Saturday, November 30, 2019

BIỂN ĐÔNG : KHINH KHÍ CẦU DO THÁM CỦA TRUNG QUỐC BỊ PHÁT HIỆN TRÊN ĐÁ VÀNH KHĂN (RFI | BBC)




Đăng ngày 30-11-2019 

Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa Biển Đông. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 28/11/2019, vệ tinh Israel vào trung tuần tháng 11 này, đã phát hiện một vật thể có hình dáng của một chiếc khinh khí cầu ngay bên trên Đá Vành Khăn, một trong 7 tiền đồn mà Trung Quốc đã xây dựng trên các thực thể mà họ chiếm đóng ở Trường Sa.

Trong một tin Twitter đề ngày 24/11, công ty vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel đã đăng một ảnh chụp Đá Vành Khăn ngày 18/11/2019, cho thấy hình ảnh một vật thể giống như một chiếc khinh khí cầu màu trắng bên trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. của Việt Nam.

Đối với công ty Israel, ảnh vệ tinh này là “bằng chứng đầu tiên về một chiếc khinh khí cầu” đang hoạt động trong khu vực. Thông tin  nêu rõ: “Lần đầu tiên một chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc, có lẽ dùng để thu thập thông tin tình báo quân sự, đã được nhìn thấy trên Đá Vành Khăn. Việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung Quốc theo dõi tình hình khu vực một cách liên tục”.

Trước đó, tạp chí quốc phòng Hán Hòa (tên tiếng Anh là Kanwa Asian Defense) xuất bản tại Canada, đã tiết lộ rằng Bắc Kinh đã bắt đầu cho chế tạo hệ thống cảnh báo sớm bằng khinh khí cầu vào năm 2017.

Những “quả bóng bay” to lớn này được trang bị radar đặc biệt để phát hiện các mục tiêu bay thấp. Một khinh khí cầu thuộc diện tối tân có thể phát hiện các phương tiện di động cả trên không lẫn trên bộ, trong một phạm vi 300 km. Khinh khí cầu kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và phi cơ do thám cảnh báo sớm có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện.

Theo tạp chí Hán Hòa, khinh khí cầu cảnh báo sớm đang được Trung Quốc triển khai ở một số điểm nóng, như biên giới Bắc Triều Tiên, eo biển Đài Loan.

Và bây giờ là ở Biển Đông. Theo South China Morning Post, khinh khí cầu có ưu điểm là có thể hoạt động trên không trong thời gian kéo dài, cung cấp một giải pháp cảnh báo sớm vừa rẻ vừa hiệu quả trong việc giám sát một khu vực rộng lớn, nhất là ở những nơi mà việc triển khai máy bay cảnh báo sớm khó khăn hơn.

Cách nay đúng 10 ngày, vào hôm thứ Tư 20/11/2019, Hải Quân Mỹ đã cho tàu cận chiến duyên hải LCS 10 Gabrielle Giffords tiến vào tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Rất có thể là sự hiện diện của khinh khí cầu do thám Trung Quốc bên trên thực thể này đã bị Mỹ phát hiện, nhưng không công bố.

------------------------------------

BBC Tiếng Việt
30 tháng 11 2019

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy khí cầu hình phi thuyền của TQ trên Đá Vành Khăn ở Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang triển khai khí cầu ở Đá Vành Khăn trên Biển Đông. ISI TWITTER

Công ty vệ tinh của Israel ImageSat International (ISI) cho hay trên Twitter hôm 24/11 rằng có thể thấy vật thể hình phi thuyền này trôi trên rặng san hô ở Đá Vành Khăn, hiện là tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Công ty này cũng cho hay những hình ảnh này được vệ tinh của ISI chụp hôm 18/11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang triển khai khinh khí cầu tại khu vực này.

Tờ SCMP hôm 30/11 cho hay Trung Quốc triển khai một khí cầu tại Đá Vành Khăn đang tranh chấp nhằm tăng cường khả năng trinh sát trên Biển Đông.

Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm bằng khinh khí cầu vào năm 2017. Những quả bóng bay khổng lồ được gắn các radar để giúp phát hiện các máy bay bay thấp, theo báo cáo của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense.

Khinh khí cầu này có thể duy trì trên không trong một thời gian dài, cung cấp một giải pháp tương đối rẻ, hiệu quả, và đáp ứng mọi loại thời tiết, để giám sát một khu vực rộng lớn khi các máy bay gián điệp không thể được triển khai. Khi được kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát cảnh báo sớm, chúng có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện, theo SCMP.

Khinh khí cầu hiện đang được triển khai ở một số điểm nóng của Trung Quốc như khu vực biên giới với Bắc Hàn và eo biển Đài Loan, SCMP cho hay.

Còn theo Kanwa Asian Defense, các khinh khí cầu công suất cao có thể giám sát cả hai mục tiêu di chuyển trên không và dưới mặt đất trong vòng bán kính 300km.

Quân đội Trung Quốc đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động ở Biển Đông, thiết lập mạng lưới radar, triển khai tên lửa và bệ phóng tên lửa, máy bay chiến đấu trên các đảo và rạn san hô trong khu vực, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có các yêu sách về chủ quyền, theo SCMP.

Đá Vành Khăn nằm ở rìa phía đông của bảy hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông

Nhiều hình ảnh từ các nguồn khác trước đây cũng đã cho thấy việc Trung Quốc dường như đang tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông.

The Guardian năm 2018 đăng một bài viết với hình ảnh rõ nét cho thấy đường băng, nhà chứa máy bay, tháp điều khiển, sân bay trực thăng, trạm radar và một loạt các tòa nhà nhiều tầng mà Trung Quốc đã xây dựng trên các rạn san hô ở Đá Chữ Thập, Đá Subi, Đá Vành Khăn, Bãi Gaven, Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, và Đá Châu Viên.

Philippine Daily Inquirer cho biết các bức ảnh đó - được chuyển đến các phóng viên của mình bởi một nguồn giấu tên - chủ yếu được chụp từ tháng 6 đến tháng 12/2017 và cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Philippines và Việt Nam.

Riêng tại Đá Vành Khăn, chỉ cách đây 10 ngày, Mỹ đã cho tàu chiến đi sát khu vực này, chỉ cách khoảng 22km để thực hiện "tự do hàng hải", khiến Trung Quốc tức giận.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và các đảo mà một số quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền.

Năm 2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông trong một vụ kiện do Philippines tiến hành.

Tòa Trọng tài Thường trực cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát độc quyền đối với vùng biển hoặc tài nguyên trong "đường chín đoạn" của mình.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết này và nói rằng họ sẽ không bị nó ràng buộc.






No comments: