Mạc Văn Trang
29/11/2019
Chuyện TP Đà Nẵng phải hoãn đặt tên đường phố
mang tên hai giáo sĩ Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes do có 12 người ký
tên phản đối, đã có nhiều người bàn luận. Tôi đã định không viết gì về chuyện
này nữa, nhưng hôm nay lại nhận được một bài viết, của một người, nêu thêm mấy
lý do.
Gộp cả lại, mấy người phản đối hoặc chưa đồng
tình, vì cho rằng:
– Các vị giáo sĩ này Latinh hóa tiếng Việt nhằm
mục đích truyền giáo chứ không nhằm giúp dân Việt Nam có chữ Quốc ngữ (Món quà
vô tình, nên không cần cám ơn);
– Các vị giáo sĩ có liên quan đến chuyện Pháp
xâm lược Việt Nam, vậy là có tội, sao lại có công (Dù các vị này đã chết hơn
200 năm, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam);
– Latinh hóa là xu thế quốc tế vào thế kỷ XVI
– XVII, Nhật, Trung Quốc, Ấn độ, các nước Ả Rập… cũng tiến hành Latinh hóa chữ
viết của họ, chứ đâu chỉ có Việt Nam … (Nhưng xin thưa, họ không thành công,
nên nay vẫn dùng chữ riêng của họ, hoặc dùng tiếng Anh);
– Các giáo sĩ này không làm việc Latinh hóa
Tiếng việt thì cũng sẽ có người khác làm (Nói vậy, cũng như nói, nếu ông không
là bố tôi, mẹ tôi cũng lấy người đàn ông khác và cũng đẻ ra… tôi!);
– Chữ Quốc ngữ là công của nhiều giáo sĩ, chứ
đâu chỉ có hai ông này. (Nhưng, thưa, hai ông này có ghi rõ tên tuổi trong những
công trình còn lưu giữ đến nay, các ông cũng ghi rõ đã tiếp thu cái gì, làm
thêm cái gì, chứ không đạo văn);
– Chữ Quốc ngữ được bảo tồn và phát triển là
nhờ công của nhiều người truyền bá, nhất là công người Pháp mở trường dạy chữ
quốc ngữ, rồi bao nhiêu phong trào, chữ Quốc ngữ mới phát triển rực rỡ như ngày
nay… (Vâng, những người nổi danh từ chữ Quốc ngữ đã được vinh danh rồi: Trương
Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi… Nhưng hai ông
“Tổ nghề” thì lại chưa “đạt yêu cầu”!
Nhân sự kiện này tôi nhớ tới câu nói nổi tiếng
của nhà nghiên cứu văn hóa Pháp Edouard Herriot: “Văn hóa là cái
còn lại khi ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”.
“CÁI CÒN LẠI”… của Francisco De Pena và
Alexandre De Rhodes đó chính là CHỮ QUỐC NGỮ toàn dân Việt Nam đang dùng; nó
hay, nó đẹp, nó tiện ích ra sao, nên nó mới được bảo tồn và phát triển rực rỡ
như ngày nay và chắc là Tiếng ta còn, thì Chữ Quốc ngữ sẽ trường tồn cùng dân
Việt.
Nào, bao nhiêu vị được đặt tên đường phố, quảng
trường… hỏi mỗi vị ấy có cái gì “CÒN LẠI” có ích cho dân tộc hôm nay? Chắc
không nhiều lắm đâu!
Bới móc quá khứ, tội lỗi, cái “xấu” của nhau
ra theo con mắt của thời nay thì kinh lắm đấy!
Giá trị Văn hóa, Lịch sử của mỗi Con người –
Nhân cách của người ấy, chính là sau khi đã quên đi tất cả, họ CÒN LẠI cái gì
CÓ GIÁ TRỊ cho hôm nay và mai sau?
“CÁI CÒN THIẾU” trong câu chuyện phản đối đặt
tên đường phố mang tên Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes là gì? Là SỰ HỌC
HỎI!
Không chỉ 12 vị ký tên phản đối đặt tên đường
hai giáo sĩ đâu! Dân ta, nói chung là thế! “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau
ghét cả tông ti họ hàng”; “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”… Khi trong lòng chứa
chất đầy thù hận, định kiến “không tan” thì chẳng nhìn ra đâu là chân lý.
Hãy xem NGƯỜI NHẬT
Người Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống TP
Hiroshima (6/8/1945) và TP Nagasaki (9/8/1945), rồi sau đó Thống tướng Douglas
MacArthur, Tư lệnh Tối cao Tổng lực lượng Đồng Minh Vùng Tây Nam Thái Bình
Dương, lực lượng chủ yếu đánh tan đội quân hùng mạnh của Nhật tại Châu Á – Thái
Bình dương, rồi đem quân vào chiếm đóng nước Nhật. Ông ta trực tiếp “bắt” Nhật
Bản ký “đầu hàng nhục nhã” ngày 2/9/1945. Rồi ông ta đem 350 ngàn quân chiếm
đóng Nhật bản suốt hơn 5 năm (1945 – 1951).
Ông ta đã tha tội chết cho nhà vua Nhật, đáng
lẽ là tội phạm chiến tranh đầu sỏ, nhằm “duy trì chế độ phong kiến thối nát”;
ông ta xây dựng nên một “Chính phủ bù nhìn, làm tay sai cho Mỹ”; ông ta làm ra
một bản Hiến pháp mới “cưỡng bức từ vua quan đến toàn dân nhật phải tuân theo”;
ông ta “áp đặt” hàng loạt chính sách tái thiết, phát triển Nhật Bản thành mô
hình Tư bản mới… Ông ta đại diện cho đế quốc Mỹ, trực tiếp gây “tội ác tầy trời
với Nhật”…
Ông ta còn “mắc nhiều khuyết điểm trầm trọng”
nên bị Tổng thống Harry S. Truman triệu hồi về nước ngày 11 tháng 4 năm 1951.
Nhưng điều kỳ lạ là, trong Hồi ký của Kiichi
Miyazawa (Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) có đoạn viết:
Ngày 11/4/1951, báo đài đưa tin MacArthur bị
miễn chức. Tin này làm người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện
Thống tướng MacArthur – người nghiễm nhiên tự cho mình là Thái Thượng Hoàng nước
Nhật lại có thể bị bãi miễn dễ dàng bởi một mệnh lệnh của Tổng thống. MacArthur
là người nắm quyền lực tối cao ở Nhật. Hàng ngày ông đi làm và về nhà bằng xe cắm
quốc kỳ Mỹ. Khi ấy giao thông trên các đường phố xung quanh trụ sở Bộ Tư lệnh
SCAP đều bị cấm, quân cảnh Mỹ đứng trên các ngã tư chỉ huy giao thông…
Ngày 16/4, MacArthur rời Tokyo về Mỹ. Hôm ấy
dân chúng Nhật đứng chật kín suốt hai bên đường từ trụ sở SCAP tới sân bay
Haneda. Thủ tướng Nhật cùng toàn thể thành viên Chính phủ ra sân bay tiễn đưa.
Tôi đứng sau Bộ trưởng Tài chính, đối diện với chiếc chuyên cơ. MacArthur cùng
vợ và con trai lần lượt bắt tay từng quan chức. Khi MacArthur bước lên thang
máy bay, một quan chức Nhật bỗng hô to “MacArthur muôn năm !” Thế là tất cả mọi
người đều giơ tay hô theo “Muôn năm”…. (Dẫn theo Nguyễn Hải Hoành: nghiencuuquocte.org/2018/04/02/macarthur-nguoi-mo-cua-nuoc-nhat-lan-thu-hai/).
Người Nhật thế đó. Và nước Nhật đến 1968 đã
trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và luôn là đồng minh tin cậy của nước
Mỹ.
Có phải “CÁI CÒN THIẾU” của người Việt Nam là
vẫn chưa học được như người Nhật?
No comments:
Post a Comment