Wednesday, November 13, 2019

SƯ CHÍNH TRỊ (Mark Moyar)




Mark Moyar
Trần Hải dịch
Posted on November 11, 2019 by editor 

DCVOnline | Mark Moyar là tác giả của Triumph Forsaken – The Vietnam War 1954-1965 (Cambridge University Press 2006). Bài viết sau đây do Trần Hải Dịch từ “Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War” của Mark Moyar, đăng trên Modern Asian Studies 38, 4 (2004) pp. 749–784.

Bài của của tác giả Trần Hải trên DCVOnline đã bị Trần Chung Ngọc phê bình rất gay gắt và cũng là bài được tờ Nhân Dân chọn ghi ở mục tham khảo cho một bài đăng trên tờ báo đó vào tháng 8, 2007. Được biết bài dịch của tác giả Trần Hải đã đăng ở Talawas, © 2007,  trước khi tác giả gởi đến DCVOnline; như thế nhận định của Trần Chung Ngọc cũng như chọn lựa bài đăng trên DCVOnline, một tờ báo bị chính quyền trong nước chận tường lừa, làm tham khảo trên tờ Nhân Dân không thể là một sự tình cờ. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài “Sư chính trị: Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam” của Trần Hải.

--------------------------------

Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam

Tóm lược: Từ tháng Mười Một năm 1963 đến tháng Bảy năm 1965, phong trào Phật tử xuống đường tranh đấu là nguyên nhân chính yếu gây bất ổn chính trị tại Nam Việt Nam. Trong khi các Phật tử xuống đường phát biểu rằng họ đại diện cho đông đảo quần chúng Phật tử và chỉ tranh đấu cho tự do tôn giáo, thực chất họ chỉ gồm một thiểu số nhỏ, không mang tính đại diện, đang tìm cách gây ảnh hưởng về chính trị. Khai thác triệt để những âm mưu đen tối và bạo loạn quần chúng để khuynh đảo chính quyền, những Phật tử cực đoan đã tiến hành một hình thức sinh hoạt chính trị trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam. Có bằng chứng cho thấy một số Phật tử trong phong trào này làm việc cho cộng sản Việt Nam.

***
Giai đoạn từ cuối năm 1963 đến tháng Bảy năm 1965 đã được chú ý nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phần lớn là vì trong giai đoạn này Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã quyết định tham chiến trên bộ. Hầu như mọi sử gia của giai đoạn này đều xem sự yếu kém của chính quyền Nam Việt Nam là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ít có sử gia nào phân tích các lý do của sự yếu kém này. Những người có đề cập đến vấn đề này thường cho nguyên nhân sự yếu kém của chính quyền nói chung chỉ là do năng lực kém cỏi và thiếu tinh thần của tầng lớp lãnh đạo.[1] Một số nhân vật cầm quyền thì đúng là những người lãnh đạo tồi, nhưng cũng có những người có tư chất lãnh đạo tốt. Sự thất bại của những cá nhân có năng lực có nhiều phần do tác động của một ngoại lực: những Phật tử tranh đấu.[2]


*****

Mark Moyar
Trần Hải dịch
Posted on November 12, 2019 by editor

DCVOnline | Mark Moyar là tác giả của Triumph Forsaken – The Vietnam War 1954-1965 (Cambridge University Press 2006). Bài viết sau đây do Trần Hải Dịch từ “Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War” của Mark Moyar, đăng trên Modern Asian Studies 38, 4 (2004) pp. 749–784.

-----------------------

Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam

(Tiếp theo phần I)

Những hành động này và các nhân nhượng khác đối với Phật giáo của Tướng Khánh làm gia tăng sự chống đối chính quyền từ phía các tướng lãnh, thường dân Công giáo, cựu đảng viên Cần lao, Đại Việt.[51] Các nhóm này nuối tiếc chế độ Diệm vì đã cầm quyền hiệu quả so với các chính quyền nối tiếp. Ngày 13 tháng Chín, sự thất vọng đó đã bùng nổ thành một cuộc nổi loạn công khai. Vụ lật Khánh này do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Tướng Lâm Văn Phát, và tư lệnh Quân đoàn IV, Tướng Dương Văn Đức. Hai tướng này đã chán ngán sự cai trị yếu kém của Khánh và nhất là sự phục tùng các yêu sách từ phía Phật giáo. Hai tướng này ở trong đám tướng lãnh Khánh vừa quyết định cách chức dưới áp lực của Phật giáo.[52] Lực lượng nổi dậy chiếm trung tâm thành phố mà không cần nổ một phát súng nhưng họ đã không tìm ra Khánh vì ông đã trốn lên Đà Lạt ngay khi nội loạn bắt đầu.

Trên đài phát thanh quốc gia, Tướng Phát tuyên bố rằng ông ta đã lật đổ chính quyền và sẽ bắt giữ Khánh.[53] Thành phần lãnh đạo mới sẽ phục hồi tinh thần của Diệm và uy tín của Diệm sẽ là nền tảng cho sức mạnh của chính quyền mới.[54] Tướng Phát đã thảo luận riêng các kế hoạch chính trị với Phó Đại sứ Mỹ U. Alexis Johnson và Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, người Mỹ kết luận rằng các lãnh tụ đảo chính đã không chuẩn bị sẵn sằng để thành lập một chính quyền mới. Họ bảo Phát và các cộng sự hãy chấm dứt cuộc nổi loạn và cảnh cáo rằng Mỹ vẫn còn ủng hộ chính quyền đương thời. Thái độ phản đối của người Mỹ đối với cuộc đảo chính này đã khiến các tướng lãnh khác không tham gia, dẫn đến việc sau đó Phát và Đức đầu hàng.[55]

Điên đầu vì tình trạng chống đối nhau liên tục trong giới chóp bu Nam Việt Nam, người Mỹ cảnh cáo Khánh, Minh và những nhân vật có máu mặt khác rằng, nếu cứ tiếp tục đấm đá nhau có thể khiến Mỹ chấm dứt việc hỗ trợ Nam Việt Nam và như thế chắc chắn đất nước sẽ sụp đổ. [56] Dẫu vậy, những lời cảnh cáo này vẫn không mấy tác dụng! Sau vụ nổi loạn, Khánh cách chức ba tư lệnh vùng và sáu (trong tổng số chín) sư đoàn trưởng vì đã không hậu thuẫn Khánh trong cuộc đảo chánh.[57]


******

Mark Moyar
Trần Hải dịch
Posted on November 13, 2019  by editor

DCVOnline | Mark Moyar là tác giả của Triumph Forsaken – The Vietnam War 1954-1965 (Cambridge University Press 2006). Bài viết sau đây do Trần Hải Dịch từ “Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War” của Mark Moyar, đăng trên Modern Asian Studies 38, 4 (2004) pp. 749–784.
Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam

(Tiếp theo phần II)

Thượng tọa Thích Huyền Quang tại Lễ khai mạc Đại hội Phật Giáo Thống Nhất. Ngồi hàng đầu là ĐT Dương Văn Minh và ĐS Mỹ Henry Cabot Lodge, 1964. Nguồn: thuvienhoasen.org

Các viên chức toà đại sứ Mỹ tiếp tục tin rằng hầu hết các lãnh đạo Phật giáo cao nhất vẫn chống cộng, nhưng ngày càng nhiều người trong số họ nghĩ rằng ít nhất thì Trí Quang cũng đang cộng tác với cộng sản. Các chuyên gia ở toà đại sứ đồng ý rằng các lãnh đạo Phật giáo thấp hơn, nhất là những người thân thiết với Trí Quang, là đồng hội đồng thuyền với Việt cộng. Nổi bật nhất trong đám này là Thích Huyền Quang, Tổng Thư ký Viện Hoá đạo và là bạn thân của Trí Quang. Nhiều người cả trong lẫn ngoài phong trào Phật giáo tranh đấu đã tố cáo ông này là có cảm tình với cộng sản. Phụ tá của Huyền Quang là Trần Đính cũng đã bị nhận diện như thế.[92]

Thật vậy, vào lúc đó cộng sản đang gia tăng các nỗ lực xâm nhập các tổ chức chống đối. Một lãnh đạo Việt cộng sau này đã tiết lộ rằng cộng sản đã đưa ra những kế hoạch mới, dùng những tổ chức được coi là phi cộng sản để tuyên truyền chống Mỹ và chính quyền. Theo Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng lưới cộng sản bí mật trong các đô thị đã lên cao chưa từng có. Trong một nghị quyết vào tháng Ba năm 1965, uỷ ban tuyên bố, “Phong trào đô thị đã tăng trưởng mạnh ở tất cả các đô thị lớn và hấu hết các thành phố nhỏ.”[93]

Ngày 18 tháng Một, khác với lập trường cứng rắn mọi khi, Hương tìm cách xoa dịu phía Phật giáo bằng cách sa thải hai bộ trưởng bị nhóm Phật giáo tranh đấu chỉ trích trước đó.[94] Nhưng cử chỉ nhân nhượng này cũng không mang lại cho Hương điều gì tốt đẹp hơn so với Diệm hoặc Khánh. Tại một buổi họp báo hai ngày sau đó, Trí Quang và một số thuộc hạ tuyên bố họ sẽ bắt đầu một cuộc tuyệt thực cho đến khi Hương từ chức.[95] Thiện Minh, đồng chí thân cận nhất của Trí Quang trong phong trào, phụ hoạ thêm rằng nếu Hương không bị loại bỏ, Phật giáo sẽ bắt đầu “kêu gọi hoà bình.”[96] Đối với dân chúng Nam Việt Nam, hành động kêu gọi hoà bình công khai được hiểu là tấn công chính quyền Sài Gòn vì đó là cách cộng sản thường tuyên truyền để làm suy yếu quyết tâm tiếp tục cuộc chiến của chính phủ Nam Việt Nam. Vì Hà Nội mạnh hơn về quân sự, một sự dàn xếp hoà bình hiển nhiên sẽ có lợi cho Hà Nội và có thể sẽ liên quan đến việc người Mỹ rút quân. Trí Quang hứa rằng lãnh đạo Phật giáo sẽ không tổ chức biểu tình cho đến sau Tết, và Tâm Châu cũng hứa là không có biểu tình trong thời gian tuyệt thực.[97]






No comments: