đại gia thuốc lá, như Japan
Tobacco (Nhật Bản), British American Tobacco (Anh) và Altria (Mỹ).
3.
Năng lượng
Bloomberg thành lập Beyond Carbon đầu năm
nay, với khoản đầu tư 500 triệu USD nhằm hỗ trợ cải tổ năng lượng. Tổ chức này ủng
hộ các nguồn năng lượng tái tạo, như gió hay mặt trời, thay vì năng lượng hóa
thạch. Họ cũng chuộng xe điện hơn là xe chạy xăng dầu.
Việc Bloomberg tập trung vào năng lượng sạch
có thể sẽ tác động đến các hãng dầu khí lớn, cũng như gây thêm sức ép cho ngành
than đá – vốn đang chịu ảnh hưởng từ nhu cầu đi xuống. Tại Mỹ, ít nhất 7 công
ty than đá đã vỡ nợ năm nay, và hàng chục nhà máy đã phải đóng cửa trong vài
năm qua.
4. Đồ
uống có đường
Phần lớn hoạt động của Bloomberg trong vấn đề
y tế liên quan đến chiến dịch giảm béo phì. Dù từng không thành công trong việc
cấm bán soda tại các nhà hàng ở New York, ông vẫn ủng hộ thuế với nước uống có
đường. Coca-Cola và Pepsi đều đang chống lại thuế này, trong bối cảnh doanh số
của hai hãng tại Mỹ chậm lại.
Hà Thu (theo
CNBC)
----------------------------------
Tú Anh (theo CNN/BI)
Thứ bảy, 9/11/2019, 15:05 (GMT+7)
Bloomberg
đang sở hữu khối tài sản hơn 52 tỷ USD sau hơn năm thập kỷ gây dựng sự nghiệp
và góp phần thay đổi phố Wall.
Michael Bloomberg được coi là một trong những
thị trưởng thành công nhất lịch sử thành phố New York. Năm nay 77 tuổi, ông
đang chuẩn bị tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới, với tư cách ứng viên Đảng
Dân chủ.
Tỷ
phú Michael Bloomberg. Ảnh: Bloomberg
Theo CNN, phố Wall ngày nay không
thể tồn tại mà không nhờ những đổi mới từ Bloomberg. Sau khi nhận bằng MBA tại
Harvard Business School năm 1966, ông làm việc cho hãng dịch vụ tài chính
Salomon Brothers với lương khởi điểm 9.000 USD mỗi năm tại bộ phận két sắt.
Sau nhiều nỗ lực, Bloomberg trở thành nhân
viên giao dịch trái phiếu và còn là cổ đông tại đây năm 1972. Công việc này đòi
hỏi ông phải làm 12 giờ mỗi ngày, liên tục 6 ngày một tuần. Đến cuối thập niên
70, ông trở thành trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu.
Tuy nhiên, năm 1979, CEO Salomon Brothers -
John Gutfreund đề nghị Bloomberg rời vị trí này để chuyển sang lãnh đạo mảng hệ
thống máy tính mới được thành lập. Đây thực chất là một sự giáng chức, nhưng
Bloomberg không hề nuối tiếc về việc này.
Năm 1981, Salomon Brothers tuyên bố sẽ trở
thành công ty đại chúng sau khi sáp nhập với hãng giao dịch hàng hóa đã niêm yết
- Phibro Corporation. Rất nhiều cổ đông trong công ty sẽ trở nên giàu có vì việc
này. Tuy nhiên, Bloomberg lại bị yêu cầu rời khỏi công ty với 10 triệu USD.
Bloomberg
(trái) và John Gutfreund, CEO Salomon tại New York năm 1975. Ảnh: NYT
Ngay lập tức, Bloomberg sử dụng số tiền này để
bắt đầu gây dựng đế chế tài chính truyền thông của mình khi đồng sáng lập
Innovative Market Systems với Charles Zegar, Thomas Secunda và Duncan MacMillan
với mong muốn cải thiện hiệu suất và sự minh bạch trên thị trường tài chính cho
cả người mua lẫn người bán.
Khi đó, doanh nhân 39 tuổi đã sử dụng những
hiểu biết về tài chính, công nghệ sau thời gian làm tại Salamon để tạo ra Bloomberg Terminal (dịch
vụ theo dõi thông tin tài chính) năm 1982. Đây là một hệ thống phần mềm được
các chuyên gia tài chính sử dụng để giao dịch cổ phiếu trực tuyến và truy cập
vào dữ liệu thị trường luôn được cập nhật.
Bộ máy này đã cách mạng hoá phố Wall và trở
thành một công cụ phổ biến được các ngân hàng đầu tư sử dụng, cạnh tranh cùng với
Thomson Reuters Eikon, FactSet và S&P Capital IQ.
Merrill Lynch trở thành khách hàng đầu tiên của
Bloomberg khi đặt hàng 22 chương trình MarketMaster. Họ còn chi 30 triệu USD để
mua 30% cổ phần trong Innovative Market Systems.
Năm 1986, ông đổi tên Innovative Market
Systems thành Bloomberg L.P. Bốn năm sau, công ty này cung cấp thêm các dịch vụ
mới trước khi ra mắt Bloomberg
News năm 1993.
Sau 8 năm thành lập, doanh nghiệp của
Bloomberg được định giá khoảng 2 tỷ USD. Đến năm 1998, thiết bị thứ 100.000 được
cài đặt,với mức phí 1.500 USD mỗi tháng, Bloomberg Terminal đã mang lại lợi nhuận
khổng lồ cho công ty.
Ông
tranh cử chức Thị trưởng thành phố New York năm 2001
và kế nhiệm Rudolph Giuliani sau vụ khủng bố 11/9. Thời điểm này, ông phải đối
mặt với nhiều thách thức nhưng chất lượng cuộc sống của New York đã dần cải thiện
theo nhiệm kỳ của Bloomberg khi tỷ lệ tội phạm giảm, tỷ lệ tốt nghiệp tại các
trường trong thành phố tăng.
Forbes ước tính,
Michael Bloomberg đang sở hữu khối tài sản trị giá 52,4 tỷ USD. Số tiền này
không chỉ lớn hơn nhiều tổng tài sản của Tổng thống Donald Trump, mà còn lớn
hơn tài sản của các ông trùm trong giới truyền thông Rupert Murdoch, Ted Turner
và Sumner Redstone gộp lại. Ông hiện là người giàu thứ 17 thế giới trên bảng xếp
hạng của Forbes và giàu nhất giới truyền thông.
Giới phân tích ước tính, doanh thu của
Bloomberg L.P năm ngoái đạt khoảng 10 tỷ USD nhờ hàng trăm nghìn người dùng thường
xuyên của Terminal với giá thuê bao lên đến 24.000 một năm.
Tú Anh (theo
CNN/BI)
No comments:
Post a Comment