01/12/2019
Lê
Uyên Phương là nghệ danh của một cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng từ trước năm
1975 với những tình khúc ca ngợi tình yêu nồng nàn, lãng mạn như chính cuộc
tình của họ: nữ ca sĩ Lâm Phúc Anh và cố nhạc sĩ Lê Văn Lộc.
Lê
Uyên & Phương
Ca
sĩ Lâm Phúc Anh sinh tại Hà Nội năm 1952, trong một
gia đình gốc Hoa. Ba mẹ Phúc Anh gặp nhau tại Hà Nội vào giữa thập niên 1940 và
sau đó di cư vào miền Nam năm 1954.
Gia đình giàu có, Lâm Phúc Anh được theo học
chương trình Pháp từ nhỏ, từ trường tiểu học ‘Sans Famille’ đến trường ‘Regina
Pacis’ và sau đó là nội trú ở trường ‘Franciscaine’ Đà Lạt.
Từ bé, Lâm Phúc Anh đã yêu thích vọng cổ vì
thường theo mẹ đi xem cải lương nhưng khi bắt đầu ca hát, bà chọn con đường tân
nhạc.
“Bài
hát đầu tiên, được trình diễn đầu tiên để cho các sơ Franciscaine được tổ chức ở
rạp ‘Hòa Bình’ ở Đà Lạt. Hôm đó ban nhạc của anh Phương đã đệm và tôi đã tập
hát bài đầu tiên là bài ‘Nỗi lòng,’" nữ ca sĩ
chia sẻ.
Chồng bà, nhạc sĩ Lê Uyên Phương, tên thật là Lê Văn Lộc, sinh năm 1941 tại
Đà Lạt. Ông từng là Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Pleiku, sau đó về Đà Lạt
dạy tại trường Bùi Thị Xuân, trường Petit Lycée và dạy nhạc.
Bà cho biết Lê Uyên Phương mê nhạc từ lúc còn
rất nhỏ. Nghệ danh Lê Uyên Phương của ông ghép từ tên một người yêu cũ và một
chữ lót trong tên của mẹ là Công Tôn Nữ Phương Nhi.
Hai người chính thức sống với nhau vào năm
1969 và nhanh chóng trở thành đôi song ca được yêu chuộng thời bấy giờ với tên
gọi là Lê Uyên và Phương, hay thường gọi tắt là Lê Uyên Phương qua những bản
tình ca nổi tiếng do Phương sáng tác và lối trình diễn say đắm, nồng nàn của
đôi uyên ương này.
Họ gặp nhau tại Đà Lạt vào năm 1966 và bị ‘tiếng
sét ái tình.’
“Anh
Phương có một người bạn ở trọ nhà tôi. Khi ảnh đi qua chơi, đi thăm người bạn
đó, thì gặp tôi. Hai đứa thích nhau ngay lập tức. Những ngày đầu gặp gỡ đó có
nhiều điều thú vị lắm. Anh có dáng dấp đặc biệt và đôi mắt rất hiền từ, tôi
thích lắm. Phải nói lúc đó ảnh là người con trai đầu tiên tôi nhìn, tôi có cảm
xúc. Lúc đó tôi mới 14 tuổi. Tôi không hiểu được yêu là gì, không biết, chỉ thấy
thích người này thôi. Dễ thương lắm. Tức là hai đứa khi gặp nhau rồi chỉ muốn ở
bên cạnh nhau ‘all the time’, không muốn rời nhau một phút nào hết,”
Lê Uyên thổ lộ.
Trước khi gặp Lê Uyên, Phương đã sáng tác một
loạt ca khúc viết từ Pleiku và Đà Lạt, sau này được tập họp trong tập nhạc nhan
đề ‘Yêu nhau khi còn thơ.’
‘Khi loài thú xa nhau’ là tập nhạc thành hình
trong thời gian hai người chung sống với nhau sau khi vượt qua những khó khăn
do gia đình của Lê Uyên cản trở.
“Lúc
yêu nhau thì gặp khó khăn từ gia đình tôi, sau đó vẫn có những cuộc gặp lén lút
để đi chơi với nhau. Sau khi đã chính thức lấy nhau rồi thì có những buổi văn
nghệ được tổ chức ở nhiều nơi, nhiều lúc tại Đà Lạt, những ‘ball’ ở tại nhà hoặc
tại giảng đường Spellman Viện Đại học Đà Lạt. Năm 1968 là buổi trình diễn đầu
tiên tại giảng đường Spellman,” bà nói.
Theo lời Lê Uyên, bản nhạc đầu tiên Phương
sáng tác và tập cho bà hát là bản 'Tình khúc cho em'. Bài này cùng với các ca
khúc như Vũng lầy chúng ta, Hãy ngồi xuống đây, Đá xanh, Chiều phi trường, Lời
gọi chân mây…được tập họp trong tập nhạc ‘Khi loài thú xa nhau’.
“Tập
‘Khi loài thú xa nhau’ nói về tình yêu đôi lứa trong thời chiến tranh và dĩ
nhiên chuyện tình đó là chuyện tình của hai đứa chúng tôi. Cho nên những bài nhạc
đó cho tới giờ phút này vẫn được mến mộ nhiều nhất là trong giới trẻ được sinh
ra sau năm 1975 tại Việt Nam.”
“Tập
nhạc thứ ba mà anh viết là tập ‘Uyên ương trong lồng’ với một cảm xúc khác về
hôn nhân, về hoàn cảnh sống, về tất cả mọi thứ, không còn, không có một tình
yêu đơn thuần, đơn giản như tập trước đó,” bà cho biết
thêm.
Sau năm 1975, Phương không sáng tác nhiều, chủ
yếu là phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ như Phạm Công Thiện, Nguyễn Xuân
Thiệp, Hoàng Khởi Phong, Huy Tưởng, Phong Vũ, Trịnh Cung, Kim Tuấn, Thái Tú Hạp,
Dã Dương và được tập trung trong đĩa CD có tên là ‘Tình như mây cõi lạ.’
Theo lời họa sĩ Trịnh Cung, bản nhạc cuối
cùng Lê Uyên Phương sáng tác trước khi vượt biên vào năm 1979 là bản ‘Ở đây,
thôi ở đây đành’, phổ thơ cùng tên của Trịnh Cung. Người nhạc sĩ đã đàn và hát
cho họa sĩ Trịnh Cung nghe chỉ vài ngày trước khi ra đi tìm tự do.
Lê Uyên giải thích lý sao trong giai đoạn sau
này Phương không viết nhạc và lời như trước nữa:
“Đời
sống bên này, trước hết là hoàn toàn khác ở Việt Nam nên cảm xúc về môi trường,
về hoàn cảnh đương nhiên phải khác…Ảnh phải mượn những bài thơ mà ảnh nghĩ đã
được viết từ Việt Nam, từ lâu lắm rồi, chớ đời sống bên này khó mà viết một bài
cho hay. Cho nên cách phổ thơ là điều anh muốn nhất, tại vì ít nhất nó cũng giữ
được những cảm xúc nào đó từ Việt Nam, từ quê hương.”
Lê Uyên cho biết còn những sáng tác mới của
Phương chưa được phát hành, một tập nhạc mà bà đang làm, nói về con người, đời
sống của con người, thân phận của con người trong chiến tranh. Tập nhạc đó có
tên là ‘Con người: Một sinh vật nhân tạo’.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương mất ngày 20/6/1999 tại
bệnh viện trường đại học California ở Irvine, chỉ 19 ngày sau khi bác sĩ phát
hiện ông bị ung thư phổi, trùng hợp với 19 buổi hát đôi song ca này nổi tiếng,
theo lời kể của ca sĩ Lê Uyên.
--------------------------------
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment